24/8/11

8. CHUYỆN CẦN PHẢI NÓI ...

Huỳnh Văn Cát ( gv trường THCS Mỹ Hòa, Đại Lộc, QN - đã về hưu)


 LTS : Bài này đã được tác giả gởi đến các báo QN, GDTĐ ... nhưng vì lí do tế nhị nào đó nên bài không được đăng. Để rộng đường dư luận đồng thời góp thêm tiếng nói phản biện chuyên môn tại địa phương, Mộc Nhân post bài này lên trang dể bạn đọc tham khảo và cho ý kiến tranh biện.
***
Chuyện thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Quảng Nam từ trước đến nay bao giờ cũng kết thúc mỹ mãn dù đề thi và đáp án môn Ngữ văn năm nào cũng có chỗ sai.
Đã nén chịu từ nhiều năm nay nhưng thiết tưởng đã đến lúc cần phải nói, nói để đóng góp ý kiến xây dựng chứ không phải để đả kích, phê phán người ra đề, ra đáp án hay để chỉ trích ai cả.


1. Trước hết, thử dựa trên tinh thần khoa học, khách quan mà nhận xét về đề tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ Văn năm học 2011 – 2012 :

a.      Về ưu điểm : đề được in ấn rõ ràng, không sai lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp; có phần nâng đỡ học sinh yếu thành học sinh trung bình nhằm đảm bảo chất lượng đại trà; kiểm tra đánh giá được các kiến thức ở 3 phân môn tiếng Việt, văn học và tập làm văn.
b.     Về tồn tại :
-         Kiến thức kiểm tra còn phiến diện. Phần văn học chỉ có câu hỏi cho văn học hiện đại, không đề cập đến văn học Trung đại – đây là một mảng văn học vô cùng quan trọng của chương trình văn học lớp 9.
-         Các câu hỏi trong đề thi chỉ là sự cóp nhặt (hoặc chép nguyên văn hoặc có độ lại đôi chút) chứ không thấy câu chữ của người ra đề. Qua đó chưa thể hiện phần nào bản lĩnh của người ra : sợ sai, sợ khó, ngại đổi mới sáng tạo; vì vậy đề bài ít khơi gợi xúc cảm thẩm mỹ văn chương.

Xin nêu ra vài dẫn chứng cụ thể :

Câu 1 : Cho biết mỗi thành ngữ, tục ngữ sau liên quan đến phương châm hội thoại nào ?
a.     Nói có sách, mách có chứng
b.     Lời chào cao hơn mâm cỗ
Câu hỏi này có sẵn trong sgk NV9 tập 1 trang 11 và trang 23.
Câu 2 : Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu của đề :
Trong bữa cơm đó, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó. Nó liền lấy đũa xoi vào chén, để đó rồi bất thần hất cái trứng ra, cơm văng tung toé cả mâm. Giận quá và không kịp suy nghĩ, anh vung tay đánh vào mông nó và hét lên :
-         Sao mày cứng đầu quá vậy, hả ?
                                                    (Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

a.     Chỉ ra từ láy trong đoạn trích.
b.     Theo mục đích giao tiếp, câu nói của anh Sáu (cuối đoạn trích) có hình thức của kiểu câu nào ?
c.      Anh Sáu dùng câu nói trên để hỏi hay để bộc lộ cảm xúc ?
d.     Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Yêu cầu (b) và (c) của câu này lấy từ bài tập 3 sgk NV9 tập 2 trang 151 .
Nếu đọc lướt qua thì không có gì cần bàn nhưng đọc thật kỉ thì cũng có đôi điều cần phải nói. Xin trích nguyên văn câu hỏi ở sách đã nêu và nguyên văn câu hỏi của đề thi (phần a) để thấy sự lủng củng của câu chữ thể hiện sự mù mờ kiến thức của tác giả ra đề :
SGK viết : “Câu nói của anh Sáu trong đoạn trích sau đây có hình thức của kiểu câu nào (trần thuật, nghi vấn, cầu khiến hay cảm thán) ? ”
Đề thi ra : “Theo mục đích giao tiếp, câu nói của anh Sáu (cuối đoạn trích) có hình thức của kiểu câu nào ? ”
Nếu đáp án đúng cho câu hỏi là “câu nghi vấn” thì không cần phải thêm cụm từ “mục đích giao tiếp” mà có thể thêm cụm từ “mục đích phát ngôn của câu” vì mục đích phát ngôn của câu là mục đích khách quan của kiểu câu đó theo chức năng chính của nó mà ngôn ngữ học qui ước. Chẳng hạn như câu nghi vấn có chức năng chính là để hỏi và có hình thức là dùng dấu hỏi để kết thúc câu.
Còn mục đích giao tiếp là mục đích cụ thể của người nói trong hoàn cảnh cụ thể nào đó. Chẳng hạn như ở đây, anh Sáu dùng kiểu câu nghi vấn (câu phân loại theo mục đích nói) để bộc lộ cảm xúc (mục đích giao tiếp trong ngữ cảnh cụ thể). Như vậy mục đích phát ngôn của câu khác với mục đích giao tiếp của người nói.

2. Tiếp theo xin nói lại chuyện cũ : những sai sót trong đề thi tuyển sinh 10 môn ngữ văn năm học trước 2010 – 2011 :

 Câu 2 của đề này như sau :

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau :
Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo : “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm ! ”
a.     Cho biết phương thức biểu đạt chính của đoạn trích ?
b.     Chỉ ra câu văn có chứa thành phần khởi ngữ ?
c.      Cách dẫn lời nói trong câu cuối của đoạn trích là dẫn trực tiếp hay dẫn gián tiếp ?
d.     Câu thứ nhất và câu thứ hai được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào ?
Thành thật mà nói câu này hay, có tính tích hợp cao, kiểm tra được nhiều kiến thức nhưng đáng tiếc là đáp án của phần (a) sai nghiêm trọng.
Không hiểu ban ra đề dựa vào cơ sở nào để cho đáp án (a) là phương thức tự sự !
Tự sự là kể lại một chuỗi sự việc … Trong đoạn trích trên nhân vật “tôi” không kể lại sự việc nào cả mà chỉ tự miêu tả  “ngoại hình” của mình. Phần trích trên gồm 4 câu trong đó
-         câu 1 : “tôi” giới thiệu về mình;
-         câu 2 : “tôi” tự nhận xét về mình;
-         câu 3 : “tôi” miêu tả cụ thể về vẻ đẹp của mình
-         câu 4 : miêu tả đôi mắt có “cái nhìn sao mà xa xăm” qua lời tả của các anh lái xe.
Cả 4 câu trên cùng hướng tới nội dung miêu tả nhân vật Phương Định, nhân vật chính của truyện. Qua 4 câu văn đó, người đọc có thể hình dung ra Phương Định có hai bím tóc dày và mềm, có cái cổ cao kiêu hãnh, có đôi mắt đen, có cái nhìn xa xăm.
Như vậy đáp án đúng phải là : phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là miêu tả.
Đáng tiếc thay sự dễ dãi, thiếu tính phản biện tại hội đồng chấm thi đã  bỏ qua những sai sót đó, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng : học sinh làm bài đúng thì không có điểm và ngược lại ; giáo viên dạy đúng thì bị cho là sai và ngược lại.

Là người tâm huyết với ngành, tôi luôn theo dõi kỉ đề thi TS 10 hàng năm và nhận thấy rằng không năm nào là không có sai phạm !
Nếu cần tranh biện, tôi sẽ tiếp tục chứng minh bằng cách dẫn chứng cụ thể lấy từ các đề thi ở những năm trước nữa.
Tóm lại, có thể thấy rằng chất lượng đề thi TS 10 ở Quảng Nam càng ngày càng sa sút : có năm thì sai kiến thức cơ bản; có năm thì lủng củng trong việc ra các lệnh đề; lại thiếu tính sáng tạo … rõ ràng là tụt hậu so với các địa phương khác.
Với tấm lòng yêu nghề, tôi rất mong nhận được sự lắng nghe của các vị có trách nhiệm, mong nhận được sự trao đổi, tranh biện của tác giả đề thi, của quí đồng nghiệp để góp phần chỉnh sửa các hạn chế nói trên .

Tác giả bài viết : Huỳnh n Cát
GV trường THCS Mỹ Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam (đã về hưu)
Số đt : 0984 928 435


Không có nhận xét nào: