13/11/11

55. LỜI CẢNH BÁO ECO

BÀI PHÁT BIỂU CỦA CÔ BÉ 12 TUỔI 
KHIẾN CẢ THẾ GIỚI PHẢI IM LẶNG TRONG 6 PHÚT

LTS: Đây là bài phát biểu về môi trường của cô bé 12 tuổi tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro, Brazil từ năm 1992 đang làm nóng các trang mạng cá nhân tháng 10 qua.
Đặc biệt sau khi thông tin loài tê giác một sừng của VN bị tuyệt chủng hoàn toàn, không ít lời bình bày tỏ sự đồng cảm và liên hệ với bài phát biểu về những điều cô bé đã dự cảm được.

Tự thành lập một tổ chức trẻ em vì môi trường (ECO) khi mới 10 tuổi, hai năm sau đó lại cùng bạn bè quyên tiền trang trải mọi chi phí tham dự hội nghị thượng đỉnh Trái đất đầu tiên, Severn Suzuki đã trở thành “cô gái khiến cả thế giới im lặng trong 6 phút”. Nước mắt và những gương mặt sững sờ của các nhà lãnh đạo trên thế giới còn hiện rõ trong băng ghi hình vì bài phát biểu mà trong đó một cô bé đã dùng ngôn ngữ để trừng phạt và cảnh thức người lớn, vì “đã không bảo vệ cô và bạn bè từ thảm họa môi trường đang ngày một hiện rõ”.
Khó có thể cưỡng lại sức thuyết phục của cô gái nhỏ, những điều cô cảnh báo gần 10 năm trước đây, đang hiện ra ngày một cách rõ ràng hơn.
Severn Suzuki và những người bạn ECO của cô đã đến Rio bằng cách tổ chức bán hàng nướng, bán bông tai, vòng cổ làm bằng tay… Kết thúc sáu phút trình bày của cô bé, ông Al Gore, sau này trở thành phó tổng thống Mỹ, đã chạy tới chúc mừng Severn Suzuki về một bài phát biểu mà ông thấy “hay nhất, muốn nghe nhất tại hội nghị”.
Ông Al Gore sau này đã đánh dấu cuộc đời làm chính trị của mình bằng nhiều đóng góp cho môi trường và đoạt giải Nobel hòa bình năm 2007. Cô bé 12 tuổi ngày nào cũng tiếp tục hiện thực hóa mọi lời nói trong bài phát biểu thành hành động. Hôm nay, ở tuổi 32, cử nhân khoa học của Trường đại học Yale, cô đã có hơn 20 năm đi khắp thế giới, nổi tiếng là một diễn giả về các vấn đề môi trường. Cô gái vẫn tiếp tục thức dậy mỗi sáng và ngửi thấy sự tàn phá sinh thái trong không khí. Rất nhiều điều cô đề cập và dự cảm được trong bài phát biểu ngắn của mình vẫn còn hiện hữu và đang trở thành hiện thực của hôm nay…
Chúng tôi đăng lại nguyên văn bài phát biểu này bởi ngoài tính thời sự xã hội, bài này có nhiều yếu tố văn chương đáng cho chúng ta học tập.
                                                               ***

“Xin chào! Tôi là Severn Suzuki, đại diện cho ECO – tổ chức Trẻ em vì môi trường. Chúng tôi là nhóm trẻ em từ 12 đến 13 tuổi, đang cố gắng tạo nên vài thay đổi, và chúng tôi đã tự quyên tiền đi hơn 8000 km đến đây để nói với người lớn các vị rằng, các vị phải thay đổi.
Chúng tôi đến đây không có mục đích nào khác ngoài việc đấu tranh cho tương lai của chính mình. Đánh mất tương lai không giống như mất chiếc ghế trong bầu cử, hay trượt một vài điểm trên sàn chứng khoán. Tôi đến đây lên tiếng cho các thế hệ mai sau, lên tiếng cho những trẻ em đang chết đói trên khắp thế giới mà tiếng khóc cầu cứu không ai nghe thấy, lên tiếng cho muôn vàn động vật đang chết dần trên trái đất này vì chẳng còn nơi sinh sống. Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng Ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hóa chất nào.
Tôi vẫn thường đi câu cá cùng ba ở Vancouver, quê hương tôi, cho đến vài năm trước, khi tôi biết lũ cá đang đầy bệnh tật. Ngày ngày, chúng ta đều nghe những tin về việc các loài động thực vật đang dần tuyệt chủng, rồi biến mất mãi mãi. Tôi đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ tôi lại tự hỏi, liệu con cái chúng tôi còn có cơ hội được thấy chúng nữa không? Hồi bằng tuổi tôi, các vị có phải lo lắng về những điều này không? Mọi chuyện đang diễn ra rành rành trước mắt, nhưng các vị lại hành động như thể chúng ta vẫn còn thừa thời gian và các biện pháp hữu hiệu.
Tôi chỉ là một đứa trẻ và không nghĩ ra được các giải pháp, nhưng tôi mong các vị hãy nhận ra rằng, chính các vị cũng thế. Các vị không biết cách vá lại các lỗ hổng trên tầng Ozon, không biết cách mang cá hồi về những dòng suối đã cạn khô, không biết cách làm sống lại các loài vật đã tuyệt chủng. Các vị cũng không thể biến những cánh rừng đã thành sa mạc giờ xanh tươi trở lại. Một khi đã không biết cách phục hồi, xin các vị đừng tàn phá nữa.
Các vị ở đây có thể là đại biểu chính phủ, doanh nhân, nhà tổ chức, nhà báo hay chính trị gia. Nhưng thực ra các vị là bố mẹ, là anh chị, cô chú… và tất cả các vị đều là những người con. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều là một phần của đại gia đình của 5 tỷ người. Thực tế là của hơn 30 triệu giống loài. Biên giới hay chính phủ cũng không thể thay đổi được. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, chúng ta đều có phần trách nhiệm, và nên cùng hợp tác hành động hướng về mục tiêu chung. Giận dữ không làm tôi mù quáng. Dù sợ hãi, tôi cũng không ngại nói với cả thế giới những gì mình nghĩ. Ở đất nước tôi, chúng tôi thải ra quá nhiều rác. Chúng tôi mua rồi lại vứt đi. Cứ mua rồi lại vứt đi. Các nước giàu có khác cũng không bao giờ chia sẻ cho người nghèo ngay cả khi thừa thãi chúng ta vẫn không muốn chia sẻ, chúng ta sợ phải cho đi một chút của cải. Chúng tôi sống cuộc sống sung túc ở Canada, chẳng thiếu nước, thức ăn hay nhà ở. Chúng tôi có đồng hồ, xe đạp, máy tính, tivi… Ít nhất là cho đến hai ngày trước đây. Hai ngày trước, ngay tại Brazin này chúng tôi đã sốc khi sống cùng với những đứa trẻ đường phố. Một bạn đã nói với tôi thế này, “Tớ ước mình thật giàu có. Nếu được vậy, tớ sẽ cho tất cả những đứa trẻ đường phố thức ăn, quần áo, thuốc thang, nhà ở và cả tình yêu thương nữa”. Trong khi một đứa trẻ đường phố chẳng có gì trong tay lại sẵn sàng chia sẻ với người khác, tại sao chúng ta, những người có tất cả lại tham lam đến thế? Tôi không thể không nghĩ rằng “những đứa trẻ này chỉ bằng tuổi tôi thôi”. Chỉ sinh ra ở những nơi khác nhau thôi mà cuộc sống của trẻ em lại khác biệt nhiều đến thế?
Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Favellas, Rio. Tôi đã có thể là một trong những đứa trẻ sống ở Somalia, một nạn nhân của chiến tranh Trung Đông hay một người ăn xin ở Ấn Độ. Tôi chỉ là trẻ con nhưng tôi đã hiểu rằng, nếu số tiền dùng để cung phụng chiến tranh kia được dùng cho việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường, chấm dứt đói nghèo, đi tới các hiệp ước thì trái đất này sẽ tuyệt vời tới nhường nào.
Ở trường học, ngay từ lớp mẫu giáo, người lớn vẫn dạy chúng tôi cách ứng xử đúng mực. Các vị dạy chúng tôi không được đánh nhau. Phải cố gắng tìm ra các giải pháp. Tôn trọng mọi người. Sửa chữa lỗi lầm mình đã gây ra. Không làm hại các sinh vật khác. Phải biết chia sẻ chứ đừng tham lam… Vậy tại sao các vị lại làm những việc chính các vị dạy chúng tôi không nên làm?
Xin đừng quên lý do các vị dự hội nghị này. Các vị làm việc này vì ai? Lớp trẻ chúng tôi là con cháu của các vị. Chính các vị là người quyết định con cháu mình sẽ lớn lên trong một thế giới như thế nào. Lẽ ra bố mẹ sẽ an ủi con cái rằng, “mọi chuyện sẽ ổn thôi”, “đây không phải là ngày tận thế đâu”, và “bố mẹ sẽ làm những gì tốt nhất có thể”. Nhưng tôi không nghĩ giờ đây các vị  còn có thể nói vậy. Chúng tôi có còn nằm trong danh sách được ưu tiên của các vị nữa không?
Bố tôi thường nói, “Hành động sẽ tạo nên con người con, chứ không phải lời nói”. Vâng, nhưng những gì các vị làm khiến tôi khóc hàng đêm. Các vị luôn nói rằng các vị yêu chúng tôi, nhưng tôi xin thách thức các vị hãy hành động đúng như những gì đã nói.
Xin cám ơn!”

Severn Suzuki

Không có nhận xét nào: