17/11/11

58.TRUYỆN THIỀN HAY

MƯỜI TRUYỆN THIỀN NHẬT BẢN HAY

1. ĐƯỜNG BÙN LẦY
Hai thiền sinh cùng nhau xuống một con đường lầy lội. Một cơn mưa nặng hạt vẫn còn đang rơi.  
Tới một khúc quanh, họ gặp một cô gái dễ thương trong bộ áo kimono và đai lưng bằng lụa, không thể băng qua ngã tư đường được.
"Đi nào cô bé," Một người  nhấc bổng cô gái, ông đưa cô qua vũng bùn.
Người kia  không nói năng lại nữa cho mãi đến tối hôm đó khi họ tới một ngôi chùa tạm trú. Rồi tự mình không thể nhịn được thêm nữa. "Những nhà sư chúng ta không đến gần phụ nữ," ông nói với bạn "nhất là không được gần những người trẻ và đẹp. Nguy hiểm đấy. Tại sao sư huynh lại làm như vậy chứ?"
"Tôi đã bỏ cô gái lại chỗ đó rồi, còn Sư huynh vẫn còn mang cô ấy theo hay sao?"

LỜI BÌNH: Đành rằng sự thanh tịnh tâm hồn là điều kiện bắt buộc đối với người đã xuất gia tu hành, nhưng không phải là cứu cánh của sự tu hành... Tu hành đâu phải cốt để bảo vệ giới luật cho thật trong sáng, còn ai khổ mặc ai. Giới luật mà chỉ bảo vệ cho sự thanh tịnh thôi thì giới luật đó không có giá trị thích ứng cho người đã đủ bản lĩnh bất động trước những xáo động của hoàn cảnh. Ta không thể nhìn vào hiện tượng bên ngoài mà không suy xét động cơ và kết quả. Vấn đề là sau hành động ấy thì họ đánh mất chính mình hay nâng cao phẩm chất hơn. Câu nói "Ta đã để cô gái ấy lại bên bờ suối rồi, sao sư đệ còn mang tới đây" đã khẳng định phần nào trình độ bất nhiễm của vị sư ấy.


2. KHÔNG XA CÕI PHẬT
Một sinh viên đại học khi viếng thăm Gasan đã hỏi ông: "Có bao giờ ngài đọc Thánh Kinh Thiên Chúa không?
"Không, hãy đọc kinh đó cho ta nghe," Gasan nói.
Chàng sinh viên mở cuốn Thánh Kinh và đọc trong phần Thánh Matthew: "Và các ngươi lo nghĩ làm chi về phần đồ mặc? Hãy ngẫm xem hoa huệ ngoài cánh đồng, chúng mọc lớn lên như thế nào. Chúng chẳng hề lao khổ, chúng cũng chẳng kéo chỉ, và tuy nhiên ta nói cùng các ngươi rằng dù cho Solomon vinh quang biết mấy, cũng không ăn mặc được bằng một trong những hoa ấy... Vì vậy cho nên, chớ lo nghĩ gì cho ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo nghĩ cho mọi sự của ngày mai."
Gasan nói: "Bất cứ người nào đã thốt ra những lời đó ta coi như là một người đã giác ngộ rồi."
Chàng sinh viên tiếp tục đọc: "Hãy xin và cái đó sẽ cho ngươi, hãy tìm và ngươi sẽ thấy; hãy gõ và cái đó sẽ mở cho ngươi. Vì mọi người ai xin thì được, và ai tìm thì thấy, và ai gõ thì được mở cho."
Gasan phê bình: "Thật là tuyệt vời. Vị nào đã nói điều đó thời không xa cõi Phật."


LỜI BÌNH : Lời dạy của Chúa hay của Phật cũng đều là chân lí, là lời khai thị cho chúng sanh. Người giác ngộ không nên có tâm phân biệt


3. MỘT NGỤ NGÔN
Đức Phật kể một ngụ ngôn trong một kinh:
Một người đi ngang qua một cánh đồng và gặp một con hổ. Anh chàng chạy trốn, con hổ đuổi theo anh. Tới một bờ vực sâu, anh nắm được vào rễ một cây nho dại và đu mình xuống qua bờ vực. Con hổ đánh hơi anh ở phía bên trên. Run sợ anh chàng nhìn xuống, phía xa bên dưới, lại thấy một con hổ khác đang chờ ăn thịt anh. Chỉ có cây nho giúp đỡ anh.
Hai con chuột, một con trắng và một con đen, đang bắt đầu gậm nhấm bứt cây nho dần dần từng chút một. Anh chàng nhìn thấy một quả dâu ngon gần bên anh. Một tay nắm cây nho, tay kia anh hái quả dâu. Dâu nếm sao ngon ngọt đến thế.


LỜI BÌNH : Không có gì thanh thản hơn kẻ ngộ ra sự chết khi cận kề hiểm nguy.


4. ĐỆ NHẤT ĐẾ
Khi ai đến thiền viện Obaku ở Kyoto đều nhìn thấy có khắc trên cổng những chữ "Đệ Nhất Đế". Những chữ to một cách bất thường, và với những người biết thưởng thức lối viết thư họa ai cũng luôn khâm phục những chữ này là một tuyệt tác. Những chữ này do Kosen vẽ hai trăm năm về trước.
Khi ông thầy vẽ những chữ này ông vẽ trên giấy, rồi người thợ mới dựa theo đó mà khắc lớn ra vào gỗ. Khi Kosen phác họa chữ thì một chú học trò dạn dĩ ở gần bên ông, chú mài cả mấy hũ mực cho việc phác họa và cũng không ngừng bình phẩm công trình của ông thầy chú.
"Cái đó không đẹp," chú thưa với Kosen sau lần vẽ thử thứ nhất.
"Cái kia thì thế nào?"
"Xấu. Dở hơn trước, " chú học trò lên tiếng.
Kosen nhẫn nại viết hết bản này qua bản khác cho đến khi tám mươi tư bản "Đệ Nhất Đế" đã chất đống mà chẳng được học trò chấp nhận.
Thế rồi, đến khi anh chàng trẻ tuổi bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là cái cơ hội của ta để thoát ra khỏi con mắt sắc sảo của nó," và ông liền viết một cách vội vã, với một tâm trạng không còn bối rối: "Đệ Nhất Đế."
"Một tuyệt tác." chú học trò reo lên.


LỜI BÌNH : Khi không còn sự ràng buộc, sự chấp trước thì con người có thể đạt đến chân giá trị của sáng tạo. 


5. ÂM THANH CỦA MỘT BÀN TAY
Thiền sư của chùa Kennin là Mokurai, Tiếng Sấm Yên Lặng. Ông có một đệ tử bảo trợ nhỏ tên là Toyo chỉ mới mười hai tuổi. Toyo thấy các môn đồ lớn tuổi hơn đến thăm phòng thầy vào mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối để được chỉ dạy về thiền định an tâm theo đó họ được trao cho những công án để ngăn chặn cho tâm khỏi chao động.
Toyo cũng mong ước được ngồi tham thiền.
"Hãy chờ đợi thêm ít lâu," Mokurai bảo. "Con hãy còn nhỏ lắm."
Nhưng cậu bé nài nỉ, nên cuối cùng ông thầy ưng thuận.
Vào buổi tối cậu bé Toyo đến bên ngoài ngưỡng cửa phòng thiền của Mokurai vào một thời điểm thích hợp. Cậu đánh chiêng báo hiệu mình hiện diện, cúi chào cung kính ba lần phía ngoài cửa, rồi đến ngồi trước mặt thầy yên lặng kính cẩn.
"Con có thể nghe thấy âm thanh của hai bàn tay khi chúng vỗ vào nhau," Mokurai nói. "Bây giờ hãy cho ta biết về âm thanh của một bàn tay."
Toyo cúi chào và lui về phòng mình mà nghiên cứu vấn đề này. Từ cửa sổ phòng mình cậu có thể nghe thấy âm nhạc của các cô đào hát. "A! Ta thấy được rồi!" cậu reo lên.
Đêm hôm sau, khi thầy của cậu bảo cậu diễn tả âm thanh của một bàn tay, Toyo bắt đầu chơi âm nhạc của các cô đào hát.
"Không, không," Mokurai nói. "Chẳng bao giờ như vậy đâu. Cái đó không phải là âm thanh của một bàn tay. Con chưa thâu thái được gì hết."
Cho rằng âm nhạc như thế có thể làm gián đoạn, Toyo di chuyển chỗ ở của cậu đến một nơi yên tĩnh. Cậu ta lại tham thiền. "Âm thanh của một bàn tay có thể là gì?" Cậu chợt nghe tiếng nước nhỏ giọt. "Ta thấy rồi," Toyo tưởng tượng.
Lần sau khi cậu đến trước mặt thầy của cậu, Toyo bắt chước tiếng nước nhỏ giọt.
"Đó là cái gì vậy?" Mokurai hỏi. "Đó là tiếng nước nhỏ giọt, nhưng không phải là âm thanh của một bàn tay. Cố nữa đi."
Toyo trầm tư để nghe âm thanh của một bàn tay nhưng chẳng ăn thua gì. Cậu nghe thấy tiếng thở dài của gió. Nhưng âm thanh bị bác bỏ.
Cậu nghe thấy tiếng kêu của một con cú. Tiếng đó cũng bị từ chối.
Âm thanh của một bàn tay không phải là những con châu chấu.
Cả đến hơn mười lần Toyo đến viếng thăm Mokurai với các âm thanh khác nhau. Tất cả đều sai. Gần suốt một năm cậu cứ nghĩ ngợi xem âm thanh của một bàn tay là thế nào.
Sau cùng cậu bé Toyo nhập vào thiền định thật sự và vượt qua tất cả các âm thanh. "Ta không còn thâu thập được thêm gì nữa," cậu giải thích về sau này, "bởi vậy ta đã đạt tới âm thanh không âm thanh."
Toyo đã ngộ được âm thanh của một bàn tay.


LỜI BÌNH : Ngộ ra hữu thanh trong vô thanh; ngộ ra vô thanh trong hữu thanh. Sắc tất thị không, không tất thị sắc.


6. TỤNG KINH
Một bác nông dân thỉnh một thầy tu phái Tendai tụng kinh cho vợ bác ta, bà ấy vừa qua đời. Sau khi kinh tụng đã xong, bác nông dân hỏi: "Thầy có nghĩ rằng vợ tôi sẽ được phước vì việc này không?"
"Không những chỉ vợ bác, mà tất cả chúng sinh hữu tình đều được hưởng phước trong việc tụng kinh," thầy tu trả lời.
"Nếu thầy nói mọi chúng sinh hữu tình đều được hưởng phước," bác nông dân nói, "vợ tôi có lẽ rất yếu đuối và những người khác sẽ dành mất phần của bà ấy, tranh phần phước mà bà ấy đáng lẽ được hưởng. Cho nên xin thầy làm ơn tụng kinh cho riêng bà ấy thôi."
Thầy tu giải thích rằng mong ước của một người Phật tử là hồi hướng phước báu và công đức cho tất cả mọi chúng sinh.
"Đó là một lời dạy cao quý," bác nông dân kết luận, "nhưng xin thầy hãy cho một ngoại lệ. Tôi có một tên hàng xóm, hắn thô lỗ và xấu ác với tôi. Chỉ xin thầy loại bỏ tên đó ra khỏi cái thành phần chúng sinh hữu tình kia thôi."


7. DANH THIẾP
Keichu, đại thiền sư thời Minh Trị, là người đứng đầu của Tofuku, một tu viện ở Kyoto. Một ngày thống đốc của Kyoto đến viếng thăm ngài lần đầu tiên.
Người hầu cận của ngài trình vào tấm thiếp của vị thống đốc, đọc thấy là: Kitagaki, Thống đốc Kyoto.
"Ta không có việc gì dính dáng với một kẻ như thế," Keichu nói với người hầu cận của ngài. "Hãy bảo ông ấy ra khỏi nơi đây."
Người hầu cận mang tấm thiếp ra đưa lại với lời cáo lỗi. "Đó là sự lầm lẫn của tôi," vị thống đốc nói, và lấy bút chì ông gạch bỏ đi mấy chữ Thống đốc Kyoto. "Hãy thưa lại với thầy anh."
"Ồ! đấy là Kitagaki ư?" thiền sư reo lên khi ông nhìn thấy tấm thiếp. "Ta muốn gặp ông bạn đó."


8. KẺ TRỘM TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ
Một đêm khi Shichiri Kojun đang tụng kinh thì một tên trộm với một thanh kiếm sắc nhọn bước vào, đòi đưa tiền nếu không ông sẽ mất mạng.
Shichiri bảo hắn: "Đừng quấy rầy ta. Anh có thể tìm thấy tiền trong cái ngăn kéo kia." Rồi ông tiếp tục tụng kinh.
Một lát sau đó ông ngừng lại và kêu lên: "Đừng lấy hết cả đấy nhé. Ta cần một ít để trả tiền thuế ngày mai."
Tên xâm nhập lượm lặt gần hết số tiền và sắp sửa chuồn đi. "Hãy cám ơn người ta khi anh nhận một món quà tặng chứ," Shichiri nói thêm. Tên trộm cảm tạ ông và bỏ đi.
Một vài ngày sau đó tên này bị bắt và thú tội, trong các tội thú nhận này có cái tội liên quan đến Shichiri. Khi Shichiri được mời tới như là một nhân chứng ông nói: "Người này không phải là kẻ trộm, ít nhất là riêng về phần liên quan tới tôi. Tôi đã cho anh ấy tiền và anh ấy đã cảm tạ tôi về chuyện đó."
Sau khi đã mãn thời hạn ở tù, anh chàng tìm đến Shichiri và trở thành đệ tử của ông.


LỜI BÌNH : Lời phật dạy : "Hồi đầu thị ngạn" (Quay đầu lại sẽ thầy bến bờ). 


9. BẮT GIỮ ÔNG PHẬT ĐÁ
Một người lái buôn mang năm mươi cuộn hàng bông gòn trên vai dừng chân lại nghỉ để tránh cái nóng ban ngày dưới một nơi cư trú ở đó có dựng một tượng Phật lớn bằng đá. Tại đó ông ta ngủ thiếp đi, và khi ông tỉnh giấc dậy thì hàng hóa của ông đã biến đi mất. Ông lập tức trình báo sự việc cho cảnh sát.
Một quan tòa tên là O-oka mở phiên tòa để cứu xét. "Ông Phật bằng đá đó có thể đã lấy trộm số hàng hóa," quan tòa kết luận. "Ông ta chính ra phải chăm lo cho hạnh phúc của người dân, nhưng ông đã không hoàn thành nhiệm vụ thánh thiện của ông. Hãy bắt giữ ông ấy."
Cảnh sát bắt giữ ông Phật bằng đá và khiêng tượng vào trong tòa án. Một đám đông huyên náo theo sau pho tượng, tò mò muốn hay biết xem loại phán quyết nào mà quan tòa sẽ tuyên xử.
Khi O-oka ra ngồi trên ghế thẩm phán, ông liền khiển trách đám thính giả ồn ào. "Các ngươi có quyền gì mà ra trước tòa án cười cợt và đùa bỡn như thế này? Các ngươi phạm tội khinh thường tòa án nên phải bị phạt tiền và tù giam."
Mọi người vội vàng xin lỗi. "Ta sẽ phải phạt các ngươi một khoản tiền," quan tòa nói, "nhưng ta sẽ khoan hồng khoản đó miễn là mỗi người trong đám các ngươi phải mang một cuộn bông gòn đến nạp tòa trong hạn ba ngày. Ai không thi hành lệnh này sẽ bị bắt giữ."
Một trong những cuộn hàng mà người dân mang tới liền ngay tức khắc được ông lái buôn nhận ra là của riêng ông, và do đó tên kẻ trộm đã bị khám phá ra một cách dễ dàng. Ông lái buôn thâu hồi lại hàng hóa của ông ta và các cuộn bông gòn được trả lại cho dân chúng.



10. CƠN GIẬN DỮ
Một thiền sinh tìm tới với Bankei và than phiền: "Thưa thầy, con có khi giận dữ không kiềm chế nổi. Con có thể chữa trị nó bằng cách nào đây?"
"Con có một cái chi rất kỳ lạ vậy," Bankei trả lời. "Hãy cho ta xem con có cái gì thế."
"Ngay lúc này con không thể tỏ lộ cái đó ra cho thầy thấy được," người kia trả lời.
"Khi nào thì con có thể tỏ lộ cái đó cho ta?" Bankei hỏi.
"Nó xảy đến thật bất ngờ," anh môn sinh trả lời.
"Vậy thì," Bankei kết luận, "nó không phải là bản tánh thực sự của riêng con. Nếu nó là bản tánh thực sự thì con đã có thể tỏ lộ nó cho ta thấy bất cứ lúc nào rồi. Khi con mới được sinh ra đời con đã không có nó, và cha mẹ con đã không trao nó cho con. Hãy suy nghĩ lại chuyện đó đi."



Mộc Nhân - Tuyển chọn từ "Truyện thiền Nhật Bản".
Đoản bình của Lê Đức Thịnh. Nếu người bình chưa ngộ ý xin miễn chấp.


Đọc thêm bài này : THIỀN CHẲNG GIỐNG AI




Không có nhận xét nào: