27/11/11

62. MÀN ĐOÀN VIÊN CỦA KIỀU

Mộc Nhân

Ai cũng biết là trong đoạn kết của Truyện Kiều, Thuý Kiều gặp lại Kim Trọng sau mười lăm năm lưu lạc. Câu chuyện thoạt nhìn có cái không khí của kiểu kết thúc có hậu, song thực ra, cuộc đời đau khổ của nàng Kiều vẫn còn tiếp tục. 
Kiều một mực từ chối không sống như vợ chồng với Kim Trọng, dẫu cho chàng Kim tha thiết khẩn cầu nàng. Rút cục, vị cay đắng vẫn thấm đượm tận đáy lòng Kiều.
Trong buổi tiệc đoàn tụ gia đình, Thuý Vân chủ động đứng lên nêu vấn đề làm lễ cưới cho Thuý Kiều và  Kim Trọng tức trả lại chồng cho chị. Thuý Kiều đã kiên quyết gạt bỏ :
     Một lời tuy có ước xưa
           Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều.
           Nói càng hổ thẹn trăm chiều,
          Thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi.
Tuy nhiên, đây mới là lời từ chối trước đề nghị của Thuý Vân. Phải đợi đến khi chính Kim Trọng lên tiếng, nhắc nhở nàng nhớ lại lời thề xưa thì Thuý Kiều mới cắt nghĩa đầy đủ lý do khiến nàng từ chối:
Chữ trinh đáng giá nghìn vàng,
Đuốc hoa chẳng thẹn với cành mai xưa?
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Dẫu chàng Kim tỏ ra rất thông cảm với cảnh ngộ của người yêu, nói rõ Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường song Kiều nhất định khước từ cuộc sống vợ chồng mà đề nghị cuộc sống bạn bè.
Đã có một số cách nhìn, cách đọc khác nhau đối với sự việc này.

1. Quan điểm của Nho gia luôn coi trọng trinh tiết, dưới cái nhìn của nam quyền, đã cười cợt chàng Kim Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi  / (Nguyễn Khuyến) - tức là phần còn lại sau mười lăm năm nàng Kiều lưu lạc. Tất cả các nhà nho như Nguyễn Khuyến, Tản Đà ... khi bình về đoạn kết Truyện Kiều, thường lớn tiếng phê phán Kiều là dâm. 
Nguyễn Công Trứ đã nói thẳng: Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm

2. Thích Nhất Hạnh nhìn theo quan điểm Phật học lý giải lý do khiến nàng Kiều quyết định không sống cuộc sống vợ chồng với Kim Trọng bởi Kiều đã là người tu hành, đã giác ngộ chân lý nhà Phật, đã vượt lên trên quan niệm hạnh phúc thông thường của chúng nhân, “thì không thể trở về chuyện đó được”. Theo Thích Nhất Hạnh, trước đây Kiều đã từng giữ gìn và vượt qua cơn đam mê dục vọng của Kim Trọng vì nàng muốn để dành tất cả niềm hạnh phúc cho đêm động phòng; còn bây giờ, Kiều từ chối vì không thấy ý nghĩa gì trong cuộc sống thân xác với Kim Trọng. Thích Nhất Hạnh thiên về đánh giá trình độ tu hành đã đạt đạo của nàng Kiều là nguyên nhân dẫn đến việc nàng từ chối sống vợ chồng với Kim Trọng. Theo ông, Thuý Kiều đã vượt ra ngoài quan niệm hạnh phúc của người chưa giác ngộ như Kim Trọng.

3. Những người đứng trên quan điểm xã hội đã thấy những lời tủi khổ của Kiều nói với Kim Trọng:
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi!
Dở dang nào có hay gì
Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi…
...
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa
Bấy chầy gió táp mưa xa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào.
Xuân Diệu nhấn mạnh sự tự trọng của nàng Kiều một phụ nữ đã trải qua nhà chứa ô nhục  nhưng ông quan tâm nhiều hơn đến ý nghĩa xã hội của màn đại đoàn viên này: dư vị của những đắng cay, đau khổ mà xã hội phong kiến gây ra cho con người vẫn còn âm ỉ đến cả ngày hội ngộ, nhuộm màu đen tối cho cuộc đại đoàn viên.


4. Theo ý kiến của Phạm Đạt Nhân (xem nhận xét cuối bài), Thúy Kiều khăng khăng từ chối tình cầm sắt mà chỉ nhận tình cầm kỳ là vì muốn đi tiếp con đường đã chọn hơn một lần lở dở . Trước đó nàng đã đi tu cùng ni cô Giác Duyên với pháp danh Trạc Tuyền . Gia đình Kiều hứa với Giác duyên : " Lập am rồi sẽ rước thầy tu chung" . Như vậy Thúy kiều từ chối cuộc sống vợ chồng với chàng Kim là do lời hứa với Giác Duyên cùng sự tự tin vào nếp sống đạo hạnh của mình :
                         " Chữ trinh còn lại chút này                 
                        Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan ..." 
( Cái đẹp duy nhất còn lại của em là tấm lòng và cuộc sống tu hành . Xin hãy gìn giữ dùm cho em ) Ngoài ra điều này còn thể hiện tính công bằng của Thúy Kiều đối với người xưa :
                     " Còn nhiều ân ái chan chan
                    Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi "

Về thực chất, khi Thuý Kiều từ chối cuộc sống vợ chồng với Kim Trọng là mang một mặc cảm tự ti của người phụ nữ bị áp lực của chuẩn mực đạo đức do nam giới quy định, tự cho rằng mình không xứng với Kim Trọng nữa sau bấy nhiêu năm lưu lạc giang hồ. Mặc cho Kim Trọng hết sức cảm thông,  Thuý Kiều vẫn một mực từ chối. Tấn bi kịch của ngày tái ngộ chính là tấn bi kịch do mặc cảm về trinh tiết của chính người phụ nữ đem lại cho chính mình.
Nguyễn Du dường như đã cảm nhận được tính chất bất công, vô lý của cái chuẩn mực đạo đức một chiều ấy.
Đó cũng là một phương diện giá trị của chủ nghĩa nhân đạo trong Truyện Kiều - Nguyễn Du.


Mời bạn kích vào để đọc bài có nội dung liên quan : Ý kiến của Minh Phương

3 nhận xét:

Phạm Đạt Nhân nói...

Đáng mừng vì trong thời buổi như hiện nay vẫn còn có người lật lại nghi vấn truyện Kiều . Truyện Kiều là một tác phẩm kinh điển đã bị bỏ quên . Riêng về nghi vấn mà Mộc Nhân đưa ra thì Đạt Nhân xin được bày tỏ thêm một cách nhìn nữa : Thúy Kiều khăng khăng từ chối tình cầm sắt mà chỉ nhận tình cầm kỳ là vì muốn đi tiếp con đường đã chọn hơn một lần lở dở . Trước đó nàng đã đi tu cùng ni cô Giác Duyên với pháp danh Trạc Tuyền . Gia đình Kiều hứa với Giác duyên : " Lập am rồi sẽ rước thầy tu chung . Như vậy Thúy kiều từ chối cuộc sống vợ chồng với chàng Kim là do lời hứa với Giác Duyên cùng sự tự tin vào nếp sống đạo hạnh của mình : " Chữ trinh còn lại chút này . Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan ..." ( Cái đẹp duy nhất còn lại của em là tấm lòng và cuộc sống tu hành . Xin hãy gìn giữ dùm cho em ) Ngoài ra còn thể hiện tính công bằng của Thúy Kiều đối với người xưa :
" Còn nhiều ân ái chan chan
Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi "

Mộc Nhân nói...

Kính chào thầy Đạt Nhân !
Em cảm ơn thầy đã đọc bài, cho nhận xét ... xem như bên mình luôn có người thầy, người anh như ngày nào thầy ở Đại Lộc.
Thực ra những điều này người đi trước đã nói, đã bàn nhiều rồi. Hậu sinh có may mắn được đọc, được nghe rồi bổ túc cho riêng cho mình chứ không dám lạm bàn.
Cảm ơn thầy đã chỉ thêm.
Kính chúc thầy Nhân sức khỏe.

Nặc danh nói...

Minh Phương nói: http://dailoc81.blogtiengviet.net/2008/10/18/p383046#more383046