2/12/11

65. TRIẾT LÍ GIÁO DỤC

THỬ BÀN VỀ TRIẾT LÍ GIÁO DỤC CÔNG DÂN

TSKH Phan Hồng Giang



Giáo dục nước ta đang đứng trước yêu cầu phải có sự " đổi mới căn bản, toàn diện" thì  việc cấp bách nhất, có tác động chi phối tổng thể, theo thiển ý của chúng tôi, chính là việc xác lập hệ giá trị căn bản của con người mà giáo dục cần và phải đào tạo nên (cùng với trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội) theo yêu cầu của sự phát triển đất nước trong nỗ lực đồng hành cùng nhân loại.

Nói một cách khác, đây chính là triết lý giáo dục, là mục tiêu học làm người của hoạt động giáo dục.

Ở đây xin thử nêu ra một số giá trị mà chúng tôi cho là cơ bản nhất, lý tưởng nhất, cần được biến thành  những phẩm chất đại trà - trong một xã hội văn minh  -  đối với mọi thành viên  trưởng thành của xã hội - đó là con người: 


1. Có đủ tri thức và kỹ năng để làm ra của cải (vật chất và tinh thần), đủ năng lực làm cho nó sinh sôi, luôn biết tự loại bỏ những điều còn khiếm khuyết của mình, từ đó mà có thể làm giàu một cách chính đáng cho bản thân, cho gia đình và xã hội, góp phần  làm cho nước mạnh.

2. Ý thức rõ ràng mình là một công dân với tư cách là chủ nhân thực sự của đất nước, biết hiện thực hóa đầy đủ những quyền cơ bản của con người theo đúng tinh thần và lời văn đã được ghi trong Hiến pháp, nhờ đó mà thoát khỏi thân phận u ám, thê lương của những "thần dân" thụ động, luôn phải chịu cảnh bị  ép buộc, bị sai khiến bởi quyền uy, tiền bạc và những lời lẽ mị dân. Luôn khao khát tìm hiểu thế sự, thời cuộc, biết  tỉnh  táo, chủ động suy nghĩ bằng cái đầu của mình để có thể xác định đúng chỗ đứng cần thiết, góp phần tích cực thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

3. Không chỉ đóng khung mối quan tâm của mình trong phạm vi biên giới quốc gia, mà còn có thể mang danh là "công dân toàn cầu"; không nấp sau tấm mộc "đặc thù dân tộc" để báng bổ, bài xích những giá trị phổ quát của toàn nhân loại; biết tham gia dù ít dù nhiều vào việc giải quyết những vấn đề toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, đói nghèo.

4. Thấu hiểu rằng trên đời này không có giá trị nào cao hơn bản thân sự sống để từ đây biết quý trọng tính mạng, phẩm giá của chính mình và của mọi người, biết "thương người như thể thương thân", biết tuân thủ các chuẩn mực đạo đức phổ biến, các quy ước cộng đồng và khế ước xã hội để không bao giờ xâm hại giá trị quý báu đó, không bao giờ gây ra cho người khác những gì mà chính mình không thích người khác gây ra cho mình.

5. Thừa nhận  rằng trên đời này "bách nhân bách tính", rằng luôn tồn tại -  như một tất yếu khách quan, sự khác biệt giữa các nhóm người về quyền lợi, sự hiểu biết và đức tin, để không thấy khó chịu - hay tệ hơn, không trấn áp (!) những người khác mình, tránh cho xã hội khỏi lâm vào cảnh chia rẽ không đáng có, từ đây cùng nỗ lực đi tìm cái chung, giảm thiểu điều dị biệt để có thể cùng nhìn về một hướng nhằm đạt mục tiêu " dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; con người tự do, hạnh phúc".

6. Biết sống khỏe khoắn, lành mạnh; luôn tự nhắc nhở  rằng ở những trường hợp may mắn, tâm hồn và trí tuệ sung mãn  thường tìm đến nương nhờ nơi cơ thể kiện khang.

7. Biết tiết chế  thói quen "thích đủ thứ" (phải chăng là bẩm sinh ?) để có thể sống thanh thản trong sự hòa đồng với mọi người, với thiên nhiên; cảm nhận được cái tình, cái đẹp của muôn mặt cuộc đời thường nhật, của nghệ thuật để có thể  đạt tới điều có lẽ là cao diệu nhất - biết sống hạnh phúc.

Tất nhiên, hệ giá trị tôi tạm nêu ra trên đây không thể là đơn nhất. Rất mong các bậc thức giả, các bạn đọc gần xa  cùng bàn bạc  để tiến tới xác lập một triết lý giáo dục hoàn chỉnh có thể làm điểm xuất phát tin cậy cho các hoạt động giáo dục tiếp theo như hoàn thiện đội ngũ và cơ chế, chính sách quản lý giáo dục; soạn thảo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nâng cao chất lượng , phương pháp học và giảng dạy; thay đổi cơ bản phương thức kiểm tra, đánh giá học sinh v.v...


Nguồn : VietNam.net

Không có nhận xét nào: