12/12/11

73. DỐT CŨNG LÀ THẦY

Bài đăng trên Đặc san   ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN  2012 
Truyện ngắn Huỳnh Văn Cát  (Cựu nhà giáo Đại Lộc)

Ngày xưa ở làng Bộ Thạch có một cặp vợ chồng nọ thuộc tầng lớp dân đen. Họ sống với nhau trên thuận dưới hòa bằng nghề cày sâu cuốc bẫm. Nhờ hồng phúc tổ tiên, một cặp con trai kháu khỉnh ra đời.
Thoạt nhìn, hai đứa giống nhau như hai giọt mưa thu nhưng nhìn kĩ, hai đứa lại giống nhau như hai giọt  mưa rào có gió to giông dữ. Thằng anh mặt chữ điền, da trắng, tính nết nhu mì, chăm việc cắt cỏ. Thằng em đầu dơi trán khỉ, ti hí mắt lươn, môi thâm xì, nói năng giảo hoạt, chăm việc  cỡi trâu.
Cha mẹ chúng làm lụng vất vả nuôi con. Họ luôn ước vọng con mình sau nầy thành nhân, thành tài, thành đạt để bản thân chúng sung sướng, gia đình rạng rỡ, dòng họ, xóm làng thơm lây bởi những việc làm ích dân lợi nước. Cho nên họ dẫn chúng đến nhà thầy đồ xin học.
Thời xưa, ai muốn làm quan thì phải học hành tử tế phaỉ traĩ qua các kì thi: thi hương, thi hội, thi đình. Đỗ thì  được cử làm quan, rớt thì về quê đem cái sở học ra làm thầy hoặc đảm nhiệm các chức sắc ở tổng, xã, hương thôn. Đường vào tương lai của đám học trò rất xán lạn nên dân gian có câu ca:
“ Chẳng ham ruộng cả ao điền
Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ”.
Con đường công danh tràn ngập ánh sáng nhưng người cầu công danh thì đầu óc tối tăm. Hai anh em bỏ thầy đồ, đi tìm thầy võ.
Văn dốt võ nát nhưng mộng quan trường không nguôi trong tâm trí thằng em.
Chuyện thật mà tưởng như đùa, nấm mồ vô chủ của kẻ ăn mày chết đường ở cồn trên được đứa cháu nội đang làm quan tri phủ Điện Bàn đến hốt cốt về quê để con cháu tiện bề hương khói.
Thằng ti hí mắt lươn bèn đem cây xương rồng trồng vào chỗ gởi xác của người hành khất để một ngày gần đây cha hắn nhắm mắt xuôi tay hắn đưa ông cụ về đây làm nơi an nghỉ cuối cùng.
Ông cụ nằm liệt giường mấy tháng nay  tự nhiên ngồi dậy ăn một in cơm uống một bát nước chè xanh đậm đặc. Ít ra ông cụ cũng sống hơn hai mươi năm nữa. Mà nếu ông cụ còn tại thế lâu như vậy thì lúc đó, nó trên năm mươi rồi, ở đẳng tuổi đó, nếu làm quan, được bao lăm ngày? Nó họp đại gia đình quyết định cải táng mộ ông nội vào gốc cây xương rồng.
Có mồ có mả mà không có chữ nghĩa, ra làm quan thì cũng là ngu quan.
Nó lại tầm sư học chữ.

Thầy đồ bảo nó sắm mâm lễ đầy đủ: một con gà trống mồng đỏ, chân vàng, một cổ xôi nếp cái, một bình bông, trầu cau, rượu, hương đăng để thầy nhờ đấng bề trên khai tâm mở trí.
Rồi thầy đem “Tam Thiên Tự” ra, tay chỉ miệng đọc, dạy học trò: cử- cất, tồn- còn, tử- con, tôn- cháu, lục- sáu, tam- ba, gia- nhà, quốc- nước, tiền- trước, hậu- sau... Trung tâm nói và viết ở não bộ của nó có vấn đề, nói rất láu - viết rất tồi. Biết mình dốt chữ, nó bỏ mộng làm quan. “Đã có ít nhiều chữ nghĩa trong bụng, không làm quan thì cũng phải làm thầy”- nó tự nhủ. Rồi suy nghĩ chọn nghề.
Dốt chữ dù giỏi nghĩa đến đâu cũng không làm thầy đồ được.
Dốt chữ lấy gì đọc sách y học mà làm thầy thuốc.
Dốt chữ lấy gì nghiên cứu kinh dịch, lấy gì thông thiên văn, mà cầm cái la bàn nhắm hướng nhà, hướng mả.
Làm nghề thầy cúng, thầy quẻ, thầy giò là dễ nhất, cái nghê không cần chữ nghĩa.
Nhà nó nghi ngút khói hương trên nhiều  bàn thờ, nào là Cưủ Thiên Huyền Nữ, Quan Thánh Đế Quân, Âm Hồn Vịt Lộn ... Nó đi ra hay ở nhà, cũng khăn đóng điều, áo dài đen, quần lĩnh trắng, guốc khua cợp cợp. Tiếng lành đồn xa tiếng  dữ đồn ba ngày đàng. Tiếng thầy:  Đồn từ Vĩnh Điện La Qua, Hội An Đà Nẵng bay qua mấy đèo. Khách thập phương sớm chiều nườm nượp. Kẻ xin lộc, kẻ xin xăm, kẻ bói bài, kẻ coi gia sự, kẻ cầu duyên, kẻ tạ ơn....(riêng dân làng Bộ Thạch và mấy làng lân cận không ai cầu xin chi hết - Bụt chùa nhà không thiêng?)
Rồi một hôm trong sự ngỡ ngàng của bà con làng trên xóm dưới gian nhà tranh phên tre gió lùa của cha hắn được dở xuống chất lại một đống, rồi nó phóng hỏa.
Trâu kéo gỗ. Người gánh kẻ gồng. Cát, sạn, hồ vôi, gạch, ngói ... từng đống, từng đống cao dần. Thầy địa lí gióng la bàn nhắm hướng bồi cơ. Thợ mộc Kim Bồng lủ lượt kéo lên. Thợ vôi Khánh Vân một đoàn kéo xuống. Gần một năm trời, trên cái nền cao khang trang bề thế, một cụm nhà năm ngôi tráng lệ, nguy nga sừng sững mọc lên. Ngôi nhà trên năm gian làm nơi thờ phượng tổ tiên và các vị thần linh, cột gỗ lim đỏ óng, trính gỗ sơn nghệ vàng tươi rất xứng với mấy cặp kèo gỗ mít được bàn tay khéo léo của thợ Kim Bồng chạm trỗ hình long, lân qui, phụng.
Ngôi nhà ngang xuyên trường, trính lãng rộng thênh thang nằm kế bên. Nó đặt mấy bộ bàn tây ghế dựa sang trọng để tiếp khách... Tiếp theo là ngôi nhà cầu rồi đến nhà bếp và cuối cùng là nhà kho, nơi chứa lúa, đường, mũng thúng nong nia cuốc xuổng ... Chuồng trâu, chuồng dê, chuồng lợn, trại cũi, tất cả đều làm bằng gỗ lim và lợp ngói đỏ tươi. Cả Tổng Mĩ Hòa không có nhà nào bề thế bằng nhà nó kể cả nhà Hương Yên Chánh Lý ở Hóa Châu, nhà Biện Phán ở Phú Quí.
Ngày tân gia, hắn vật hai con bò, ba heo trước tế âm linh và cúng ông bà sau đãi khách, đãi dân, đãi hương lí kì hào cả tổng.
Phú quí thường sinh lễ nghĩa. Lần đầu tiên trong đời, nó thực hành lễ nghĩa một cách ngoạn mục. Nó ăn mặc rất tươm tất. Đầu đội khăn đóng, chân đi giày, thân mặc hai lớp áo, áo lụa trắng bên trong, áo dài nhiễu đen bọc ngoài. Miệng nhai trầu bõn bẽm ra đứng tận đầu ngõ chào thưa tiếp rước.
Khách khứa bình thường thi tự tìm chỗ mà ngồi. Khách có chức sắc có vai vế thì nó mời lên gian giữa nhà trên ngồi theo thứ bậc lớn trước nhỏ sau. Dĩ nhiên thầy bói và thầy võ ngồi vị trí cao nhất. Rượu cạn mấy bầu, ai cũng ngà ngà say. Ông chánh Thiên nữa trịnh trọng, nữa cợt đùa:
   -Thưa ông, làng nước ai cũng mừng cho ông ăn nên làm ra bằng cái nghề cứu nhân độ thế. Nhưng có một điều cả thiên hạ thắc mắc là ông  dốt đặc cán mai mà sao làm được cái nghề thầy ... tăm tiếng lẫy lừng. Bằng mưu mẹo chi mà ông có cơ nghiệp như ngày nay?
Nó gật gật cái đầu, im lặng đi vào bàn thờ tổ, thắp nhang, miệng lẩm bẩm, tay trái cầm đĩa, tay phải cầm hai đồng tiền gieo quẻ âm dương, cung kính bái thần ba bái, rồi khoan thai đi ra nói với mọi người:
- Bà lớn đã cho ( vừa nói hắn vừa chỉ tay vô bàn thờ có hình người đàn bà xỏa mái tóc dài, đôi lông mày dựng ngược). Tôi xin tiết lộ cơ trời: cách đây năm năm, vào ngày mồng một tháng năm, đầu giờ ngọ, trời nắng như đổ lửa, gió nam thổi rát mặt, tôi đang chì khu chí khú cuốc miếng đất chó ỉa ở cồn ông Cắt. 
Bỗng có một tiếng kêu rền như tiếng sấm từ trên ngọn cây da Dú Dù ngân lên lảnh lói: “ C... ăc...ặc...Cặc. C... ăc... ăc.... Cặc...” ( Tên tộc của tôi). Tôi ngẫng đầu nhìn lên thì thấy một bà cao to mặc đồ trắng lợp, tóc dài chấm gót, le cái lưỡi đỏ lòm, nhe bộ răng cuốc chĩa, trợn ngược cặp mắt ốc bươu nhìn về phía tôi ngoắt ngoắt. Tôi bắt ấn tí, định tĩnh tinh thần đến gốc cây cổ thụ, vòng tay, cúi đầu miệng bẩm: “ Nam mô A Di Đà Phật, xin bà lớn cho biết tánh danh và gọi kẻ trần nầy để sai bảo điều chi?”
Miệng nở nụ cười hiền lành, bà nói: “ Ta là bà chúa Ràng ở đây hơn hai trăm năm. Thấy ngươi cực khổ, ta thương, ngươi muốn gì ta giúp.”
Như mở cờ trong bụng, tôi lạy bất cố chi nhướng, rồi van: “Thưa bà, bà cho con làm quan!” Bà phùng mang trợn mắt: “Làm quan, trước hết, phải học hành bài bản, và có đủ bốn chữ: đức, tài, tâm, trí. Nhà ngươi dốt nát, gian manh. Ta giúp nhà ngươi làm quan để nhà ngươi nịnh trên, nạt dưới, hối lộ tham ô, hại dân hại nước à?”
Tôi chưa kịp trả lời thì bà thả xuống một dây thòng lọng và nói tiếp: “Trí lự như ngươi thì nên làm đệ tử của ta là hơn. Ngươi giúp ta trị  tà ma, hung thần, ác quỉ để độ thế cứu nhân. Mau mau chun đầu vô thòng lọng nầy! Nếu bất tuân, ta vật trào máu họng”. Coi như mạng sống ngàn cân treo sợi tóc. Kiên cường chống chọi , may ra còn con đường sống, tôi bèn lí sự: “ Theo bà làm đệ tử, lấy ai phụng dưỡng cha già , mẹ yếu, lấy ai nuôi vợ con, lấy ai hương khói ông bà. Bà không có gia đình nên bà không hiểu hết tình cảm của người trần. Hồi nãy bà nói giúp tôi. Chừ, sao bà đòi giết tôi? Tôi không đủ tư cách làm quan thì bà cho tôi làm thầy cũng được chớ”.
Đổi giận làm vui, bà ra điều kiện: “ Đưa đầu vô thòng lọng, ta rút ngược lên,nếu đầu ngươi trật ra thì ngươi làm thầy, nếu dây thòng lọng thắt cổ ngươi thì ngươi làm ma”. Bóc vỏ quýt dày thì móng tay phải nhọn. Tôi liền gập đôi hai tay thành hai chữ V ôm chặt ót, xuống tấn, đưa cổ vào tròng với tư thế sẵn sàng. Bà rút mạnh dây, tôi hít một hơi dài gồng người, dồn hết lực vô đôi tay hộ pháp vung mạnh một cái. Dưới gốc, đầu tôi trật ra. Trên ngọn, mất đà bà té nhào xuống đất. Bà đến truyền hết phép thuật cho tôi. Thế là, tôi làm thầy thiên hạ”.
Nói xong, nó lại vô bàn thờ tổ thắp nhang. Đám khách khứa trố mắt nhìn nhau, mỗi người một suy nghĩ. Nó xách chai rượu ra châm đầy li cho khách. Cả bàn nâng lên chúc tụng râm ran.
Tiệc tan, moị người vui vẻ ra về. Hắn ngả mình xuống căn phản ngâm nga:
 “Đồ nghèo chữ thấm ra da
Còn ta dốt chữ cũng là thầy thôi”.

                                                       Tú Cát,   Giao Thủy 10.12.2011


* Bài đăng trên "ĐL - xuân Nhâm Thìn 2012" có chỉnh sửa đôi chỗ

Không có nhận xét nào: