17/12/12

264. QUAN PHẨM VÀ NHÂN PHẨM – 3


           Tác giả: Nguyễn Hoàng Đức
            Ở nước ta cũng không thiếu gì chuyện vua quan lộng quyền để hưởng thụ đàn bà. Thời vua Lê- chúa Trịnh thế kỷ XVIII, có chuyện của Đặng Mậu Lân kia.
Lân là em ruột của Đặng Thị Huệ, một cung phi rất được chúa Trịnh Sâm yêu mến, thị còn được sủng ái hơn khi đẻ cho chúa Trịnh một con trai là Vương Tử Cán. Đặng Mậu Lân là một kẻ hung bạo, cậy thế chị được Chúa Trịnh yêu dấu lại càng phách lối làm những việc càn rỡ. Hết thảy áo quần, xe kiệu của y, nhất nhất đều rập khuôn theo đúng kiểu của vua chúa.
        Thường ngày Lân đem vài chục tên tay sai, cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh thành. Hễ gặp xe kiệu, bất kỳ là của đám quan quân nào, Lân cũng đều cà khịa đánh nhau, lăng nhục họ. Gặp đàn bà con gái giữa đường, hễ người nào trông vừa mắt, tức thì y sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ, rồi lôi người ấy vào hiếp liền. Ai không chịu Lân xẻo luôn đầu vú, chồng hoặc cha kẻ bị nạn, nếu dám hé răng kêu ca, lập tức Lân sai quân vặn gãy răng, hoặc đánh đến chết. Người thiên hạ sợ Lân hơn beo sói. 
Lại nói, Trịnh Sâm có con gái là công chúa Ngọc Lan, chưa có chồng, được chúa Trịnh hết sức yêu mến. Ngọc Lan vóc người yếu đuối, từ nhỏ vẫn ở trong cung thuỷ tinh, kiêng nắng kiêng gió. Nơi Ngọc Lan ở, chúa Trịnh bắt thị tì phải nói năng sẽ sàng để cho người khỏi giật mình. Khi Ngọc Lan lớn, mỗi lần vào thăm chúa Trịnh, đều được phép ngồi với chúa như khi còn bé. Đòi gì cũng được, xin gì cũng cho. Các quan vào hàng công thần, quí tộc, nhiều người đã tới cầu hôn, nhưng chúa đều chưa gả cho ai. Đã có lần chúa Trịnh hạ chiếu cho các quan văn võ, cùng con cháu các dòng họ công thần, vào phủ đề công chúa kén chọn. Chúa Trịnh nói, nếu công chúa chọn ai, thì chúa sẽ ưng gả cho người đó. Nhưng Ngọc Lan vẫn chưa ưng ý một ai. 
Vậy mà, nhân lúc đang được chúa Trịnh sủng ái, Thị Huệ bèn hỏi cưới công chúa cho em trai mình, là Đặng Mậu Lân, kẻ hết sức càn rỡ như đã nói ở trên. Chúa Trịnh sợ làm mất lòng ả, bất đắc dĩ phải nhận lời.
Lân tuy lấy được công chúa, nhưng mỗi lần vào với công chúa, thì bị Sử Trung ngăn lại, vì vậy Lân hết sức tức giận, nói với Sử Trung rằng: 
- Chúa bảo con gái Chúa là tiên dưới trần, nhưng ta coi ra thật không bằng con bé xách giầy ở nhà ta, có quí hoá gì? Đây ta không ham gì nhan sắc của nó, nhưng tốn kém mất bao nhiêu tiền của mới lấy được con vợ, nếu không ra hồn thì cũng phải vần cho một trận cho nẫu nhừ ra như bún, để đền đáp lại phí tổn, rồi bấy giờ sẽ tống cổ nó đi. Còn mày, mày muốn sống tốt thì hãy tìm đường kiếm nẻo mà bước đi, kẻo nữa lại kêu ta không bảo trước. 
Sử Trung đáp: - Đó chỉ là mật chỉ của chúa thượng, không phải tôi dám như vậy!
Lân nói: - Mày thử hỏi chúa, xem chúa ở vào địa vị tao chúa có nhịn được không?
            Sử Trung nói: - Quan lớn đừng nên nói như vậy, nhà chúa không thề so sánh với người thường. 
Lân nổi giận đùng đùng mà rằng: - À, mày đem chúa để doạ tao phỏng? Chúa là cái quái gì? Dứa lời, Lân tuốt gươm chém Sử Trung. Sử Trung chết ngay. 
Giết xong Sử Trung, Lân bèn đóng chặt cửa dinh, ra lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập, định ngầm thủ tiêu cái thây Sử Trung. Ngọc Lan nghe chuyện, sợ quá lập tức sai một thị nữ chui qua một lỗ nhỏ chạy về phủ chúa báo tin. chúa Trịnh cả giận sai viên quan hầu đốc thúc một toán lính đến bắt Lân. Lân cầm giáo lăm lăm đứng trước cửa doạ: “Đứa nào muốn chết thì vào đây !”. 
Chúa Trịnh sai Quận Huy đem đội quân lớn hơn đến vây bắt Lân, giải về phủ, giao cho triều đình xử tội. Các quan nói tội giết sứ giả đáng bêu đầu. 
Thị Huệ nghe tin, khóc lóc xin thay chết cho em. Chúa Trịnh bất đắc dĩ phải tha cho Lân tội chết, và giảm xuống thành tội đi đầy ở châu xa (dựa theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí) (8)
Đấy, người ỷ quyền chức vừa lộng hành lại vừa được bao che như vậy, quả như người Trung Quốc nói từ bao đời: nhà dân sao có thể thắng nhà quan, nhà nghèo sao địch lại nhà giầu. Một mình Lân, ỷ thế chị mình được chúa Trịnh yêu, dám quây trương hiếp đàn bà giữa đường, ai chống lại thì sẻo vú, ai kiện cáo thì bẻ răng, đánh chết, rồi giết luôn cả quan của phủ chúa, bị khép tội chết, mà chỉ cần vài lời cầu xin của chị liền được giảm tội, đầy đi phương xa. Đi phương xa với hắn có khác gì đi nghỉ mát, vì quyền vẫn còn để ỷ thế, tiền vẫn còn nhiều, chưa kể chị của y sẽ tiếp tế liên tục, thì y sống khác gì đế vương? 
Lợi quyền để hành lạc như Lân, mới chỉ là thái độ càn rơ, nhưng vụ án lộng quyền hưởng lạc vợ của đại thần, sau đó giết cả vợ – chồng lẫn cả ba họ người ta mới thật là chuyện đau lòng. Đó là chuyện xảy ra với Nguyễn Trãi, một chí sĩ uyên bác, một khai quốc công thần của triều Lê, cùng Lê Lợi nằm gai nếm mật đánh tan quân Minh, là người viết lên bản “Đại Cáo Bình Ngô” nổi tiếng bố cáo cùng thiên hạ công đức đuổi Minh giành giang sơn của nhà Lê, sau đó là quan đại thần giúp vua Lê Thái Tổ, và sau là vua Lê Thái Tông làm rất nhiều công việc triều chính quan trọng. Nguyễn Trãi có vợ là Nguyễn Thị Lộ, vừa xinh đẹp, lại vừa giỏi văn chương thơ phú. Một hôm Thị Lộ vào cung cấm, vua Thái Tông trông thấy bắt mắt, liền buông lời cợt nhả. Sau đó gọi vào cung phong Thị Lộ làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm theo hầu bên cạnh, để vua thoả chí hiếu sắc. 
Mùa thu năm Nhâm Tuất (1442), vua đi tuần về miền Đông, có Thị Lộ theo hầu. Nguyễn Trãi mời vua lên chơi chùa Côn Sơn quê hương của ông. Ngày 4 tháng 8 xa giá của vua đến vườn vải, xã Đại Lại , ven sông Thiên Đức. Đêm ấy, vua thức trắng cả đêm tự tình cùng Thị Lộ, rồi đột nhiên băng hà. Thế là chẳng cần rõ nguyên nhân hay điều tra cho rõ thực hư, Nguyễn Trãi và Thị Lộ bị khép vào tội giết vua. Mười hai ngày sau, tức 16 tháng tám triều đình nhà Lê ra lệnh giết Nguyễn Trãi, và vợ là Nguyễn Thị Lộ phạt tội giết cả ba họ (9)
Than ôi, làm vua quả như người ta gọi là thiên tử- tức con trời cũng chẳng sai, ngay đến vợ của quan đại thần có công hàng đầu đến vậy, vua thấy thích là cho triệu vào cung, cho theo hầu như một sự danh giá, rồi cả đêm bắt người ta hầu để phỉ thí tang bồng. “Tham thì thâm, đa dâm thì chết”; sức người có hạn, đâu có phải cứ thấy miếng ngon là ăn mãi, cố ăn cả đêm mà bạo bệnh phạm phòng lăn ra chết, rồi đổ tội cho người ta là âm mưu giết vua. Thật là tiện, tội mình mắc từ đầu đến cuối, lại đổ liền cho người khác. Chẳng cần phải điều tra rõ thực hư thế nào, muốn chứng minh người ta có tội chỉ cần lôi ra chém cả hai vợ chồng là rõ. Lại càng rõ hơn khi lôi cả ba họ người ta ra chém. Đúng như Hit-ler sau này có nói:hãy làm những việc phi lý tự nhiên đến mức, người khác phải tin những điều phi lý đó là sự thực. Nhà Lê khi đem chém Nguyễn Trãi, Thị Lộ, cùng ba họ của ông cũng như vậy, họ muốn làm cho thiên hạ tin rằng: đã phải đem chém ngần ấy người, chắc là những người ấy mắc tội tày đình không thể nào chối được. Đó là chuyện chiếm đoạt từng cô nàng cụ thể, nhưng trên thực tế, vua quan hưởng thụ các cô gái “nhẹ nhõm” hơn nhiều. Đó là chiếu chỉ vua ban xuống lệnh cho các huyện phải nộp đủ số gái đẹp vào làm cung phi để hầu vua, huyện nào không nộp đủ sẽ bị phạt. 
Và vô vàn các chuyện tang thương đầy nước mắt và máu diễn ra, con gái trẻ bị giằng khỏi tay cha mẹ, vợ đang cho con bú bị giằng khỏi tay chồng, chuyện Thuý Kiều phải bán mình chuộc cha của Thanh Tâm Tài Nhân (sau được Nguyễn Du viết thành thơ) cũng chỉ là một trong muôn vàn thí dụ. Và khi vua tiếp các quan, các nàng rót nước đứng hầu bốn bên, hứng chí lên, tiện thì vua có thể cho cận thần nào đó, một hay vài cô về giúp vui nhẹ tựa lông hồng. Đến lựơt các quan giao đãi với nhau, cũng tiện thì đem tặng cô này cô kia về mua vui, có đi thì có lại, đến lượt vị quan được tặng sẽ bày tỏ lòng hào hiệp, bằng cách tặng lại gia nhân. Việc tuyển cung phi không chỉ đầy nước mắt và máu sau những cổng làng, có thể nó còn dấy lên nạn can qua đẩy cả nước vào cuộc chiên tranh khói lửa. Trong trường ca Illiade bất hủ của thi sĩ Homère, chúng ta đã biết cuộc chiến tranh dòng dã suốt chín năm trời giữa dân tộc Hy Lạp và thành Tơ-roa, nguyên nhân khởi lên là vì nàng Hélène xinh đẹp của dân tộc Hy Lạp bị chàng trai Paris hào hoa của Tơ-roa tán tỉnh rủ rê trốn đi. Còn ở Trung Quốc, vua Trụ Vương muốn có được mỹ nhân Tô Đắc Kỷ, đã khởi động những đội quân lớn đi đánh thành trì của cha nàng tên là Tô Hộ. Một mặt, vì không đủ sức chống đỡ triều đình, mặt khác vì không muốn dân chúng lầm than chết chóc trong cảnh binh đao nước lửa, mà Tô Hộ đành ngậm ngùi dâng người con gái đáng yêu của mình cho tên bạo chúa. Con gái của một vị quan ở vùng phên thuộc còn không chống được nổi ham muốn của nhà vua, thử hỏi thứ dân còn cách nào hơn, là cha mẹ, con cái gạt lệ chia tay với người thân nhất của mình, lên cung làm nữ tì hầu hạ vua chúa. 
Nhưng vua quan không chỉ bó hẹp trong việc hưởng thụ quyền lực cũng như ái tình, mà họ còn hưởng thụ những thú vui hết sẽ quái dị, như lột trần nô lệ ra, lấy kim châm cho đau đớn và la hét, để mua vui cho mắt và tai. Hay như Bao Tự mỗi ngày còn bắt người ta xé ba trăm thước vải, để nghe những tiếng xèn xẹt chói tai cho đã, hành lạc với một đám đàn ông nô bộc cho mình chưa đã, hứng lên nhìn thấy bất cứ ai ưng ý, mụ lại triệu ngay vào để hành lạc, và khi sự việc xong, để giữ thể diện là hoàng hậu của mình, mụ liền lệnh giết ngay anh chàng. Thế vẫn chưa đã, mụ liền cho đẽo ngựa cái bằng gỗ, để mụ chui vào bên trong, sau đó đem ngựa đực đến ái tình, mong được đã cơn nghiền... 
Làm vua quan sướng thế, bởi vì được sống trên đầu thiên hạ, nên từ Đông qua Tây, đều có rất nhiều chuyên gia, lý thuyết gia, nghiên cứu, truyền bá những khoa học và nghệ thuật giúp người ta leo lên ngai vàng. Và cái ham muốn leo lên ngai vàng này truyền từ đời này sang đời kia, đến mức triết gia nổi tiếng về lĩnh vực chính trị John Stuart Mill gọi những chính khách chính trị thời nay là “Những ông vua ngồi ngai da” . Người Trung Quốc có các thuyết khách nổi tiếng như Trương Nghi, Tô Tần, đưa ra kế lúc thì hợp tung, lúc thì hợp hoành để thống nhất thiên hạ, người đời thường bảo thôi thì lưỡi không xương, các ngài muốn nói dọc – nói ngang thế nào chẳng được. Rồi còn có Tôn Tử và Ngô Khởi nghĩ ra binh pháp giúp người ta có thể chiếm được thiên hạ. Nhưng có thể nói ao ước và hành động mưu cầu làm quan rõ nhất là với Khổng Tử, một trí giả hàng đầu Trung Quốc. Khổng Tử là quan của nước Lỗ, sau vì thất thế, và cũng vì nước Lỗ quá bé, nên không thể đã khát cho giấc mơ quyền lực, vì thế, Khổng Tử lăn bánh xe hết nước này qua nước khác, để xin một chức quan to hơn. Việc cũng chẳng thành, nhưng về lý thuyết Khổng Tử đã tạo ra Nho Giáo, một văn bản giúp cho mọi chế độ phong kiến ở Trung Quốc đạt đến cực quyền. Để có được thiên hạ, Khổng Tử đề ra tám chữ: Hiếu - Đễ – Trung – Thứ – Tu – Tề – Trị – Bình. 
1- Hiếu: Là mở đầu phải có hiếu với mẹ, cha. Kính yêu ông, bà, cha, mẹ, người trên. 
2- Đễ: Là Huynh “đệ”, anh em phải sống tốt lành, tương trợ cùng nhau. 
3- Trung: Nghĩa là trung quân, một lòng một dạ phò vua, không thể phản nghịch hay khi quân, mà có thể bị phạt tội chu di cả chín họ. 
4- Thứ: Là bao dung, độ lượng với người khác. 
5- Tu : Là tu thân, học hành rèn luyện cho bản thân mình trở thành người có giá trị. 
6- Tề : Là tề gia, tức lo xây dựng gia đình tốt đẹp. 
7- Trị : Là trị quốc, sau khi đã tu thân, tề gia, nhà có vững thì quốc gia mới bền, từ đó công việc trị nước mới tốt.
8- Bình: Là bình định thiên hạ, sau khi quốc gia hùng mạnh mới có thể bàn đến việc mở rộng bờ cõi bình định, rồi thống nhất thiên hạ. 
Nho giáo còn thiết định những trật tự và quy củ khác, chẳng hạn, sắp đặt cho người phụ nữ mang phẩm giá và địa vị nào trong gia đình và xã hội . Phụ nữ phải thực hiện “Tứ đức, Tam tòng”. Tứ đức nghĩa là: “Công – Dung – Ngôn – Hạnh”. Còn tam tòng là: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.” Nghĩa là: ở nhà thì theo cha, lớn lên thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Sau khi đã đinh vị cho mỗi phụ nữ, cũng như đàn ông và các gia đình, Nho giáo đã thiết định lên đỉnh chóp quyền lực tối cao của phong kiến với phương châm có tính áp đặt bất khả cưỡng còn hơn giáo luật, đó là:“Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”. Nghĩa là: Vua xử bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung; cha xử con chết, con không chết là bất hiếu. Vậy đấy, không chỉ vua là con trời, mà trong gia đình người cha cũng lộng quyền như một thứ con trời. Hãy xem, vua có thể ỷ thế mình bắt ép bất kỳ bề tôi nào phải chết, mà chẳng cần đến bất kỳ sự xem xét của thứ toà án hay luật pháp nào, làm hài lòng vua thì vua cười, làm bất ý vua, vua tức khí lên ra lệnh gọi lôi ra chém thì phải chết. Thậm chí vua ban cho một chén thuốc độc, một khăn lụa để thắt cổ, với ngôn từ hoa mỹ “Ban cho chết” mà cũng phải chết cách “ngon lành” vui vẻ, vì nếu phản kháng lại trái ý vua, tức lên ngài khép vào tội khi quân, lôi cả vợ và con, thậm chí cả họ hàng ra chém, thì tuyệt tự cả nhà. Nên khi vua bảo “Ban cho tội chết” có tức đến mấy cũng phải kìm lòng mà chết hiền hoà như chú chiên con bị đem giết thịt, chớ dại mà lên mày lên mặt quở trách vua, mà rước hoạ cho cả nhà, thì cam tâm sao đành! 
Còn làm chồng, làm cha ở trong nhà? Người Việt có câu:
“Cha nói oan / Quan nói hiếp / Chồng có nghiệp nói thừa”
            Hoặc:
 “Muốn nói ngoa làm cho mà nói
Muốn nói không làm chồng mà nói”.  
Làm cha, làm chồng sướng vậy, ăn không nói có, vợ con cũng phải chịu đựng. Bởi làm phật ý ông mày, ông mày liền như ý thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, thậm chí vô tình đánh chết, cũng chẳng tội gì, vì vợ do ông mày cưới về, con do ông mày đẻ ra, bởi thánh hiền dạy đã rõ rành rành: “Phụ xử – tử vong, tử bất vong bất hiếu.” Chưa hết, ông mày còn có cả quyền cưới vợ lớn, vợ bé, dăm thê bảy thiếp, rượu chè hết tiền ông mày có thể bán luôn một vợ, rồi hai vợ, hoặc cho cầm cố trong thời gian tuỳ ý, bao giờ có tiền thì chuộc lại, không thì thôi. Con của ông cũng vậy, bảo gì thì khép nép phải theo, gả cho ai, bắt cưới đám nào phải lấy đám ấy, trái lệnh ông thì chỉ có nước rước hoạ vào thân. Chính thế mà chủ nghĩa gia trưởng ra đời, người cha, người chồng muốn làm gì thì làm, vì cái quyền cao nhất là sinh mệnh của vợ, con, ông còn toàn quyền quyết định, thì các quyền chà đạp, đè nén khác, ông mày làm dễ như bỡn.            Chế độ gia trưởng còn được chế độ quân vương ủng hộ, củng cố, và đặt làm nền móng, vì triều đình phong kiến cho rằng: khi người cha được tôn lên quyền tuyệt đối trong nhà, thì ngôi vua mới càng vững chắc trên ngai vàng tuyệt đối đặt trên đầu thiên hạ.  
Vì vua có quyền như vậy, nên ngay cả tể tướng chơi cờ với vua, cũng phải tìm cách thua thế nào. Bởi lẽ nếu đánh thắng vua, ngài cay cú lên, chẳng ai có thể đảm bảo rằng, ngài không ra lệnh chém đầu kẻ hạ thần nghịch tặc; nhưng để thua ngài cách bộ liễu, ngài sẽ xấu hổ, rằng nó nhường ta như chơi với trẻ con, tính tự ái nổi lên, chẳng ai biết ngài có thể kìm nén đến mức không khoát tay gọi thị vệ lôi kẻ khinh quân ra trị tội; vậy thì phải chơi ra sao; để vừa thua thật khéo, thua như thể vua là tay cao cờ thực sự, kẻ hạ thần dù có trổ tài hết cỡ cũng không thể nào cứu vãn nổi kết cục thua trận. Rồi, dù có thua keo này bày keo khác, cũng chẳng thể nào hoà nổi với vua cho dù chỉ một ván. Rồi đối đáp văn thơ với vua cũng vậy, làm sao phải ấp úng, ấm ớ, nói ra những gì ngu hơn vua, để đề cao trí tuệ có hạn của nhà vua, chớ có khoe khéo khoe khôn, văn hay chữ tốt hơn vua mà mang vạ vào thân. Đến chơi chọi dế hay chọi gà với vua cũng vậy, vì con dế hay con gà không biết trả vờ như người, nên nếu thấy con dế của nhà vua yếu hơn con dế của mình, thì phải tìm cách đổi cho ngài con khoẻ, mình lấy con yếu, để nhường phần thắng về phía ngài. Còn nếu không đổi được, vào trận, thấy xu thế bất lợi cho con dế của ngài thì phải tìm cách hoãn binh, lôi con dế của mình ra “bồi dưỡng” cho nó thứ nước lá nào cho nó say mềm và yếu ớt đi. Còn trong triều đình, vua chưa kịp nói hết lời, các hạ thần đã dập đầu thưa “bệ hạ sáng suốt, xin mở mắt cho chúng thần, chúng thần gan óc lầy đất xin thực hiện cho kỳ được”.  
Đó là Nho giáo với Trung Quốc nước lớn nhất và đông dân nhất. Ở châu Âu, những mưu mẹo để đoạt quyền cũng xuất hiện rất sớm. Ngay trong thần thoại Hy Lạp, Uy- lix một người nổi tiếng thông minh và uy tín, nhưng khi thấy trong quân đội Hy Lạp, có một viên tướng tên là Palamed thông minh mưu lược còn hơn mình, Uy- lix liền nghĩ mưu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Uy- lix sai người ngầm đem thả của quý vào lều của Palamed,rồi báo với cấp trên,sai người đến khám lều và đổ tội cho Palamed đã nhận tiền thưởng tư thông của kẻ thù, thế là Uy- lix loại bỏ được đối thủ cạnh tranh sự thông minh mưu lược với mình.  
Nhưng đặc biệt, vào cuối thế kỷ XV, ở Ý xuất hiện một lý thuyết gia chính trị gian xảo kiệt xuất tên là Machiavelli, người đã viết ra cuốn “Ông Hoàng” làm đầu tầu cho các thế lực quân vương độc tài ở châu Âu trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta thử xem sách viết về ông ta cùng lý thuyết của mình: “Trải qua bốn thế kỷ, trong trí của mọi người trên khắp thế giới, tên tuổi Machiavelli đồng nghĩa với một con người thủ đoạn, phản phúc, xấu xa độc ác và đồi trụy. Niccolo Machiavelli bị coi là một biểu tượng của loại chính khách đầy mưu mô quỷ quyệt, đạo đức giả, tráo trở và bất nhân mà triết lý duy nhất của ông là để đạt tới một mục đích cao cả thì có thể không cần quan tâm đến đạo đức. Khắp thiên hạ đều cho rằng đối với Machiavelli quy luật chính trị “cao” nhất là quy luật tùy thời. Ở Anh quốc vào thế kỷ XVII, “Già Nick” là biệt hiệu dùng lẫn lộn để bổ nghĩa cho hai danh từ riêng Machiavelli và quỉ Satan...  
Năm 1498, Machiavelli 29 tuổi và đã là Bộ trưởng ngoại giao Cộng hoà Florence, một tiểu quốc thuộc Italia. Ông giữ chức vụ này trong 18 năm... Thời đó chính trị suy đồi đến độ không thể tưởng tượng nổi. Là người sành tâm lý, Machiavelli như cá gặp nước, ông có dịp thi thố tài năng trong những nhiệm vụ thương thuyết thật khó khăn. Cách nhìn thực dụng trong cuốn sách và không chút nương tay của ông đối với các vấn đề chính trị hẳn là do kinh nghiệm của bản thân, bởi ông đã học được cái bí quyết coi thường mọi động lực khác mà chỉ chú trọng đến lòng tham và ích kỷ của người đời.
Machiavelli nhắc rằng “phải luôn luôn nhớ rằng tâm lý, quần chúng không thống nhất. Dễ thuyết phục họ bao nhiêu thì càng khó giữ cho họ tin vào mình bấy nhiêu. Vì thế ta cần chuẩn bị để khi quần chúng không còn tin ta nữa, thì ta buộc họ “tin” bằng biện pháp vũ lực”. 
Machiavelli viết: “Người tiếm quyền khi đã thôn tính xong một xứ sở, phải cấp tốc định việc trừng phạt ngay và,chỉ một lần nới tay là không thể tiếp tục một hình phạt ấy hằng ngày được nữa, ngoại trừ trường hợp phải giảm nhẹ một số hình phạt tàn khốc để an lòng dân, rồi sau đó mới ra ân để thu phục dân chúng... Ân huệ cũng nên ban từ từ, ít một, như vậy dân chúng thấm thía đầy đủ hơn. Một ông vua sáng suốt nên nhớ rằng trừng phạt chỉ là một trong nhiều phương pháp để chỉ huy”.  
Và: “Điều cần thiết cho một vị vua chúa nào muốn giữ vững địa vị của mình là phải biết cư xử khác hơn là chỉ biết tốt, và phải biết tuỳ từng trường hợp mà sử dụng hay không sử dụng lòng tốt”. 
Theo Machiavelli, thì độc ác là thứ vũ khí tốt để cai trị kẻ thuộc hạ cũng như dân chúng, ông đã tuyên bố một đoạn văn nổi tiếng: “Do đó mới có vấn đề làm cho dân yêu hay làm cho dân sợ? Chắc hẳn có người trả lời là phải làm sao vừa được yêu vừa phải sợ! Song le yêu và sợ khó có thể đi đôi với nhau. Cho nên nếu buộc phải chọn lựa, thì tốt hơn nên làm cho dân sợ hơn là làm dân yêu, như thế có an ninh hơn nhiều. Bởi thường tình, con người bản chất vô ơn, nông cạn, giả dối, chỉ biết lo tránh hiểm nguy, tham lam, chỉ hết lòng với ta khi ta còn có thể ban ơn cho họ. Họ sẵn sàng nhảy vào lửa, hy sinh tài sản, sinh mệnh, thậm chí đứa con đẻ ra cho ta khi chưa có hiểm nguy. Nhưng khi ta cần đến họ thật sự thì họ liền quay lại chống ta”. 
Machiavelli cổ xúy cho quyền lực chính trị bằng những thủ đoạn lừa dối, đạo đức giả, bội tín. Theo ông vì quyền lực, những cái đó là cần thiết và đáng được tha thứ: “có hai cách đấu tranh, một là dựa theo pháp luật, hai là dùng vũ lực.Phương pháp thứ nhất là hợp cho loài người ,phương pháp thứ hai thích hợp cho thú vật. Nhưng bởi phương pháp thứ nhất thường không hiệu quả cho nên cần phải dùng phương pháp thứ hai. Vì thế vua chúa phải biết khôn ngoan sử dụng cả hai. Do cần biết sử dụng bản năng của một con thú một cách thông minh, nhà vua phải chọn cả hai cách của cạm bẫy và của loài cáo. sư tử không biết tránh cạm bẫy và loài cáo không thể tự vệ nổi trước bầy sói... Một ông vua khôn ngoan không cần, thậm chí không giữ được lời hứa. Bởi thường, vì nệ chữ tín mà tự mình làm hại mình, nhất là những nguyên nhân buộc ông phải hứa nay đã không còn. Nếu bản chất của tất cả mọi người đều tốt thì đó không phải là một lời khuyên đúng, nhưng vì thiên hạ đều bất lương và không giữ lời hứa đối với nhà vua, thì ngược lại nhà vua cũng chẳng cần giữ chữ tín đối với họ. Và cũng chẳng có ông vua nào phải mất công tìm những lý do thoả đáng để xí xoá một hành vi thất tín... Nhưng bản chất con người vốn chất phác và họ chỉ nhìn thấy những nhu cầu trước mắt cho nên ai muốn lừa dối họ,sẽ luôn luôn tìm thấy những kẻ sẵn lòng chịu bị bịp”. 
Quả là một chuyên gia đặc trưng cho những thủ đoạn của chính trị, khi cần sử dụng quyền lực của con người, người ta sẵn sàng coi thiên hạ đều bất lương, khi cần lừa phỉnh con người, người ta sẵn sàng coi thiên hạ là thứ chất phác dễ bề lừa bịp. Quả là lưỡi không xương, nói thế nào nên thế ấy.  
Cuốn “Ông Hoàng” của Machiavelli quả là thứ cẩm nang cho nhiều nhà chính trị thủ đoạn, sách viết: “Các nhà độc tài, và vua chúa chuyên chế trong mọi thời kỳ đều tìm được rất nhiều lời khuyên ích lợi trong cuốn “Ông Hoàng”, điều ấy không thể chối cãi được. Bảng kê những độc giả say mê những cuốn sách chứa tên tuổi rất nhiều nhân vật rất quan trọng. Hoàng đế Charles và bà Catherine de Medicis đã ca ngợi tác phẩm. Lãnh tụ cách mạng Anh Oliver Cromwell kiếm được một bản Ông Hoàng chép tay và đã áp dụng những nguyên tắc của cuốn sách đó trong chính phủ Cộng hoà Anh quốc. Hai vua Pháp Henry đệ ngũ và Hery đệ tứ lúc bị ám sát trong tay còn cầm cuốn Ông Hoàng. Cũng cuốn sách đó giúp Frederick Đại đế tạo ra chính sách của nước Phổ thời ấy. Vua Louis 14 coi Ông Hoàng là cuốn sách gối đầu giường được ưa thích hơn hết. Người ta đã tìm thấy cuốn Ông Hoàng có ghi những chú thích bên lề trong chiếc xe ngựa của Hoàng Đế Napoleon ởWaterloo. Những ý kiến về cách cai trị của Napoleon đệ tam đã chính thức bắt nguồn từ cuốn Ông Hoàng, và thủ tướng Đức Bismarck cũng là một vị đệ tử trung thành của Machiavelli. Gần đây hơn nữa, cứ theo chính lời của Hitler thì Ông Hoàng là nguồn cảm hứng thường xuyên của y lúc nghỉ ngơi. Benito Mussolini thì đã từng tuyên bố: “Tôi tin rằng cuốn Ông Hoàng của Machiavelli phải là sách chỉ nam tuyệt tác của mọi chính khách: Học thuyết của tác giả hiện nay vẫn hợp thời vì trong vòng bốn trăm năm chưa có gì thay đổi sâu xa trong trí não con người hay trong những hoạt động quốc gia” (10).
Đấy là cái nhìn “ứ đọng”, dẫm chân tại chỗ, mong thiên hạ chẳng có chút tiến bộ nào, ngu dân để trị của nhà phát xít độc tài Mussolini, thời gian trôi qua, bốn trăm năm nghĩa là đã ngót một nửa thiên niên kỷ, đặc biệt là đầu thế kỷ XX, khi thế giới đã trải qua các cuộc giải phóng nô lệ, rồi giải phóng cả phụ nữ- vẫn bị xem là lá ngọc cành vàng, chân yếu tay mềm, vậy mà Moussolini vẫn nói, “chưa có gì thay đôỉ sâu xa trong trí não của con người”, quả là cái nhìn cố chấp của chính trị, muốn bưng tai bịt mắt, vo viên dân tộc và thế giới cuộn tròn thành tổ kén quyền lợi cho mình. Chính bởi nhãn quan bảo thủ, cố chấp, lạc hậu trước làn sóng tất yếu cộng hoà và dân chủ của thế giới, mà cả Moussolini, cả Hitler đã sụp đổ tan tành.  
Ở châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, chúng ta có dịp nhìn thấy khá rõ lối khư khư ôm ghế cầu lợi của những kẻ quyền hành. Bất chấp mọi thủ đoạn, làm sao để chiếm được ghế, giữ đượ ghế chẳng phải nhường chiếc ghế quyền hành cho bất kì ai khác. Mới đây, các nhà làm phim Trung Quốc, có làm bộ phim dài đến 50 tập, tên là “Cộng Hoà”, lột tả rất rõ tình hình chính trị thối nát đời nhà Thanh và hậu nhà Thanh. Thời vua Đồng Trị, Từ Hi Thái Hậu và chị ruột của mình lấn át vua còn trẻ con, bởi thế mới gọi là “Đồng Trị”- tức cùng hợp quyền cai trị. Nhưng, chỉ trong thời gian ngắn, Từ Hi Thái Hậu không muốn chia sẻ quyền lực nhiếp chính cùng vua với chị mình, liền tìm cách ám hại. Buộc chị ruột mình phải chết, để sau đó toàn quyền áp chế vua nhỏ, lũng đoạn triều đình, đẩy hoàng hậu xuống giếng, ra lệnh đập chết ngay một lúc 40 nữ tì, còn bao lệnh “ ban cho tội chết” thì đếm khôn xiết kể. 
Thời đó, nhân dân Trung Quốc đã quá chán chế độ phong kiến của nhà Thanh bèn nổi lên khắp nơi, Thái Hậu bèn bỏ cả tiền riêng của mình ra, mua quân lương cho quân đội, cả súng máy, cả súng trường, để đàn áp dân chúng giữ vững ngai vàng. Thái Hậu luôn mồm nói, phải giữ vững triều đình nhà Thanh bởi vì”Thiên hạ là của nhà Thanh”. Mà nhà Thanh là ai? Than ôi, tất cả lúc đó chỉ một tay Thái Hậu- một bà già đi đâu cũng phải có người đi kèm. Thế là quyền lợi của thiên hạ - tức toàn dân Trung Quốc chỉ để phục vụ một bà già lẩm cẩm và ích kỷ. Vì thấy dân chúng nổi lên quá mạnh , Thái Hậu liền giở trò mị dân , bà ta cử một số quan đại thần đi Mỹ và Nhật Bản, để học về chế độ chính trị: Quân chủ lập hiến. Tức chế độ có nhà vua đứng đầu, nhưng lại hành pháp theo hiến pháp, chứ không phải chỉ nhất nhất làm theo quyền lực ngẫu hứng mồm miệng bất cần luật pháp của vua chúa. Quần thần đi học vài năm ở Mỹ và Nhật Bản về, những tưởng sẽ được Thái Hậu tức tốc cho đem thi hành, nào ngờ khi nghe xong, Thái Hậu trong lòng không đời nào lại muốn có quân chủ lập hiến, bởi vì làm như vậy sẽ làm giảm vai trò quyền lực tác oai tác quái muốn làm gì thì làm của bà. Thái Hậu liền ra lệnh, sẽ thực hiện quân chủ lập hiến sau 12 năm nữa, khi tất cả những tiêu chuẩn lập hiến đã chín mồi. Chín mồi gì đâu?
Bà ta quyết định thế, để mong an hưởng tuổi già, 12 năm nữa thì ta chết rồi, các người muốn thực hiện lập hiến kiểu nào cũng được. Đây là cách ích kỷ hy sinh cả quyền lợi dân tộc cho thú vui cuả một bà già, chằng còn ăn còn uống, còn chơi được mấy hơi nữa, là cách mà người phương Tây nói: “Sau lưng ta là nạn hồng thuỷ”. Có nghĩa là, trời có vỡ đất có sụt, nhưng lúc đó ta đã qua thế giới khác rồi, chẳng làm sao nữa cả, còn lại các người muốn sống chết thế nào- mặc kệ! Chế độ quân vương là vậy! Người ta có thể đặt quyền lợi cuả một bà già lên trên quyền lợi của một dân tộc. Bà già đó dù là lẩm cẩm, vẫn toàn quyền nói một đằng làm một nẻo, lấy bao tiền đóng thuế của dân, cử quần thần đi học quân chủ lập hiến, rồi sau đó chỉ phủi tay bằng một lời hứa hoãn binh: 12 năm nữa, có nghĩa là, hãy để cho ta sống nốt những ngày cuối đời mà không phải chia sẻ quyền lực cho ai cả, mặc kệ dân tộc sống lầm than trong cơ hàn đói rách, khói lửa tham tàn và bất công. 
Sau đó, đến lượt quan đại thần Viên Thế Khải. Do chỗ dựa của lòng dân, mà Thế Khải có thể buộc hàng loạt các vương gia nhà Thanh phải thoái vị để dọn chỗ cho chế độ lập hiến. Rồi chế độ quân chủ lập hiến được thành lập, Viên Thế Khải thành tổng thống của chế độ Đại Nghị Trung Hoa Dân Quốc. Nhưng, rút cục đó cũng chỉ là cái vỏ: “treo đầu dê bán thịt chó”, cái tâm can khao khát quyền lực tuyệt đối của quân vương bám chặt lấy bản chất của Thế Khải, y dùng bạo lực đe doạ Nghị Viện, đem quân đội lộng hành, doạ dẫm các nghị viên buộc phải tuân thủ y, tiến hành hàng loạt các vụ bắt bớ, ám sát, thanh trừng những người không thuộc phe cánh của mình, và vẫn quen thói dùng bạo lực áp chế pháp luật. Nếu Từ Hi Thái Hậu định nghĩa, thiên hạ là của nhà Thanh; thì Viên Thế Khải cho cả nước Trung Quốc nằm gọn trong tay của gia đình y. Cái đuôi quyền lực lộ ra đến mức, vào những ngày sắp tàn của mình, Viên Thế Khải, cùng vợ mở rương, lấy ra một triều phục của nhà vua và hoàng hậu ra mặc. Than ôi, tưởng là kẻ có đầu óc tiến bộ, phế bỏ nhà Thanh, thực hiện quân chủ lập hiến cho nhân dân Trung Quốc được nhờ, nào ngờ vẫn ao ước mặc lại cái áo của vua chúa đã sụp đổ, mong được sống trong quyền lực lạc hậu: lấy quyền lực của vài cá nhân áp chế lũng đoạn thứ luật pháp là công lý của toàn dân. Nhưng mà chính trị lạc hậu là vậỵ, khi số đông dân chúng trở thành nguyên liệu để nuôi dưỡng cuộc đời của vua chúa, thì hẳn nhiên công lý của toàn dân bị đặt dưới quyền lực đó. 
Nhưng “quan phẩm” không chỉ giành cho quan lại đội mũ đi hia của hệ thống công quyền, mà chữ “quan phẩm” cần được mở rộng theo nghĩa biểu tượng, là tất cả những gì thuộc về ham muốn quyền lực muốn ăn trên ngồi chốc người khác. Dù người Trung Quốc có câu:”Triều đình mạc như tước, xã thôn mạc như xỉ” tức là: triều đình coi chức tước là trọng, còn dân thường ở thôn xã thì lấy tuổi thọ làm quý. Tất nhiên, đó là sự thật đặc thù, ở triều đình, cũng như trong hệ thống công quyền, người ta trọng việc thăng quan tiến chức, xem ai leo lên chức cao hơn ai, ai là người cấp trên của mình, ai là thuộc hạ của mình, ai ngày hôm qua còn là thuộc hạ, nay đã lên chức có địa vị khiến mọi người phải xu phụ. Hệ thống quyền lực là hệ thống gồm những nhân viên và quan chức ganh đua cạnh tranh về nấc thang vị thế; quan to – quan bé, còn trong kinh doanh, đó là nơi người ta cạnh tranh ai giàu hơn ai, ai ít vốn hơn ai. Còn nơi thôn xã, nơi không có quyền lực cùng tiền bạc ganh đua cách chyên nghiệp, thì người ta coi tuổi thọ như một món quà quý giá của trời đất. Xưa nay, người phương Đông vẫn thờ ba vị thần: Phúc – Lộc – Thọ, nếu ta chẳng được phúc lớn làm quan, phúc vừa làm giàu thì cũng được cái phúc tuổi thọ- cho dù phải sống trong cảnh thanh bần. 
Đó là nói về đặc tính khác biệt giữa quan trường, thương trường, và dân thường, tuy vậy cuộc cạnh tranh về quyền lực: ngôi vị cao thấp, diễn ra khắp nơi, từ cửa quan, đến cửa kinh doanh, đến những nơi dân dã thâm sơn cùng cốc. Ngay trong làng xã cũng ganh đua chức trưởng làng, trưởng họ. Hơn thế cả giới giang hồ, chúng cũng cố gắng chứng tỏ bản lĩnh của mình để leo lên địa vị cao nhất của kẻ đầu lĩnh, đại ca, nhất hô bá ứng, quát nạt, ra lệnh, thì các đàn em và lâu la phải thi hành. Trong những toán cướp lớn, hay bọn trộm nhỏ, hay các băng nhóm buôn lậu, và ma tia thì các cuộc thanh trừng giành giật quyền lực cũng diễn ra như cơm bữa, kẻ cầm đầu thường phải là kẻ chiến thắng cuối cùng sau khi thanh toán bằng máu với các đối thủ cạnh tranh. Chuyện Thuỷ Hử rất nổi tiếng của Trung Quốc chỉ ra rất rõ cái khát vọng muốn làm quan của bọn thảo khấu. Một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn Bạc, lúc đầu thường là những kẻ bất đắc chí, phạm tội, sợ triều đình trị tội, và bỏ chạy lên vùng núi non – hồ nước hiểm trở, dựa vào địa hình chống lại quan quân triều đình. Triều đình điều nhiều tướng giỏi,binh hùng, cả bộ binh lẫn thuỷ quân đến vùng Lương Sơn Bạc dẹp loạn, mà không thể thắng nổi, chỉ có hơn một trăm tên “đầu trộm đuôi cướp” khét tiếng giang hồ.
            Cuối cùng, triều đình bày trò chiêu an, đem vàng bạc mua chuộc, và hứa ban chức to lộc hậu cho đám thảo khấu, thế là, đám này rời khỏi chỗ nấp như cọp rời khỏi rừng, và bị “thịt” từng người một. Đấy câu chuyện cho ta thấy, con người là một sinh vật khát quyền lực đến mức: ở giới giang hồ cũng tranh nhau kẻ trên người dưới, nhưng vẫn chưa đã, mà còn khao khát cả những địa vị ở trong triều đình. Than ôi, mấy kẻ thảo khấu, chỉ giỏi đánh nhau, học hành một chữ bẻ đôi chưa biết, sao có thể mơ ước cả võng lọng của triều đình. Tại sao ngay cả những lục lâm thảo khấu cũng khao khát quyền lực của triều đình, một quyền lực ngược hẳn với lô-gic của chúng? Bởi vì, quyền lực của triều đình là thứ quyền lực ưu tiên cao nhất, một thứ quyền lực được bảo hiểm bằng pháp luật. Người Việt có câu:  
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan 
Giặc ư, tại sao chúng phải đi cướp đêm? Bởi vì chúng là những kẻ gian tà, làm những việc khuất tất, và phải nấp vào bóng đêm để tiến hành công việc đánh cướp, chụp giật, và tẩu thoát cho nhanh kẻo bị sa lưới pháp luật. Còn quan lại, là những đại biểu của pháp luật, những người cầm luật trong tay, ông muốn cướp thì ông cứ ỉ vào pháp luật mà cướp giữa ban ngày, việc gì phải cướp ban đêm cho mệt. Cái thứ giang hồ thấp cổ bé họng ở ngoài vòng pháp luật, không ai bảo kê mới phải hành động lén lút ban đêm; chứ ông thì cứ giữa thanh thiên bạch nhật ông làm. Có một thứ chuyện vui hiện đại rằng, mỗi lần ô tô chở khách phải đỗ lại trạm kiểm soát để lái xe nộp tiền mãi lộ cho cảnh sát, khách đi xe lại nhẹ nhàng bảo nhau: “phải làm luật” . Thật là một mỹ từ rất chính xác, lái xe và khách bộ hành phải nộp tiền cho ai? Không phải tiền xăng, chẳng phải tiền đường, cũng chẳng phải bất cứ thứ tiền chính đáng nào khác, ngoài tiền nộp cho vị trí và sắc phục giao thông của pháp luật. Người Việt còn có câu lột tả tính toàn thắng của quyền lực được pháp luật bảo hiểm như sau:  
Tiền là tiên là phật
Là sức bật của tuổi trẻ
Là sức khỏe của ông già
Là chiếc đà danh vọng
Là chiếc lọng che thân
Là cán cân công lý. 
Vậy đó, trong sáu câu trên đã có ba câu trực tiếp giành cho quyền lực. Đó là, tiền có thể mua danh vọng, rồi mua những quan chức cấp cao bên trên để họ làm ô che cho mình, để có thằng nào kiện thì “kiến kiện củ khoai” và cuối cùng tiền có thể đổi trắng thay đen làm đảo điên cả cán cân công lý.  
Vì hệ thống công quyền được sự bảo hiểm toàn thắng của pháp luật, mà ở nước ta, lâu nay, xuất hiện hội chứng được chen chân vào hàng viên chức. Không chỉ những nghề như hải quan, phòng thuế, cảnh sát đòi hỏi chức năng pháp luật đã đành, đã thế mấy ông viết văn, làm thơ, vẽ, thậm chí cả nhiếp ảnh cũng phải đua chen bằng được để vào hội này hội kia, có những anh là thành viên của hội nhà văn trung ương, còn cố chạy bằng được cho mình một vị trí phải là thành viên của hội nhà văn địa phương, xem các vi-dít của nhiều anh, thấy anh ta là hội viên của rất nhiều hội chồng chéo lên, lớp trong – lớp ngoài bảo hiểm cho anh ta. Tại sao? Bởi vì càng có nhiều hội bảo hiểm càng tốt, các hội sẽ như chiếc ô che nhiều tầng bảo vệ cho hội viên. Cuộc chạy đua vào chân viên chức ở tất cả các cơ quan xí nghiệp cũng đều diễn ra rất gay gắt, mới đầu thì thò mấy ngón chân vào để ký hợp đồng, sau đó thỏ thẻ dần dần xin cho một chân vào biên chế, đến khi cả người vào biên chế là yên tâm từ đầu chí cuối: từ nay cứ gối cao ngủ kỹ, sáng đi tối về, làm việc chỉ là thứ ngồi chơi xơi nước. Xưa kia thì: mắt thứ hai tai thứ bảy, tức là thứ bảy chỉ ngong ngóng đợi kẻng để về quê, ngóng lâu sốt ruột, ta bèn xin thủ trưởng tếch về từ giữa trưa cho tiện, thủ trưởng cũng muốn tiện còn tếch trước nhân viên, nên ngài còn chuồn sớm hơn, để cho nhân viên được dễ bề hoạt `động: “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Bởi thế mới có câu thứ bảy:
 Bơm xe / Nghe thời tiết / Liếc đồng hồ / Về với vợ.
            Đấy làm viên chức sướng thế, thứ bảy chỉ chăm chăm làm vài việc đó, đến thứ hai lên lại chỉ cần làm việc lờ đờ theo kiểu “mắt thứ hai”. Đó là trước kia chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Giờ đây, nước ta vào loại nghèo và lạc hậu đội sổ thế giới, nhưng lại thừa tiên tiến ở mức: cho nhân viên nghỉ hai ngày cuối tuần như các nước đã phát triển cao nhất. Thế là, không chỉ có cảnh “mắt thứ hai, tai thứ bảy nữa, mà là “mắt thứ hai, tai thứ sáu”. Làm viên chức sướng, tuy lương ít, nhưng vì được pháp luật bảo hiểm nên “lậu” rất nhiều. Có rất nhiều quan chức cỡ phường mà đã có đến vài cái vi-la. Làm quan sướng, nên mấy ai muốn từ bỏ địa vị quan. Bao lần, nhà nước kêu gọi cải cách hành chính, giảm nhẹ biên chế, mỗi lần thế, thì biên chế càng tăng vọt, hành chính càng cồng kềnh. Khi người ta cải cách chế độ “hành chính một cửa”, thì gánh nặng hành chính chẳng gọn nhẹ đi mà lại thêm một bộ phận ngồi trực ở cửa, chỉ để làm chỗ di chuyển tài liệu cho các phòng ban, mà chẳng có quyền hành giải quyết bất cứ việc gì. Tại sao khó làm vậy để giảm nhẹ biên chế? Vì biên chế là nơi bảo hiểm ấm áp đến vậy của pháp luật, mật ngọt lắm ruồi, sao có thể xua người ta ra khỏi biên chế. Nhớ câu chuyện của ngày khoán ruộng, không phải ai, mà chính là những cán bộ cốt cán của chính quyền địa phương chống lại chính sách đó. Bởi một lý lẽ rất đơn giản: khí nắm ruộng đất trong tay, những ông cán bộ còn có quyền hành, theo đó còn có thứ nọ thứ kia, vậy mà nếu thực hiện khoán ruộng cho dân, thì quyền lực của ông còn biết dựa vào đâu? Nhắc lại chuyện mới đây hàng loạt các quan chức, đáng lẽ chỉ được dùng xe cỡ vài trăm triệu, lại cứ đua nhau mua xe bạc tỉ, lại còn có cả những lời rao quảng cáo “cần mua xe giá cao”, thật là ngược đời, xưa nay, ở đâu cũng vậy, người ta đều muốn mua rẻ, đằng này lại muốn mua giá cao là nghĩa gì? Đơn giản vì tiền đó là của dân, của nhà nước, tiền chùa bỏ ra, quan có bỏ tiền túi mình ra đâu mà tiếc, trái lại càng mua xe giá cao, quan càng được hoả hồng lại quả nhiều. Còn đi xa hơn thế nhiều, có nhiều vị quan mang tiền Nhà nước đi mua máy bay, tầu thuỷ, hay mời các công ty nước ngoài vào đấu thầu dự án, họ liền móc ngoặc với bên bán, bán những loại hàng ế, lạc hậu, xuống cấp, hay đưa máy móc vật tư kém chất lượng về cho nhân dân, để cả hai bên, bên bán lẫn bên mua đều chia nhau số tiền dôi ra. Vụ lắp điện kế ở Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua vỡ lở là một thí dụ rất điển hình cho xu hướng này, người ta hợp đồng cùng một công ty ma của nước ngoài mua và lắp những điện kế rởm kém chất lượng cho hàng vạn gia đình, thu lời biết bao tỉ đồng. Quả đúng như nhân gian nói: “Cướp ngày là quan”. Dân đen không có quyền hành gì làm sao có thể với được những hợp đồng béo bở đến mức, chỉ di chuyển một dấu phẩy trong bản hợp đồng đã có thể lãi cả tỉ đồng. Còn những vụ rút thép cột nhà trong vài công trình ở Hà Nội mới đây cho thấy, cả hệ thống quan lại móc ngoặc rút ruột công trình, từ bộ phận xây dựng rút thép, đến bộ phận thanh tra làm ngơ, và còn nhiều bộ phận liên đới khác coi như không có gì xảy ra, làm bay hơi tiền của đầu tư cho công trình, nhưng nguy hiểm hơn nó có thể gây sập nhà, chết người, không thể tính hết sự thiệt hại của nó. Làm quan vừa được bảo hiểm tối đa, vừa có điều kiện để đục khoét “bội thu” như vậy, nên dân gian thường coi, được làm trong những cơ quan béo bở, tức là “chuột sa chĩnh gạo”.  
            Chúng ta đã bàn khá nhiều, cả lý thuyết, cả tư liệu lịch sử, cả hiện thực về vấn đề quan lại, quyền lực. Nay để kết thúc chương này, chúng ta thử tóm gọn vài điểm chính yếu.  
- Thứ nhất: Cái lợi của việc làm quan là gì? Đó là có quyền hành, ăn trên ngồi chốc. Là ông chủ mà kẻ dưới và thuộc hạ phải là phương tiện phục vụ mình. Quan không chỉ có quyền lực, mà còn được pháp luật bảo hiểm, từ đó có thể lợi dụng chức công mưu lợi riêng như: tham nhũng, ăn hối lộ, thụ hưởng xa xỉ, chơi bời trác táng, thậm chí trả thù riêng. Làm quan có nghĩa quyền có, rồi tiền cũng có, sau đó “có tiền mua tiên cũng được”, quan có tất. Và nếu có xảy chân, vạ miệng cái gì, ta có quan trên che đỡ, quan dưới bọc lót, và pháp luật vừa bảo hiểm, vừa còn khối kẽ hở để chui qua. Ai định kiện quan thì chỉ có dại “con kiến kiện củ khoa”.  
- Thứ hai, các thủ đoạn chính yếu để làm quan:  
1- trước hết phải tỏ ra mình có tài, muốn thế thì phải “mồm miệng đỡ chân tay”, làm ít hay không làm được, thì đều phải ba hoa đề cao năng lực của mình, có ít phải xít ra nhiều, khiến cho người ta tin mình tài cao trí rộng.  
2- Khoe khoang chưa đủ, thì phải bắt tay thực hiện, bằng cách “Lý Thông cướp công Thach Sanh”; cấp dưới có đề tài nào hay, ý kiến nào giỏi và ai đó làm được công trạng gì, thì ta phải biến nó thành công trạng cuả mình.  
 3- Phải hạ bệ những đối thủ bằng mọi giá, nhanh nhất là dùng chiêu “gắp lửa bỏ tay người”, như trường hợp Uy-lix đem túi vàng bỏ vào lều của Palamed rồi vu cho chàng là kẻ trộm. 
4- Phải biết dùng võ thị phi “khẩu thiệt vô bằng” tức nói xấu người chẳng cần bằng cớ; dù hư hư thực thực, đối thủ cũng mất danh dự rồi. 
5- Đường quan lại, như người Trung Quốc nói “kẻ trí thường hay trá”, tức người ta đem cái học rộng của mình ra làm ưu thế để gian trá, ra vẻ nói có sách mách có chứng, lừa người khác vào bẫy.  
6- “Nịnh trên, đạp dưới, đá ngang”, đó là phương ngôn người Việt hiện đại giành cho giới quan trường. Tức là, với cấp trên, người ta phải cố gắng nịnh nọt luồn cúi để lấy lòng, cất nhắc hay không là ở cấp trên, nên người Việt còn nói: “mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”, cần gì tài năng đức hạnh đâu, chỉ cần lọt mắt quan trên, ngài đưa vào cơ cấu cho, thì bằng cả đời phấn đấu. Với cấp dưới thì đạp lên đầu mà tiến, vừa để thị uy vừa biến kẻ dưới là đá lót đường. Còn cấp ngang thì phải đấm đá cạnh tranh thật lực, lôi chân dìm nó xuống, để nó đừng có ngoi cao hơn làm mất cơ hội của mình. 
7- Phải biết thanh trừng, thậm chí hạ sát đối thủ bằng mọi thủ đoạn khi cần thiết, khi hai vua không thể chung một nước, hai người không thể chung một ghế. Hơn thế nếu cần, phải biết gạt bỏ những kẻ bất đồng chính kiến với mình theo kiểu “kẻ nào không đồng ý với ta đó là kẻ thù của ta”. Và phải biết liên hợp với người khác dù tốt hay xấu mặc kệ, miễn là “mèo trắng hay đen miễn là bắt được chuột”, và “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta”.  
8- Làm vua chúa, quan lại cần phải biết hứa hẹn, hứa hẹn không ngừng,để cho dân chúng tràn trề hy vọng bỏ phiếu cho mình. Còn thực hiện lời hứa ư? Không cần thiết, thậm chí vua –quan có thể đổi lời hứa xoành xoạch. Bởi thế, người Việt có câu: “Miệng quan chôn trẻ” tức là, miệng quan có thể xổ ra xoành xoạch như chôn của con trẻ chưa đủ khôn lớn của dây thần kinh để kìm nén lại.  
9- Phải biết thí tốt để cứu bàn cờ, đó là ý tưởng của Machiavelli. Ông nói, khi tình hình quá mức tồi tệ, dân chúng bất bình, nhà vua cần chọn một kẻ nào dân chúng căm ghét nhất, và xử thật mạnh, như vậy sẽ đánh lừa được dân chúng, rằng nhà vua không khoan dung với kẻ có tội.  
10- Bắt dân sợ thì có tác dụng và nhanh hơn làm cho dân yêu. 
11- Phải biết độc ác cách tàn nhẫn nhẹ như lông hồng, tàn nhẫn như Nê-rông lừa cả nghìn người vào hàm sư tử để mua vui, tàn nhẫn như Hitler giết năm triệu người Do Thái, chóc nã từng sợi tóc, từng chiếc răng của họ để kiếm đồ trang sức, tàn nhẫn như Stalin đầy hàng triệu người Nga lên vùng Si-bê-ri ngập tràn tuyết phủ, tàn nhẫn như Mao Trạch Đông xoá sổ vài chục triệu người Trung Quốc trong cách mạng Văn Hoá, và như Đặng Tiểu Bình ra lệnh cho xe tăng cán vài nghìn dân chúng ngay giữa quảng trường Thiên An Môn, tàn nhẫn như Khơ - me đỏ lấy cuốc và vồ đập bể sọ vài triệu người – ngót nửa dân số của dân tộc Campuchia... 
12- Sau khi đã độc ác và tàn nhẫn, cần phải biết chiêu bài “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”, phải biết giả đò “ cáo đội lốt thỏ” làm sao trông vẫn hiền như bụt... 
Tất nhiên, dường như chúng ta đang bàn đến khía cạnh tiêu cực của quan trường nhiều hơn hướng tích cực? Không phải vậy, kỳ thực trong một quốc gia nói riêng, cũng như thế giới nói chung, không có gì lớn hơn chính trị, lại càng không thể có gì lớn hơn quyền lập hiến và hành pháp, cái mà triết gia Aristote gọi là lề luật giấy mực – và phi bút mực (tức tinh thần không có văn bản) vừa là thước đo, vừa là ngọn đèn dẫn đường cho mọi hoạt động của xã hội, vậy cái chúng ta bàn chính là mặt lõm của tấm huân chương, mong được đổ khuôn thành mặt phải chính đáng và vinh quang. Quan thanh liêm, còn gì cao trọng hơn thế? Họ được coi là quan phụ mẫu, là cha mẹ, là người trông coi pháp luật cầm cân nảy mực để dân chúng được sống bình an trong ánh sáng của công lý, công bằng. Dẫu vậy, đây mới là chương đầu của cuốn sách, mà cuốn sách còn đi tiếp rất nhiều, và vấn đề toàn thể của nó là “Quan phẩm – và Nhân Phẩm”, trong đó vấn đề Nhân phẩm sẽ được ưu tiên hơn, bởi lẽ, “Quan nhất thời dân vạn đại”, vả lại, có vị quan nào không từ dân mà ra, hơn thế quan không đối chọi với dân, mà một vị quan tinh tốt tức là: đó là vừa một công dân tốt vừa là một tinh hoa ở địa vị cao tốt đẹp do mặt bằng dân chúng chọn lọc ra.

Đọc tiếp: "Quan phẩm và nhân phẩn" - Phần 4

Không có nhận xét nào: