20/1/13

285. “GIỜ HỌC MỞ” TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN


 Hồ Tấn Nguyên Minh
Học phương pháp học 
Tôi viết bài này với mục đích góp một tiếng nói nhỏ từ những trăn trở, suy tư của mình vào việc đổi mới phương pháp tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bộ môn Ngữ văn. Qua đó, tìm ra một hướng đi mở cho giờ dạy – học Ngữ văn trong nhà trường THPT.
          Có một thực tế mà dẫu có yêu môn Ngữ văn đến thế nào, chúng ta cũng không thể phủ nhận. Đó là vị trí của môn học này ngày càng trở nên mờ nhạt trong tâm thức học sinh. Đa số học sinh THPT tỏ ra không có hứng thú với những giờ học Văn trong nhà trường, mà thường xác định là chỉ cần học để đủ thi tốt nghiệp mà thôi.

          Thực trạng đáng buồn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: Nỗi ám ảnh từ con đường quá hẹp cho lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, sự bất cập của chương trình và sách giáo khoa, sự nặng nề và cứng nhắc trong thi cử….. Trong đó còn có một nguyên nhân khác là phần lớn giờ dạy Văn trong nhà trường chưa thực sự tạo được sức cuốn hút, nếu không muốn nói đa phần là nhàm chán và đơn điệu đối với học sinh.
          Ở ta, dường như đã thành quy định, thầy/cô giáo lên lớp là phải thực hiện  đầy đủ tất cả các bước. Từ kiểm tra sĩ số, kiểm tra bài cũ, lời dẫn vào bài, giảng bài cho đến củng cố bài và hướng dẫn bài mới. Thiếu một bước coi như tiết học không thành công, không thực hiện một khâu coi như bài giảng chưa hoàn thành. Quy trình dạy học này đảm bảo sự kĩ lưỡng, chỉn chu cho tiết dạy. Nhưng vô hình trung nó làm giảm khả năng sáng tạo, hạn chế sự thăng hoa của người thầy.
          Có những thầy/cô khi dạy đến chỗ tâm đắc, muốn nói thêm nhưng lại sợ không kịp giờ, không đảm bảo quy trình nên không dám nói. Lại có những kiến thức học sinh  đã biết cả rồi, đã được ghi rất rõ trong sách giáo khoa, nói lại đâm ra thừa. Vậy mà vẫn không dám bỏ qua để nói cái khác. Đa số thầy cô giáo của chúng ta lên lớp thường mong một tiết dạy chu đáo, suôn sẻ từ đầu đến cuối theo công thức nhất định. Thành ra tiết nào cũng như tiết nào, thường là đều đều trôi qua theo một kịch bản định sẵn. Ít khi thấy sự bứt phá, vượt rào, phá cách trong giờ dạy.
          Tôi nghĩ, thầy cô giáo cũng như nghệ sĩ. Đặc biệt thầy cô giáo dạy Văn càng phải như những nghệ sĩ bởi ngoài việc giảng dạy tri thức, họ còn mang thiên chức bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, cảm xúc và những rung động thẩm mĩ cho học sinh. Tài năng của họ không thể thăng hoa nếu cứ phải chịu sự bó buộc trong những khuôn khổ, những quy định quá chặt chẽ, giáo điều.
          Thầy cô nào chỉ chăm chăm vào những điều được ghi trong sách giáo khoa và sách giáo viên, học thuộc lòng để rồi lên lớp rồi "diễn" lại theo một quy trình định sẵn, không sai một bước, không trừ một khâu, thì bất quá cũng chỉ là "thợ dạy" chứ không thể là thầy cô giáo – nghệ sĩ thực thụ được.
          Do đó cần tạo ra những khả năng mở, những cơ chế thông thoáng để thầy và trò tự do sáng tạo. Đôi khi trong một tiết dạy, thầy giáo chỉ cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu thật sâu một hay hai vấn đề quan trọng thôi, phần còn lại có thể để các em tự tìm hiểu. Thậm chí có thể bỏ qua những kiến thức trong sách giáo khoa, để dành thời gian cho những kiến thức nâng cao hơn.
          Người thầy phải tùy cơ ứng biến trước những đối tượng học sinh khác nhau. Phải linh hoạt sáng tạo, bỏ qua những gì là hình thức không cần thiết thì mới có thể tạo ra được sức hấp dẫn, sự lôi cuốn trong giờ dạy. Những giờ học không câu nệ tiểu tiết như thế được xem là “giờ học mở”.
          Một  “giờ học mở” không thể là giờ  học mà quan hệ thầy - trò chỉ là quan hệ một chiều theo kiểu người thầy độc quyền thuyết giảng kiến thức, còn học sinh thì lắng nghe và tiếp thu một cách thụ động. Trái lại, một “giờ học mở” phải là giờ học lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh có quyền trao đổi, thậm chí có thể có ý kiến phản biện lại những điều thầy giáo trình bày. Theo đó, mỗi “giờ học mở” là một diễn đàn học thuật để thầy và trò cùng nhau thảo luận, bàn bạc, tranh luận một cách cởi mở, thẳng thắn cho đến khi tìm ra chân lý.  “Giờ học mở” còn là giờ học không kết thúc ở 45 phút theo quy định, mà mở ra cho học sinh vô vàn cơ hội tự học. Điều này rất cần thiết cho các lớp năng khiếu, chuyên sâu.
          Thầy/cô giáo dù có giỏi đến đâu thì trong vòng 45 phút cũng khó có thể truyền đạt hết những kiến thức sâu sắc nhất. Chính vì thế, cái quan trọng không phải là anh dạy cái gì, mà là anh có cung cấp kiến thức và giúp được cho học sinh phương pháp tự học hay không. Đây là điều mà chúng ta cần hướng đến để có thể đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời đại năng động như hiện nay. Nói như Thomas L. Fridman trong quyển “Thế giới phẳng” : “ Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới phẳng là khả năng học phương pháp học”.
          Linh hoạt và đa dạng
          Đã gọi là “Giờ học mở” thì lẽ dĩ nhiên không thể đưa ra một mô hình, một hướng đi cụ thể nào để áp dụng chung cho tất cả mọi người. Trái lại, mỗi thầy/cô giáo tùy theo điều kiện và khả năng thực tế mà linh hoạt tổ chức sao cho giờ dạy của mình trở nên sinh động, tích cực và tạo được sự hào hứng cho học sinh.
          Tuy nhiên, bằng trải nghiệm thực tế và tâm huyết trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy ở trường THPT chuyên, tôi mạo muội đưa ra một số phương pháp (đã được tôi áp dụng) để cùng mạn đàm với các bạn đồng nghiệp gần xa:
          1. Tổ chức thuyết trình theo nhóm:
          Tổ  chức lớp thành những nhóm học tập. Giao cho mỗi nhóm một hoặc một số vấn đề (thuộc kiến thức trọng tâm của bài học), yêu cầu mỗi nhóm tổ chức bàn bạc, thảo luận ở nhà sau đó thống nhất viết thành bài thuyết trình chung cho cả nhóm. Giờ học trên lớp, mỗi nhóm cử một đại diện trình bày bài thuyết trình trước lớp. Thầy/cô giáo tổ chức cho lớp thảo luận, tranh luận xung quanh vấn đề được trình bày và chốt lại những kiến thức cơ bản nhất.
          2. Tổ chức giờ dạy – học theo mô hình “ Chương trình phỏng vấn chuyên gia”:
          Giao vấn đề (thuộc kiến thức trọng tâm của bài học), yêu cầu học sinh chuẩn bị kĩ lưỡng ở  nhà. Giờ học trên lớp, thầy/cô giáo tổ chức lớp thành một diễn đàn đối thoại, cử ra một học sinh làm phóng viên, một học sinh khác làm chuyên gia (hoặc thầy/cô giáo làm chuyên gia) để phỏng vấn chuyên gia về những vấn đề xoay quanh bài học. Tất cả những học sinh khác tham gia với tư cách là người đối thoại với chuyên gia. Theo đó, giờ học sẽ trở thành một môi trường để thầy và trò tham gia thảo luận về bài học.
 3. Tổ chức tranh luận:
          Đối với một số tiết, đặc biệt là những tiết dạy kĩ năng làm văn, chúng ta có thể áp dụng hình thức tổ chức này. Thầy/cô giáo đưa ra những đề văn mở có thể tạo ra các hướng lựa chọn khác nhau, ví dụ như: “ Chợ quê hay siêu thị”, “ Thành phố hay nông thôn”, “ Nữ sinh nên mặc áo dài truyền thống hay trang phục hiện đại đến trường”, “ Giả sử bạn tham gia vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, bạn sẽ ủng hộ bên nào?Lý do tại sao?”… Chia lớp thành hai nhóm, mỗi nhóm theo một hướng lựa chọn và tranh luận với nhóm kia để bảo vệ quan điểm của mình.
          Trên  đây là những suy ngẫm, trăn trở của tôi xung quanh khái niệm “giờ học mở”. Nhiều người góp ý với tôi rằng: Giờ học mở hay thì hay thật đấy, nhưng rất khó thực hiện. Quả đúng là khó thật. Thay đổi một thói quen, một nếp nghĩ đã ăn sâu trong tâm trí không phải chuyện đơn giản. Hơn nữa không phải chỉ có người thầy muốn thay đổi là thay đổi được. Còn phụ thuộc vào chủ trương giáo dục của nhà nước, thái độ của các nhà quản lý và nhiều yếu tố khác nữa.
          Nhưng nếu cứ thấy khó mà không chịu thay đổi thì đến bao giờ chúng ta mới tiến bộ được đây? Tôi dù có thể suy nghĩ còn có phần nông cạn, vụng về, cũng xin mạnh dạn nêu ra vấn đề này để chúng ta cùng suy ngẫm.   

Không có nhận xét nào: