2/2/13

297. VỀ THÔI EM – MẢNH HỒN XA QUÊ ĐAU ĐÁU…

           Phan Văn Anh 
                   (Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC - xuân Quí Tỵ 2013)


                                     “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
                                    Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say…”

          Cái say mặn nồng của xứ đất  hay chút men nồng của rượu… cũng chính là cái men tình ngất ngây của người dân đất Quảng bình dị, chân chất như mạch nước nguồn không ngừng chảy trên bến thời gian, như bát nước chè xanh xua cơn khát trong những trưa mùa hạ nắng gay, nắng gắt ở một vùng quê miền Trung lắm nắng nhiều mưa. Tất cả tạo nên một hồn quê dung dị , một nỗi nhớ quê quay quắt  mỗi khi Tết đến, xuân về. Bài thơ  tâm tình “rất Quảng” của Dương Quang Anh - “Về thôi em” - bắt nguồn từ mạch sống ấy: 

VỀ THÔI EM
Em ra không, mai anh về đất Quảng.
Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.
Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào,
Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát.

Em ở biển ngọn khoai trườn nổng cát, 
Anh trên nguồn đá chẹn củ mì eo
Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo
Vẫn khen đất mình chưa mưa đà thấm
                                                                                             
Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm, 
Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo,
Lận đận một đời quảy gánh gieo neo,
Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển

Đất dễ thấm - dễ mềm lòng quyến luyến, 
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
Đờn Miếu Bông ai chọn phím so dây,
Để ta khóc theo chuyến tàu hối hả ?

Về thôi em, bận lòng chi xứ lạ.
Sông Thu ta dẫu bên lở bên bồi,
Dẫu mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi,
Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi.

Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải, 
Cha mẹ trông ta - mòn Hòn Kẽm Đá Dừng !
      (Dương Quang Anh, Tuyển tập thơ Chưa mưa đà thấm Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1998)
          Một trong những người con xa xứ,  nhà thơ Dương Quang Anh  trở thành gương mặt tiêu biểu  của văn học Đất Quảng. Ông sinh năm 1946, quê ở thôn Việt An, xã Bình Lâm, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - nay là xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Dương Quang Anh có thơ đăng trên một số báo, tạp chí... Bài thơ Về thôi em được Dương Quang Anh viết cuối năm 1997, được tuyển chọn và in trong tuyển tập thơ Chưa mưa đà thấm do  Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Dương Quang Anh sáng tác không nhiều, tuy vậy, bài thơ Về thôi em của ông là một bài thơ đã in đậm dấu ấn trong tâm hồn bao con người Quảng Nam. 
         Ấn tượng đầu tiên khi tôi đọc bài thơ Về thôi em, đó là lời tâm tình tha thiết trong nỗi nhớ thương da diết, quay quắt của một người con xứ Quảng phải xa quê trong những ngày giáp tết nôn nao ở tận miền Nam. Lời tâm tình trong thương nhớ đến xót lòng ấy có lẽ hẳn được cất lên từ thẳm sâu tình cảm trong những ngày tha hương của chính tác giả thì mới chân thành đến thế. Nhưng bài thơ không chỉ là lời tự viết cho mình. Về thôi em quả đã gợi được nỗi lòng chung của những con người Quảng Nam xa xứ :
Em ra không, mai anh về đất Quảng.
Trời miền Nam giáp tết quá nôn nao.
Thèm chi mô một chén rượu Hồng Đào,
Dẫu chưa uống - chỉ say từ câu hát.                
          Lời mời gọi của chàng trai đất Quảng với những người em thân yêu như mạch cảm xúc tuôn trào từ trái tim đang  thèm khát trở lại cố hương trong những ngày giáp tết ở miền Nam. Nỗi nhớ đang cuộn chảy nhớ quay,  nhớ quắt như chuyến tàu cuối năm hối hả về lại quê nhà khiến nhà thơ- nhân vật trữ tình nghĩ đến mà nôn nao cõi lòng. Làm sao không nhớ quê được bởi cái tết ở một vùng quê  miền Trung lắm nắng  nhiều mưa đong đầy bao kỉ niệm khó phai, bao tình cảm mặn nồng của tổ ấm gia đình: “ Tết nay con không về, mẹ chờ tin con...”. Đặt nỗi nhớ vào một khoảng không gian và thời gian rất đặc biệt khiến những ai xa quê,  tết này không về ăn tết cùng gia đình chắc không khỏi chạnh lòng! Vẫn chất  giọng Quảng Nam mộc mạc “ thèm chi mô”, nỗi nhớ của kẻ tha hương được khơi nguồn từ câu hát quê hương :
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Thương nhau chưa đặng mấy ngày
Đã mang câu ơn trượng nghĩa dày bạn ơi”.
Rượu Hồng Đào – Một hình ảnh siêu thơ độc đáo đến lạ thường. Chưa nhấm mà say, phải chăng say cảnh, say người hay say chút men rượu của quê hương xứ Quảng. Cách nói quá ở đây càng thể hiện phong cách của người Quảng: thèm được nhấp môi một chén rượu Hồng Đào- hương vị  vừa cay, vừa đượm được ủ từ hạt gạo đồng quê, từ giọt mồ hôi của bao người nông dân vất vả, chân quê.
          Qua nỗi nhớ, sau hồi tưởng, kẻ tha hương như thấy mình được sống lại với từng cảnh vật thân thiết của quê hương : thèm được nhìn lại hình ảnh ngọn rau khoai trườn lên nổng cát hay củ mì (còn gọi là củ sắn) trên nguồn bị đá “chẹn” đến méo mó về hình dạng“ mì eo”.
          Câu ca tiếp tục khơi nguồn cho nỗi nhớ “Ai ơi nhắn với bậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Lấy chất liệu từ câu ca ân tình đất Quảng, nhà thơ như muốn gợi lại cho những người xa xứ nhớ về một mảnh đất miền Trung với cả không gian sinh hoạt và lao động của hai miền biển và trung du: “Biển dưới em con cá chuồn ngon lắm/ Trên nguồn anh trái mít phải lòng theo”. Nơi ấy  chính là  mảnh hồn làng của nhà thơ và của những đứa con đau đáu một miền quê!
          Người đi xa còn nhớ và thương biết mấy người dân quê xứ Quảng, nhớ và thương biết mấy cha mẹ ngày xưa đã vất vả gian nan, vật lộn với cái đói, cái nghèo của đất quê. Nơi ấy còn có bóng  hình âm thầm làm lụng của cha ta :“Cả đời cha cày bới lượm đói nghèo/ Vẫn khen đất mình chưa mưa đã thấm”, của  cả một đời mẹ ta tảo tần, chịu thương, chịu khó: “Lận đận một đời quảy gánh gieo neo/ Nuôi con lớn mẹ lên nguồn xuống biển”. Nhà thơ không chỉ bộc lộ nỗi niềm thương nhớ đến quặn lòng mà còn tự hào bởi người dân đất Quảng giàu tình cảm, yêu quê hương, cần cù, chịu thương, chịu khó. Ý thơ lan tỏa một nỗi niềm canh cánh, bâng khuâng của những người con nhớ quê đến não cả ruột gan!
          Lớn lên trên mảnh đất đầy khó khăn mà nặng nghĩa tình ấy, lòng người xa quê - dẫu đang sống giữa chốn phồn hoa đô hội - vẫn không nguôi nhớ về đất quê, nguyện giữ mãi tấm lòng son sắt:                     
Đất dễ thấm - dễ mềm lòng quyến luyến, 
Người đi xa nhớ muối mặn gừng cay
          Quê hương là cả một hồn thơ. Có xa quê mới thấy lòng mình trống trải, nỗi nhớ về những địa danh thân thương như Miếu Bông, Hòn Kẽm Đá Dừng, sông Thu cứ dồn dập hiện về trong tâm trí người xa quê như lời hối thúc : về đi, về với quê hương thân thiết dấu yêu, dẫu quê ta “bên lở bên bồi”, dẫu quê ta “Mỗi năm mỗi nước lụt cuốn trôi”, dẫu quê ta còn vô vàn khó khăn, vất vả ! Mảnh đất ấy vẫn kiên trung, bám đất , giữ làng như con người Quảng Nam đã từng hiên ngang trong bom rơi, lửa đạn của chiến tranh ác liệt : “Cây măng sậy vẫn bám bờ xanh mãi”.  Hình ảnh ẩn dụ ở đây như  bộc lộ cốt cách, bản chất sắt son, chung thủy, trước sau như một của con người Quảng Nam  như cây măng sậy vẫn  gan góc vươn lên trong giông bão.                           
     Và không chỉ tình quê mà còn có một tình cảm thiêng liêng khác thôi thúc mãnh liệt bước chân người xa xứ hãy mau quay về trong những ngày tết cận xuân kề : đó là nỗi nhớ mong cháy lòng của cha mẹ từ phương trời cũ:
Chắc vườn xưa chừ ửng vàng hoa cải, 
Cha mẹ trông ta - mòn Hòn Kẽm Đá Dừng !
Lại vận dụng phương ngữ Quảng Nam: chắc, chừ... nhà thơ liên tưởng đến một cảm xúc mới, một nỗi nhớ  mới.Vườn xưa hay chốn quê nhà có luống rau cải mẹ trồng, có luống  hành ngò, luống tỏi mỗi độ xuân sang. Nỗi nhớ con của mẹ cha nơi chốn quê nhà được hình tượng hóa bằng câu ca rất Quảng:
Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!
          Nỗi nhớ  trông con đến mòn cả mắt. Cách phóng đại nỗi nhớ  đến mòn cả Hòn Kẽm Đá Dừng. Mượn sự vật để cách điệu nỗi nhớ của mẹ cha, thế mới biết tình cha nghĩa mẹ sâu nặng biết dường nào!
          Bài thơ đưa vào và vận dụng thành công hình ảnh lẫn ý tình của những câu ca dao thân thuộc tự lâu đời với bao người dân xứ Quảng. Không gian nghệ thuật của bài thơ, nhờ thế, chan chứa ân tình. Có thể nói, cái chất dân gian, hơi thở của cuộc sống, cái hồn đất Quảng như thấm sâu trong từng câu, từng chữ của bài thơ.  Mộc mạc nhưng sâu lắng như ý tứ lan toả từ câu ca mang hương đồng cỏ nội.  Về thôi em của Dương Quang Anh  như  tiếng chuông chiều đánh thức trong tiềm thức mỗi con người xứ Quảng xa quê lúc Tết đến xuân về một tình quê dung dị, yêu thương...                                          
                                                                                    Tháng 12/2012
 (Phan Văn Anh: gv Trường THCS Nguyễn Trãi- ĐL)

Không có nhận xét nào: