19/10/14

494. NHỮNG Ý TƯỞNG LỘT XÁC GIÁO DỤC

Phi Tuyết
Hôm nay, trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đặt vấn đề, tiếp vận và suy nghĩ theo một hướng khác với thông thường.
Vẫn là chủ đề về giáo dục, những yếu kém, cải cách và hệ lụy. Nhưng nói mãi rồi cũng chán. Phân tích mãi cũng chẳng tới đâu. Chỉ hôm nay thôi, chúng ta hãy thôi phân tích, thôi nhìn lại. Hôm nay chúng ta chỉ cần nói thực trạng và đưa ra giải pháp, thế thôi.

Nêu thực trạng và đề giải pháp trong cải cách giáo dục, đó không phải là trách nhiệm của riêng ai, riêng nhà giáo dục nào. Đó phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, những người đã từng đi học, từng ghét học, những người yêu việc học, những người không còn đi học nữa, cho tới những người đang có con cái đi học mỗi ngày hay những người độc thân…
Tất cả chúng ta dù ít dù nhiều đều có những bất mãn và ý tưởng sáng tạo cho việc học nói riêng và giáo dục nói chung. Hãy cùng nhau góp bão ý tưởng cho vấn đề này. Cùng nhau góp gió cho một cuộc thay da đổi thịt một ngày không xa mà ta mong đợi. Đừng phản đối ai, đừng chỉ trích ý tưởng nào, chỉ ghi nhận, góp ý và bổ sung thôi, được chứ?
Đây là một vài ý kiến kèm giải pháp của riêng tôi:
1.     Nhà giáo
Không thể để nhà giáo là một ngành dễ dãi, ai vào cũng được, ai vào cũng xong, không biết thi cái gì thì thi sư phạm, không thể để cho giáo viên lương không đủ ăn để rồi quay cuồng với cơm áo gạo tiền đến mức chẳng còn thiết tha truyền đạt kiến thức, chẳng còn thiết tha quan tâm đến việc giáo dục thật sự. Người giáo viên phải được tuyển chọn từ những cá nhân ưu tú, vốn hiểu biết phong phú, đầy tính sáng tạo và giỏi truyền đạt cảm hứng đến những người khác.
Để thu hút được những cá nhân đó, ngoài đánh vào niềm đam mê, khát vọng cống hiến còn phải trả cho họ một mức lương xứng đáng đủ để họ không còn phải bận tâm cơm áo gạo tiền. Không có học sinh ngu, chỉ có giáo viên chưa đủ giỏi, chưa đủ tầm để dạy dỗ những người khác. Nếu chúng ta gầy dựng được một thế hệ nhà giáo tâm huyết, tài giỏi, sáng tạo và cấp tiến, trọng chất lượng chứ không trọng số lượng, sức học và trình dân trí của thế hệ trẻ nhất định sẽ thăng tiến rất nhanh.
2.     Sách giáo khoa
Chỉ nên là một bộ sách tham khảo, giáo trình dạy và học nên được mở rộng theo hướng hòa nhập với kho tri thức khổng lồ của nhân loại và thế giới. Giáo viên nên được tự soạn bài vở giáo trình những kiến thức, thông tin nào họ tâm đắc nhất, muốn truyền đạt nhất cho các thế hệ tiếp nối. Người viết sách, phải là người có tâm, có tầm, vốn hiểu biết lớn và nhất là phải đứng ở vị trí trung dung, không thiên vị, không bị định hướng. Phải là người công bằng, trung thực và khách quan. Những người này, rất hiếm, nhưng không phải là không có. Nếu cần, cứ tìm, sẽ thấy ngay.
3.     Giáo dục cần tôn trọng sự thật
Sự thật từ bộ môn lịch sử, tới những tinh thần triết học, kể cả các thể chế chính trị cho tới thực trạng thực tế của đất nước. Xin đừng ru ngủ các thế hệ học sinh bằng những mỹ từ hào nhoáng: “Rừng vàng biển bạc, bốn ngàn năm văn hiến, các danh xưng vĩ nhân, những chiến thắng oanh liệt…”
Tôn trọng sự thật từ những chính sách thất bại, những đường lối sai lầm trong quá khứ. Chúng ta học được kinh nghiệm, từ cái sai, cái bại, không bao giờ dám nhận sai, thì ai còn học được gì?
Tôn trọng sự thật từ những bài làm văn ngây ngô của các em học sinh lớp một, đừng bắt chúng phải tả gia đình theo một khuôn mẫu: “Ba ngồi xem tivi, mẹ dạy em học bài, bà nội ngồi đan len, ông nội ngồi đọc sách…”
Giáo dục phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, trong mọi lĩnh vực và mọi hành động. Chỉ khi nào sự thật được tôn trọng, dù cho nó không tốt, thì lúc đó chúng ta mới có thể ngậm ngùi oai phong đứng lên từ đống tro tàn, rũ bỏ quá khứ như loài chim Phượng Hoàng cao quý rũ bỏ lớp tro. Chứ cứ mãi nhầy nhụa trong đám tro tàn của những thứ cũ kỹ, giấu diếm, những lời dối trá và những câu chuyện bị bóp méo, thì ta mãi chỉ là loài quạ đen tầm thường bị cả thế gian nhìn bằng con mắt mỉa mai khinh thường. Sao ta có thể chấp nhận chuyện đó? Sao ta có thể để cho con cháu mình sống trong một viễn cảnh như vậy?
4.     Ý tưởng, sáng tạo
Giáo dục phải hướng về tương lai, phải khuyến khích sáng tạo, đề cao sáng tạo, tập trung vào sáng tạo nên cái mới và đưa ra mọi ý tưởng. Cần phải có những bộ môn chuyên về giới thiệu những tinh hoa ý tưởng của thế giới và những bộ môn chỉ tập trung vào cách tạo ra các ý tưởng giá trị, khơi gợi trí óc cũng như khả năng sáng tạo vô biên của con người, của thế hệ trẻ. Và xem đó là nguồn tinh lực của quốc gia để nghiên cứu, đầu tư vào những ý tưởng đáng giá.
5.     Đọc sách
Trường học nên là nơi đọc sách không giới hạn, phải là nơi khơi gợi, thậm chí ép buộc người ta phải đọc sách. Sách là cách ngắn nhất và hiệu quả nhất giúp người ta tiếp cận nền tri thức vĩ đại của loài người từ ngàn xưa đến nay, và thậm chí dự đoán trước cả những diễn biến trong tương lai nữa. Mở rộng nhận thức, mở rộng tư duy rồi thì chúng ta sẽ mở rộng được khả năng cũng như tiềm năng của bản thân mỗi người, của đất nước. Từ cấp học nhỏ nhất đến lớn nhất, nên có những bộ môn chuyên việc khuyến khích, giới thiệu và bàn luận về sách, những tư tưởng trong sách, từ sách văn học đến khoa học, kinh tế và triết lý sống…
Trường học theo mô típ đơn vị kinh doanh sinh lợi cũng là một ý hay. Hệ thống trường học hiện tại là một mô hình độc tài không cho phép học sinh lựa chọn nội dung học và cách thức học. Nếu như trường học là những đơn vị độc lập, muốn thu hút học sinh, sinh viên, họ buộc phải xây dựng yếu tố chất lượng lên hàng đầu, tất cả những cải cách và chính sách đều hướng về đối tượng tiếp nhận là học sinh sinh viên, thậm chí có thể xem họ như khách hàng mà đặt họ vào trung tâm, rồi từ đó cung cấp dịch vụ là những thứ khách hàng cần chứ không phải thứ mình có. Hẳn giáo dục sẽ khởi sắc và được thay gia đổi thịt.
6.     Cách đánh giá, điểm số
Trình độ và nhận thức cũng như trí óc của con người không thể được cào bằng và đánh giá bằng những thang điểm cứng nhắc. Hãy bỏ luôn thang điểm đi mà chú trọng vào những cách đánh giá thiết thực và hiệu quả hơn. Thay vì giáo viên đánh giá học sinh, hãy để cho học sinh đánh giá và chấm điểm chính giáo viên của mình. Giáo viên hãy đánh giá học sinh không phải bằng điểm số, mà bằng những lời nhận xét, định hướng, những lời khuyên chân thực và khách quan nhất.
7.     Ngoại ngữ
Là một bộ môn quan trọng, cánh cửa thần kỳ giúp chúng ta tiếp cận và hòa nhập với cả thế giới, từ kinh tế đến văn hóa, du lịch, tri thức và thông tin. Chúng ta vốn dĩ vẫn xem trọng ngoại ngữ nhưng phương pháp dạy lại sai hoàn toàn với mục đích mà ta mong muốn và thực tế chẳng đem lại kết quả gì cho phần lớn học sinh. Bằng chứng là sau 6 năm trời học Anh văn bắt buộc, mấy ai có thể giao tiếp được với người nước ngoài?
Để học được ngoại ngữ và sử dụng được ngoại ngữ chúng ta nhất thiết phải thay đổi hoàn toàn phương cách giảng dạy và tiếp cận. Kể cả những giáo viên giảng dạy, chỉ cho những người thành thạo ngoại ngữ, phát âm chuẩn để giảng cho thế hệ trẻ. Chứ thế hệ chúng ta, đã lệch đường quá nhiều rồi, giao tiếp không được, ngữ pháp không xong, đến phát âm cũng trở thành thảm họa.
Ngoài tiếng Anh, trường học nên có dạy cả những ngoại ngữ khác, như tiếng Trung, tiếng Pháp hay thậm chí tiếng Nhật, Hàn, Thái Lan… muốn học hỏi đất nước nào, muốn giao thương kinh tế với nước nào, hãy học ngay ngôn ngữ của họ, không cần qua một tầng Anh Văn trung gian chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển đất nước.
8.     Nghệ thuật, thể dục thể thao
Cần được chú trọng nhiều hơn nữa cả về số lượng và chất lượng. Nghệ thuật đừng chỉ dừng ở nhạc và họa, thể thao đừng dừng ở nhảy cao nhảy xa, hãy tập trung vào những bộ môn giúp nâng cao thể chất con người. Hãy tập trung nhiều cho những môn như cầu lông, bơi lội… và biến nó thành bộ môn bắt buộc vừa có tác dụng về sức khỏe vừa có tác dụng nâng chiều cao trung bình của người Việt trong tương lai. Không nên xem nhẹ bất cứ bộ môn nào, kể cả những bộ môn như sức khỏe giới tính, triết học, đạo đức, thủ công… Những môn học phụ này không nhất thiết phải kéo dài cả năm như hiện hành. Có thể cô đọng lại thành những khóa nhỏ, nhưng phải thiết thực, bổ ích và hiệu quả.
9.     Dạy về đạo đức và văn hóa
Xem đây là xương sống của nền giáo dục, hãy dạy về nó mỗi năm, biến nó thành một nét văn hóa tốt đẹp, đồng nhất, gắn liền với bản thân mỗi người từ cấp học nhỏ nhất đến cấp cao nhất. Hãy luôn để những triết lý sống đúng đắn, những nét văn hóa tinh hoa đồng hành cùng thế hệ trẻ. Dạy họ nghĩ về chúng, nói về chúng, bàn về chúng, viết và thậm chí cả phản biện chúng. Trí óc của chúng ta rất là hay, nếu được “nhồi sọ” rằng mình là người tốt thì tự ắt sẽ có xu hướng sống tốt. Nếu có tư tưởng nào cần được nhồi sọ, thì chắc chắn chỉ có thể là những tư duy đúng đắn về cuộc sống này. Giáo dục đổi mới cần phải biết điều này.
Bạn có ý tưởng gì không?
Một câu chuyện thú vị có thể khiến bạn suy nghĩ: Những quốc gia Phi Châu nghèo khó, họ đi sau thời đại quá lâu, nhưng cũng có một điều thuận lợi khi họ dễ dàng ứng dụng những tiến bộ mới nhất của thế giới. Tiêu biểu nhất là họ đã bỏ qua hẳn thời kỳ tiếp cận điện thoại bàn để sử dụng luôn điện thoại di động. Một bước nhảy cóc cực kỳ khôn ngoan. Giáo dục của chúng ta không phải lạc hậu, mà là lạc đường, thì thiết nghĩ việc cải cách một cách toàn diện, thay đổi một cách mạnh mẽ hẳn cũng không quá là điều khó khăn. Vấn đề là, làm sao để những người cầm quyền nhận ra được điều đó.
Và dành cho những ai phản đối những ý tưởng cải cách, những người nói rằng những điều này là không thể:
“Nếu như bạn cho rằng hệ thống này là không thể thay đổi, thì bạn cũng đừng ngăn cản những người đang cố thay đổi nó.” – Khuyết danh
Và: “Mọi bước ngoặt lớn lao trong lịch sử loài người, đều bắt nguồn từ những ý tưởng điên rồ và lẻ loi.” – Khuyết danh
Khi ta muốn, ta sẽ tìm cách.
Khi ta không muốn, ta tìm lý do!
             Nguồn: THĐP

Không có nhận xét nào: