21/8/17

983. CON NGƯỜI VÀ GIÁO DỤC

          Mộc Nhân

Một năm học mới lại đến trong cơn khủng hoảng triền miên của giáo dục: chạy trường, chạy điểm để vào được các lớp đầu cấp của trường VIP, cơ sở giáo dục nhất là ở vùng sâu vùng xa chưa đảm bảo cho hoạt động dạy học, tình trạng giáo viên nơi thừa nơi thiếu, bệnh thành tích ảo, báo cáo láo, thiếu trung thực… Những cơn khủng hoảng mãn tính đó chưa yên thì nay lại nảy sinh thêm những di căn mới.

Chẳng hạn như các "quái ngôn" của ngài Bộ trưởng bộ GD – trích lại tóm tắt:
- Ngành giáo dục phải học tập ngành công an, quân đội: lấy điểm đầu vào thật cao, cho hưởng lương cao, bảo đảm chỗ làm khi ra trường thì chất lượng giáo dục sẽ nâng cao (!)
- Muốn tinh giảm biên chế trong ngành GD thì đưa hết giáo viên đang biên chế ra hợp đồng (!)
Chẳng hạn như các cơ sở đào tạo đang trong tình trạng sống dở chết dở:
- Tuyển giáo sinh vào ngành sư phạm với điểm 3 môn thi dưới 10 điểm
- Giáo viên được đào tạo khi ra trường thì thất nghiệp nhưng không đào tào thì giáo viên ở các cơ sở đào tạo thất nghiệp.
Các hiện tượng:
- Thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học
- Thí sinh thấp điểm nhưng nhờ ưu tiên nên vẫn đỗ ĐH trong khi nhiều em học giỏi, điểm cao nhưng vẫn không được nhận vào học…
Một bức tranh toàn cảnh của GD không mấy sáng sủa khiến cho hình ảnh giáo viên và ngành GD trông rất thảm. Đành rằng bức tranh nào cũng có chỗ tối chỗ sáng, ngành nghề nào cũng có người tốt người xấu chỗ đúng chỗ sai nhưng một ngành nghề được xem là “phương diện quốc gia” là “nguyên khí quốc gia” thì sự thảm hại của nó là đáng báo động.
Một anh bạn giáo viên nói vui: chỉ có mấy ông lãnh đạo Bộ GD làm xấu giáo viên chứ giáo viên không làm xấu mình. Tất nhiên đó là một câu nói chưa phải là đúng hoàn toàn vì những chuyện “gạ tình đổi điểm”, “giáo viên dâm ô”, “giáo viên bạo lực”… thỉnh thoảng vẫn xảy ra đây đó; nhưng câu nói ấy có ý nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo ngành mà cụ thể là bộ trưởng GD – trong việc chấn hưng GD.
Chúng tôi không có ý định so sánh GD và GV ở Việt Nam với các nước khác vì sự so sánh ấy dẫn đến mủi lòng. 
- Đất nước còn nghèo, đồng lương giáo viên ít ỏi nên có đòi hỏi cũng không được tăng lương ngay mà phải theo “lộ trình”; 
- Cơ sở vật chất thiếu thốn có kêu ca cũng không được đáp ứng ngay mà phải chờ “sự quan tâm của các cấp chính quyền”; 
- Áp lực dạy học (do chương trình, do nhân cách đạo đức học sinh xuống cấp nghiêm trọng, do dư luận xã hội…) đè nặng lên giáo viên, có than thở cũng không giải quyết được gì vì đó là qui chế, cơ chế, pháp lệnh, là luật; 
- Áp lực học tập của học sinh cũng nặng nề (do chương trình, do học thêm, học các lớp nâng cao bồi dưỡng, lớp luyện thi, do tham gia các hoạt động phong trào…) nhưng đó là nhiệm vụ, là tương lai bản thân và gia đình, là yêu cầu “giáo dục toàn diện”. 
Tôi nhẩm tính với 1 học sinh giỏi lớp 9 được học tập “toàn diện” – chỉ với bộ môn Ngữ văn thì một tuần các em sẽ học môn này 18 tiết bao gồm: 5 tiết chính khóa + 9 tiết bồi dưỡng học sinh giỏi tại trường (3 buổi/ mỗi buổi 3 tiết) + 4 tiết học thêm (2 buổi/ mỗi buổi 2 tiết). Đó là chưa kể các môn khác.
Ngành GD đang khổ mình với những cơn đau hậu phẫu sản khoa: từ chuyện vĩ mô như các loại hình thí điểm: thí điểm kiểu dạy theo chương trình trường học mới VNEN, thí điểm thay đổi chương trình, thí điểm thay đổi đánh giá, thí điểm đổi mới, tranh cãi về chương trình và sách GK… đến các chuyện vi mô như: chỉ tiêu thi đua, “sáng kiến kinh nghiệm”, giáo án, các phong trào, các hội thi, các kiểu ứng dụng vận dụng công nghệ thông tin, các loại phần mềm, các lớp tập huấn cứ lặp đi lặp lại… Tất cả đều có lí do để tồn tại song hành với hoạt động GD nhưng rốt lại chỉ làm cho giáo dục rối lên như mắc tóc, giáo viên nản lòng chán ngán... rồi muốn gỡ rối lại phải mất thì giờ và tiền bạc cho hội thảo, rút kinh nghiệm, đánh giá lại, sửa đổi, bổ sung, các công văn chỉ thị chỉ đạo xóa hội thi này, bỏ cuộc thi kia…
Nhà trường là một bộ phận cấu thành xã hội nhưng khi nhà trường được xem là xã hội thu nhỏ với các màu sẫm: từ nạn chạy chức, chạy quyền đến nạn chạy trường, chạy điểm, làm tiền, làm tình, tham ô, thiếu kỉ cương, thiếu chính danh “thầy ra thầy, trò ra trò”… thì đó là nhà trường hoen ố, phản ảnh đạo đức xã hội đang suy đồi, phản ảnh rối loạn xã hội, báo động khủng hoảng với những hệ lụy khó lường.
Khủng hoảng GD là một vấn đề đã được nói nhiều và nó có quan hệ với các cơ chế kinh tế, xã hội. Kinh tế Việt Nam đã chuyển từ cơ chế bao cấp sang quy luật của thị trường, nhưng nền giáo dục thì vừa được bao cấp như là hoạt động mang tính công ích (hành chính sự nghiệp) vừa phải vận động theo quy luật thị trường (thu chi, cạnh tranh giữa các cơ sở GD, thu nhập của giáo viên...).
Trong cơ chế ấy, sự đảo lộn các giá trị cũng là điều dễ hiểu. Các môn học đào tạo các giá trị nhân bản, khai sáng, làm cho con người có lí trí và tư duy độc lập (xưa kia gọi là “thượng khoa”) như: triết học, khoa học xã hội và nhân văn xưa kia được đề cao nay bị xem là “hạ khoa” vì chẳng giúp ích gì cho việc kiếm sống về sau vì con người hiện đại phải gắn liền với các hoạt động sản xuất và tạo ra các thành tựu, giá trị vật chất cho xã hội. Sự thay đổi ấy là tất yếu vì nó là một nhu cầu của con người và xã hội trong thời đại những giá trị vật chất và danh hảo lên ngôi mà thể hiện rõ nét nhất là người ta ngưỡng vọng, trọng dụng những người có nhiều tiền, nhiều bằng cấp và đánh giá con người bằng “tiêu chí” chứ không bằng thực chất.
Sự khủng hoảng của GD hiện nay thể hiện sự khủng hoảng của triết lí GD.  Đó là hiện trạng khủng hoảng lớn hơn hết trong tất cả các khủng hoảng.
Người ta đang bàn đến một nền tảng triết lý giáo dục mới nhưng chưa thấy ai nói cụ thể triết lý đó là gì mà chỉ chắp vá bằng các khẩu hiệu: “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, “Giáo dục con người mới toàn diện”, “Kỷ cương tình thương trách nhiệm”, “Tiên học lễ hậu học văn”… Tất cả những điều ấy không được gọi là Triết lý giáo dục vì nó không được xây dựng và phát triển trên cơ sở một nền tảng lý luận vững chắc, mà trên cơ sở kinh nghiệm chắp vá và duy ý chí. Nền tảng lý luận mà chúng ta cần phải xây dựng dựa trên một triết lý giáo dục hiện đại phản ánh đầy đủ mục tiêu và các nguyên lý căn bản của giáo dục như các nước phát triển. Triết lý giáo dục phải chứa đựng những 2 điều cốt lõi: (1) - Mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì và (2) - để đạt mục tiêu ấy cần phải hành động theo phương châm nào? Và bằng phương pháp nào?
GD của chúng ta chưa đề ra 2 điều ấy một cách có hệ thống, có tính pháp lý, tạo sự đồng thuận trong xã hội nên chưa thể có một triết lý GD đúng nghĩa.
Theo tôi, dù là triết lý GD gì đi nữa thì triết lý ấy phải là nền tảng cho nền giáo dục vì con người, những gì không phù hợp với con người không nên có trong giáo dục. Những gì vì con người phải được thể hiện đầy đủ, cụ thể trong hoạt động giáo dục. Xây dựng bằng được triết lý GD để hệ thống giáo dục không sai đường, tạo niềm tin của nhân dân. Vậy nên nội dung chương trình hay khẩu hiệu giáo dục có thể thay đổi chứ triết lý không thay đổi. Có thay đổi chăng cũng nhằm phù hợp với triết lý GD mà thôi.
          Tuy nhiên, dù triết lý GD là gì, phương pháp giáo dục ra sao, môi trường GD thế nào đi nữa… thì yếu tố con người (người thầy, người làm công tác GD) cũng mang tính quyết định.
          Người xưa dùng khái niệm “chính danh” để khái quát các giá trị mà “danh” ấy phải có. Cụ thể là đã mang “danh” thầy thì phải hội đủ các yếu tố như: đạo đức, năng lực, ứng xử, nhân cách, tài năng, tâm huyết, gương mẫu… trong bối cảnh GD hiện đại, cái “danh” thầy còn được bổ sung thêm nhiều phẩm chất mới như tự học, sáng tạo, tiếp cận cái mới… Người thầy là người gây cảm hứng học tập và người hướng dẫn trí tuệ. Nếu không có người thầy tốt, chúng ta không thể có một nền GD đàng hoàng.
          Xem ra để một nền GD vì con người thì cần đến con người.
          Người lãnh đạo ngành phát ngôn tùy tiện, đề ra những kế hoạch chắp vá; người thầy thiếu tâm và tài… thì sự chuyển biến của GD sẽ còn là một câu chuyện nhiều tập chưa có hồi kết.

Không có nhận xét nào: