21/11/14

512. CÀ PHÊ NHÉ

          Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

 “Những người tài đều dành một phần tuổi trẻ ở quán cafe” - Jeno Rakosi.

Kính tặng thầy Lê Quí Long. Thân tặng bạn bè cafe thời sinh viên.



Giờ đây, trong mỗi chúng ta, cà phê không còn là một cái gì đặc biệt nữa.

Quán cà phê nhiều chỗ hợp tình; chỗ ngồi thoải mái hợp lí; âm thanh và âm nhạc hợp thính; các em trẻ đẹp phục vụ hợp nhãn; giá cả đủ loại từ  bình dân quán cóc cho đến sang trọng đẳng cấp nhưng nhìn chung là hợp túi tiền …

Vậy nên bạn bè, đồng nghiệp gặp nhau thì “đi cà phê nhé”; với người yêu thì “cà phê đi em !”; đàm phán giao dịch cũng mời nhau “đi cà phê rồi hẳn tính sau”; cô đơn quá cũng nhâm nhi cà phê ở góc quán nào đó…

Nói chung vui cũng cà phê, buồn cũng cà phê, làm ăn cũng cà phê, thất nghiệp cũng cà phê, được tình cũng cà phê, thất tình cũng cà phê… tất thảy đều hợp với cà phê.

Nhưng thường thì uống cà phê gắn liền với cà kê mới thú; còn cà phê gắn với đê mê thì thích; cà phê gắn với ê chề ủ ê khi thất vọng, thất bại, thất tình để nghĩ ngợi thì thấm.

Ít ai nghĩ tới việc uống một li cà phê để giải khát - dù lúc đó có cảm giác khát thật sự mà  dường như uống để thư giãn, chuyện phiếm; đôi khi chỉ để chẳng làm gì, thích ngồi quán xá, vậy thôi.

Nhìn cung cách uống cà phê ở từng vùng miền mà cảm nhận được cái tâm lí, tính cách của con người – dù chỉ là tương đối. Người Sài Gòn có kiểu uống cà phê bằng ly cối, hương vị cà phê chẳng còn đậm đà, uống để giải nhiệt giải khát - lâu dần thành một phong cách “cà phê Sài Gòn” – gói gắm được cái thoáng thông, rộng lòng, cởi mở của người miền Nam, lan ra cả nước. Vậy nên ngồi quán cà phê ở Quảng Nam vẫn có thể gọi “cho một ly cà phê Sài Gòn” là được phục vụ đến no nước – đôi khi cũng thú vị.

Ngồi nhâm nhi một ly cà phê mà không nhớ nổi ly cà phê đầu tiên của mình bắt đầu từ lúc nào. Hình như năm học lớp đệ thất (lớp 6 ngày nay) thì phải. Khi theo ba vào quán nước, ba gọi cà phê và mình cũng bắt chước ba : “con cũng cà phê - cà phê đen đá”. Ba không nói gì, không cản, để cho mình thử và mình đã uống một hơi như uống nước giải khát coca-cola ! Dường như lúc ấy mình kìm nén khi lần đầu biết đến cái vị đăng đắng pha lẫn với ngòn ngọt của cà phê để chứng tỏ mình là người đã lớn ! Nghĩ lại đến giờ còn có cảm giác đắng đót vui vui.

Và nhiều năm sau đó, đã biết tự tin hơn khi ngồi nhâm nhi cà phê với bạn nữ dù lóng ngóng để những giọt nâu sánh rơi rớt trên tay, vấy trên áo trắng học trò mà nuối tiếc.

Khi là sinh viên mới biết mình ghiền cà phê lúc nào không hay và từ đó cà phê chảy trong huyết quản đồng hành với máu, với đói cơm, khát nước và những chiều cô đơn, những đêm lang thang, những ngày lang bạt kì hồ.

Quá nửa đời vẫn không xa rời thứ nước đặc sệt như đêm đen, như mắt em sóng sánh; cũng có khi lễnh loãng vô nghĩa trống rỗng nhưng vẫn không quên góc hẹp quán nhỏ gắn vời thời cơ hàn năm xưa. Dù nhiều khi nó đã khuất chìm giữa đời sống trầm phù này nhưng vẫn khắc khoải bung lung mỗi khi nhớ lại.

Những ai là sinh viên sư phạm, sinh viên Bách khoa Đà Nẵng thập kỉ 80 ở thế kỉ trước chắc không thể nào quên quán cà phê của thầy Long ở Hòa Khánh. Quán nhỏ, lối đi hẹp, bàn thấp kê san sát, ghế gỗ hay chỉ đơn giản là những khúc cây thay ghế mà lúc nào cũng đông khách, toàn là khách sinh viên. Những thằng sinh viên ốm đói nheo nhóc vạ vật miếng cơm bao cấp lưng bữa trong kí túc xá nhưng lại cảm thấy ấm tình khi ngày đôi bận lượn lờ trong quán cà phê, ngồi gác chân bợm bãi phách lác, mắt lim dim nghe nhạc như những tên dở hơi... Cảm thấy mãn nguyện vì được thưởng thức không khí quán cà phê như một thứ xa xỉ thượng thặng.

Tiền nong có bao lăm nhưng thời gian hao mòn tuổi trẻ thì nhiều - nhiều đến phung phí mà chẳng nuối tiếc gì…

Xúm xít năm bảy đứa chỉ với một vài ly cà phê cho phải phép với chủ quán để nghe nhạc và uống trà miễn phí.

Cà phê nhỏ giọt ấm, bạn bè chia nhau vài hớp lấy thảo để nhấm nháp sắc nâu thơm lừng mà đen thui một thuở. Thảnh thơi ngồi nghe những ca khúc như thánh ca của ABBA, những giai điệu ma mị của Bee Gees, những tiếng guitare lead cầu kì của Scorpion, và đã đời với những hòa âm lạ lẫm thẳm sâu của The Beatles… để nó lặm vào mình từ lúc nào không biết.

Vậy là giờ đây có cảm giác mắc nợ.

Ừ, chúng tôi đã mắc nợ  Thầy Long – người đã bao dung với đám sinh viên đói ăn, khát uống, thèm thuồng nghe nhạc và cù bơ lãng tích ngay trong đời sống tinh thần của mình.

Chợt nhớ mấy câu thơ của Du Tử Lê mà thằng bạn Nguyễn Đình Phương (sau này có xước danh là Phương Điên) thuộc lòng và hay đọc cho nghe: “Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt/ Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư/ Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực/ Phải vác theo trăm tuổi đường dài/ Nên có gởi cho ai vài giọng nói/ Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi/ Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm, rơi mất một mùa xuân/ Cất tiếng đòi to, tiếng đòi rơi rụng/ Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn.”

Mắc nợ những ấm trà cưu mang miễn phí bù đắp thay cho thùng nước uống lềnh bềnh váng phèn vàng nơi bếp ăn tập thể mà vẫn say sưa chờ đợi đến khi nghe xong ca khúc “I’ll meet you at midnight” (Smokie).

Mắc nợ chỗ ngồi gắn với lúc “cut course” chuồn học khi nghe rền rĩ “Triết học biện chứng” chán phèo, cảm thấy không gì an nhiên bằng nghe “Let it be” (TheBeatles) mà tạm dịch vui là "kệ mẹ nó" !

Mắc nợ những bài  ca một thuở mà mãi sau này nó mãi ám tượng theo đời sống âm nhạc của mình - chẳng hạn như một trong 20 bản nhạc hay nhất của thế kỉ XX, bản “Yesterday” của The Beatles.

Mắc nợ những ly cà phê kí sổ chưa trả được vào tận ngày ra trường mà giờ đây muốn đền trả gấp trăm ngàn lần cũng chẳng ai nhận khiến lòng mình tưởng như ngày hôm qua “Yesterday once more” (The Carpenter).

Mắc nợ những mối tình sinh viên gắn với nhởn nhơ cà phê quán nhỏ trong giai điệu trữ tình của ca khúc “How deep is your love” (Bee Gees)…  

Nhưng có điều lạ là những món nợ ấy nó cứ bềnh bồng mãi khiến mình thấy vui hơn vì nó là một phần không thể thiếu trong đời sống tuổi trẻ đã qua - dù khổ nhục nhưng đầy trải nghiệm mà không dễ có bao giờ.

Và giờ đây ta lại thêm nợ em. Nợ những ly cà phê chưa mời, nợ những chỗ chưa cùng ngồi, nợ những giai điệu chưa cùng nghe, nợ những vòng tay chưa ôm ấp và những nụ hôn chưa tới... Thì em hãy cùng ta nghe lại ca khúc "Imagine" của The Beatles để tưởng tượng vậy.

Thế thôi, biết nói sao cho em hiểu nhỉ, nghe thêm ca khúc “How can I tell her” (của Lobo) em nhé.

Quán cà phê nhỏ với những bài tình ca kinh điển, những người nghe thực sự bây giờ đã hiếm thật rồi. Chỉ có quán xá sang trọng để chiều thượng đế với những remix tạp nham ồn ào, những video sôi động hay để dõi theo màn hình bóng đá, phim hành động.

Thật khó để tìm một góc nhâm nhi thanh thản với vài ba người bạn hay đôi khi chỉ một mình hoài niệm quê quán tôi xưa và nhận ra rằng mình đã thuộc về một thời xưa cũ.

Có lúc đâu đó, trong quán xá chộ rộ cũng bắt gặp một vài ca khúc TCS với giọng ca mượt mà của Khánh Ly nhưng dường như nó chẳng vớt vát được gì trong tâm khảm mình bởi thấy lạc lõng, trần tục bất chợt như thảng thốt của Bùi Chí Vinh: “Uống ly cà phê trong quán cóc/ ngẩng đầu lên và ngó ra đường/ các em thất tiết nhiều hơn trước/ bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương”.

Mình đã cũ thật rồi, lạc lõng quá “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ” (Vũ Đình Liên)!

Nhưng cảm thấy bình yên thanh tịnh trong góc của mình: “khi nỗi buồn bị gió cuốn lăn ra sân theo chiếc lá khô cuối mùa/ chỉ còn lại ân điển và tình yêu trong trẻo như thánh ca/ như hừng đông thanh bình mù sương yên ả/ tươi tắn tiếng chim sơn ca/ tình yêu không cần những nụ hôn và ân ái/ chỉ để nghĩ và nhớ về nhau/ ngày lay động giấc chiêm bao đời người” (MN).


* Bài này viết trên nền nhạc ca khúc “Sad cafe” - The Eagles


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài viết rất ý nghĩa về cà phê.Li cà phê lắng lại vị ngọt đăng cuộc đời và mang những cung bậc tâm hồn phong phú đầy suy tưởng.
Chúc mừng thầy Mộc Nhân

Nặc danh nói...

Anh viết thú vị, cồn cào, hoài niệm, giang hồ, phóng khoáng và cho nghe nhạc hay quá anh Thịnh à !
TMV đây anh nhé !