2/6/12

163. MỘT GÓC NHÌN VỀ BÀI THƠ “NHỚ RỪNG” của Thế Lữ

Mộc Nhân
Kỉ niệm 23 năm ngày mất của Thi sĩ Thế Lữ (3.6.1989 – 3.6.2012)

Mở đầu bài thơ “Nhớ rừng”, tác giả viết lời đề dẫn “Lời con hổ ở vườn bách thú” để tránh đi sự suy diễn, hiểu lầm, mà ngày nay chúng ta quen gọi là “chụp mũ”.
Hình tượng con hổ cho dù đó là sự hóa thân của thi sĩ, nó vẫn là một chủ thể trữ tình, nhất quán và toàn vẹn.
Phần nổi của bài thơ có ý nghĩa gợi liên tưởng đến ý thức giải phóng cái tôi cá nhân; có cả tâm trạng nhớ tiếc, u hoài của một dân tộc đang bị xiềng xích, khát khao tự do; phủ nhận thực tại hướng về quá khứ oanh liệt.
Bi kịch của con hổ được nhìn nhận ở góc độ:
- Hoàn cảnh đổi thay nhưng con hổ không đổi thay. Bởi nó không chịu hạ mình, không chấp nhận hoàn cảnh.
- Con hổ ý thức mình là “chúa” nên nó không chấp nhận hoàn cảnh thay đổi mà thay đổi theo hoàn cảnh.
Cả hai góc độ ấy tạo nên niềm u uất chạy suốt bài thơ, đi vào từng câu thơ để từ đó tạo nên sự xung đột, giằng xé dữ dội.
Trong cái xung đột ngột ngạt ấy có nỗi đau của kẻ bất đắc chí về những tháng ngày: “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa”. Thế mà giờ đây con hổ đang trải qua những tháng ngày ngao ngán:
“Nay sa cơ chịu nhục nhằn tù hãm
Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi. “
Con hổ phải chấp nhận một nghịch lí không thể nào chấp nhận được là nó phải chung sống với những thứ giả tạo, tầm thường. Xem ra có vẻ như hiện thực đầy đủ cả mọi thứ để làm vui lòng “kẻ nô lệ”, làm cho họ quên đi thân phận tôi đòi nhưng thật ra đó là những thứ sắp đặt vô hồn đầy vẻ “mị dân” nhằm thủ tiêu sức mạnh và ý chí của hổ, biến con hổ thành vật trang trí cho cuộc sống màu mè của con người  :
“Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng
Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém … ”
Và chua chát hơn nữa là nó bị “tầm thường hóa” khi chung sống với những kẻ “dở hơi”, yên phận, cơ hội làm tôi mọi cho kẻ mạnh mà tàn ác. Giữa con hổ với những con thú khác giờ đây đã có sự thay bậc đổi ngôi. Từ vị thế của kẻ nhận thức được giá trị của mình là “ chúa tể muôn loài”, lúc này con hổ đã thực sự đau buồn, uất hận khi phải chấp nhận nghịch cảnh :
“Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi
Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.”
Nói theo ngôn ngữ hiện đại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội thay đổi đã tạo nên những xung đột nôi tâm của chủ thể trữ tình. 
Nhưng có lẽ đối với những con vật khác, con hổ chỉ chán ngán “nằm dài, trông ngày tháng dần qua”, trong tâm trạng chờ đợi một cách vô vọng. Còn “khối căm hờn” thực sự có lẽ nó hướng về con người. Những kẻ dùng sức mạnh để cướp đi quyền tự do của nó; gán ghép vào đời sống của nó một thứ “bình đẳng” giả hiệu.
            Nhưng thật đáng trân trọng là dù môi trường, thân phận, quan hệ … tất cả đã thay đổi , quyền lực, sức mạnh đã bị tước đoạt nhưng con hổ vẫn không cúi mình.
Vì vậy, người đọc mới cảm nhận được cái không khí kìm nén nhưng sẵn sàng bùng phát làm nên xung lực trong toàn bài thơ. Dù trong từng đoạn thơ có nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau: có lúc con hổ mang tâm trạng chán chường trước hiện tại:
“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”
Lúc thì tâm trí của hổ mở theo dòng hồi tưởng về một thời quá khứ vàng son oanh liệt:
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây gìà
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi hát khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc
Trong hang tối mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi …”
Lúc thì uất hận, tiếc nuối quá khứ huy hoàng, rực rỡ, tưng bừng đến quặn lòng mà thốt lên thành lời :
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới
Đâu những buổi bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca - giấc ngủ ta tưng bừng
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm riêng phần vùng bí mật
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu! 
Chính vì vậy, khi đọc toàn bài thơ người đọc không hề thấy cái bi lụy của kẻ sa cơ mà cảm nhận được cái bi tráng của bậc anh hùng bất đắc chí vì thất thế :
Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống Hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa
Nơi ta không còn được thấy bao giờ !
Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,
Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn
Để hồn ta phảng phất được gần ngươi. ”
Quá khứ và hiện tại, tự do và nô lệ, cái mất và cái còn, tầm thường và trác việt, chán chường tẻ nhạt và rực rỡ huy hoàng … luôn đan xen nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên những vẻ đẹp lấp lánh nhiều sắc màu, nhiều cung bậc tình cảm, nhiều giọng điệu trong toàn bài thơ.
Tuy nhiên, tinh thần cơ bản của bài thơ là một hoài niệm.
Quá khứ chính là yếu tố tạo nên chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Mạch cảm xúc thông thường trong tác phẩm thơ là từ hiện tại mà hướng đến tương lai, còn ở đây tác giả lại để cho cảm xúc vận động theo chiều ngược lại : từ hiện tại mà quay về quá khứ.  
Quá khứ dầu sao cũng đã đóng lại, đồng thời chủ thể trữ tình cũng không còn tương lai. Nói cách khác tương lai của nó đã bị đóng lại kể từ khi con người tròng ách nô lệ vào cổ của hổ.
Nhưng điều đáng quí là dù là kẻ bị tước mất tự do, chịu bất lực, sống bế tắc, vô vọng nhưng con hổ vẫn giữ được niềm tin, vẫn giữ được mình. Nó không vì hoàn cảnh mà vong thân, cúi đầu. 
Chuyện con hổ sống trong vườn bách thú với tâm trạng “nhớ rừng” mang theo nhiều thông điệp đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm !

02 tháng 6 / 2012

3 nhận xét:

vietanh678 nói...

Đừng lấy TV màn hình phẳng để trang trí phòng ngủ ở nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu .
Hãy nhìn nhận đúng những gì đã có !

Mộc Nhân nói...

Một tác phẩm VH sẽ mang đến cho bạn nhiều nhận thức, nhiều giá trị khác nhau tùy từng thời điểm, từng hoàn cảnh, từng goác nhìn.
Điều quan trọng là không nên nhìn bằng cái nhìn của người khác .
Cũng có khi ta cần phải "lấy TV màn hình phẳng để trang trí phòng ngủ ở nhà lưu niệm công tử Bạc Liêu ".
Cảm ơn đã có lời .

Nặc danh nói...

Chiều. Phố núi mưa bay, mây giăng ngập lối. Ngồi trong quán cóc nhâm nhi ly cà phê nghe bản nhạc “… tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời không mưa em cũng lạy trời mưa…” bỗng dưng thấy nhớ quê xa.
Dễ gì có lại được cái cảm xúc thời mười tám đôi mươi? Lần đầu tiên nắm tay bạn gái về miên mang trong say đắm như con thú hoang vướng phải tên với cái “Thú đau thương” mà “ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”?... Ngoài kia mưa vẫn rơi, trời như thấp xuống và đêm về Phố núi ngập sương thầm ao ước: Giá như có một thằng bạn trong lúc này đây những sẻ chia như là một món ăn tinh thần đãi đằng nhau những khi trống vắng.

Tháng sáu ngày người lớn dành cho trẻ em những gì yêu thương nhất có thể. Cuộc sống tất bật bon chen, chỉ cần một món ăn tinh thần dành cho con trẻ đôi khi chúng ta vô tình lỡ hẹn. Món quà vật chất chỉ chỉ bùng tỏa sung sướng trong chốc lát nhưng món ăn tinh thần lại mãi khắc ghi làm hành trang vào đời, đôi khi là niềm tự hào của con trẻ.
Lại đọc báo thấy đâu đó có người cha nghiêm khắc dạy con bằng roi vọt – Chúng ta những bà mẹ và những ông bố đôi khi mắc phải những sai lầm theo cách giáo dục cũ vô tình đã đẫy con trẻ vào con đường gian dối, lì lợm. Cha mẹ hơn bào giờ hết là người bạn đồng hành cùng con trẻ.
Lại đọc “Phát biểu ra trường của học sinh lớp 9” bỗng thấy con em mình lớn khôn hơn mình tưởng, con viết về bạn bè với nhừng lời tâm tình đầy yêu thương, viết về thầy cô “những người kỹ sư tâm hồn” đầy kính trọng. Lại nhớ Va xi li Xu khôm linxki, nhớ “người thầy đầu tiên” nhớ Ai ma tốp…
Sáng nay thức dậy nghe tiếng ve kêu râm rang trên những tán phượng rực lửa lại nhớ Thanh Sơn với “nỗi buồn hoa phượng” http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=A3fQIIuNE2 nhớ tuổi học trò, nhớ tuổi hoa niên, nhớ hàng phượng trong sân trường, nhớ cô bạn gái viết lưu bút, nhớ buổi chia tay đầy lưu luyến, nhớ những chiều mưa kéo nhau đến nhà bạn gái chia nhau vài cục đường tán với đậu phộng rang. Nhớ cô hàng xóm bên nhà bạn với mái tóc thề ngang vai. Cô gái có khuôn mặt trái xoan thanh tú, mỗi sáng mai thức dậy cô dọn hàng còn tôi ngơ ngẫn với cây si.
Nhớ người đẹp vùng B, hè về cô lặng lẻ chia tay không một dòng lưu bút để lại trong tôi câu thơ dang dở, nhiều năm sau gặp lại cô nơi miền đất đỏ xa xôi vẫn khuôn mặt đoan trang hồn nhiên phúc hậu, tôi thầm thương xác phượng sân trường. Bao kỷ niệm buồn vui sao tôi còn nhớ… nhớ mãi khôn nguôi.
Rồi tuổi năm mươi chợt về như buổi chiều nào trên dòng sông Ái Nghĩa thơ mộng. Ngắm dòng người đi qua mà bỗng “Nhớ Rừng” http://thinhdailoc.blogspot.com/2012/06/163-mot-goc-nhin-ve-bai-tho-nho-rung.html. Cái củi sắt càn khôn muôn đời trói chặt, căm giận đất trời với thuyền lá mù u, chúa sơn lâm với tiếng gầm hoang dại để hiều loài người chỉ có thánh A la!!!
Lại nhớ Hồ Lai chơi thác Grăng, xôi vừa chín tới vùi tro Lai cười
Nhớ Đức Nhơn dỗi hờn nhà Giáo, ôm ngã rầm bên chén rượu cay
Nhớ Lê Ngạt chiếc rựa cầm tay, củi khô để đó Ngạt này ra tay
Nhớ thằng Giáo với chiếc gáo cầm tay, ngắm đại ngàn nghĩ đến tương lai
Còn Lê Thạnh mũ tết dát (Texa) nghiêng vai, khẻ đưa câu hát gió lùa qua khe
Còn cô Minh Xuyến đâu hè? Thì ra cô lại hát bè với Tâm
Cô dâu Minh Nguyệt âm thầm, chuẩn bị cơm nước mười phần chỉnh chu
Cờ tướng lại hợp với Xuân – Phước Nhanh – Lương Tín – M Phương thư hùng
Ai bên dòng suối xinh xinh? 30 năm xa cách Ngọc Trinh đây rồi