1/11/11

44. MÀY RÂU NHẴN NHỤI …

Lê Đức Thịnh

          Trong chương trình ngữ văn THCS, học sinh lớp 9 được học văn bản “Mã Giám Sinh mua Kiều” (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du). MGS là nhân vật phản diện tiêu biểu cho bọn lưu manh trong xã hội phong kiến đương thời.
Chân tướng của nhân vật MGS được Nguyễn Du lột tả bằng bút pháp tả thực qua các chi tiết về diện mạo, hành động, ngôn ngữ, cử chỉ … Nhất là cái diện mạo:
“ Quá niên trạc ngoại tứ tuần / Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” đã khiến nhân vật họ Mã từ một cá thể đã được khái quát hoá thành một hạng người.
Xung quanh câu thơ miêu tả diện mạo của Mã nói trên đã có nhiều cách hiểu khác nhau. Hiểu như thế nào là tuỳ vào sở tri, cảm nhận của mỗi người.
***

Sách giáo viên NV9 tập 1, nxb GD (chương trình cũ) trang 85 giảng : người viễn khách này xem ra quê quán và tên họ chẳng mấy rõ ràng. Nhưng nhìn vào tuổi tác “Quá niên …” các diện mạo trai lơ, bảnh choẹ “Mày râu …” thì thấy rõ ngòi bút sắc sảo của Nguyễn Du đã phơi bày chân tướng MGS …
Sách giáo viên NV9 tập 1, nxb GD (chương trình mới) trang 99 định hướng phân tích như sau : Về diện mạo, cử chỉ : vẻ ngoài thì chải chuốt mà lố lăng, không phù hợp, tuổi ngoài bốn mươi mà vẫn “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”.
Đó là hai tài liệu chính thống giúp ta hiểu về ý nghĩa hai câu thơ này. Đọc thêm một số tài liệu tham khảo khác thấy viết rõ hơn : “Râu cạo nhẵn thì đã đành, nhưng mày y cũng cạo nhẵn thì thật là lố bịch. Có lẽ y không cạo lông mày đi, nhưng cứ vào cái cách làm đỏm tỉa tót quá đáng của y Nguyễn Du vẫn viết như vậy.”
Đa số các tài liệu đều có cách lí giải về “mày râu nhẵn nhụi” là MGS cạo râu cho ra vẻ trẻ trai, nghĩa là nhân vật tỉa tót làm đỏm cho xứng với mỹ nhân.
Tuy nhiên, nếu hiểu như vậy thì cạn cợt và cụ thể quá, chưa thể hiện cái hay và bề sâu của câu chữ Truyện Kiều.
Tôi không cảm thụ chi tiết này như sgk và một số tài liệu đã dẫn, theo tôi “mày râu nhẵn nhụi” không có nghĩa là MGS cạo râu nhẵn thín để làm dáng. Chi tiết này mang ý nghĩa nhân tướng : MGS là loại người không có râu.



          Theo quan điểm thẩm mỹ phong kiến, cái đẹp của người đàn ông quân tử là râu, cái đẹp của người đàn bà là vú, thế nên mới có câu thành ngữ “nam tu nữ nhũ” để chuẩn hoá diện mạo của chính nam, chính nữ.
Dân gian cũng quan niệm như thế “Đàn ông không có râu bất nghì , đàn bà không có vú lấy gì nuôi con”(Ca Dao).
Người xưa rất quý râu, để râu, nuôi râu, ít ai cạo râu như ta bây giờ. Xem chân dung các kẻ sĩ hoặc các bộ phim về chuyện xưa, ta thấy quan viên, tướng lĩnh, đại thần … ai cũng đạo mạo râu dài !
Người ta gọi đàn ông là đấng mày râu, bậc tu mi nam tử chính là vì vậy.
Còn người không có râu, mặt trắng thuờng là bọn tiểu nhân, thái giám … Điều này trở thành qui ước tương đối phổ biến trên sân khấu tuồng.
Đó là chuẩn thẩm mỹ phong kiến khi nhìn nhận “hình dong” con người. Tạm thời gác qua một bên chuyện đúng sai của quan niệm ấy, ta hãy nói tiếp về ý nghĩa câu thơ.
          Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ ghép mày râu có chứa cả nghĩa đen của từ này lẫn với phép hoán dụ để chỉ đàn ông .
Khi tả diện mạo MGS là “mày râu nhẵn nhụi ” Nguyễn Du muốn chỉ điểm cho mọi người thấy thấy gã đàn ông này là loại người không có râu – nghĩa là hắn thuộc loại người bất nghì, bất nhân, tiểu nhân chứ không phải là kẻ sĩ, là trượng phu hảo hán như hắn đang mạo danh là sinh viên trường Quốc tử giám.
          Trong xã hội Truyện Kiều, Mã Giám Sinh thuộc loại người sống bám vào nhà thổ, ngày ngày “dạo khắp chợ vùng quê” lung sục tìm mua gái đẹp về cho các lầu xanh mua thịt bán người “kiếm lời mà ăn” của mụ trùm Tú Bà .
          Như vậy, ngay từ đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã cho ra sân khấu một kẻ có diện mạo bất nghì. Hắn chưa thổ lộ, chưa hành động gì nhưng nhìn ngay cái “diện mục” của hắn người đọc đã nhận ra “bản lai” của gã con buôn bất lương, phường tiểu nhân vô học.
          ***
Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu cách hiểu khác nhau về cùng một tác phẩm, một hình tượng, thậm chí môt câu, một chữ. Đó là chuyện bình thường cũng là vấn đề cảm thụ khác nhau do sở tri, sở cảm khác nhau.
Và đó cũng là khía cạnh biểu hiện tài năng của tác giả : người đã mở rộng được cả một chân trời suy tưởng cho người đọc !
***
          Với khả năng, tâm sinh lí của học sinh lớp 9, chúng ta có thể giảng giải chi tiết này theo cách gợi như sgk; tuy nhiên trong những lúc có thể, chúng ta cũng cần mở rộng để giúp các em hiểu được cái hay, cái thâm thuý của câu chữ người xưa; nhất là các tác phẩm tầm cỡ như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
          Trên đây là một vài ý kiến về một chi tiết trong tác phẩm; mong tìm được sự chia sẻ của đồng nghiệp.

Lê Đức Thịnh. 

1 nhận xét:

Tú Thanh nói...

Qủa là một ý kiến hay,rất cần thiết để sử dụng khi hướng dẫn học sinh phân tích nhân vật MGS (dạy đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều).