1/10/12

214. CẶC ÔNG BỘ

  Mộc Nhân


Chẳng biết tự bao giờ trong làng tôi và nhiều làng xã khác tồn tại câu thành ngữ “Cặc ông Bộ”.


Thưở nhỏ hay chơi đá bóng, tắm sông, tắm truồng với bọn trẻ trong làng chúng thường sử dụng câu thành ngữ dung tục trên để chọc ghẹo nhau. Chẳng hạn: “Như c. ông Bộ mà bày đặt” - với ý mỉa mai chê bai về cái của quí nhỏ tẹo! Tuổi nhỏ chả hiểu cái “ông Bộ” đó là ai, như thế nào nhưng nghe chọc qua chọc lại cũng vui, riết hồi thành quen mồm, quen tai mà chẳng bận tâm. Nhưng không chỉ trẻ con mà người lớn cũng dùng thành ngữ này. Đám thợ mộc, thợ tre thường có câu “Dục dặc như con c. thợ tre” để chỉ cái hình ảnh khó coi của thợ tre, thợ mộc khi cưa cây, mặc quần xà lỏn nên… hơi khó coi (!) và qua đó họ nhắc nhau kín kẽ hơn một tí khi làm việc kẻo "chướng mắt"… vì hồi ấy người lao động làm gì ăn bận kín đáo lịch sự như bây giờ. Nhưng cũng có khi họ chọc ghẹo nhau để thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc “C. ông Bộ mà bày đặt dục dặc (lúc lắc)”…

***
Gần đây, nhân một lúc trà dư tửu hậu mới sực nhớ nên đem chuyện “ông Bộ” ra hỏi một số anh em văn nghệ sĩ có hiểu biết về văn hóa dân gian, rồi lại tình cờ đọc được một số tài liệu có liên quan đến “ông Bộ” mới vỡ ra đôi điều.

Vậy chép ra đây cho vui.

“Ông Bộ” là một danh từ có liên quan đến các Thái giám xưa. Thái giám có hai loại là: “giám sinh” và “giám lặt”. "Giám sinh" là những người con trai khi sinh ra vốn dĩ đã bị khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục mà dân gian thường gọi là "lại cái" hay "ái nam, ái nữ", đến tuổi trưởng thành không thể có khả năng quan hệ tình dục với người khác giới nên được tuyển vào cung (khác với giám sinh họ Mã trong truyện Kiều - Nguyễn Du). "Giám lặt" là những thiếu niên bị thiến từ khi còn nhỏ rồi sau đó đưa vào cung nuôi để phục vụ hoàng cung trọn đời.

Theo quy định dưới thời phong kiến, gia đình nào phát hiện con mình là người con "lại cái", "ái nam, ái nữ" (giám sinh) phải lập tức báo cáo với quan chức ở trong làng, rồi từ làng báo lên xã, lên huyện, rồi báo cáo với Bộ Lễ trong triều đình đương thời. Đứa trẻ ấy sẽ được ghi tên vào sổ theo dõi cho đến khi thích hợp thì sẽ được đón vào cung nuôi nấng. Đến tuổi trưởng thành, Bộ Lễ sẽ đưa vào nội cung để làm thái giám, phục vụ những công việc thường ngày trong chốn hậu cung của nhà vua.

Và làng nào có "giám sinh" thì cả làng ấy được miễn thuế đến 3 năm và cha, mẹ, anh em ruột của “giám sinh” sẽ nhận được rất nhiều đặc ân của triều đình. Những đứa trẻ "giám sinh" đặc biệt ấy còn được người dân gọi là ông Bộ hoặc cậu Bộ.

Tuy nhiên , dù nhiều người được hưởng những đặc ân từ “ông Bộ” (cậu Bộ) nhưng có thể nói thái độ của nhân dân đối với “giám sinh- ông Bộ” là kì thị, không mấy thiện cảm. Vì thế những gì liên quan đến “ông Bộ” hoặc “cậu Bộ” đều mang ý mỉa mai, chê bai, nguyền rủa (nhất là ở các tỉnh Trung Trung Bộ).

Ví dụ: các mẹ khi đi chợ bị chủ hàng quán kèo nài mua hàng… thường buông một câu: "ăn thứ đó (mua hàng đó) để đẻ ông Bộ cho làng nhờ à…" (ý chê bai, không có gì là đáng giá); khi gặp phải kẻ mua gian bán lận thì nguyền rủa: “Buôn bán kiểu đó thì đẻ ra ông Bộ” (ý nguyền rủa không có người nối dõi về sau - tương tự như câu rủa “Đồ vô hậu”; khi đùa vui chê bai về cái của quí “nhỏ như c. ông Bộ”; hoặc chê bai việc làm của ai đó không ra gì: “Làm như c. ông Bộ”.

Cũng có khi trong những ngày hội hè ở các làng xã, lúc vui vẻ thì người ta thường ví niềm vui đó theo kiểu nói "vui như làng đẻ được ông Bộ" - (vui mà không sướng chăng).

Ngày nay, dấu vết và những câu nói liên quan đến "ông Bộ" chỉ còn lại ở một số vùng miền từng là quê hương của “ông Bộ” như Thừa Thiên – Huế hoặc một vài huyện của tỉnh Quảng Nam...

Và chắc chắn là làng tôi xưa kia đã từng có một “ông Bộ”!

Không có nhận xét nào: