8/10/12

222. DẠY HỌC NGỮ VĂN TRONG GIAI ĐOẠN SUY THOÁI VĂN HÓA ĐỌC

 (Bài tham luận Hội Nghị Nhà giáo và Lao Động năm học 2012-2013)
Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh




Kính thưa quí vị đại biểu
Thưa hội nghị
Trước hết xin cảm ơn các vị trong trong ban chủ trì Hội nghị đã cho phép tôi được thay mặt quí đồng nghiệp trong tổ bộ môn Ngữ văn phát biểu tham luận.
Vấn đề trao đổi tại diễn đàn này liên quan đến công việc chuyên môn không riêng gì của chúng tôi mà là của tất cả chúng ta, những người làm công tác dạy học. Đó là việc dạy học môn Ngữ văn trong giai đoạn suy thoái của văn hóa đọc hiện nay. Trong phạm vi thời gian cho phép, chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến thực trạng việc đọc của học sinh và trách nhiệm xây dựng thói quen đọc của những người dạy học môn Ngữ văn.
Kính thưa Hội nghị
1. Văn hoá Đọc là một khái niệm thể hiện thái độ ứng xử và chuẩn mực đọc của cộng đồng xã hội và của mỗi cá nhân trong xã hội gồm ba thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Ba điều ấy được xây dựng và phát triển suốt cuộc đời mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, còn trong quá trình học tập, thầy cô giáo sẽ hướng dẫn các kỹ năng đọc cho các em. Đặc biệt mỗi cá nhân phải tự phát hiện ra sở thích đọc của chính họ và tự hoàn thiện kĩ năng đọc của mình.
Thói quen và kỹ năng đọc mang tính chất đồng loạt, còn sở thích đọc lại phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể ví dụ: có người thích đọc thơ, có người thích đọc tiểu thuyết, có người thích đọc sách nghiên cứu, có người thích đọc sách phổ biên khoa học kỹ thuật, văn hoá nghệ thuật ... Yếu tố này tạo ra sự đa dạng, phong phú, giàu màu sắc cho nền văn hoá đọc trong xã hội.
Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung  cốt lõi và biết vận dụng những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Cụ thể là:
- Lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho bản thân
- Biết tìm nguồn tài liệu cần thiết cho việc đọc
- Biết cách tiếp nhận tối đa và sâu sắc nội dung tài liệu đọc
- Biết vận dụng các biện pháp để củng cố và khắc sâu những nội dung đã đọc như ghi chép, trao đổi với bạn bè, phản hồi …
- Biết vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc.
 
2. Tuy nhiên, văn hoá đọc của giới trẻ hiện nay lại là vấn đề đáng quan ngại của toàn xã hội, cũng như những người có tâm huyết với nó. Mà biểu hiện rõ nhất là:
- Các em quen nhận kiến thức từ người khác và chính điều này đã dẫn tới một hệ quả tất yếu, đó là sự ỉ lại và tính thụ động trong việc khai thác và tiếp nhận thông tin. Nếu không có những biện pháp khắc phục, hay khuyến khích các em lòng ham mê đọc sách để tự tìm tòi và rút ra cho bản thân những bài học của riêng mình; nếu để cho hiện trạng này trở nên phổ biến và kéo dài thì thật khó hy vọng vào việc cải thiện văn hóa đọc.
- Giới trẻ dường như dễ chấp nhận những cuốn sách nghèo nàn về thông tin, vụng về trong biên tập... Họ chẳng mấy khi dừng lại ở những trang viết đầy tính nhân văn về cách đối nhân xử thế hay những cuốn sách kinh điển …
- Dần dần các em có tâm lý  “lười đọc” những gì buộc họ phải tư duy, động não. Và, hậu quả chúng có thể làm thô ráp đi những phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ.
- Các em thích xem truyện tranh hơn là đọc các tác phẩm viết. 
- Rồi hiện tượng đọc sách theo “phong trào” theo tuyên truyền quảng bá. Chẳng hạn cách đây mấy năm, hai cuốn nhật kí của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc đã trở thành hiện tượng và được tuyên truyền để nhanh chóng trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của giới trẻ. Và chắc chắn rằng sau khi đọc xong các tác phẩm đó, những bạn trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều, nhất là về lí tưởng sống nhưng rồi “phong trào” qua đi. Đó là chưa kể nếu cuốn sách trở thành trào lưu mà không mang những nội dung, giá trị phù hợp thì sẽ tạo ảnh hưởng xấu đối với suy nghĩ, tư tưởng của giới trẻ.
- Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Một số ý kiến cho rằng, văn hóa nghe, nhìn đang “đè bẹp” văn hóa đọc. Văn hoá đọc hiểu rộng hơn đó chính là văn hoá tích luỹ thông qua cả kỹ năng nghe, nhìn. 
- Tóm lại ba điểm cốt yếu hình thành nên văn hóa đọc là: thói quen đọc sách, kỉ năng đọc, sở thích đọc - rồi khả năng lựa chọn sách và cách đọc sách thì  ở một bộ phận không nhỏ giới trẻ ngày nay đang thiếu và yếu.  

3. Không ít người trong số chúng ta quan niệm rằng, đọc đơn thuần chỉ là một hình thức để tiếp nhận thông tin. Quan niệm đó tuy không sai nhưng thực sự chưa đầy đủ.
Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.
Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách (ba yếu tố đó  hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc). Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ khi các em còn nhỏ.    
Ở nhà trường hiện nay chưa hướng dẫn các em học sinh thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách mà các em tìm đến sách một cách tự phát, chỉ vì bản thân yêu thích đọc sách. Các tác phẩm văn học kinh điển uy tín, những quyển sách hay của Việt Nam và thế giới các em ít biết đến; thế nhưng những quyển tiểu thuyết giải trí, sách thị trường lại rất được ưa chuộng, tìm mua, tìm đọc. Thậm chí những tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng chẳng có mấy em tìm đọc. Và rõ ràng, các tác phẩm văn học lớn là nguồn tri thức của nhân loại, chứa đựng những bài học, giá trị nhân văn cao đẹp, là món ăn bổ dưỡng của tâm hồn. Thói quen đọc sách cần thiết phải được hình thành từ nhỏ. Gia đình, nhà trường và xã hội phải hướng dẫn để các em thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách.

4. Chúng ta đang sống trong một xã hội hiện đại với tốc độ phát triển nhanh, phải đối mặt và xử lý vô vàn các thông tin, sự việc khác nhau, các bạn trẻ phải cố gắng hết sức để theo kịp các kĩ năng sống trong thời đại của mình. Nhưng bên cạnh đó các em cũng rất cần sự tích luỹ về văn hoá, tri thức, vốn hiểu biết, kinh nghiệm sống, cách sống... mà việc tích luỹ đó chỉ có thể có được qua việc đọc.
Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các bạn trẻ để khỏi làm thui chột văn hóa đọc của bản thân và cộng đồng thì những người làm công tác dạy học cũng có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, hình thành văn hóa đọc cho học sinh.
Cần phải hình thành văn hóa đọc ngay từ những ngày đang ngồi trên ghế nhà trường và chỉ khi người đọc xem việc đọc như một niềm say mê tự thân thì mới ham đọc và hiểu hết những tri thức nằm trong sách vở. Bởi đọc xét cho cùng là một công việc gian nan, phải có kinh nghiệm và phải trang bị một tri thức nền cần có và đồng thời nó cũng có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả học tập.
Thầy cô giáo dạy bộ môn Ngữ văn ở mỗi khối lớp, mỗi bậc học cần giới thiệu cho các em đọc những tác phẩm đã được đưa vào chương trình. Yêu cầu này cần kết hợp với hoạt động của bộ phận thư viện trong nhà trường để đưa đầu sách có ích đến với các em. Có thể sau mỗi “đợt” đọc sách cần tổ chức ngoại khóa, viết thu hoạch để trao đổi về các vấn đề liên quan đến tác phẩm đã đọc.

5. Đọc sách là cách trải nghiệm cuộc sống và làm cho tâm hồn người ta thăng hoa. Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay là những lỗ hổng lớn về văn hóa trong đó có sự khiếm khuyết của văn hóa đọc. Thiết nghĩ xây dựng văn hóa đọc cho học sinh ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cũng là một cách để giáo dục nhân cách, thẩm mỹ, rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh và nhiệm vụ đó thuộc về những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là vai trò của thầy cô giáo dạy học môn Ngữ văn là không hề nhỏ. 
Xin cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
Chúc các vị sức khỏe.
Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
*****
Các bài phát biểu tham luận Hội Nghị những năm trước:

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nguyễn Đình Hòa:

Bài phát biểu của bạn Mộc Nhân rất thì vị, có nhiều thông tin, có ý nghĩa thiết thực đối với việc xậy dựng văn hóa đọc cho học sinh trong quá trình dạy học .

Tuyen My nói...

Cần lắm những bài phát biểu ý nghĩa như thế này.
đào tạo seo