19/10/12

227. ĐOẢN THI

            Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh
Thế giới đã công nhận thể thơ “Thất ngôn tứ tuyệt” - 28 chữ, “Ngũ ngôn” tứ tuyệt - 20 chữ của Trung Quốc là loại thơ ngắn. Nhưng ngắn nhất vẫn là thể “Haiku” của Nhật - 17 chữ.
            Ít ai để ý rằng thể thơ “Lục bát” của dân tộc Việt Nam – 14 chữ là ngắn hơn cả. Người bình dân đã ghi lại những hình ảnh, cảm xúc, những “lập ngôn” từ cuộc sống qua những “bài thơ” ngắn gọn, sinh động mà chúng ta quen gọi là câu thơ lục bát. Mỗi bài thơ ngắn như vậy là một hơi thở của cuộc sống. Mỗi hơi thở tự nó chưa nói được nhiều điều như một bài thơ dài song nó vẫn tồn tại cùng  cuộc sống và thi ca.
Những “bài thơ” ấy được xem như những chỉnh thể tác phẩm văn chương, có sức sống độc lập, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành kho tàng văn hóa, tinh thần mang đậm nhiều giá trị nhân văn.
Người Việt Nam nào là không thuộc những “đoản thi” ấy, nó đã “đóng đinh” trong tâm hồn, trong lời ăn tiếng nói của mỗi người:
 “Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”
“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải yếm cho nàng sang chơi”
“Khi đi bóng hãy còn dài
Giờ về bóng đã nghe ai bóng tròn”
(…)
Nhiều nhà thơ hiện đại đã sáng tạo trên nền tảng “đoản thi” của dân tộc và đã có nhiều đóng góp vào dòng chảy thơ ca đương đại.
Nhân ngày 20/ 10 , MN gởi những “đoản thi” này thay cho lời yêu thương dành tặng cho những người phụ nữ của riêng mình:

            GÁNH
                              
Gánh gồng
  núi cả
    đèo cao
        Mẹ tôi
          gánh cả
            lao đao
              phận người


ĐẮNG
                       
Môi em
              ngọt
               cả giấc mơ
      làm tôi
        đắng đót
                                  vu vơ
                         cõi người                 


NHỚ

Ngồi vo
  nỗi nhớ
    linh tinh
      nửa đời
        nhàu nhỉ
khi mình
  khi ta


NỢ

Kiếp nào
  ta
    có nợ nhau
      thì xin em
        hãy
trả vào 
  hư vô.

                 MN - tháng 10 / 2012

Bài viết liên quan : BẤM VÀO ĐÂY

Không có nhận xét nào: