25/9/12

212. “CHỈ CẦN TRONG XE CÓ MỘT TRÁI TIM”


Về “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật
Môc Nhân  (Tư liệu giáo khoa)


Đọc thơ Phạm Tiến Duật chúng ta nhận ra cái chất giọng rất trẻ, rất lính của tác giả. Ông đã đưa vào thơ những chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, cùng với ngôn ngữ, giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe khoắn. Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật dẫn chúng ta đến với những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn thời đánh Mĩ.
Không rõ nhà thơ đã từng bao nhiêu lần trực tiếp cầm lái, hay ngồi trong ca bin bên cạnh người lái, mà ngôn ngữ, nhạc điệu, cảm hứng và suy nghĩ trong bài lại chân thực, sống động đến vậy. Tất cả, cứ hiển hiện hồn nhiên, trực diện  ngay trước bạn đọc: những chiếc xe không kính, tiểu đội lính vận tải vui vẻ, tếu táo mà thật đĩnh đạc, hiên ngang…
Mở đầu bài thơ là một hình ảnh trần trụi: “Xe không có kính”, kết thúc là một hình ảnh bất ngờ: “trái tim”. Phải chăng tiểu đội xe không kính ấy lăn bánh  được là bởi “Chỉ cần trong xe có một trái tim” ?

24/9/12

211. TÍNH DỤC TRONG TRUYỆN NGẮN CHÍ PHÈO



Linh Sơn

Sự xuất hiện của thị Nở, xét ở góc độ tính dục, đem lại cho Chí Phèo sự xoa dịu, thỏa mãn những ẩn ức dồn nén đó, xét ở góc độ nhân sinh, điều đó tạo lập cho Chí Phéo niềm tin vào tình người, sự hoàn lương.

Ý nghĩa đích thực đằng sau bát cháo hành
Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao được xem là tác phẩm kết tinh nhất tài năng và tư tưởng nghệ thuật của ông. Đã có rất nhiều cách lí giải về quá trình thức tỉnh thiên lương của Chí Phèo mà chủ yếu xoay quanh thị Nở và bát cháo hành. Tuy nhiên, tôi cho rằng bao nhiêu đó chưa đủ làm nên tài năng phân tích tâm lí nhân vật xuất sắc của Nam Cao.
Sự xuất hiện của thị trong cuộc đời Chí Phèo có tác dụng khơi dậy và làm bùng cháy dữ dội ngọn lửa thiêng lương trong tâm hồn con quỷ dữ này. Đã có rất nhiều bài viết khi đánh giá quá trình thức tỉnh đó chủ yếu cho rằng nó được thực hiện bằng một phép màu đầy quyền năng: bát cháo hành – biểu hiện của tình yêu thị Nở. Để rồi khi ăn nó, Chí Phèo trải qua rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ, trong đó dấu hiệu đáng mừng nhất chính là hắn muốn xây dựng mái ấm gia đình với thị, muốn được làm người lương thiện.

22/9/12

210. GAĐT MÔN VĂN: TỪ PHONG ĐỘ ĐẾN ĐẲNG CẤP


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

Những năm qua, ngành giáo dục có phong trào Ứng dụng Công nghệ thông tin  (UDCNTT) trong dạy học tích cực mà phổ biến nhất là soạn giảng bằng giáo án điện tử (GAĐT) - còn gọi là “bài giảng điện tử”. Đành rằng sử dụng GAĐT chỉ là một phần nhỏ của việc UDCNTT nhưng hầu như nó đã trở nên phổ biến, đi sâu vào sinh hoạt chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Hầu như ở mỗi trường, mỗi tổ chuyên môn, mỗi thầy cô giáo đều cố gắng thực hiện điều này và xem đó như một tiêu chí quan trọng để thể hiện tinh thần đổi mới.
Trong bài viết này, chúng tôi không phủ nhận vai trò của việc sử dụng GAĐT trong tổ chức thực hiện một tiết dạy nói chung bởi nó đem lại những hiệu quả tích cực. Có thể thấy rõ những hiệu quả đó như sau:
- Hiện đại hóa tiết dạy.
- Giáo viên phải chuẩn bị công phu, qua đó mà thâm nhập vào bài dạy sâu hơn.
- Gây hứng thú cho học sinh bởi sự mới lạ, đặc biệt là khi giảng những nội dung dạy học có minh hoạ bằng tranh ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu bảng…
- Giúp cho giáo viên tránh ghi bảng dài dòng.
- Thuận lợi trong việc mở rộng vấn đề, liên hệ, tích hợp những kiến thức khác làm cho bài học phong phú, sinh động, sâu sắc hơn…
Tuy nhiên, không phải lúc nào, với môn học nào GAĐT cũng cho những kết quả mỹ mãn. Bên cạnh những ưu điểm thiết thực với nhiều môn học, GAĐT vẫn còn không ít bất cập khi đưa vào dạy học môn Ngữ văn.
                                                          ***

16/9/12

209. Ý KIẾN KIỂU NGỤY NGÔN


Mộc Nhân

Tranh luận, phát biểu ý kiến cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhưng thế nào là tranh luận, ý kiến nghiêm túc? Nói ngắn gọn, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được phạm luật chơi, phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, thiếu hiểu biết.

Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải tập trung vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng,  không công kích cá nhân...

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc  và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này, nhất là đối với nhiều người dù thuộc thành phần trí thức nhưng cũng chưa quen với văn hóa tranh luận.

14/9/12

208. DẤU VẾT CHIẾN TRANH TRONG TIẾNG VIỆT



Ngôn ngữ nào cũng có những từ ngữ quân sự dùng trong đời thường liên quan đến những ẩn dụ chiến tranh. Nhưng tiếng Việt đặc biệt nhiều từ ngữ chiến tranh.

Thích chơi kiểu “đánh”, “đá”

Từ khi dựng nước, dân tộc Việt phải liên miên đối phó với giặc ngoại xâm phương Bắc và giặc giã quấy nhiễu ở phương Nam. Kết quả là những từ ngữ quân sự từ xa xưa đã đi vào lời nói đời thường, lúc nhiều lúc ít.
Nhà báo viết: “Thế trận của Chelsea rất chặt chẽ, hàng phòng ngự luôn vô hiệu hoá được các mũi nhọn tấn công của đối phương. Các pháo thủ Arsenal tổ chức tấn công, ra sức bắn phá khung thành Chelsea, nhưng người chiến thắng lại là đội quân của ông Ancelotti…” Đó là cách viết theo một ẩn dụ đời thường “trận đấu bóng đá là chiến tranh”.
Khái quát hơn, có ẩn dụ thi đấu thể thao là chiến tranh. Chính vì vậy, chúng ta mới dùng từ “trận” cho những cuộc đấu thể thao: trận bóng đá, trận bóng bàn, trận bóng chuyền, trận vật, trận cầu lông…

11/9/12

207. “CHIẾC LƯỢC NGÀ” – KỈ VẬT CỦA TÌNH CHA CON



Lê Đức Thịnh    (Tư liệu giáo khoa)


Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt. Điều đáng chú ý là truyện lấy bối cảnh chiến tranh nhưng lại nói về tình người - tình cha con. Đó là tình cảm thiêng liêng, muôn thuở, có tính nhân bản bền vững. Tình cảm ấy khi được đặt trong hoàn cảnh càng ngặt nghèo, éo le, gian khổ, hi sinh của chiến tranh càng trở nên mãnh liệt phi thường, không khỏi gây xúc động. Câu chuyện về tình cha con của anh Sáu - bé Thu khiến chúng ta cảm nhận được nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho con người.

10/9/12

206. THƠ SAY - OMAR KHAYYAM



Ôma Khayyam sinh năm 1040 ở  thành phố Nissapurê (miền đông Iran ngày nay), lớn lên nổi tiếng khắp cả vùng Trung Á rộng lớn như một nhà triết học, toán học, thiên văn học kiệt xuất của thời đại. Ông được vua chúa nhiều nước mời đến triều đình làm việc, là tác giả một loạt  tác phẩm quan trọng về vật lý và toán học. Cuộc đời ông đầy những năm tháng lưu lạc và gian khổ. Ông đi nhiều, lang thang hết nước này đến nước khác, cuối cùng trở về thành phố quê hương và mất ở đó vào năm 1112. Hiện nay vẫn còn giữ được lăng mộ của ông ở Nisapurê.

Ôma Khayyam chỉ viết thơ trong những phút rảnh rỗi và buồn chán. So với các công trình khoa học, di sản 450 bài bốn câu (rubai) của ông không lớn. Cho mãi tới thế kỷ 19, khi chưa được người châu Âu “phát hiện”, ông hầu như chỉ được biết đến như một nhà khoa học. Sau sự phát hiện đó, nghĩa là sau bản dịch tiếng Anh 75 bài của Fitzgerald (1809 – 1883) năm 1859, ông “đột nhiên” trở thành nhà thơ nước ngoài được ưa thích nhất ở châu Âu và châu Mỹ. Lúc ấy đã xuất hiện, có nơi còn giữ đến ngày nay, nhiều quán rượu và câu lạc bộ say mang tên ông.

7/9/12

205. CHÂN DUNG BÙI GIÁNG


Tạ Tỵ

Bùi Giáng sinh ngày: 17-12-1926 tại Quảng Nam
 Tác phẩm: 
1. Lá hoa cồn (Thơ)
2. Thi ca tư tưởng (Đi vào cõi thơ), Nxb An Tiêm, 1969
3. Sa mạc phát tiết (Thơ), Nxb An Tiêm, 1969
4. Martin Heidegger (Vấn đề căn bản của Siêu hình học), Nxb Võ Tánh, 1969
5. Mùa thu trong thi ca (Tư tưởng và thơ), Nxb An Tiêm, 1970
6. Sa mạc trường ca (Thơ), Nxb An Tiêm, 1970
7. Ngày tháng ngao du, Nxb An Tiêm, 1971

Bùi Giáng – người thi sĩ chối bỏ thi ca
Bùi Giáng (trung niên thi sĩ), thuở còn bé, ham đọc thơ. Bỏ học về nhà quê chăn trâu. Làm thật nhiều thơ, thân tặng chuồn chuồn và châu chấu.
Bùi Giáng đã tự giới thiệu với dòng chữ trên, được in ở mép bìa tập thơ "Sa mạc phát tiết" do nhà An Tiêm xuất bản năm 1969. Lời giới thiệu đó cũng là ý hướng tỏ bày quan niệm về chiều hướng thi ca của thi sĩ. Cõi sống này không làm gì còn ai, có ai biết và hiểu thơ nữa, nên người thơ đành gửi tinh hoa, huyết lệ mình cho đám côn trùng đồng nội!

Mỉa mai thay, Bùi Giáng! Đi già nửa vòng đời với gần 30 năm đọc sách, làm thơ, để hôm nay nói lên lời cay độc! Bùi Giáng đã sử dụng cái tinh thể của ngôn ngữ để đạt tới thượng đỉnh của suy nghĩ, nhưng không cần ai biết suy nghĩ đó để làm gì? Thơ với Bùi Giáng, đích thực không phải cứu cánh, chỉ được thực hiện nhằm giải tỏa ám ảnh về thân phận trong vòng đai cuộc sống nhiều băn khoăn với ý thức siêu hình. Cái sa-mạc-cõi-đời-thế-giới-hôm-nay đầy ngụy trang, bất trắc. Nó u tối như vùng địa ngục, nếu không, cũng rừng rú man rợ, hỗn loạn trước mắt nhìn thi sĩ.

6/9/12

204. BÀI CA DAO “BỰC MÌNH”

Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

“Ốc bực mình ốc
Ôc vặn ốc vẹo
Bèo bực mình bèo
Lênh đênh mặt nước
Nước bực mình nước
Tát cạn cây khoai
Khoai bực mình khoai
Đào lên cấy muống
Muống bực mình muống
Ngắt ngọn nấu canh
Anh bực mình anh
Vợ con chưa có
Đêm nằm vò võ
Một xó giường không
Hỏi giường có bực mình không, hỡi giường?”

5/9/12

203. CHÁY THƠ THIỀN DỎM ...


CHÁY THƠ THIỀN DỎM
       LÒI RA KHUÔN MẶT VĂN HỌC BAO CẤP NHEM NHUỐC

Nguyễn Hoàng Đức (Nguồn: Lê Thiếu Nhơn)

Triết gia Nietzsche nói “Chúng ta không nên đón nhận mà phải sáng tạo, chúng ta không nghèo khổ đến mức phải xin bố thí của thần thánh”. Đây là nguyên lý duy nhất, bởi kẻ sáng tạo phải tạo ra cái của mình, cho dù hang núi có tạo ra tiếng sáo thì đó là thiên tạo chứ không phải nhân tạo, cho dù người mẫu có bán một đêm được vạn lạng bạc thì cũng không phải tài năng nhân tạo mà chỉ là “vốn tự có” . Nhân gian có câu nói lái rất hay “cái trời cho” chỉ là “trò chơi”. Và có một thước đo giá trị tiên quyết không thể cãi được khác “kinh thành La Mã không thể xây trong một ngày”. Chẳng lẽ Hoàng Quang Thuận lại trở thành một ngoại lệ sao? 

202. NGÀY MAI


Mộc Nhân


Em có ở bên tôi nếu mai là ngày tận thế
rồi tất cả sẽ tan biến
chỉ còn những khoảnh khắc trong trái tim

       Em có ở bên tôi nếu mai là ngày cuối
       rồi tất thảy sẽ  vỡ vụn và hủy diệt
       chắc gì còn cát bụi mịt mờ trên những con đường.

             Em hãy bên tôi và bước vào giấc mơ của tôi
             bởi em mang theo niềm kiêu hãnh thánh thiện
             làm tôi mạnh mẽ hơn - nếu ngày mai ấy đến.

                   Em có ở bên tôi nếu đến ngày mai
                   chúng ta sẽ lùi xa hơn quá khứ - đến tận hồng hoang
                   nhưng em có còn nhớ những con đường
                   vào trong giấc mơ của tôi không ?                                                              

4/9/12

201. TÌNH KHÚC


Mộc Nhân



Tôi đã sống gần trọn đời
tiêu hoang hết thảy thời gian của mình
tôi đã hát cho em nhiều bài ca
đôi khi tôi viết ra trong ý nghĩ của mình
cả những điều tệ hại
và giờ đây tôi lại hát bài hát này để tặng em.

                Tôi đã đóng nhiều vai diễn
                trong sân khấu cuộc đời
                tôi đã hát cho mọi người nhiều khúc ca
                có cả những giai điệu mượt mà
               che dấu bao điều giả dối
               và giờ đây tôi lại hát bài hát này để tặng em.

                          Nhưng hình ảnh của em vẫn vấn vương
                          tôi sẽ lưu giữ những niềm thương còn lại
                         ẩn khuất sau những mỹ miều tệ bạc
                         mà vì yêu tôi nên em chẳng nhận ra
                         sao em không hề nhìn xuyên thấu tôi
                         để giờ đây tôi lại hát bài hát này tặng em.

                                   Tôi phải trả giá bằng nỗi cô đơn

                                   tôi phải trả giá bằng những bí mật quý giá
                                   sự thật  là thứ chẳng cần giữ lại cho riêng mình
                                   tôi phải trả giá bằng những giai điệu  lạc lõng
                                   dù giờ đây tôi hát bài hát này để tặng em.

                                          Tôi nhận ra yêu em trong mọi lúc mọi nơi
                                          trong cánh gió nhẹ như hơi thở
                                          cả trong những điều tưởng chừng giả dối

                                          khi chúng ta bên nhau chẳng còn gì để nghĩ ngợi
                                          và giờ đây tôi dành hát bài hát này cho em.                                      

200. CHỜ EM


Mộc Nhân


     Anh đã ngồi đây cả buổi chiều
     trong góc khuất quán cóc bên đường để chờ em
     và thấy hoàng hôn chảy máu
     anh đã ngóng nhìn những khuôn mặt xa lạ
     ẩn sau tấm khẩu trang bụi bẩn
     dõi theo cả những khuôn mặt
     níu những cái nhìn lạ lẫm sau tấm kính chắn gió
     và đợi chờ một khuôn mặt quen
     mà anh đã gặp trong lần mộng du

          Phố xá thắp đèn cho dòng người xuôi ngược
          chở theo hạnh phúc của ngày và bất hạnh của đêm
          cần mẫn như ong kiến dù sắp động đất hay bão lũ
          tất thảy nhẫn nại và kiêu hãnh
          như những cô gái trên sàn diễn
          dù biết cuộc đời chỉ là những vở diễn
          trong tung hô kệch cỡm và bày trò mụ mị

               Góc khuất chỗ anh ngồi giờ đã trở thành góc tối
               phin cà phê thứ ba của buổi chiều
               từng giọt rơi như những giọt máu đen
               rời bỏ trái tim sắp gục ngã
               vắt kiệt nhịp đập cuối cùng thành giọt đắng

                    Anh nghĩ mình là thằng đàn ông nông nỗi
                    yêu em từ cái nhìn vu vơ và bàn tay bối rối
                    hẹn ước hững hờ như gió chướng trái mùa
                    tố lốc rối rã tâm hồn và mưa tràn trụa
                    kẽ tóc được tắm gội cuốn đi mệt nhọc còn lại của ngày
                   góc tối chỗ anh ngồi giờ trở thành góc vắng
                   gã mộng du giữa ban ngày lang bạt
                   đi dây trên con đường bằng phẳng thả cho kí ức rong ruổi.

                          Anh đã ngồi đây cả chiều và sang đêm
                          chờ bóng tối tàn phai chồi nhú sang ngày mới
                          khắc khoải em chưa đến đêm nay
                          nhưng anh vẫn chờ đến ngày mai
                          để hiểu những ảo mộng
                          mọc lên từ bụi bặm, gió chướng, bóng tối, góc khuất

                                Có khi em sẽ chẳng bao giờ đến
                                tình mộng du rơi xuống vực sâu nát gãy
                                anh bừng tỉnh hốt hoảng chiêm bao
                               có thể em chẳng bao giờ trở lại bày biện tình yêu
                               để xua bóng đêm gọi ánh sáng của ngày
                               nhưng anh vẫn chờ em nơi này
                               nhớ thương và hát cho em ca khúc
                               yêu em mà bóng tối thành tình nhân.

3/9/12

199. GẶP MẶT HỌC TRÒ THẠNH MỸ


Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh

Cảm ơn các em học trò Trường Thạnh Mỹ (Nam Giang, Q.Nam) về buổi gặp mặt vào ngày 2 tháng 9 / 2012 vừa qua.
Tất cả thật tuyệt vời mà tuyệt vời nhất là tình thầy trò.
Mỗi con người trong đời mình có thể có rất nhiều người thầy nhưng nếu "những người thầy Thạnh Mỹ" có ý nghĩa nào đó với các em, để các em nhớ, lưu giữ ... thì thật đáng quí.
Người thầy cũng thế, đời đi dạy học có cả hàng ngàn học trò nhưng có lẽ chỉ có  những em hay nhóm học trò nào đó để mình nhớ, hoặc duy trì mối quan hệ ...
Đó là một sự thật - và các em học trò Trường Thạnh Mỹ những năm 1980s  thuộc về số đó. Chúng tôi mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau ôn lại thời gian dạy học nơi miền núi gian khổ vẫn hay nói về điều này với nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Những trải nghiệm này không phải ai cũng có được. 
Thật vui sướng và hạnh phúc khi chúng tôi có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của các em và các em cũng có ý nghĩa đối với cuộc đời đi dạy của chúng tôi.
Thầy trò chúng ta đã gặp nhau nơi xứ núi, ở ngôi trường tranh tre thưở sơ khai nằm trên một quả đồi vắng có bốn phòng học, số lượng học sinh (cấp II) cả trường không bằng sĩ số của học sinh trong một lớp hiện nay.
Nhưng chúng ta đã có nhiều kỉ niệm vui buồn đáng nhớ về một thời gian khổ: khoai sắn, rau rừng … đạm bạc mà đầm ấm tình thầy trò ... 
Chúng tôi đã khởi giáo nghiệp trong sự nhọc nhằn không phải chỉ riêng mình nhưng bằng cả tâm hồn, nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm tin rằng phía sau những hẻm núi điệp trùng của dãy Trường Sơn là những chân trời rộng mở và những ước mơ ở phía trước.
Hôm nay các em đã có những chân trời đó, nó không phải chỉ cho các em mà còn cho cả con cái của các em nữa.
Một số ít thầy cô giáo ở đây lại có thêm niềm vui là do một nhân duyên nào đó, dù đã rời xa xứ núi này nhưng lại có cơ hội dạy học cho con cái của các em.
Lúc này chúng tôi được dịp kể cho các cháu ấy biết rằng ngày xưa bố mẹ chúng đã đi học trong ngôi trường như thế nào ? Tình nghĩa thầy trò ra sao ? 
Dường như đó là môi trường giáo dục khác xa với những gì đang là.
Thảng hoặc, chúng tôi nhận ra được niềm xúc cảm khó tả trên khuôn mặt chúng vì bọn trẻ bây giờ đủ tinh khôn, lọc lõi để nhận ra nhiều điều không mấy tốt đẹp trong môi trường giáo dục  hiện nay.

Hơn hai mươi năm gặp lại, có những khuôn mặt học trò phải lục lọi trí nhớ để tái hiện; có những câu chuyện vui buồn; có những số phận; có những con người thành đạt …
Tất cả đều mang theo dấu ấn thời gian.
Rồi thời gian cũng sẽ bào mòn và xóa đi tất cả nhưng những cuộc gặp như thế này sẽ giúp cho chúng ta vun bồi những gì còn lại.
Cảm ơn các em trong BLL cựu học sinh trường Thạnh Mỹ đã thu xếp để thầy và trò chúng ta có niềm vui hạnh ngộ hôm nay.
Chúc các em hạnh phúc, sức khỏe và thành đạt trong cuộc sống.
***
Dưới đây là hình ảnh thầy trò Trường Thạnh Mỹ trong cuộc gặp mặt :

1/9/12

198. TRUYỆN CƯỜI DÂN GIAN - XIỂN BỘT



1. TỨ CHỨNG NAN Y
Xiển làm thuốc cho nên vua thường vời vào kinh chữa bệnh. Một hôm, vua đang nô đùa cùng bầy cung phi, thì thấy Xiển bước vào.
Vua ngạc nhin hỏi có việc gì. Xiển đáp:
- Hạ thần nghe nói Hoàng thượng mắc phải bốn bệnh hiểm nghèo mà sách gọi là "tứ chứng nan y", nên vội vàng vào thăm Hoàng thượng.
Vua khó chịu nói:
- Thiên hạ ác miệng nói càn như vậy, chứ lâu nay Trẫm vẫn khẻo mạnh, có việc gì đâu! à thế "tứ chứng nan y" là nhứng bệnh gì?
Xiển tâu: - Dạ "tứ chứng nan y" họ nói đó là què, mù, câm, điếc.
Vua nổi giận:
- Ðộc ác đến mức ấy là cùng! Trẫm mà biết kẻ nào bịa chuyện phao đồn ra đầu tiên thì Trẫm sẽ cắt lưỡi chứ không tha!
Xiển nói:
- Hạ thần nghe thiên hạ đồn như vậy. Bây giờ mới biết là sai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì lại thấy là có nguyên do cả đấy ạ!
Vua hỏi: - Nguyên do như thế nào?
Xiển giả bộ rụt rè: - Xin Hoàng thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám nói.
Vua bằng lòng. Xiển nói:
- Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ nên họn lầm tưởng là ngài điếc.
Vua biết Xiển chửi mình, tức uất người nhưng không đủ lý lẽ để bắt tội được.