11/9/12

207. “CHIẾC LƯỢC NGÀ” – KỈ VẬT CỦA TÌNH CHA CON



Lê Đức Thịnh    (Tư liệu giáo khoa)


Truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra quyết liệt. Điều đáng chú ý là truyện lấy bối cảnh chiến tranh nhưng lại nói về tình người - tình cha con. Đó là tình cảm thiêng liêng, muôn thuở, có tính nhân bản bền vững. Tình cảm ấy khi được đặt trong hoàn cảnh càng ngặt nghèo, éo le, gian khổ, hi sinh của chiến tranh càng trở nên mãnh liệt phi thường, không khỏi gây xúc động. Câu chuyện về tình cha con của anh Sáu - bé Thu khiến chúng ta cảm nhận được nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho con người.


Sau nhiều năm xa nhà đi chiến đấu biền biệt, lúc đi đứa con gái đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của anh Sáu chưa đầy một tuổi. Đến khi con lên tám tuổi, anh mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Vừa nhìn thấy cô bé độ tám tuổi, tóc cắt ngang vai đang chơi dưới bóng cây xoài trước hiên nhà, anh đã nhận ra con ngay. Với bao nỗi nhớ thương con nên ông Sáu không kìm được nỗi vui mừng trong phút đầu gặp con. Anh nghĩ bé Thu - con anh - sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh, anh dang rộng cánh tay chờ đón con…

Nhưng thật trớ trêu, đáp lại sự vồ vập của người cha, bé Thu lại tỏ ra ngờ vực. Nghe ông Sáu gọi, con bé giật mình tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác lạ lùng như muốn hỏi rằng đó là ai. Mặt nó bỗng tái đi, rồi nó vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!” Người cha tám năm không gặp đứa con gái của mình, gặp mặt và gọi tên con thì nó vội chạy đi, mắt tròn xoe, ngơ ngác và lạ lẫm. Nước mắt bỗng  chảy ngược vào trong làm lạnh cóng cả con tim.

Những ngày anh Sáu ở lại nhà, lúc nào anh cũng tìm cách gần gũi, vỗ về con nhưng càng vỗ về, con bé lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách. Anh mong được nghe một tiếng ba nhưng con bé chẳng bao giờ chịu gọi. Một tiếng ba anh đã chờ bao năm nay và bây giờ lại tiếp tục chờ… Mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó nói lại: “Thì má cứ kêu đi”. Mẹ dọa đánh nó chỉ nói trổng: “Vô ăn cơm”. Anh Sáu chỉ biết lắc đầu, cười ngán ngẫm, nụ cười đau khổ thay cho bao nỗi niềm của anh. Trong bữa cơm, anh Sáu gắp một cái trứng cá to vàng để vào chén nó, nó liền lấy đũa xoi vào chén, hất cái trứng ra làm cơm văng tung toé cả mâm. Cuối cùng khi bị ông Sáu tức giận đánh một cái thì bé Thu chỉ im lặng. Cứ tưởng đâu nó sẽ khóc to nhưng nó chỉ im lặng, rồi đứng dậy, ra chiếc ghe nhỏ, vùng vằng chèo sang nhà ngoại, khi xuống xuồng nó còn cố ý khua dây cột xuồng kêu rổn rảng.

Nó đã không chấp nhận ba và không gọi tiếng ba mà còn tỏ thái độ bất cần! Đâu phải lúc đó chỉ có một mình anh Sáu tuyệt vọng. Bé Thu cũng nghi ngờ và tuyệt vọng vì hình ảnh người ba mà nó mơ tưởng bấy lâu nay thì hoàn toàn ngược lại. Còn anh Sáu thì chẳng thể nào kìm nén được cảm xúc của mình, anh lỡ vung tay đánh con và rồi anh lại hối hận mãi. Anh dõi mắt theo con, cái nhìn gần như vô vọng.

Sự ương ngạnh, lời nói cộc lốc, vùng vằng của bé Thu hoàn toàn không đáng trách bởi trong suy nghĩ của nó, ông Sáu không phải là ba. Phản ứng tâm lí của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên, nó chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, tình cảm của em sâu sắc, chân thật. Bé Thu chỉ yêu ba khi tin chắc người đó đúng là ba. Trong sự ương bướng của bé Thu có cả sự kiêu hãnh về tình yêu dành cho người cha thực sự của nó.

Về ngoại, bé Thu nằm im lặng, suy tư như người lớn chứ không phải là một cô bé tám tuổi. Tâm sự với bà về ba nó, nó hiểu ra vết thẹo trên mặt của ba nó, cũng cái vết thẹo ấy mà nó không chịu nhận ba. Những bi kịch của cuộc sống thường làm con người ta sững lại, ngỡ ngàng và dường như gục ngã. Thế nhưng, những bi kịch ấy không có đủ sức mạnh để quật ngã, hay giết chết đi những tình cảm thiêng liêng.

Sáng hôm sau, là lúc anh Sáu phải đi ra lại chiến trường. Khách trong nhà thì đông, lại toàn người lớn, bé Thu như một con ốc nhỏ vo mình ở một góc tường. Dõi mắt nhìn ba, đôi mắt bộc bạch nỗi niềm riêng tư thầm kín, bộc bạch bao lời trăn trở khôn nguôi. Lát sau, anh Sáu đưa mắt tìm con, anh nhìn con trìu mến, muốn lại ôm con nhưng rồi lại thôi,vì anh biết nó sẽ giẫy lên như những ngày trước mà thôi. Anh chỉ chào con, tiếng chào làm cắt lòng người, tiếng chào hòa lẫn với nước mắt: “Ba đi nghe con!”. Tiếng chào bật lên từ tiếng nấc của sự tuyệt vọng, khổ tâm… Phải chăng đến lúc này anh Sáu nghĩ mình đã hoàn toàn bất lực, vô vọng.
Trong cái đêm bỏ về nhà bà ngoại, Bé Thu đã được bà ngoại giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Bà cho nó biết ba nó đi đánh Tây bị Tây bắn nên mới có vết thẹo ấy. Nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn.

Những nghi ngờ bấy lâu nay đã được giải toả và Bé Thu lúc này nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận nuối tiếc. Nó ân hận vì đã không nhận ra ba, nó cảm thấy có lỗi với ba, đã không đáp lại tình cảm của ba, khiến cho ba nó phải buồn khổ… Chính vì vậy, trong buổi sáng cuối cùng, trước phút ông Sáu phải lên đường, thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột thay đổi hoàn toàn. Đến lúc này, khi đối diện với người cha “đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao”. Đằng sau đôi mắt ấy, đang xáo động không biết bao nhiêu ý nghĩ, tình cảm, trái tim bỗng đập loạn nhịp.

Tình cha con phút chốc bỗng nổi dậy, bùng cháy mãnh liệt. Lần đầu tiên bé Thu cất tiếng gọi ba, tiếng kêu của nó như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người nghe thật xót xa. Tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó:“B...a..a…a!!!”  Bé Thu gọi lên tiếng ba trong thổn thức, rung cảm. Tiếng gọi ba xé đi tất cả, vỡ òa lên xúc cảm đã nén chặt bấy lâu nay. Tiếng ba như thể được gọi lên lần cuối cùng vậy và nó cũng là tiếng gọi mà người cha đã chờ đợi bao năm nay.

Nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó… Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết sẹo dài bên má của ba nó nữa. Trong giây phút này, tình yêu và nỗi nhớ mong với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu, nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. Hình ảnh bé Thu ôm chặt lấy cổ ba nó không chịu cho ba nó lên đường mãi mãi là hình ảnh rất cảm động về tình cha con thời chiến tranh máu lửa.

  Chứng kiến những cảnh ấy, có người không cầm được nước mắt và người kể chuyện thì cảm thấy như có bàn tay ai nắm lấy trái tim mình.

Chắc hẳn đây là lần đầu tiên bé Thu cảm nhận được hơi ấm của cha, cảm nhận được nhịp tim của cha. Và ngay chính lúc này hai trái tim mới cùng hòa chung một nhịp đập, hòa chung một niềm hạnh phúc mãnh liệt, vô biên của tình phụ tử. Nhưng niềm hạnh phúc đó chỉ kéo dài có được lâu đâu, và rồi bé Thu lại từ từ tụt xuống khỏi vòng tay ba trong tiếng nấc thổn thức: “Ba, ba nhớ mua cho con một cây lược nghe ba!”. Mái tóc dài của bé Thu đang chờ chiếc lược của ba đem về, bé Thu chờ ngày ba về để hưởng một tổ ấm trọn vẹn.
 
Và cũng không ai ngờ được rằng giây phút giã biệt ấy đã trở thành vĩnh biệt, chỉ có tình cha con là còn ở lại trong tâm hồn mỗi người. Khi trở lại chiến trường, nỗi day dứt, ân hận ám ảnh ông suốt nhiều ngày đó là việc khi nóng giận quá, ông đã lỡ đánh con. Rồi lời dặn của đứa con “Ba về ! Ba mua một cây lược cho con nghe ba!” đã thúc đẩy ông nghĩ đến việc làm một chiếc lược ngà cho con. Khi kiếm được một khúc ngà, ông đã vô cùng vui mừng, sung sướng như đứa trẻ được quà. Rồi ông dành hết tâm trí, công sức vào việc làm cây lược. 

Anh bỗng chốc trở thành một nghệ nhân sáng tạo tài tình mà chiếc lược ngà là tác phẩm duy nhất của cuộc đời anh. Những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược, thận trọng, tỉ mỉ và cố công như người thợ bạc. Bụi ngà mỗi ngày rơi một nhiều làm người đồng đội cũng cảm thấy vui cho anh. Trên sống lưng cây lược, anh đã tẩn mẩn khắc một dòng chữ nhỏ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Dòng chữ nhỏ mà chứa bao tình cảm lớn lao. Việc làm chiếc lược vừa là cách ông giải tỏa tâm trạng mong nhớ, ân hận vừa là cách gởi vào đó những yêu thương khao khát cháy bỏng dành cho đứa con gái yêu của mình. Chiếc lược ngà giờ đây đã trở thành một vật quí giá thiêng liêng với anh Sáu. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao nhiêu tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của của người cha đối với đứa con xa cách. Cây lược ấy chưa chải được mái tóc của con nhưng nó như gỡ rối được phần nào tâm trạng của ông. Những lúc nhớ con, ông lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho bóng mượt.

Anh gửi vào đó bao lời nhắn nhủ thiêng liêng, gửi vào đó bao nỗi nhớ mong con. Chiếc lược ngà là kết tinh tình phụ tử mộc mạc mà đằm thắm, đơn sơ mà diệu kì, là hiện hữu của tình cha con bất hủ giữa anh Sáu và bé Thu. Tình thương anh dành cho con cháy bỏng, như một dòng sông chảy mãi từ suối nguồn, như dòng máu chảy sâu vào tim anh, vào tâm hồn anh đến phút cuối vẫn bùng cháy chẳng nguôi.

Thật trớ trêu, anh Sáu đã hi sinh khi chưa kịp trao chiếc lược ngà vào tay con. Giây phút cuối cùng của sự sống, anh rút trong túi ra chiếc lược ngà đưa cho người đồng đội là bác Ba, chỉ im lặng nhìn bác Ba một hồi, cái ánh mắt nhắn nhủ bao điều, anh muốn con nhận lấy chiếc lược ngà - ấy cũng chính là lời trăn trối cuối cùng của anh. Và cũng chính chiếc lược ngà ấy đã làm nảy sinh một tình cảm mới, như tình cảm cha con giữa cô giao liên là bé Thu ngày xưa và bác Ba. Người đọc phải nghẹn lòng ở các tình huống xót xa, tưởng chừng như sẽ kết thúc bằng một dấu chấm hết nhưng đến phút cuối thì lại vỡ òa theo dòng cảm chảy của cảm xúc.

            “Chiếc lược ngà” như một truyện cổ tích hiện đại dẫn người đọc dõi theo số phận của nhân vật. Người còn, người mất nhưng kỉ vật gạch nối giữa cái mất mát và sự tồn tại là chiếc lược ngà nói với chúng ta nhiều điều về tình người, tình đồng chí, tình cha con …       

Không có nhận xét nào: