22/9/12

210. GAĐT MÔN VĂN: TỪ PHONG ĐỘ ĐẾN ĐẲNG CẤP


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh

Những năm qua, ngành giáo dục có phong trào Ứng dụng Công nghệ thông tin  (UDCNTT) trong dạy học tích cực mà phổ biến nhất là soạn giảng bằng giáo án điện tử (GAĐT) - còn gọi là “bài giảng điện tử”. Đành rằng sử dụng GAĐT chỉ là một phần nhỏ của việc UDCNTT nhưng hầu như nó đã trở nên phổ biến, đi sâu vào sinh hoạt chuyên môn của đội ngũ giáo viên. Hầu như ở mỗi trường, mỗi tổ chuyên môn, mỗi thầy cô giáo đều cố gắng thực hiện điều này và xem đó như một tiêu chí quan trọng để thể hiện tinh thần đổi mới.
Trong bài viết này, chúng tôi không phủ nhận vai trò của việc sử dụng GAĐT trong tổ chức thực hiện một tiết dạy nói chung bởi nó đem lại những hiệu quả tích cực. Có thể thấy rõ những hiệu quả đó như sau:
- Hiện đại hóa tiết dạy.
- Giáo viên phải chuẩn bị công phu, qua đó mà thâm nhập vào bài dạy sâu hơn.
- Gây hứng thú cho học sinh bởi sự mới lạ, đặc biệt là khi giảng những nội dung dạy học có minh hoạ bằng tranh ảnh, âm thanh, sơ đồ, biểu bảng…
- Giúp cho giáo viên tránh ghi bảng dài dòng.
- Thuận lợi trong việc mở rộng vấn đề, liên hệ, tích hợp những kiến thức khác làm cho bài học phong phú, sinh động, sâu sắc hơn…
Tuy nhiên, không phải lúc nào, với môn học nào GAĐT cũng cho những kết quả mỹ mãn. Bên cạnh những ưu điểm thiết thực với nhiều môn học, GAĐT vẫn còn không ít bất cập khi đưa vào dạy học môn Ngữ văn.
                                                          ***

            Văn chương là bộ môn nghệ thuật của ngôn từ. Nó hấp dẫn người đọc bởi tính hình tượng được xây dựng qua chất liệu ngôn từ. Sự gợi hình, gợi cảm, tính giáo dục tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của văn chương được thể hiện qua hình tượng văn học. Để đạt được điều này đòi hỏi người giáo viên phải giảng phân tích, giảng bình… sao cho học sinh cảm nhận được cái hay cái đẹp của nghệ thuật ngôn từ, nắm bắt được giá trị hình tượng…

Khi sử dụng GAĐT trong giờ dạy Văn, hầu như giáo viên bị phụ thuộc hoàn toàn vào màn hình máy tính. Giờ dạy văn chương thiếu đi sự thăng hoa của cảm xúc bởi người dạy luôn phân tâm vì đang lo nghĩ đến những gì đã được “lập trình” trên GAĐT: “Giảng đến đâu? Đến lúc kích chuột chưa? Chuyển sang trang trình chiếu mới được chưa? …”. Không gian dạy học của tiết dạy bằng GAĐT cũng bị hạn chế quanh bục giảng hoặc nơi đặt máy tính, bàn phím … Người dạy không dám đi xuống những dãy bàn học sinh vì sợ mất thời gian, lỡ nhịp cho một lần kích chuột, vừa dạy học vừa ngó chừng màn hình, để ý dây nhợ các thứ… Còn người học sinh thì cắm cúi ghi chép vì sợ thầy chuyển sang trang trình chiếu khác… Bấy nhiêu bận rộn như vậy thì giờ dạy Văn chương còn đâu thăng hoa với xúc cảm. Tiết dạy trở nên đơn điệu, rời rác, xơ cứng. Đành rằng không có gì sai trái theo “Chuẩn kiến thức kĩ năng” nhưng nó chẳng đọng lại gì trong lòng người – tất cả trôi qua như những chuỗi  slide show vô hồn, học sinh không cảm nhận hết được nét đặc sắc, giá trị thẩm mỹ của văn bản văn chương.

Những người có khả năng tự thiết kế cho mình một GAĐT để tiến hành tiết dạy Văn chương còn thấy nhọc nhằn như vậy; còn những người không biết gì về GAĐT nhưng vì phong trào, vì thi đua, vì chỉ tiêu nên cũng phải cố cho bằng chị bằng em mà dẫn đến nhiều chuyện bi hài. Có người thao tác nhầm nên phần trình chiếu chạy không đúng thứ tự đã cài đặt phải dừng tiết dạy để nhờ đồng nghiệp chỉnh sửa! Có khi một slide bỗng dưng xuất hiện chưa đúng lúc mà người dạy không biết xử lí ra sao nên dùng giải pháp tạm thời là lấy tay (hoặc tập vở) che đèn chiếu để nó khỏi hiện lên màn hình! Còn chuyện lỗi font chữ nên khi chiếu lên màn hình  thấy “tiếng Ả-rập” lẫn với tiếng Việt; rồi do lóng ngóng mà giáo viên vướng các thứ dây nhợ lằng nhằng vấp ngã … là những chuyện đã từng xảy ra. Khỏi cần nói thì các bạn cũng hình dung ra những tiết dạy GAĐT như vậy đem lại hiệu quả gì, được xếp loại gì !

Trong một cuộc hội thảo về việc sử dụng GAĐT trong dạy học môn Văn, một thầy giáo là chuyên viên SGD QNam nêu ý kiến để khắc phục tình trạng này. Theo anh chúng ta nên để nhiều khoảng lặng trong tiết dạy Văn bằng GAĐT, có nghĩa là không nhất thiết để màn hình trình chiếu chạy liên tục trong suốt cả tiết học, nên tắt màn hình khi không cần thiết, dành cho học sinh nhiều thời gian hướng về bảng đen, về phía thầy cô giáo để cảm thụ cái hay của tác phẩm từ lời bình giảng của giáo viên. Đó là một ý kiến khả thi.

Trong các tiết dạy Văn bằng GAĐT, giáo viên luôn cố gắng sử dụng những tranh ảnh minh hoạ trực quan cho một phần nội dung bài dạy của mình với quan niệm cho rằng thông qua các hình ảnh này học sinh sẽ nắm bắt nội dung một cách cụ thể hơn. Chúng tôi không chối bỏ điều ấy tuy nhiên nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trong các phương tiện tư duy thì tư duy thông qua phương tiện hình ảnh là kiểu tư duy dễ tiếp xúc nhất nhưng không đạt đến độ sâu của nhận thức; còn tư duy thông qua phương tiện ngôn ngữ (lời bình giảng, phân tích) thì khắc sâu, nhớ lâu và có khả năng rèn dũa công cụ tư duy một cách có hiệu quả hơn. Đó là chưa nói đến việc sử dụng hình ảnh trực quan một cách tuỳ tiện, dày đặc, dùng nhiều hình động, hiệu ứng tùy tiện khiến con chữ nhảy múa ẩn hiện, hình ảnh trang trí vô nghĩa… khiến cho học sinh bị phân tán sự chú ý, chẳng đạt hiệu quả nào về chuyên môn lẫn thẩm mỹ.

Mặt khác, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương vừa mang tính cụ thể vừa mang tính trừu tượng. Do vậy, thể hiện hình tượng bằng một bức ảnh trực quan cụ thể sẽ làm giảm đi giá trị của hình tượng trong nhận thức người học, hạn chế sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú của học sinh. Điều này sẽ làm cho tác phẩm văn chương mất đi cái hay, cái đẹp đặc trưng phong cách. 

            Thực tế cho thấy ở các trường học hiện nay không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện để bố trí một cách thuận lợi cho việc dạy GAĐT. Do đó, mỗi tiết học với GAĐT, học sinh phải di chuyển đến phòng chức năng “nghe nhìn”. Thời gian di chuyển và ổn định của các em dù có nhanh chóng đến mấy đi nữa, học sinh cũng khó có thể lấy tâm thế tốt nhất để tiếp thu bài giảng ngay từ phút đầu được - nhất là môn Văn, đòi hỏi cảm hứng tiếp nhận từ phía người học rất cao. Chính vì vậy mà  chúng tôi nhận thấy khoảng ít nhất là 10 phút đầu tiết dạy, đa phần học sinh mất tập trung, giáo viên tốn thời gian ổn định nề nếp và tâm thế cho việc đi vào tiết dạy.

            Trong GAĐT giáo viên biên soạn thường không có sự phân định rạch ròi giữa nội dung giảng và nội dung học sinh cần ghi chép. Giáo viên cứ “chiếu” kiến thức, lời bình giảng, sơ đồ tư duy, hình ảnh …lên màn hình mà không có quy ước nào để học sinh nắm bắt kiến thức, chỗ cần ghi chép… Điều này dẫn đến tình trạng học sinh ghi bài mải miết mà không sao ghi kịp, hoặc không biết ghi thế nào…

Đành rằng việc sử dụng GAĐT trong dạy học là một yêu cầu trong giai đoạn hiện nay nhằm thể hiện tiếp cận và UDCNTT trong ngành giáo dục, tuy nhiên vận dụng như thế nào, với môn học nào, mức độ nào … là điều cần bàn.

Tác nghiệp với GAĐT trong dạy Văn chương không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là một nghệ thuật dạy học đòi hỏi nhiều phẩm chất của người dạy Văn đó là: luôn tiếp cận với những yêu cầu mới đồng thời không nên quên rằng bản chất của Văn chương và dạy Văn chương là phải có tính nghệ thuật và thẩm mỹ. Dung hòa được hai yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật là một việc khó không phải ai cũng làm được.

Xét cho cùng, kỹ thuật chỉ là phương tiện, còn đạt đến những giá trị nghệ thuật và tư tưởng trong tiết dạy Văn mới là cứu cánh. Đáng tiếc là nhiều khi chúng ta còn nhầm lẫn hai điều này. Chính vì vậy nhiều đồng nghiệp trẻ do có điều kiện nên tiếp thu và vận dụng “kỹ thuật” tốt lại nhầm tưởng mình đã đạt đến “phong độ” trong dạy Văn chương. Còn thế hệ thầy cô giáo đi trước, được đào tạo theo “kiểu cũ”, có tâm huyết với nghề, có ưu thế trong giảng bình văn chương, những giờ dạy Văn bay bổng, đầy chất nghệ sĩ vẫn còn đọng lại dấu ấn cho nhiều lớp học trò… đôi khi lại bị đánh giá là “dạy học theo kiểu cũ”… dù đó là những người dạy có “đẳng cấp”.

Thực tế cho thấy rằng chỉ cần vài tuần, vài tháng là một người có thể nắm được phần “kỹ thuật” nhưng có khi phải mất đến cả đời, mà phải có tâm huyết, lòng mê say văn chương thì chúng ta mới có được cái đẳng cấp của người “nghệ sĩ” trong dạy Văn - mà không phải ai cũng có được điều này dù họ đã cố công đến mấy …

Alex Ferguson – huấn luyện viên câu lạc bộ M.U có câu nói nổi tiếng: “Phong độ chỉ là nhất thời, đẳng cấp mới là vĩnh cữu" (form is temporary, class is permanent); đáng tiếc là nhiều khi chúng ta chỉ chú ý đến cái phương tiện kỹ thuật thể hiện “phong độ” mà quên đi chất văn, chất nghệ thuật mới là “đẳng cấp” của người dạy học Văn chương.

Trên con đường dạy học văn chương trong bối cảnh hiện đại, đạt được cả hai yếu tố trên là một quá trình học tập, kế thừa, sáng tạo lâu dài.

Tháng 9 / 2012

3 nhận xét:

Đoàn Nhung nói...

Anh Mộc Nhân ơi! Bai viết chí lí thật. Em nghĩ phải vừa nhất thời vừa vĩnh cửu mới viết được như vậy. Chúc anh giữ mãi phong độ và đẳng cấp nhé!

HUỲNH VĂN CÁT nói...

Bài viết có kết cấu chặt chẻ, có những phát hiện mới mẻ trong việc dạy-học Văn chương bằng GADT:hiệu quả, những bất câp, phông độ, đẳng cấp.Các chuyên viên giáo dục cấc cấp, nhất là cấp Phòng nên đọc kĩ để rút ra những điều bổ ích.
Mình có cảm giác hoặc MN gượng gạo hoặc MN mỉa mai khi nêu lên hiệu quả tích cực của việc giảng dạy bằng GAĐT;
-Hiện đại hóa tiết dạy
-Gv phải chuẩn bị công phu,qua đó mà thâm nhập bài dạy sâu hơn.
-Gây hứng thú cho hs,,,,
_Giúp Gv tránh ghi bảng dài dòng.
_Thuận lợi trong việc mở roonhj vấn đề...
Hiệu quả là gì? Là kết quả như yêu cầu của việc làm mang lai, Đạt hiệu quả cao trong sản xuát,hiệu quả kinh tế (trang 424.TĐTV 1997,TTTĐH, nxb ĐN)> Nếu lấy ngĩa của từ HIỆU QUẢ đối chiếu với những điều mà MN nêu lên thì ta thấy KHÔNG CÓ HIỆU QUẢ NÀO THIẾT THỰC ĐỐI VỚI HỌC SINH CẢ mà chỉ có hiệu quả đối với GV trong việc đối phó với cấp trên mù quáng mà thôi,
Đọc kĩ bài viết, tôi càng thấy cái ý mĩa mai này. Khen MN

Nặc danh nói...

..hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương vừa mang tính cụ thể vừa mang tính trừu tượng. Do vậy, thể hiện hình tượng bằng một bức ảnh trực quan cụ thể sẽ làm giảm đi giá trị của hình tượng trong nhận thức người học, hạn chế sự liên tưởng...hơn nữa trực quan cụ thể là chính người dạy đã cầm tù hình tượng nhân vật ...cho đến nay chưa có bức tranh 3D hình ảnh HD nào thể hiện được vẽ đẹp của Thúy Kiều " một hai nghiên nước nghiên thành " ...Nói cho cùng hạn chế lớn nhất hiện của MTĐT là cảm xúc, mùi vị....
Thận !