27/1/12

112. CÓ ... CỨ

“ CÓ … CỨ ”
Lê Đức Thịnh

K.81 có hai người bạn là Nguyễn Có và Lê Cứ.
Tuy nhiên bài này không viết về hai bạn ấy; cho nên nó không thuộc chủ đề chân dung bạn bè, kỉ niệm bạn bè … mà chỉ gợi nhớ về một kiểu nói năng chả giống ai – nhưng lại rất Đại Lộc, Quảng Nam và mang đậm phong cách ngôn ngữ K.81 thuở hàn vi!
Đó là kiểu câu “Có … cứ …”.
Khi rủ rê nhau chơi bi da thì : “Có bi da – cứ bi da !” .
Khi mời nhau bún mắm thì : “Có bún mắm – cứ bún mắm !”
Khi buồn ngủ thì : “Có ngủ - cứ ngủ !”
Khi tán gái thì : “Có tán gái – cứ tán gái !”
Khi cần chơi thì : “Có chơi – cứ chơi !” …

111. NGAY LẬP TỨC

Lê Đức Thịnh - Tặng bạn cũ LVH 

   
Tôi thân với LVH từ học kì II năm lớp chín. Hồi đó tôi mới chuyển trường từ Đà Nẵng về học nửa năm cuối lớp 9 trường cấp 2 Đại Phước.
Buổi học đầu tiên tôi rất ngỡ ngàng vì trường mới, bạn mới, điều kiện học tập cũng rất nhiều khó khăn. Đón “ma mới” nhập lớp là bao trò nghịch của đám “ma cũ” mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ : giấu cặp vào gốc cây, treo dép lên xà nhà, dán giấy vào lưng …

23/1/12

110. NÓI CHUYỆN RƯỢU

NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN RƯỢU 

Lê Đức Thịnh 




1. Tửu nguyên:
Sách "Kho tàng cổ tích Việt Nam" của Nguyễn Đổng Chi có câu chuyện giải thích nguồn gốc của rượu, xin tóm lược như sau: Ngày xưa có người tiều phu lạc trong rừng. Chưa tìm thấy đường về nhà nên anh ta lên một chạc cây to để ngủ qua đêm. Ngay chạc cây đó có một hốc to đọng nước mưa và nhiều trái cây rừng có lẽ do chim tha về ăn không hết. Sau khi anh ta ăn trái cây và uống nước đó cảm thấy lâng lâng sảng khoái. Khi trở về nhà, anh kể cho dân làng nghe chuyện này rồi họ bắt chước tự nhiên để làm cho mình món uống gọi là rượu.
Về sau con người biết mang những hoa quả trên rừng về cất giấu. Sau nhiều ngày, chúng lên men toả ra mùi thơm dễ chịu, ăn vào hoặc uống nước lên men ấy có ảo giác và hưng phấn. Đó là loại rượu sơ khai nhất của con người.

22/1/12

108. ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ


ĐÊM GIAO THỪA NHỚ MẸ
Trần Mạnh Hảo


Thật hạnh phúc cho những ai ngoài tuổi tri thiên mệnh vẫn còn có mẹ, để ngày tết còn niềm nương tựa và an ủi lớn nhất trong đời. Mẹ ngồi đó, tóc bạc như hoa mơ hoa mận, bên nồi bánh chưng quây quần con cháu. Trong mắt mẹ, tôi dù bao nhiêu tuổi vẫn cứ là trẻ thơ, vẫn còn nằm trong tã lót của tình mẹ thuở lọt lòng. Và đêm giao thừa, trước ngọn lửa, mẹ đồng nghĩa với tuổi thơ tôi. Ôi những ngày thơ bé, những tết nghèo thơm nức ổ rơm, chiều ba mươi tết tôi như con chó con ngồi bên mẹ, cùng mấy đứa em xem mẹ làm bếp, ngồi chờ ăn tóp mỡ. Ngoài trời, mưa bụi bay như sương, thi thoảng gió xuân mang hơi lạnh mùa đông còn sót lại sột soạt ngoài đầu hè, tiếng lá chuối khô cọ vào nhau nghe như tiếng đồng tiếng sắt. Tôi mê những ngày tết có rét, có mưa bụi bay, có hoa cải vàng ngoài vườn và bướm trắng dẫn đường con trẻ chạy.

107. CHỢ TẾT

CHỢ TẾT

Đoàn Văn Cừ 



Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh, 
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ gìa chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ.
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng nghộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng giỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.

106. TÁO QUÂN

TRUYỀN THUYẾT VỀ TÁO QUÂN
Sưu tầm 

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:

105. CÂY NÊU NGÀY TẾT


CÂY NÊU NGÀY TẾT
Cao Huy Hóa 

Không đặt nặng chuyện hoài cổ, xin hãy hướng thượng với cây nêu giữa bầu trời, bỏ qua những điều không may, những được thua, hơn thiệt của cuộc sống năm cũ, xin hãy trãi lòng để sống thuận thảo với Trời Đất và vui đón xuân cùng thiên nhiên và mọi người. Và như thế, cây nêu ngày Tết mở đầu những ngày tống cựu nghinh tân đầy ấn tượng.
Cây nêu ngày Tết có từ bao giờ, tôi không rõ, chỉ biết từ nhỏ tôi đã thấy cây nêu. Cây nêu đã từng gắn liền với tập tục ăn Tết của nhân dân ta, từ nông thôn đến thành thị, từ gia đình, nhà thờ, chùa chiền, đến cơ quan.

104. Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ

BÀI 1 : Ý NGHĨA MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT 


Ngày Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng trưng một mâm ngũ quả, và cố thể hiện sao cho vừa đẹp mắt vừa hàm ý những điều ước nguyện của gia chủ.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà người ta chọn ra các loại quả để "thiết kế" mâm ngũ quả.

CHÚC MỪNG NĂM MỚI

MỘC NHÂN - LÊ ĐỨC THỊNH


XUÂN NHÂM THÌN - 2012


Nhân dịp năm mới, từ số 104 đến số 110, Mộc Nhân sẽ đăng một số bài viết của nhiều tác giả về đề tài TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC.
Mời độc giả đón đọc.

17/1/12

103. BÀI THƠ MỘT VẦN

BÀI THƠ MỘT VẦN CUỐI NĂM MẸO - 2011
Mộc Nhân


Cuối năm bờ lốc bờ leo
Bài viết vắng teo
Comment lèo tèo
Buồn treo
Page view chán phèo

Sắp hết năm Mẹo
Chưa qua những eo xèo
Thời gian trôi vèo
Thân này ốm nheo
Đời người vẫn cà kheo
Trên con đường ngoằn ngoèo

Nhớ xưa tháng chạp có bánh bèo
Tết nghe lắm tiếng heo
Cha mẹ dù nghèo
Bánh tráng củ kiệu dưa leo
Thịt muối ra giêng vẫn còn treo
Như mỡ trước miệng mèo



Năm Thìn – rồng uốn rồng leo
Chẳng biết có qua đèo
Hay vẫn xui xẻo
Dính chuyện lẹo tẹo
Mấy chân dài uốn éo
Thích đá lông nheo
Lại còn nhõng nhẽo
Nhưng thích được leo trèo
Sau ba tháng mất eo

Năm mới giữ mình trong veo
Bạn bè nói sao cho khéo
Không thích thì chọc thì  ghẹo
Thích thì cấu thì nhéo
Đừng chơi mưu chơi mẹo
Để lại sẹo
Nhăn nheo

Vợ chồng thôi chuyện ì xèo
Gia cảnh thoát khỏi bèo nhèo
Để thằng Tí thằng Tèo 
Hết khóc lóc mè nheo
Muốn xóa nghèo
Thì giảm đéo
Nhưng cũng phải khéo
Cho khỏi lên mốc lên meo











Đất nước bớt Nguyễn Văn Lèo
Ván cờ tiền tỉ coi như bèo
Đám sâu keo cũng chơi theo
Của công quan tham xà xẻo
Hùa nhau giở những trò mèo
Tiên Lãng đứt dây già néo
Người lương thiện thành Chí Phèo
Dân đen con đỏ nhóc nheo

Thơ cuối năm độc vận “eo”
Ngòi bút như cái kéo
Thơ ca không là viên kẹo
Để ăn theo
Trong thời trượt giá hẻo
Nhà văn nhà veo
Không phải làm anh hề chèo
Để nói leo
Và ồn ào lươn lẹo
Như lũ chim chèo bẻo.

Mộc Nhân - cuối năm Mèo

16/1/12

102. SỐ ĐẸP BLOG

Mộc Nhân
Lưu giữ những con số đẹp từ trang nhà
( Nghề chơi cũng lắm công phu ! )

                                                              3 3 3 3

                                                                 4 4 4 4

                                                                5 5 5 5

                                                             6 6 6 6

                                                                 7 7 7 7


                                                               8 8 8 8

                                             9 9 9 9

                                              1 0 0 0 1

Tiếc quá, bị trôi mất mấy số đẹp : 00001111 và 2222
Còn cập nhật tiếp tục, rai lai !

Đọc bài và xem hình ảnh liên quan: BẤM VÀO ĐÂY

11/1/12

101. SINH NHẬT BLOG K.81

SINH NHẬT LẦN THỨ IV BLOG K.81
 Mộc Nhân  (Viết cho Blog K81 nhân sinh nhật lần thứ IV)



Nếu tính ngày đầu tiên đăng bài là ngày 14/01/2008 thì đến ngày 14/01/2012, trang blog K81 đã đến lần sinh nhật thứ tư.
Nhân dịp này, chúng tôi xin lục xét lại vài thông tin blog để hầu chuyện cùng bạn bè.

10/1/12

100. THU HÁT CHO NGƯỜI

THU HÁT CHO NGƯỜI -
TUỔI TRẺ, CÁI ĐẸP VÀ NỖI CÔ ĐƠN 

Bài đăng trên Đặc san  ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN  2012 
Huỳnh Minh Tâm  ( Nhà giáo – Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ, ĐL )


Xúc động và lấy cảm hứng từ những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, tôi đã viết dăm ba chục tản văn gọi là hứng bút. Đôi khi ngẫm nghĩ lại chỉ là phù du mộng ảo, hoặc là những tiểu tiết lai rai kỳ hồ. Bởi tất thảy thảng thốt  cuồng dại khi tôi “tiếp cận” “Thu hát cho người” của ông. Tôi như con nai tẩm say thuốc độc trăng vàng. Tôi đã chết si trong giai điệu buồn bã tả tơi. Tôi đã lột xác trong tiếng gọi tình yêu say đắm mệt mề của ông. Tôi hoang vắng như thời trai trẻ :
               “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
               mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
               hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời xưa
               về đồi sim ta nhớ người vô bờ”
Đôi khi, ở tuổi trẻ, người ta đã đi qua một đoạn đời phong lưu cát bụi nào đó. Đổ ập xuống tấm thân là công việc, thân phận và tình yêu. Cái máu lửa nhộn nhịp của nó đã cuốn phăng đi, cướp lấy sinh khí sinh lực, quăng quật đời sống lên thác xuống ghềnh. Nỗi cô đơn thường trực, bí ẩn đã lôi kéo tâm hồn con người vào gió sương tình ái, không biết đâu mà lần.
              “Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
               để hái dâng người một đoá đẫm tương tư
               đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
               sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ”
Giấc mơ vô tư của tuổi thơ đã bị đánh mất, hoặc là nhuộm phẩm bởi mơ mộng hão huyền. Càng cổ dướn lên mà hát hò khản giọng. Hát để cho chết đi cái nỗi thất tình điên đảo. Hát để nung nấu khát vọng bền bỉ về tự do và cái đẹp. Hát để vơi bớt nỗi cô đơn sầu muộn. Hát để biết mình vẫn có mặt ở trên đời.
             “Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương
               trong mênh mông chiều sương
               giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
               một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay”
Tôi tiêng tiếc một điều gì kia, nhung nhớ một bông hồng này nọ ở cái chân trời viễn vọng “mờ mờ nhân ảnh”. Tôi đã khóc. Tôi đã quay về, trụ xứ ở ngay nơi tôi đã ra đi. Tất thảy dường như tôi đã bỏ tuổi trẻ để được tình yêu đền đáp, mà có đáp đền gì đâu, mà có thương yêu gì chớ ?
               “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
               biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi
               mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi
               nhạc hoài mong ta hát vì xa người
               Thu hát cho người
               Thu hát cho người
               người yêu ơi !”
Gào khản hơi khản tiếng. Hát cho Thu, hát cho thân phận bể dâu hay hát cho nỗi cô tịch cô liêu lai láng thì cũng chỉ là hát cho giấc mơ tuyệt vời bị đổ vỡ. Giấc mơ thiên thần ra đi để lại vệt sẹo dài trong tâm hồn để chuẩn bị cho những giấc mơ trầm hương khác trên những hành trình khác. Bốn hai năm nước mắt nhạt nhoà, người nhạc sĩ vẫn đứng đó, u ẩn cô đơn hay hào quang hạnh phúc, như bức tượng. Còn thính giả vẫn ngồi đây buồn đau lắm, dật dờ lắm và hạnh phúc lắm mỗi lần nghe ai đó Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu ơi!”.

                                                                                                HMT

99. ÔNG GIÀ RỪNG

Bài đăng trên  Đặc san  ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN 2012 

Hoàng Kim ( Nhà giáo – CB Ban Tuyên Huấn - Huyện Ủy, ĐL )

Khuất sâu trong lũng núi Cô Sơn tự khi nào không biết, mọc lên một túp lều con. Ở đó  có một ông già trạc ngoài sáu mươi, sống một mình.  Một bữa, Hai Ngàn đi tìm mấy con bò thả rông trong rừng tình cờ phát hiện ra túp lều dựng bên một con suối nhỏ. Tò mò, Hai Ngàn vào thử. Chủ nhân đi vắng, chỉ thấy một ít vật dụng sơ sài. Tất cả từ chỗ nằm cho đến cái bàn đều được làm tạm bợ bằng những cây róng và tre lồ ô là những thứ có sẵn quanh đây. Dụng cụ nấu ăn cái nào cũng nhỏ xíu vừa đủ cho một người, không hơn được. Mở thử cái nồi nhỏ, Hai Ngàn thấy có một ít cơm vẫn còn âm ấm. Chắc chủ nhà cũng ở quanh đây. Hai Ngàn lên tiếng gọi mà chẳng biết gọi bằng gì, bèn lấy tay che miệng ới... lên mấy tiếng.

98. LÃNG MẠN TÂY TIẾN

LÃNG MẠN CÙNG TÂY TIẾN
Tùy bút - Đăng trên Đặc san Văn nghệ  ĐẠI LỘC - XUÂN NHÂM THÌN 2012

Nguyễn Nhã Tiên  ( Đại Phong, Đại Lộc – Hội viên Hội VHNT thành phố Đà Nẵng )

Con đường hành hương về Mai Châu tỉnh Hòa Bình bây giờ, khi dừng chân bên tấm bia ghi tạc chiến tích của đoàn quân Tây Tiến năm xưa, bất cứ ai cũng đều có thể cảm khái ngâm nga vọng vang cùng gió núi bài thơ của thi sĩ Quang Dũng: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời/ Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi/ Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi/… Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc đồng hành” !

97. DẠY VH ĐỊA PHƯƠNG

DẠY VĂN HỌC CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA PHƯƠNG
BẰNG CON ĐƯỜNG ĐI TÌM CÂU CA XỨ QUẢNG

Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN 2012 
Phan Văn Anh  ( Nhà giáo – Trường THCS Trần Hưng Đạo, ĐL )

           “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
            Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say…”
Cái say mặn nồng của xứ đất  hay chút men nồng của rượu… cũng chính là cái men tình ngất ngây của người dân đất Quảng bình dị, chân chất như mạch nước nguồn không ngừng chảy trên bến thời gian. Tình yêu đôi lứa của họ cũng bắt nguồn từ mạch sống ấy, từ câu ca tâm tình “ rất Quảng”:
         “ Tay cầm cái bánh tráng mỏng nương nương
          Miệng kêu, tay ngoắc, ớ người thương uống nước chiều”

96. VẺ ĐẸP CHIẾC ÁO BÀ BA

MẶN MÀ VẺ ĐẸP CHIẾC ÁO BÀ BA
Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN 2012 
Ngô Hà Phương (Cựu nhà giáo Đại Lộc)

Bên cạnh chiếc áo dài lộng lẫy và thơ mộng làm tăng lên vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam đến mức tuyệt vời, chiếc áo bà ba cũng là một sáng tạo độc đáo của nhân dân ta. Nó là chiếc áo vừa dân dã phổ biến lại vừa duyên dáng mặn mà, rất hợp trong nhiều hoàn cảnh sử dụng cho cả nam lẫn nữ, nhưng nữ mặc thì thật là nền nã, duyên dáng, vẻ đẹp và giá trị đem lại cho người mặc từ chiếc áo to lớn biết chừng nào!
Nếu đứng phía sau mà nhìn người phụ nữ mặc chiếc áo bà ba, bạn sẽ thấy chiếc áo được xẻ hai bên hông và chỗ eo cũng chít lại như là một chiếc áo dài lộng lẫy được cắt bớt đi hai tà áo thướt tha để cho gọn nhẹ đỡ vướng vấp trong lao động. Còn nhìn từ phía trước, bạn có thể nghĩ chiếc áo bà ba là hình ảnh của chiếc áo tứ thân được phát triển thêm, kéo kín hai vạt trước lại cho chúng gặp nhau bởi một hàng cúc áo xinh xắn, kín đáo và phần dưới hai vạt trước có hai chiếc túi cân đối, tạo thêm vẻ thẩm mỹ cho chiếc áo lại có chỗ bỏ theo các vật dụng nhỏ cần thiết như cau trầu, dao xếp, thùng diêm hay cả đến tiền bạc lẻ nữa.

9/1/12

95. CHƠI CHỮ TRONG THƠ VĂN TÚ QUỲ

NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ TRONG THƠ VĂN TÚ QUỲ 
Bài đăng trên Đặc san Văn nghệ ĐẠI LỘC - XUÂN NHÂM THÌN 2012


Nguyễn Hữu Vĩnh  (Nhà giáo – Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ , ĐL) 


Trong nền văn học Việt Nam, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện nhiều cây bút trào phúng, như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc, Kép Trà, ... hình thành nên mảng văn học trào phúng đặc sắc. Trong bức tranh chung của văn học học giai đoạn ấy, Tú Quỳ - một danh sĩ Quảng Nam – đã góp thêm một sắc màu làm cho bức tranh văn học ấy thêm rực rỡ.
Tú Quỳ (1928 – 1926) tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu là Hướng Dương, quê ở làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Tú Quỳ đỗ tú tài năm 19 tuổi, sau đó ông dự thi thêm lần nữa nhưng cũng chỉ đỗ tú tài. Không kiên trì khoa cử như Tú Xương, Tú Quỳ sớm khép mộng đèn sách, về quê dạy học, làm thơ, hoạt động xã hội.

94. HOÀI NIỆM DÒNG SÔNG

  HOÀI NIỆM MỘT DÒNG SÔNG
Bài đăng trên đặc san  ĐẠI LỘC - XUÂN NHÂM THÌN 2012

Đinh Công Tôn (Nhà giáo - Trường THPT Lương Thúc Kì, ĐL) 

Cũng như bao  nhiêu con sông khác trên khắp đất nước, sông Vu Gia chảy qua địa phận Đại Lộc là phương tiện đường thủy cần thiết để chuyên chở con người và nông sản thực phẩm đi, về khắp nẻo các bến quê. Nó cũng không ngừng chuyên chở biết bao hạt phù sa về bồi đắp cho đôi bờ thành những triền dâu xanh mượt, những bãi bắp tươi non, những cồn dưa mát rượi...Chính vì thế mà những người con Đại Lộc, dẫu có tha hương đến tận chân trời góc bể nào, cũng không thể nào quên có một con sông đang chảy qua trên quê hương và nó cũng mãi mãi chảy qua trong đời mình với biết bao thương tưởng.

8/1/12

92. SỰ HƯ HỎNG CỦA THẦY

SỰ HƯ HỎNG CỦA CÁC THẦY
Mộc Nhân


Trong xã hội, chữ “thầy” là một danh xưng khá rộng được dùng để chỉ người tài, giỏi hơn mình với sắc thái trang trọng.
Không có ngôn ngữ nào trên thế giới mà danh từ “thầy” lại đi kèm với một từ khác để chỉ người - nghề nghiệp vối thái độ tôn kính như trong Tiếng Việt: thầy giáo, thầy thuốc, thầy bói, thầy cúng, thầy cãi …
***

91. HOA VÀNG THƠM VUI LÂU

Huỳnh Minh Tâm

hoa vàng thơm nếp xôi
thưa em giờ có lẽ
anh buồn in ít thôi
con đường dường tương hợp
hoa vàng trải cuối trời
hoa vàng thơm…hoa vàng
thơm như hoa vàng thơm
hoa vàng thơm vui lâu
cuộn chỉ đời bền sao
đứt một đoạn ngất ngư
rồi nối lại ngất ngất
tất thảy đều xong tất
bây giờ và trước mặt
hoa vàng thơm vui mất
cuộn chỉ thì làm sao
bây giờ vui nhất nhất
hoa vàng thơm ngây ngất
hồn anh thơm ngây ngây
nói chậm chẳng lo phiền
ăn cũng vừa chín rụng
dẫu đời anh phiền toái
không đẩu và không đâu
dẫu đời anh toái phiền
như hạnh phúc bền lâu


dẫu chú khỉ vực sâu
vẫn đùa con cá cạn
hoặc mắc trong lưỡi câu
rồi bóng đêm nhắm mắt
hoa vàng thơm vì đâu
cánh rụng xuống vạt cỏ
anh rụng xuống mặt trời
vàng ơi thơm bền lâu

Huỳnh Minh Tâm
GV trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ Đại Lộc, Quảng Nam

5/1/12

90. CHUYỆN PHẢN BIỆN

CHUYỆN PHẢN BIỆN ĐỜI TỐNG
Lê Đức Thịnh

Lâu nay, tư duy phản biện xã hội hoặc các ý kiến đóng góp cho các vấn đề chung – nhất là các chuyện nhạy cảm - thường ít hoặc không có ý kiến phản hồi từ cấp trên. 
Và sự việc rơi vào quên lãng.
Điều mà mọi người đều nhận ra là : “Ai nói cứ nói, ai làm cứ làm”; hoặc “Cấp trên có bao giờ sai” !
Ngoài ra cũng có cách hành xử theo kiểu im lặng để không ai nhận ra quan điểm, thái độ, trình độ của mình nhằm thuận lợi cho thăng tiến trong công việc sau này hoặc đảm bảo các lợi ích khác.

Tình cờ đọc trên mạng thấy có câu chuyện khá thú vị đời Bắc Tống làm mình liên tưởng đến kiểu “im lặng” như trên, bèn tipe - post lên đây để bạn bè xem chơi.

Chuyện như sau:
Một lần nước Nam Tống gửi sứ giả đến Bắc Tống. Nghe nói vị sứ giả này ăn nói rất giỏi, “phản biện” giỏi, tinh thông kinh sử khó ai bì kịp.
Theo phép bang giao thì Bắc Tống phải cử một người cũng giỏi tương tự để đối đáp cùng vị sứ giả kia. Nhiều quan trong triều không muốn nhận việc khó khăn đó.
Nhưng vua Tống thì bình thản nói “Hãy để ta dàn xếp”. Nói rồi vua ra lệnh tìm một người lính mù chữ - thật dễ dàng.
Vua bảo người lính mù chữ “người đại diện cho Bắc Tống và đi cùng với sứ Nam Tống để thăm thú đất nước”.
Quan trong triều rất lạ, tại sao để một người một chữ bẻ đôi không biết đi với sứ giả văn hay chữ tốt xứ Nam Tống. Vốn sợ vua nên không ai dám hỏi hay bình luận gì.
Khi vị sứ giả xứ Nam Tống nhìn thấy “quan lớn” của Bắc Tống liền thao thao bất tuyệt, trên trời dưới biển, khoe khoang hiểu biết về thơ văn. Đưa ra các vấn đề xã hội hai bên cùng quan tâm. Rồi ông ta lên án nhà Tống đem quân do thám, phá hoại láng giềng.
Thấy “quan lớn” kia không nói gì, có khi chỉ ậm ờ qua chuyện, vị khách chắc mẩm là đã thuyết phục được chủ nhà vì kiến thức sâu rộng và tài phản biện của mình.
Nhưng sau vài ngày thì ông ta hiểu đang “đem đàn mà gảy tai trâu” vì tay lính kia có biết gì mà nói. Y không gật mà cũng chẳng lắc, có chăng là gật gù ra vẻ đang tiếp thu, đang lắng nghe !
Khi hiểu ra sự thực, sứ giả Nam Tống tịt ngòi nổ.
Thật ra, xứ Bắc Tống thời đó thiếu gì người tài, có thể đối đáp với sứ giả Nam Tống. Nhưng nhà vua đã đưa một kế đơn giản, dùng kẻ mù chữ “nói chuyện” với người uyên thâm.
Tri thức bằng trời cũng phải chịu thua.
Thật là bi hài vì phần thắng lại thuộc về kẻ thất học.

4/1/12

89. HAI LỖI TRONG BỘ SGK

TỪ HAI LỖI NHỎ TRONG SÁCH DẠY HỌC 
MÀ NGHĨ ĐẾN CHUYỆN CỦA GIÁO DỤC
Lê Đức Thịnh

Bộ sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) bậc Trung học cơ sở đã được sử dụng trong nhà trường gần 10 năm nay. Có bao vấn đề nảy sinh từ bộ sách này như quá tải, bất hợp lí, bất nhất. Biết bao hội thảo từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh … được tổ chức để góp ý về chương trình, chỉnh sửa sai sót của bộ sách nhưng thật đáng buồn là những thông tin góp ý dường như không có phản hồi.
Hàng năm, SGK vẫn cứ tái bản, bản cũ in lại. Chúng tôi vẫn chờ để xem thử bản in mới có chỉnh sửa gì không nhưng vẫn vậy. 
Năm nay, văn bản trong hướng dẫn điều chỉnh giảm tải chương trình từ Bộ GD-ĐT có câu lưu ý rằng giáo viên lấy  bộ SGK năm 2011 làm căn cứ để thực hiện chỉnh sửa, tuy nhiên khi xem lại thì SGK năm 2011 cũng chẳng khác gì SGK những năm trước. Khi nghe thông tin đó, giáo viên và học sinh đổ xô đi mua SGK mới khiến cho thị trường sách năm nay sôi động hẳn !
Trong bài viết này, tôi không đi vào các vấn đề vĩ mô mà chỉ mạn đàm về hai lỗi sai đã tồn tại trong cuốn SGV ngữ văn 9 tập I từ nhiều năm nay.

3/1/12

88. THƠ NGUYỄN HẢI TRIỀU

BÀI THƠ TÌNH THÁNG CHẠP
Cảm ơn tác giả  Nguyễn Hải Triều  đã gởi tặng bài này cho Mộc Nhân.




  
Sợi mưa quấn chặt bước chân em ra chợ
Bùn đất sẽ phù sinh cát bụi phong trần
Những vũng nước nhập nhòe chiêm bao ánh mặt trời
Có khi mặt trời đã chết?

Người đàn bà bồng bế lời ru bên xóm nhỏ
Khúc thức không đầu không cuối tràn lan
Đứa trẻ khóc. Và nỗi buồn câu ầu ơ lạc lỏng!
Em cười chi khi gió tạt phía sau vườn?

Người đếm khó nhọc áo cơm toan tính
Không nghỉ ngơi cứ đi dọc triền bãi mé sông
Giấc mơ về giọt nước chảy ra từ hốc mắt đông chí
Thành triệu sương mai ủ mầm lá trên đồng…

Tôi gói cơn lạnh co rút vào cổ áo ấm
Mắc nợ lời hẹn đồi sim nhiều tháng trước sang mùa
Mắc nợ em tiếng chim con suối trong rừng xưa mẩy gió
Cánh hoa tím vàng hóa thân hương sắc tình yêu

Tháng Chạp đi qua những buổi chiều
Những ban mai em mắc câu thơ tình trên táng lá
Tôi viễn vọng tôi hư ảnh tôi nỗi buồn không lời
Giữa bề bộn phù du tăm cá mù khơi!

Con đường lầy lội sẽ vàng lên màu nắng
Em về chưa tôi đợi gió xuân sang?
Sẽ thương nhớ sớm mai
Sẽ chiều lên bảng lảng
Chờ em qua đây!
                             
Tháng Chạp câu cho em
Tình tôi như bát nước đầy!

Cuối đông 2011

2/1/12

87. NĂM MỚI TÁN CHUYỆN NỤ CƯỜI

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 

                    
Các nhà nghiên cứu cho rằng cười là một cơ chế được điều khiển từ não bộ, huy động nhiều cơ mặt, cơ bụng có tác dụng với cơ thể giống như động tác thể dục không chỉ cho thể chất mà cả tâm hồn.
Cười là thuộc tính của con người.