10/1/12

99. ÔNG GIÀ RỪNG

Bài đăng trên  Đặc san  ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN 2012 

Hoàng Kim ( Nhà giáo – CB Ban Tuyên Huấn - Huyện Ủy, ĐL )

Khuất sâu trong lũng núi Cô Sơn tự khi nào không biết, mọc lên một túp lều con. Ở đó  có một ông già trạc ngoài sáu mươi, sống một mình.  Một bữa, Hai Ngàn đi tìm mấy con bò thả rông trong rừng tình cờ phát hiện ra túp lều dựng bên một con suối nhỏ. Tò mò, Hai Ngàn vào thử. Chủ nhân đi vắng, chỉ thấy một ít vật dụng sơ sài. Tất cả từ chỗ nằm cho đến cái bàn đều được làm tạm bợ bằng những cây róng và tre lồ ô là những thứ có sẵn quanh đây. Dụng cụ nấu ăn cái nào cũng nhỏ xíu vừa đủ cho một người, không hơn được. Mở thử cái nồi nhỏ, Hai Ngàn thấy có một ít cơm vẫn còn âm ấm. Chắc chủ nhà cũng ở quanh đây. Hai Ngàn lên tiếng gọi mà chẳng biết gọi bằng gì, bèn lấy tay che miệng ới... lên mấy tiếng.
Chặp lâu, từ phía suối một ông già râu tóc bờm xờm, tay cầm cái rựa xuất hiện. Nhìn cái dáng vẻ ấy, Hai Ngàn bỗng thấy hơi ngán nhưng cũng tự nhủ, sức vóc như mình so với ông già kia thì việc chi mà sợ. Nhưng vừa chộ mặt nhau, Hai Ngàn bỗng tự nhiên có cảm tình ngay. Chà, ông có dáng vẻ của một bậc trí nhân, trông cũng rất nghệ sĩ. Hai Ngàn thấy lúng túng không mở miệng được. Ông già lên tiếng trước:
 - Mời cậu vào nhà uống nước. Hai Ngàn biết ông già từ đó.
 Tiếng là biết nhau, nhưng ông chẳng hề hé lộ thân phận, cứ mỗi lần Hai Ngàn dò hỏi về ông là ông lảng tránh bằng chỉ một câu:
 - Chuyện dài lắm, sẽ có dịp tôi nhờ cậu. Nghĩ ngợi một hồi, ông còn dặn thêm: Cậu về làng đừng kể cho ai việc tôi ở đây, sợ người ta làm phiền.
 Ngay cả tên, ông cũng không nói mà bảo với Hai Ngàn: So tuổi thì cậu gọi tôi bằng chú hay bác là được. Biết ông có điều khó nói, Hai Ngàn cũng chẳng hỏi thêm. Từ đó Hai Ngàn gán cho ông biệt danh: Ông già rừng. Năm ba bữa Hai Ngàn vẫn tìm cớ vào thăm xem ông có đau ốm gì không. Có bữa còn lận theo xị rượu và một ít mồi. Hai ông cháu ngồi với nhau, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ  riêng. Ông già sống cuộc sống quá kham khổ, sơ sài. Thức ăn hàng ngày thì tự kiếm lấy, được gì ăn nấy, mà trong rừng biết tìm thì cũng không hiếm cái để ăn. Thỉnh thoảng, ông cũng nhờ Hai Ngàn mua giúp ông một ít đồ dùng lặt vặt, lần nào cũng dặn đừng để người ta biết.  Hai Ngàn thấy thương ông già thật sự, tuy đôi khi cũng có chút nghi ngại, nhưng gặp ông là mọi ý nghĩ không phải về ông tiêu tan ngay. Người như thế không thể  là kẻ xấu được.
 Từ đó, Hai Ngàn tự nguyện làm người thăm viếng, giúp đỡ ông. Nhiều lúc ông già cũng bày tỏ nỗi lòng, lẽ đời nhưng tuyệt nhiên chẳng nói gì về mình. Hai Ngàn nghe những lời tâm sự của ông như là những bài học về đạo làm người. Càng ngày Hai Ngàn càng năng đến với ông hơn.
Một bữa, Hai Ngàn vào thăm. Ông không có ở nhà. Hú gọi mãi cũng cũng chẳng thấy động tĩnh gì. Lo lắng, Hai Ngàn lặn lội đi tìm. Rừng núi ở đây Hai Ngàn thuộc như trong lòng bàn tay, thế mà tìm mãi đến tận xế chiều mới thấy ông già nằm tựa vào một bụi cây bên cạnh một khoảnh đất bị đào bới nham nhở. Người ông đang hâm hấp sốt. Giữa rừng núi hoang vu, Hai Ngàn cảm thấy hốt hoảng chưa biết tính sao. Ông chỉ tay vào cái túi xách đang treo trên một cành cây, bảo Hai Ngàn lấy cho ông mấy viên thuốc. Bớt sốt, hai ông cháu trở về căn lều. Đêm ấy, Hai Ngàn ở lại cùng ông và được nghe câu chuyện sau đây:
Cái lũng núi này ngày xưa có thời là một khu căn cứ. Tôi đã sống ở đây chừng bốn năm. Hồi ấy tôi phụ trách công tác văn phòng của một cơ quan lãnh đạo. Nói thật với cậu, tôi cũng có học được đến đệ lục. Lúc bấy giờ, được như thế cũng là của hiếm. Vì vậy, khi thoát ly tham gia công tác tôi được phân công ngay phụ trách bộ phận văn phòng. Nói là bộ phận, thực ra chỉ có ba người: tôi, một cô giao liên và cô cấp dưỡng. Các anh lãnh đạo thì đi công tác thường xuyên, ở nhà chỉ vài người. Công việc tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng khổ nhất là phải đánh vật thường xuyên với chữ nghĩa. Với vốn liếng của mình, những tài liệu lãnh đạo giao cho phải soạn thảo cứ như một thứ đánh đố, nhiều khi thấy bất lực không kham nổi. Tôi đã tính đến cái đường xin được phân công một công tác khác phù hợp với khả năng hơn nhưng rụt rè mãi chưa dám nói ra. Lãnh đạo hình như cũng thấy được điều đó.
Một bữa, có một thanh niên vừa từ vùng địch ra được phân công về chỗ tôi. Cậu ấy là Minh. Minh đang học dở Trung học thì "nhảy núi". Từ ngày về cơ quan, mọi công việc vào tay Minh chỉ một nhoáng là xong. Ban đầu tôi mừng hơn được của. Nhưng rồi chẳng được bao lâu cái khoảng cách giữa mình và cậu ấy cứ dãn dần ra. Có lẽ tại cái tính của cậu ta quá thẳng, đến mức chẳng kiên dè ai. Mình là người phụ trách, về nguyên tắc văn bản soạn thảo xong phải trình qua mình duyệt. Thế mà cậu ta dám bảo: Thôi, anh thò bút vào là hỏng hết của tôi, xem ra anh chẳng thích hợp được với việc này. Nói thế, hoá ra cậu ta muốn gạt mình ra, xem mình như một thứ người thừa?. Thế là không biết tự bao giờ trong lòng mình trỗi dậy cái sự ganh ghét, đố kỵ.
Năm một ngàn chín trăm sáu chín là một năm vô cùng ác liệt. Bọn địch liên tục mở những cuộc càn quét đánh phá vùng giải phóng. Các đường vận chuyển lương thực bị cắt, đi lại rất khó khăn, ang gạo, thùng mắm nhiều khi phải đổi cả sinh mạng của anh em. Mùa mưa. Những cơn mưa rừng lê thê hàng tháng trời không ngớt. Cả vùng rừng Cô Sơn ướt sũng nước, đến các loại củ rừng cũng bị hư thối, kiếm được cái ăn quả là không dễ. Hàng tháng trời bọn mình chỉ ăn rau rừng, cháo loãng, đói đến rã người.
 Hôm ấy cơ quan mới được nhận được mấy cân bắp hột. Cái thứ bắp hột chôn giấu dưới đất, bị ẩm nước mưa lâu ngày đã có mùi thật khó chịu nhưng vào lúc ấy nó quý hơn vàng. Cô cấp dưỡng vừa đổ nồi bắp ra, cậu Minh liền xúc ngay một chén ngồi ăn ngon lành, không kịp đợi ai. Thế là cái sự ấm ức lâu ngày của mình có dịp nổ ra. Mình đã mạt sát cậu ta một trận tại chỗ. Cậu ta vẫn kiên trì ngồi nhai trệu trạo chén bắp hột với những giọt nước mắt lăn dài mà không hề nói lại lấy một câu. Vẫn chưa hả giận, cuộc họp chi bộ tháng ấy mình lại lôi cậu ta ra kiểm thảo gay gắt. Mình dùng tất cả những lý luận để nâng quan điểm, quy kết đủ thứ. Nào là: Cái chất tiểu tư sản thành thị chỉ biết nghĩ đến mình, không quan tâm đến người khác; nào là: đồng chí ăn no và sống một mình, để anh em chết đói hết chăng? Cuộc kháng chiến còn lâu dài gian khổ, một mình đồng chí sống có đủ làm nên thắng lợi? Tệ hơn nữa, mình đã quy kết Minh về với cái bản năng sinh tồn của con vật không có tính văn hóa Người. Minh ngồi rúm ró ở một góc, bị phán xét như một tội đồ. Rồi cậu ta bật khóc hu hu như một đứa trẻ con bị cha mẹ quát mắng. Tan họp, cậu ta về lán, trùm chăn kín đầu, không buồn ăn uống mất mấy ngày.
 Sau đó lại có một chuyện động trời xảy ra: cô cấp dưỡng bị phát hiện là đang có thai. Cái thai đã ngoài bốn tháng rồi. Chi bộ lại phải họp để giải quyết. Không ngờ, thủ phạm lại chính là cái cậu Minh ấy. Trước cuộc họp, cậu ta thẳng thắn nhận. Cậu ta còn nhân danh tình yêu và trách nhiệm, tự bào chữa là mình không khuyết điểm gì trong việc này: Tôi chưa vợ, cô ấy chưa chồng. Chúng tôi yêu nhau và tự quyết định với nhau, không can gì đến ai mà phải giải quyết, không dám phiền lòng đến các đồng chí khác. Cái lý lẽ ấy bây giờ thì đúng, nhưng hồi ấy là không chấp nhận được. Bắt đầu yêu nhau thì phải báo cáo và phải được tổ chức đồng ý. Chưa được đồng ý mà ăn cơm trước kẻng là một trọng tội. Cái thái độ ngang bướng của cậu ta đã đổ thêm dầu vào cơn bực tức của mình và các đồng chí khác, dẫn đến cái kết luận: kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng.
 Từ đó, Minh thu mình lại, không giao tiếp với ai, không nói, không cười, không phát biểu trong các cuộc họp cơ quan, tới bữa ăn cũng cắm cúi một mình. Cái thái độ ấy được mọi người nhìn nhận là một thứ tư tưởng tiêu cực, cần được đề phòng. Mình được phân công theo dõi cậu ta. Trong đầu óc mình lúc ấy, mọi việc làm, cử chỉ của cậu ta đều phản ánh cái tiêu cực, lạc hậu và phản kháng. Không thể để một người như thế ở trong một cơ quan lãnh đạo đầu não, các anh lãnh đạo quyết định đưa cậu ta ra bộ phận sản xuất, vẫn trực thuộc cơ quan nhưng ở cách đó vài quãng đường rừng.
Minh kiên quyết xin vào các đơn vị chiến đấu nhưng không được chấp thuận. Cậu ta lẳng lặng về đội sản xuất, không chào hỏi ai. Cho tới tận bây giờ, mình cũng không thể nào quên được ánh mắt cậu ta nhìn mình hôm ấy. Ánh mắt nửa như giận hờn trách móc, nửa như cam chịu, nhẫn nhục và cả như muốn nhắn nhủ điều gì khó nói. Về đơn vị sản xuất, cậu ta hì hục làm bất kể nắng mưa, như là để quên mọi chuyện hoặc giả như là để tự hủy hoại mình. Mới mấy tháng mà trông cậu ta gầy rộc hẵn đi, già sọm xuống không còn một dấu tích gì của ngày mới đến.
Một bữa, địch đột nhiên tập kích. Mới sáng sớm, năm chiếc máy bay từ hướng Đà Nẵng ùn ùn kéo đến, quần đảo náo cả vùng bìa rừng. Cơ quan được lệnh sơ tán, rút sâu hơn vào trong núi. Ở đó, có một cái hang có thể trú ẩn an toàn trong nhiều ngày. Đội sản xuất cũng được lệnh sơ tán theo. Thế nhưng vào đến nơi không ai tìm thấy Minh đâu cả. Mọi người đều nghi ngờ rằng cậu ta cố tình trốn lại, chờ địch đến để đầu hàng. Cái thái độ bất mãn của cậu ta sau vụ kỷ luật vừa rồi là rất đáng ngờ. Cái hang núi này, Minh đã từng biết đến. Chính cậu ta đã nhiều lần mang lương thực sản xuất được vào cất giấu, dự trữ tại đây. Tình thế thật là cấp bách. Địch đã bắt đầu đổ quân.
 Mình được phân công trở lại tìm Minh. Mình men theo con đường tắt lội ngược trở ra. Tiếng súng đã rất gần, hình như bọn địch đang lùng sục ngay chỗ cơ quan vừa sơ tán. Chẳng giấu gì cậu, tính mình vốn nhát, đi tham gia kháng chiến nhưng chưa một lần chạm địch, chưa hề bắn một viên đạn nào. Quanh năm suốt tháng cũng chỉ quanh quẩn ở cơ quan. Thỉnh thoảng, được đi công tác với các anh lãnh đạo đều được bảo vệ chu đáo, an toàn. Nghe tiếng súng quá gần mình cảm thấy chột dạ, muốn quay trở lại nhưng trở về thì biết ăn nói thế nào? Mình cố hết sức men tới nấp sau một tảng đá lớn. Tiếng súng mỗi lúc một gần. Thấp thoáng sau vạt rừng, mình thấy bóng Minh vừa bắn trả vừa di chuyển về phía con suối. Rõ ràng là cậu ta muốn nhử địch về phía Đầm hoang dưới kia, tránh xa hướng di chuyển của anh em cơ quan. Bọn địch vẫn ào ạt xông tới. Giá như khi ấy mình có thể bắn một vài viên chi viện, ít nhất cũng cầm chân chúng được ít nhiều cho Minh chạy thoát. Nhưng lúc ấy tay chân mình trở nên tê dại, không nhấc lên nổi. Chợt mình thấy Minh bị thương hay bị vấp ngã chi đó thấy dúi dụi, không gượng dậy nổi. Bọn địch ào tới vây quanh. Rồi một tiếng nổ kinh hoàng ở ngay chỗ cái đám đông ấy. Thôi rồi, có lẽ Minh đã bung lựu đạn. Khiếp hãi, mình đã vừa bò vừa chạy. Chẳng biết ma xui, quỷ khiến thế nào, mình đã làm một việc đáng xấu hổ. Mình đã báo cáo là không tìm thấy Minh đâu.
Giọng ông chùng xuống chỉ còn nghe như tiếng gió thoảng, mơ hồ như tiếng vọng về từ một cõi nào. Môi ông run run, da mặt sạm tái, phút chốc trông ông như già thêm hàng chục tuổi. Hai Ngàn qườ tay lấy cho ông một ly nước và cũng định nói đỡ cho ông vài lời, nhưng ông già đã giơ tay ngăn lại.
Sau đó ít lâu, mình bị thương được đưa ra Bắc an dưỡng và học tập cho đến ngày giải phóng.
Chuyện cũ tưởng đã quên đi được, nhưng từ hôm tình cờ gặp lại bà Hương, cái cô cấp dưỡng đã có thai với cậu Minh ngày trước ấy, mình luôn bị dằn vặt bởi cái tội lỗi không thể nào chuộc nổi. Hằng đêm, trong giấc ngủ hình ảnh của Minh cứ hiện về, với ánh mắt của hôm cậu ta nhìn mình trước khi về đội sản xuất. Ánh mắt ấy cứ xoáy sâu vào tận tâm can mình, như muốn chất vấn, như muốn đòi hỏi một món nợ cần phải trả.
- Mình tệ hại, xấu xa quá phải không? Chính cái sự ganh ghét, đố kỵ của mình đã vùi dập một con người,Mình đã đẩy Minh vào chỗ chết.
Cậu ấy đã nằm lại tại đây từ bấy đến chừ. Ông già bật khóc hu hu.
Đêm vắng lặng đến rợn người. Tiếng ếch đá cứ kêu choách, choách càng làm cho khu rừng thêm cô quạnh. Chẳng ai nói với ai một lời nào nữa. Hai Ngàn bỗng qườ tay ôm lấy ông. Chiếc đèn dầu soi bóng hai ông cháu chập chờn, lờ mờ trên vách nứa.

HK

Không có nhận xét nào: