10/1/12

97. DẠY VH ĐỊA PHƯƠNG

DẠY VĂN HỌC CHƯƠNG TRÌNH ĐỊA PHƯƠNG
BẰNG CON ĐƯỜNG ĐI TÌM CÂU CA XỨ QUẢNG

Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC – XUÂN NHÂM THÌN 2012 
Phan Văn Anh  ( Nhà giáo – Trường THCS Trần Hưng Đạo, ĐL )

           “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
            Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say…”
Cái say mặn nồng của xứ đất  hay chút men nồng của rượu… cũng chính là cái men tình ngất ngây của người dân đất Quảng bình dị, chân chất như mạch nước nguồn không ngừng chảy trên bến thời gian. Tình yêu đôi lứa của họ cũng bắt nguồn từ mạch sống ấy, từ câu ca tâm tình “ rất Quảng”:
         “ Tay cầm cái bánh tráng mỏng nương nương
          Miệng kêu, tay ngoắc, ớ người thương uống nước chiều”
Câu ca ngân lên như tiếng tơ lòng của người nông dân xứ Quảng mộc mạc, chân quê.Cung bậc ấy lại rung lên từ một buổi lao động nặng nhọc trên cánh đồng quê dãi nắng, dầm mưa :“ Bán mặt cho đất , bán lưng cho trời”. Có thể đây là cảnh “tát nước bên đàng” hay buổi “ cày đồng”, gặt lúa, nhổ mạ, dặm sạ…Một khung cảnh vừa nhộn nhịp, vừa sinh động ở một làng quê Việt Nam. Không gian của câu ca hình như được tiềm ẩn trong  một mô típ không gian rộng. Dựng khung cảnh chỉ là cái nền để bộc lộ một tâm tình, một điều thổ lộ bí ẩn chăng ?
Người dân xứ Quảng thường có một tục gần như là máu thịt - lệ “ ăn uống nước nửa buổi” trên đồng ruộng, thường vào khoảng tám rưỡi đến chín giờ  sáng. Người nhà của chủ thửa ruộng  thường  là cô gái hay quảy  gánh “uống nước nửa buổi” ra đồng. Bữa ăn có thể là món mì Quảng với “ nhưn” tôm sông ngọt lịm, thoảng hương thơm mang mùi vị quê hương, lại rắc thêm tí hành, một ít đậu phụng rang, có thể là tô bún cua đồng, đĩa xôi đậu xanh, bánh bèo…Mặt khác, đã “ ăn nửa buổi” là phải ăn  no nê cho lại sức để tiếp tục làm chứ không ăn qua loa chiếu lệ. Bản chất người dân quê chân chất vậy đó !. Song cái quen nhưng rất lạ trong câu ca này là “ uống nước nửa buổi” lại có món “ đặc sản” rất Quảng Nam:  Cái bánh tráng mỏng , mỏng đến mức phải cầm “nương nương”. Cách nói quá ở đây trông ngồ ngộ: ăn uống theo kiểu này thì lấy sức đâu mà làm việc cho phỉ!. Đặc biệt, hành động “ tay cầm bánh” với mức độ “ nương nương”( vừa tay khéo vỡ) như muốn cân nhắc, do dự định thốt ra một điều gì đó chăng?. Vả lại thời gian “ uống nước nửa buổi” lại là buổi chiều.Cách tạo tình huống này phù hợp với bản chất thật thà của người dân Quảng: muốn nói ra điều gì nhưng lòng cứ ngại , ngập ngừng, mắc cỡ. Đây cũng là cái cớ để “ cô gái”- nhân vật chủ thể thốt ra một lời mời thật dân dã, dễ thương:
   “ Miệng kêu, tay ngoắc, ớ người thương uống nước chiều”.
Ba hành động, ba động từ: “miệng kêu”, “tay ngoắc”, “ ớ” … đồng thời xảy ra cùng một lúc như tín hiệu  mời mọc đối tượng  mà mình đang hướng đến. Khác với hành động của cô gái trong bài ca dao: “ Hai tay cầm bốn trái dưa, trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng ”thì hành động của cô gái trong câu ca này lại dùng những hành động rất dễ mến, gần gũi và có cái gì đó mặn mà
“ kêu”, “ngoắc”, “ ớ ”… Động từ “ ớ ” mang âm hưởng mênh mang, mênh mang ngân vang như làn điệu dân ca xứ  Quảng . “ Ớ” hay “ bớ”, nó như lời khai mở, khám phá và giải toả những tình cảm mà cô gái định thổ lộ với
 “ người thương”. Cái hay của câu ca là không nói rõ khách thể là đối tượng  nào. Có thể là “ người con trai”, “ bạn tình” hay “ người chồng”? Vì vậy, cô gái chỉ dùng đại từ phiếm chỉ “ người ấy” có thể cảm nhận được tín hiệu yêu thương từ nhân vật trữ tình. Phải chăng trong tâm hồn những chàng trai, cô gái thôn dã ấy đã có sự giao cảm, rung động từ những cung bậc tình cảm, từ hai trái tim đang yêu ?
Mộc mạc nhưng sâu lắng như ý tứ lan toả từ câu ca mang hương đồng cỏ nội. Đi tìm chút tâm tình trong câu ca  mỗi khi mùa xuân về là đánh thức trong tiềm thức mỗi con người xứ Quảng chút hương vị ngọt ngào, chân quê về một vùng đất miền Trung lắm nắng , nhiều mưa nhưng đậm đà , dung dị tình quê...     

 * Trên đặc san, tác giả lấy bút danh là Phan Minh Huy                                              

Không có nhận xét nào: