30/8/12

197. BÀI THƠ CÓ 8 CÁCH ĐỌC


Khuyết danh


1. BÀI THƠ GỐC:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.


2. ÐỌC NGƯỢC BÀI GỐC TỪ DƯỚI LÊN:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.


3. BỎ HAI CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC:
Thành bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng:

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.



4. BỎ HAI CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC -
ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN:
Thành bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng:

Mắt ai bóng thướt tha
Ðàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.


5. BỎ BA CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC:
Thành bài tám câu x bốn chữ:

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.


6. BỎ BA CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC –
ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN:
Thành bài tám câu x bốn chữ:

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.


7. BỎ BỐN CHỮ ĐẦU MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC:
Thành bài tám câu x ba chữ :

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Ðàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.


8. BỎ BỐN CHỮ CUỐI MỖI CÂU TRONG BÀI GỐC –
 ĐỌC NGƯỢC TỪ DƯỚI LÊN:
Thành bài tám câu x ba chữ:

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta.


29/8/12

196. THƯ GỬI CÔ GIÁO LỚP MỘT CỦA CON TÔI



Cho dù lá thư này có văn phong hơi giống với thư của  TT Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy Hiệu trưởng nhưng nó gởi gắm cả nỗi niềm của PHHS với hiện trạng giáo dục Tiểu học.



Thưa cô!


Hôm nay, tôi trao con trai tôi cho cô, đứa trẻ với tâm hồn nguyên sơ như trang giấy trắng. Trong những tháng ngày đầu đời, tôi đã cố gắng gieo hạt mầm tử tế và thánh thiện cho cháu bằng gọi dạ bảo vâng, bằng những chuyến đi từ thiện đầu tiên. Những ngày tháng tới đây, cô sẽ là người vun trồng cho hạt mầm ấy thành cây vững vàng.

Xin cô hãy mở rộng vòng tay đón cháu vào mái trường, vào lớp học mà cô là người thuyền trưởng tài hoa lèo lái.

28/8/12

195. GIÁO DỤC HỌC SINH QUA NHỮNG CÂU DANH NGÔN


Quang Hiển


“Trong thành lũy tâm hồn, những câu danh ngôn là những người lính phòng thủ cho khôn ngoan và lẽ phải” (Platon). Danh ngôn là một sản phẩm văn hóa góp phần làm phong phú thêm hành trang tinh thần của giới trẻ.
Thời gian gần đây, các giáo viên môn ngữ văn có sự quan tâm nhiều hơn đến danh ngôn trong giảng dạy phần nghị luận xã hội do nhiều đề thi môn ngữ văn yêu cầu học sinh giải thích, bình luận các vấn đề xã hội hoặc tư tưởng được thể hiện qua các câu danh ngôn. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn ít quan tâm đến danh ngôn, không giới thiệu cho học sinh về danh ngôn, không khuyến khích học sinh sưu tầm danh ngôn và vận dụng danh ngôn vào học tập và đời sống. Theo chúng tôi, đây là một điều đáng tiếc và là một thiệt thòi đối với học sinh, không chỉ trong việc học tập môn nghị luận xã hội mà còn trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Sự cần thiết và quan trọng của danh ngôn đối với việc giáo dục học sinh có thể được giải thích bằng các nguyên nhân sau:

27/8/12

194. CÁNH CÒ – TUỔI THƠ VÀ NGƯỜI MẸ


 (Đọc bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên )

Môc Nhân - Mùa Vu Lan 2012

Con người ai chẳng có tuổi thơ, lời ru trong tình mẹ. Trong tâm thức người Việt, sự cất cánh của tâm hồn con trẻ không thể rời xa những cánh đồng bát ngát, lũy tre yên bình, cánh cò và lời ru êm ái ngọt ngào của mẹ. Bài thơ“Con cò” của Chế lan Viên đã khai thác và phát triển hình ảnh con cò trong những câu hát ru quen thuộc để nhắc nhở một cách thấm thía về tình mẹ và ý nghĩa của lời ru đối với con người.
          Bài thơ mang âm điệu của những câu hát dân gian gợi lại hình ảnh con cò từ những câu ca dao quen thuộc:
  Con cò bay la
  Con cò bay lả
  Con cò cổng phủ
  Con cò Đồng Đăng…
         

26/8/12

193. THƠ LÂM NGUY

Nửa đầu tháng 8-2012 có hai vụ việc về thơ báo hiệu “Thơ lâm nguy”.

1. Vụ thứ nhất là tập Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận.


Đó là một tập thơ bình thường, có thể nói là tầm thường nữa. Ai thăm chùa vãn cảnh có hứng sinh tình có thể viết thơ ghi lại cho mình, thơ viết về chùa tất có địa danh phong cảnh chùa, có ngôn ngữ chùa.
Thế nhưng chỉ ghi vào mấy cái tên, mấy từ ngữ mà bảo thơ đó là có đạo, có thiền thì lại nhầm lớn, sai nặng. Mà còn phải xem đó có phải là thơ, hay chỉ là những câu văn vần ghép lại, nhất là khi người viết muốn in thành tập và phổ biến.
Còn như người viết tự cho là mình được thần nhập thì là chuyện huếnh hoáng của cá nhân, nói ra chẳng bõ làm trò cười cho con trẻ. Cốt là văn bản thơ, là văn tự in ra trên giấy. Mà đọc vào đó thì tôi nói rồi, Thi vân Yên Tử là tập thơ, đành phải gọi vậy, đến mức tầm thường, tán chuyện chùa chiền lung tung, lăng nhăng.
Cách đây vài ba năm, Hoàng Quang Thuận đã bắt Trường ĐH Quảng Bình hội thảo rùm beng về tập này. Một giảng viên gọi điện thoại cho tôi hỏi thực chất thứ thơ đó, tôi bảo tầm phào, ở Hà Nội không ai nghe biết. Vậy cớ gì những nhà thơ biết làm thơ, biết đọc thơ, biết thẩm thơ, ở một hội chuyên môn thơ văn của cả nước lại khen ngất trời, lại hội thảo ầm ĩ ? Tôi chịu không biết những lý do ẩn đằng sau vụ này.
Khi vụ việc xảy ra nhiều báo hỏi tôi, tôi bảo không muốn dây vào cái chuyện lố bịch. Tôi chỉ thấy sự đọc thơ thoát ly văn bản, bất chấp văn bản để nói lấy được, khen lấy được như vậy là một sự nhảm nhí, nhố nhăng. Và tôi gọi đó là cơn mê lú tập thể.

24/8/12

192. CHỮ TÂM - CHỮ TÀI

Đào Văn Bình


  Cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã cô kết Truyện Kiều bằng hai câu:   
                Thiện căn ở tại lòng ta
                Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.
                (Thiện căn cư tại nhân tâm
                  Tự tâm tân bỉ bình tam tự tài)
Vậy chữ Tâm là gì mà nó vượt trội và đáng quý trọng hơn hẳn tài năng của con người ?
Chữ Tâm phát xuất từ bản chất thuần lương vốn có của con người: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Chữ Tâm không do cầu xin, cầu nguyện, van vái, thờ cúng mới có cũng không cần phải tuân theo lời răn dạy của bất kỳ một tôn giáo nào mới có chữ Tâm. Chữ Tâm thuộc về tiên nghiệm chứ không thuộc về hậu nghiệm.
Tuy nhiên nếu được giáo dục và tu dưỡng thì chữ Tâm sẽ được bảo bọc giữ gìn, tức không bị lu mờ, sẽ sáng tỏ giống như tấm gương được lau chùi. Song điều đó không có nghĩa là phải có giáo dục thì chữ Tâm mới hiển lộ. Rất nhiều bộ tộc, rất nhiều người chẳng thụ huấn một nền giáo dục nào mà chữ Tâm cũng vẫn có.

23/8/12

191. MỘT LOẠI THƠ ĐANG ‘CHẾT’, MỘT LOẠI THƠ KHÁC VỪA RA ĐỜI



Inrasara – nguồn: Tạp chí Tia sáng


1. Thơ đang đánh mất độc giả:
Tại sao? T.W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man”. Dã man, – không sai. Khi Tòa Tháp Đôi vừa bị khủng bố đánh đổ, thiêu sống hàng ngàn con người ưu tú; khi liên tục vụ nổ bom tự sát giết chết hàng vạn sinh linh vô tội diễn ra mỗi ngày; khi trái đất đang bị khai thác và tàn phá đến cạn kiệt; khi bất công và tội ác đang bành trướng khắp nơi, ngày càng lồ lộ và trắng trợn hơn bao giờ… mà nhà thơ đóng cửa phòng văn để “làm vần” và “làm thơ thuần túy”, thì không khác gì đồng lõa với sự dã man.
Việt Nam giai đoạn qua, thơ dù ế đến đâu cũng là thể loại văn học luôn ở thế thượng phong. Sau thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa là thơ lãng mạn hậu thời, đồng hành với loại thơ sau là thơ tiền hiện đại. Thơ Việt nhộn nhịp và rộn ràng, nhưng nó vẫn thế, không có cuộc thay đổi lớn nào xảy ra, ở đó. Nghĩa là tuyệt đại đa số người làm thơ và thưởng thức thơ vẫn chịu sự phủ sóng của dòng “người làm vần” và “nhà thơ tiếp hiện”. Không gì hơn, không gì khác. Bộ phận thơ câu lạc bộ làm vần đã đành, ngay nhà thơ có vẻ chuyên nghiệp cũng “làm vần”:

22/8/12

190. MẠCH NGUỒN VÔ TẬN

  Đinh Công Tôn                 
                      (Viết nhân mùa Vu Lan 2012)   

    “Cây khô chưa dễ mọc chồi
     Bác mẹ chưa dễ ở đời với ta”.


           Mẹ ! Con đã đi qua mấy miền ca dao, triết luận, đạo lí, lẽ đời để đến lúc này, có phải con mới nhận ra được Mẹ .
Mẹ là bóng che mát rượi đời con khiến con không hề cảm nhận ra cái cháy bỏng của oi nồng, cơ khát .
Mẹ là nguồn sữa ngọt lành rót vào hồn con theo nhịp à ơi thắm đượm.
Mẹ giấu kín buồn lo cho tuổi thơ con chao lượn, bay bổng như cánh diều .
Mẹ cố nuốt dòng lệ trào dâng cho thanh thản nụ cười, tiễn con vào đời tu chí , lập thân.

                                                    ***

19/8/12

189. THƠ MÁY VÀ K81


Photo: Mộc Nhân
Minh họa: Thơ máy
 Tặng nhóm bạn K81 nhân cuộc gặp mặt tối 18 tháng 8/ 2012

Decaster có câu nói nổi tiếng: “Tôi tư duy là tôi tồn tại”, điều ấy hiển nhiên đúng. 
K81 có một “chế” bản: “Tôi gặp mặt là tôi tồn tại”, điều ấy cũng hiển nhiên đúng. 
Những cuộc gặp mặt không chỉ giúp cho K81 “tồn tại” trên 30 năm nay mà còn làm cho cái thực thể ấy có thêm nhiều “giá trị” về sự gắn kết tình bạn.
Lần này Nguyễn Xuân Thơm về quê – lại một cuộc gặp vui vẻ: hát hò, đùa giỡn, châm chích, hả hê …
Chỉ có thế nhưng thật đáng quí bởi chúng ta không chỉ đang “tồn tại” mà đang “sống”.
Những hình ảnh trong cuộc gặp lần này được minh họa bởi “Thơ máy”. Điều này chỉ nhằm hai mục đích là : VUI và LẠ, ngoài ra không có ý gì khác.
Nếu “Thơ máy” khiến bạn chột dạ thì xin hãy bỏ qua.

18/8/12

188. NHỮNG NGƯỜI LOẠN HỌP

Maiacovski (Nga)
Người dịch: Hoàng Ngọc Hiến




Mới tờ mờ sáng 
Ngày nào tôi cũng thấy 
Bọn họ kéo nhau đến bàn giấy cơ quan 
Người đi Tổng 
Người đến Ban 
Người sang Tuyên 
Người đến Giáo 
Họ vừa đến là trận mưa thông cáo 
Trút rào rào ngập cổ ngập đầu 
Dăm chục tờ quan trọng nhất 
Chọn mau 
Công nhân viên chia nhau đi họp! 

14/8/12

187. CÂU CHUYỆN DẤU CÂU


Sưu tầm

1. Phiên tòa xử vụ ly dị, tòa phán với ông chồng:
 - Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ.
Ông chồng về nhà đưa bản án cho bà vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:
- Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ.
Sai một phẩy, nhảy ngàn dặm.

2. Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “Woman without her man is nothing”.
Bọn con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả).
Bọn con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).

13/8/12

186. SỌC DƯA, KỲ NHÔNG


  


Có con rắn được gọi là “sọc dưa” khoang đen liền với khoang trắng, gọi rắn đen cũng đúng mà rắn trắng cũng đúng. Có con “kỳ nhông” thoắt ẩn thoắt hiện, không chỉ “đen trắng” (B/W) mà 256 màu hoặc hàng triệu màu tùy theo nó đứng, nó nấp, nó chạy, nó ăn, nó làm tình, nó gãi đầu gãi tai ở chỗ nào, quanh nó sắc màu gì là nó biến ngay ra màu sắc đó.


Tất cả những tính cách biến hóa kỳ diệu ấy của loài vật đều theo quy luật Darwin là để tiến hóa và tự vệ. Những con vật đó thường yếu thế trước kẻ thù, hiền lành (kể cả con rắn), không làm hại ai. Chúng “sọc dưa”, “kỳ nhông” hay “sớm đầu tối đánh” đều cũng chỉ có một mục đích rất khiêm tốn mà cũng rất đáng thương là tự vệ, bảo toàn cái mạng mình để kiếm chút cháo qua ngày mà thôi.

7/8/12

185. GIẢI NGHĨA TỪ NGỮ TRONG DẠY VĂN BẢN VĂN HỌC

Mộc Nhân



Tác phẩm văn học là sản phẩm của một tâm hồn, một tấc lòng nghệ sĩ rung động trước cuộc đời. Người sáng tác nào dù tâm hồn có bay bổng đến đâu nhưng khi sáng tác cũng muốn tìm đến những bạn đọc tri âm, tri kỉ - những người muốn cùng tác giả đi đến cùng những ý tưởng hấp dẫn; cùng chia sẻ với tác giả những quan điểm, những suy nghĩ về cuộc đời và con người.
Như vậy cả hai đã gặp nhau trong sự hoà đồng giữa một bên là sáng tạo, một bên là cảm nhận những giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm. Cũng có khi người đọc không hiểu được ý đồ sáng tạo của nhà văn hoặc tiếp nhận tác phẩm trái với ý định chủ quan, với tư tưởng, ý đồ nhà văn.
Thực ra người đọc cũng cần có một trình độ văn hoá, trình độ nhận thức, tư duy thẩm mỹ nhất định khi tiếp xúc với tác phẩm. Do vậy nếu có sự hướng dẫn, bổ sung, giải thích thì việc hiểu và cảm nhận tác phẩm văn học sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Chính vì vậy, việc giải nghĩa từ ngữ trong dạy học văn bản văn học sẽ giúp cho học sinh có nhiều thuận lợi trên con đường đi đến với tác phẩm văn học.

6/8/12

184. SỰ XUẤT HIỆN CỦA BÀI THƠ “NAM QUỐC SƠN HÀ”


“Nam Quốc Sơn Hà” (1) là một bài thơ với nội dung khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc ta với nhà Tống phương bắc. Đây là bài thơ mà nhiều người đã từng nghe qua, nhưng có vài điều liên quan đến bài thơ mà hậu thế chúng ta đến nay vẫn chưa biết. Những nghi  vấn như: bài thơ trên do ai sáng tác? Bài thơ xuất hiện lần đầu tiên vào thời gian nào? Bối cảnh lịch sử liên quan đến nội dung của bài thơ ra sao?

Nghi vấn về thời điểm xuất hiện của bài thơ

Nhiều người cho rằng bài thơ trên xuất hiện lần đầu tiên vào thời vua Lý Nhân Tông (2) trong trận đánh Tống trên sông Như Nguyệt năm 1076-1077 (3). Lý Thường Kiệt đã cho  người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát (4) đọc lên vào lúc nửa đêm, nhằm mục đích làm giảm tinh thần chiến đấu của quân Tống và cũng nhân đó làm tăng thêm tinh thần đánh giặc của quân ta.

Thế nhưng, trong quyển sách “Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn do nhóm tác giả thuộc Hội Sử học Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định rằng bài thơ này ra đời vào thời Tiền Lê và đã được Lê Hoàn sử dụng trong trận đánh Tống năm 981. Ngoài ra, trong Tạp chí Hán Nôm số 5, năm 2005, bài “Nam Quốc Sơn Hà và Quốc Tộ - Hai kiệt tác văn chương chữ Hán ngang qua triều đại Lê Hoàn”, phó Giáo Sư Bùi Duy Tân cũng đã khẳng định rằng bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” có từ thời Tiền Lê.

Hơn nữa, trong bài “Lịch sử, sự thật và sử học” được đăng trong báo Tổ Quốc, số 401 tháng 1-1988, Giáo Sư Hà Văn Tấn có viết rằng: “Không một nhà sử học nào có thể chứng minh được rằng bài thơ Nam quốc sơn hà là của Lý Thường Kiệt. Không có một sử liệu nào cho biết điều đó cả”. Không những thế, trong bài “Pháp Thuận và bài thơ thần nước Nam sông núi”, một lần nữa thiền sư Lê Mạnh Thát cũng đã khẳng định bài thơ này xuất hiện dưới thời vua Lê Đại Hành (5) đánh Tống. Vậy đâu là sự thật?