Tác phẩm
văn học là sản phẩm của một tâm hồn, một tấc lòng nghệ sĩ rung động trước cuộc
đời. Người sáng tác nào dù tâm hồn có bay bổng đến đâu nhưng khi sáng tác cũng
muốn tìm đến những bạn đọc tri âm, tri kỉ - những người muốn cùng tác giả đi
đến cùng những ý tưởng hấp dẫn; cùng chia sẻ với tác giả những quan điểm, những
suy nghĩ về cuộc đời và con người.
Như vậy cả
hai đã gặp nhau trong sự hoà đồng giữa một bên là sáng tạo, một bên là cảm nhận
những giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm. Cũng có khi người đọc không hiểu được ý
đồ sáng tạo của nhà văn hoặc tiếp nhận tác phẩm trái với ý định chủ quan, với
tư tưởng, ý đồ nhà văn.
Thực ra
người đọc cũng cần có một trình độ văn hoá, trình độ nhận thức, tư duy thẩm mỹ
nhất định khi tiếp xúc với tác phẩm. Do vậy nếu có sự hướng dẫn, bổ sung, giải
thích thì việc hiểu và cảm nhận tác phẩm văn học sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Chính vì
vậy, việc giải nghĩa từ ngữ trong dạy học văn bản văn học sẽ giúp cho học sinh
có nhiều thuận lợi trên con đường đi đến với tác phẩm văn học.
Nhà trường
là nơi thuận lợi nhất đảm nhận được công việc này. Gíao viên dạy văn là người
định hướng, điều khiển quá trình tiếp xúc với tác phẩm văn chương một cách sáng
tạo.
Để làm được
việc này, đòi hỏi người giáo viên phải có trình độ, có năng lực và cao nhất là
có phương pháp giảng dạy, truyền thụ, dẫn dắt, định hướng phù hợp.
Việc giải
nghĩa của giáo viên thực chất là giúp cho học sinh giải mã yếu tố ngôn ngữ
trong tác phẩm- đây cũng là một trong những yêu cầu quan trọng của tiến trình
dạy học văn bản văn học.
Sở dĩ chúng
tôi quan tâm đến vấn đề này là do xuất phát từ những thực tế sau đây :
- Học sinh
bậc THCS nói chung cũng như học sinh lớp 9 nói riêng đã được trang bị những kiến
thức, vốn từ cơ bản để cảm hiểu tác phẩm văn học. Tuy nhiên một trong những trở
ngại lớn nhất gặp phải ở đây là các em vấp phải rào cản ngôn ngữ với những điển
cố, điển tích, từ Hán Việt, từ khó … Nếu không hiểu được các tín hiệu ngôn ngữ
trên thì xem như việc tiếp xúc với tác phẩm văn học đã thất bại ngay từ đầu.
- Thực tế
cho thấy nhiều học sinh do không chuẩn bị bài ở nhà hoặc chuẩn bị chưa chu đáo
– nhất là chưa hiểu nghĩa của từ ngữ - thì việc học tập trên lớp sẽ rơi vào
tình trạng thụ động. Điều này là trái với tinh thần dạy học tích cực hiện nay,
đồng thời khiến cho giáo viên sẽ mất nhiều thời giờ khơi gợi cho học sinh những
điều đơn giản.
- Do vậy,
việc tự tìm hiểu ý nghĩa ngôn từ tác phẩm và việc giải nghĩa của giáo viên,
giúp các em hiểu tác phẩm là việc làm bước đầu rất quan trọng bởi có hiểu thì
mới có cảm và mới thấy được cái hay của tác phẩm. Trong sách giáo khoa đã có
phần chú thích giúp các em giải mã được rào cản ngôn ngữ phần nào nhưng không
phải mọi học sinh đều cvó thể tự học và hiểu ngay được các từ ngữ khó. Nói như
vậy để thấy rằng trách nhiệm giảng giải của giáo viên cũng là một yêu cầu quan
trọng để thúc đẩy quá trình dạy học tích cực.
- Về phía
giáo viên, không phải ai – trong mọi trường hợp đều có thể dễ dàng hiểu được
tầng ngữ nghĩa của tác phẩm. Do vậy việc chuẩn bị, tìm hiểu kĩ trước khi giảng
dạy các tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học trung đại là một việc làm
cần thiết. Đặc biệt là khâu nắm vững các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm là công
việc không thể chủ quan được.
Trong dạy
học ngữ văn, thuật ngữ giải nghĩa có thể được hiểu là thao tác giải thích, cắt
nghĩa, giảng giải … Đó là sự mô tả lại những yếu tố ngôn ngữ khó hiểu đối với
học sinh; từ đó mà xác lập mối quan hệ ban đầu giữa học sinh với tác phẩm văn
học để tiến tới nắm nội dung tác phẩm.
Quá trình
này phần nào giúp cho việc lĩnh hội kiến thức trong dạy học được tốt hơn, tích
cực hơn.
Hãy hình
dung tác phẩm văn học là một chỉnh thể được cấu thành từ những yếu tố ngôn ngữ.
Dưới tầng ngôn ngữ là các hình ảnh, hình tượng trong tác phẩm. Có hiểu được
ngôn ngữ tác phẩm thì học sinh mới cảm và thâm nhập tác phẩm, nắm được tư tưởng
chủ đề, những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.
Một số yêu
cầu trong thao tác giải nghĩa :
a. Giải nghĩa
cốt là tìm ra ý nghĩa của tác phẩm thông qua việc cắt nghĩa, mô tả lại các yếu
tố như hình ảnh, từ ngữ, câu, điển tích … làm cho học sinh hiểu được ý nghĩa
của chúng.
Tất nhiên việc
giải nghĩa phải đặt ý nghĩa bộ phận trong ý nghĩa tổng thể văn bản để thấy được
cái đúng và cái hay của văn bản văn học.
b. Giải
nghĩa và phân tích giảng bình phải đi liền với nhau. Quá trình cắt nghĩa làm
sáng tỏ những điểm sáng tạo độc đáo của tác phẩm, góp phần làm phát triển ngày
càng cao năng lực tíêp nhận ở học sinh; đồng thời làm sâu sắc thêm sự hiểu biết
về văn học nghệ thuật của các em, giúp các em đi sâu vào sự lĩnh hội thẩm mỹ.
c. Những
yếu tố cần chú ý cắt nghĩa trong dạy học văn gồm:
- Giải nghĩa
từ ngữ và hình ảnh: Giúp học sinh hiểu được nghĩa đen, nghĩa ẩn của từ ngữ,
hoặc thấy được cái hay của từ này so với từ ngữ khác nếu đặt chúng trong một
trường ngữ nghĩa.
- Giải
nghĩa hình ảnh để làm nổi bật hình ảnh trong tác phẩm, qua đó mà hiểu được ý
nghĩa của, dụng ý nghệ thuật của tác giả và chủ đề tác phẩm.
- Việc giải
nghĩa từ ngữ và hình ảnh trong thơ ca có vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt
là trong thơ trung đại, sự dồn nén tình cảm, cảm xúc rất lớn, ý nghĩa rất cô
đọng, do đó giải nghĩa từ ngữ hình ảnh sẽ giúp cho học sinh hiểu được dụng ý
nghệ thuật, nỗi niềm mà tác giả muốn gởi gắm.
Nhiều học
sinh do không hiểu được từ ngữ hình ảnh nên không hiểu được cái hay, cái độc
đáo của câu thơ.
- Giải
nghĩa điển cố: Các điển cố trong văn thơ cổ làm cho câu thơ hàm súc, chuyển tải
được lượng thông tin lớn. Chỉ bằng một vài chữ mà các điển cố đã gợi lên các
tầng ý nghĩa sâu sắc, hấp dẫn khiến lời văn sinh động.
Quan niệm
xưa cho rằng tác phẩm văn chương phải có điển cố mới thể hiện được tài năng tác
giả, vì vậy khái niệm điển cố đã trở nên quen thuộc với học sinh THCS, nhất là
học sinh lớp 9.
Thực tế là
điển cố trong văn học rất khó hiểu với các em khiến các em không thể hiểu hết
dụng ý nghệ thuật của tác giả hoặc các em chỉ hiểu hời hợt bên ngoài mà không
thấy cái hay trong tác phẩm.
Giáo viên
có thể giải nghĩa điển cố bằng cách kể lại điển cố vừa là một cách làm cho tiết
học thêm sinh động vừa tạo hứng thú cho học sinh trong việc tiếp nhận tác phẩm,
qua đó cho các em thấy được cái tinh tế, hàm súc trong tác phẩm.
Tuy nhiên
vấn đề không chỉ dừng ở đó, giải thích điển cố mà phải giúp học sinh tái hiện
nội dung văn bản, nắm được ý nghĩa thẩm mỹ của điển cố từ đó giúp các em tích
cực học tập để hiểu được ý nghĩa, chủ đề văn bản.
d. Giải
nghĩa phải kết hợp với các biện pháp, phương pháp khác như đọc diễn cảm, tạo
tình huống có vấn đề, thảo luận nhóm … để đảm bảo yêu cầu dạy học tích cực.
Tất nhiên
chất lượng dạy học bộ môn ngữ văn, hiệu quả giờ dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố,
việc áp dụng đề tài này chỉ có ý nghĩa đóng góp thêm vào sự thành công của việc
dạy học bộ môn theo hướng tích cực hơn.
Văn chương
có sức tác động sâu sắc đến con người. Tiếp nhận văn học lại tuỳ thuộc vào
trình độ, năng lực, thị hiếu của từng học sinh và tất nhiên việc giải nghĩa ngôn ngữ trong dạy văn bản văn học có vai trò định hướng cảm thụ thẩm mỹ của học sinh.
(Rút gọn từ đề tài SKKN - 2010)
(Rút gọn từ đề tài SKKN - 2010)
1 nhận xét:
Cam on anh Moc Nhan da cho em nhung kinh nghiem khong bao gio cu trong day hoc van...
Đăng nhận xét