Quang Hiển
“Trong thành lũy tâm hồn, những câu danh
ngôn là những người lính phòng thủ cho khôn ngoan và lẽ phải” (Platon). Danh
ngôn là một sản phẩm văn hóa góp phần làm phong phú thêm hành trang tinh thần
của giới trẻ.
Thời gian gần đây, các giáo viên môn ngữ
văn có sự quan tâm nhiều hơn đến danh ngôn trong giảng dạy phần nghị luận xã
hội do nhiều đề thi môn ngữ văn yêu cầu học sinh giải thích, bình luận các vấn
đề xã hội hoặc tư tưởng được thể hiện qua các câu danh ngôn. Tuy nhiên, nhiều
giáo viên vẫn ít quan tâm đến danh ngôn, không giới thiệu cho học sinh về danh
ngôn, không khuyến khích học sinh sưu tầm danh ngôn và vận dụng danh ngôn vào
học tập và đời sống. Theo chúng tôi, đây là một điều đáng tiếc và là một thiệt
thòi đối với học sinh, không chỉ trong việc học tập môn nghị luận xã hội mà còn
trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống. Sự cần thiết và quan trọng của danh
ngôn đối với việc giáo dục học sinh có thể được giải thích bằng các nguyên nhân
sau:
Thứ nhất, danh ngôn (câu nói nổi tiếng) là
những lời nói hay, có ý nghĩa sâu sắc được người đời truyền tụng. Đó có thể là
một câu ngạn ngữ, ca dao, tục ngữ của người bình dân truyền lại từ xa xưa, là
lời nói của một nhà chính trị, nhà khoa học, nhà văn hóa nổi tiếng hoặc được
trích dẫn từ kinh sách tôn giáo… Kho tàng danh ngôn kết tinh tri thức, kinh
nghiệm sống; tình cảm, đạo lý; truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc và
nhân loại. Từ những điều giản dị trong đời sống gia đình như “Cá không ăn muối
cá ươn - Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư” hay “Tu đâu lại bằng tu nhà - Thờ
cha kính mẹ ấy là chân tu” (Ca dao Việt Nam) cho đến tình yêu Tổ quốc “Tổ quốc
chính là điểm mà trái tim của chúng ta được buộc vào” (Voltaire), hay quan niệm
về tình bạn “Tình bạn nhân lên niềm vui và chia bớt đau buồn” (Thomas Fuller),
tình yêu “Tình yêu nơi hai trái tim hòa nhập tạo nên cùng một ý nguyện” (Edmund
Spenser), tôn giáo “Chúa viết nên Phúc âm không chỉ ở trong Kinh thánh mà còn ở
trên cỏ cây, trong những nụ hoa, mây và sao trời” (Martin Luther)… cho đến các
lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… đều được đúc kết qua
những câu danh ngôn Đông Tây kim
cổ.
Thứ hai, đặc điểm
của tri thức trong danh ngôn là sự kết tinh ở mức độ cao và ở sự độc đáo trong
cách nhìn, cách tiếp cận vấn đề cũng như cách diễn đạt. Theo quy luật của tình
cảm và tri giác, người ta chỉ ấn tượng và ghi nhớ những gì đặc sắc, độc đáo và
bổ ích. Sự độc đáo, hàm súc tạo nên sức sống, sức hấp dẫn trường tồn của những
câu danh ngôn. Ví dụ: câu “Hai người cùng nhìn xuống, một người chỉ thấy vũng
nước, còn người kia lại nhìn thấy những vì sao” (Dovjenko) cho thấy trí tuệ,
tâm hồn mỗi người quyết định cái nhìn của anh ta đối với thế giới.
Nhiều câu danh
ngôn có cách diễn đạt giàu hình ảnh, gợi nên những liên tưởng sâu xa, khiến
người ta phải suy nghĩ và xúc cảm. Ví dụ: “Mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều, mất niềm tin là mất tất cả” (khuyết danh)
hay “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển” (kinh Phật) hoặc “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con” (Trần Đăng Khoa), “Ai
bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào kẻ đó bằng đại bác”
(R.Gamzatov)… Do đó, đến với danh ngôn, học sinh không chỉ học tri thức, đạo
lý, mà còn học cách nhìn, cách nghĩ, cách tiếp cận, giải thích thế
giới.
Thứ ba, trong thế giới danh ngôn, một vấn
đề được nhìn nhận từ nhiều góc độ, có thể đối lập, hoặc bổ sung cho nhau, giúp
học sinh sắc sảo hơn trong tư duy, cởi mở hơn trong quá trình tiếp cận chân lý,
giúp rèn luyện tư duy phản biện, tránh cực đoan, độc quyền chân lý. Ví dụ khi
bàn luận về hai câu tục ngữ: “Học thầy không tầy học bạn” và “Không thầy đố mày
làm nên”, học sinh sẽ nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn về vai trò của
người thầy cũng như phương pháp tự học, tương tác giữa người học với nhau trong
giáo dục. Hoặc về lời nói, có rất nhiều cách tiếp cận, lý giải khác nhau, trước
hết là ở phương diện tích cực: “Khởi thủy là lời” (Kinh Thánh Cơ đốc), “Quyền
lực của lời nói là vô biên” (ngạn ngữ Nga), “Lời nói có hiệu quả hơn mười vạn
khẩu súng thần công” (Napoléon), “Một lời nói có thể làm hưng thịnh một quốc
gia” (Khổng Tử)…. Nhưng ở góc độ tiêu cực, lời nói được nhìn nhận: “Bệnh từ
miệng vào, vạ từ miệng ra”, “Lời nói đọi máu” (Tục ngữ Việt Nam ), “Miệng
thế nhọn hơn chông mác nhọn” (Nguyễn Trãi)… Im lặng có khi được định nghĩa “Im
lặng là vàng”, nhưng cũng có người quan niệm: “Im lặng là một điều tồi tệ: Mọi
chân lý không được nói ra đều trở thành độc ác” (Niezsche).
Từ những lí do trên, thiết nghĩ các nhà
giáo nên vận dụng danh ngôn để giáo dục học sinh. Vấn đề đặt ra là vận dụng,
lồng ghép như thế nào? Theo chúng tôi, vấn đề đầu tiên là mỗi nhà giáo, đặc
biệt là các nhà giáo dạy các môn khoa học xã hội thấy được vai trò, tác dụng
của danh ngôn đối với giáo dục học sinh. Các nhà giáo có thể sử dụng danh ngôn
trong các giờ lên lớp để mở bài, lấy ví dụ, nhấn mạnh hay mở rộng nội dung bài
học hoặc sử dụng trong giờ sinh hoạt lớp, trong giao tiếp, hoạt động tập thể.
Có thể sử dụng danh ngôn trong các đề bài, câu hỏi kiểm tra, thi cử của phân
môn nghị luận văn học, nghị luận xã hội. Khuyến khích học sinh tìm đọc sách
danh ngôn, sưu tầm danh ngôn theo chủ đề, tổ chức một số giờ ngoại khóa về danh
ngôn. Nhiều câu danh ngôn gắn liền với các danh nhân, vì vậy, cần khuyến khích
học sinh tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân gắn liền với câu danh ngôn.
Ngay cả các giáo viên môn khoa học tự
nhiên cũng nên khuyến khích học sinh tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp các nhà
khoa học nổi tiếng và những câu nói để đời của họ như Einstein (Vật lý), Darwin
(Sinh học), Marie Curie (Hóa học), René Descartes (Toán)… Giáo viên nên gợi mở,
trao đổi cùng học sinh về nội dung, ý nghĩa của danh ngôn, nhất là những câu
hàm súc, khó hiểu, hoặc có nội dung trái ngược nhau, rèn cho học sinh kĩ năng
huy động, vận dụng danh ngôn vào những tình huống phát ngôn hoặc ứng xử. “Kẻ ngu
làm kinh ngạc bằng tiếng gào, người thông minh làm kinh ngạc bằng câu tục ngữ
dẫn ra đúng lúc” (Gamzatov), nếu biết vận dụng danh ngôn vào giảng dạy, nhà
giáo sẽ có thêm một phương tiện giáo dục hấp dẫn và có hiệu quả không tồi.
(Nguồn: VHNA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét