Tất cả những tính cách biến hóa kỳ diệu ấy của loài vật đều theo quy luật Darwin là để tiến hóa và
tự vệ. Những con vật đó thường yếu thế trước kẻ thù, hiền lành (kể cả con rắn),
không làm hại ai. Chúng “sọc dưa”, “kỳ nhông” hay “sớm đầu tối đánh” đều cũng
chỉ có một mục đích rất khiêm tốn mà cũng rất đáng thương là tự vệ, bảo toàn
cái mạng mình để kiếm chút cháo qua ngày mà thôi.
Không ai trách con kỳ nhông thay màu, cũng không ai trách con bướm mong manh
phải biến đôi cánh mình giống đám lá chung quanh. Đúng vậy, con người bái phục
và mô phỏng tự nhiên để tăng thêm khả năng làm người, kể cả con người của thế
giới văn minh ngày nay. Như người ta làm cái tàu ngầm bắt chước dạng thủy động
học của con cá heo. Người bơi lội thì mặc bộ quần áo may bằng loại vải mô phỏng
da con cá heo. Như học và bắt chước con nhện để sản xuất ra loại sợi bền mà dễ
hủy, không hại môi trường. Như bắt chước con bào ngư chỉ dùng canxi carbonat
trong nước biển mà lại làm ra được thứ vỏ sò cứng và bền gấp nhiều lần sứ cao
cấp. Đó là những con người thông minh, tử tế, biết học và mô phỏng tự nhiên để
luôn “tiến bộ”, phục vụ lợi ích loài người.
Nhưng loài người cũng không thiếu người láu cá. Họ cũng thông minh, cũng xưng
là trí thức, có thể là nhà giáo, nhà sử, nhà văn nhà nhà gì nữa. Họ cũng muốn
“tiến bộ” theo mục tiêu của họ, phục vụ cho cá nhân họ. Có thể là thăng quan
tiến chức, vợ đẹp con khôn, xe hai bánh thành bốn bánh, trưởng phòng muốn lên
giám đốc, giảng viên muốn thành giáo sư, đại biểu kỳ này muốn thêm kỳ nữa, hên
ra thì mãi mãi…Họ cũng cực kỳ thông minh, cũng biết mô phỏng tự nhiên không kém
các nhà khoa học chân chính. Và họ tỏ ra thành công, thường đến đích trước cả
các nhà khoa học mô phỏng nữa kia.
Chưa nhà khoa học nào làm được cái máy ngụy trang bằng con kỳ nhông. Nhưng
chúng ta đã thấy có những người quanh ta, trong số đó có cả những người nổi
tiếng, đã làm được chuyện đó, tự biến mình thành kỳ nhông, sọc dưa. Hơn cả kỳ
nhông, không những họ biến màu mà còn dùng cái sở học “thương gia” và miệng
lưỡi “xảo ngôn lịnh sắc” để che giấu cái mặt thật của mình. Một thời gian dài
người ta nhầm tưởng, hy vọng họ là chàng chèo bẻo có học dám ngang ngạnh với
diều hâu, chim cắt. Nhưng dân chúng mỗi ngày một khôn, bể mánh mới biết họ cũng
chỉ là thứ theo voi ăn bã mía mà thôi.
Xin dẫn một câu thơ của Aragon :
“Khi tấm kính nhân dân bị mờ thì mặt người càng lộ rõ”. Còn dân Nam Bộ thẳng
thắn thực thà thì bảo: “Chấp chi con sọc dưa con kỳ nhông sớm đầu tối đánh!” Nhân dân vạn đại đâu dễ mắc lừa mấy
con kỳ nhông!
Nguyễn Quang Thân (Nguồn: TT&VH - 24/05/2009)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét