23/8/18

1.216. PHƯƠNG NGỮ QUẢNG NAM


Ngôn ngữ nói dân gian của bất cứ một địa phương nào cũng có những từ ngữ riêng mà ta gọi là phương ngữ. Phương ngữ Quảng Nam rất phong phú, dầu đôi khi trùng hợp với phương ngữ các vùng khác nhưng nét độc đáo của nó có thể làm các bạn ngạc nhiên.

Đất Quảng Nam phần lớn là rừng núi và vùng bán sơn địa, nhiều sông suối đèo dốc nên địa hình khá hiểm trở. Tổ phụ của người Quảng Nam phần lớn là người Thanh Hóa - Nghệ An; trên 500 năm trước, theo bước chân tuần du của vua Lê Thánh Tông, họ về phương Nam khai phá đất đai, lập làng mới. Những người đến trước thường chiếm vùng đồng bằng ven biển bởi đất đai ở đây dễ khai phá hơn. Những người đến sau phải đi dần lên vùng bán sơn địa và miền núi. Lịch sử của con người nói chung và của người Quảng Nam nói riêng là phát triển từ đông sang tây. Đông là hướng biển, tây là hướng rừng núi Trường Sơn.
Thưở xưa, phương tiện giao thông hạn chế, người ta ở đâu thì ở đó, ít đi lại với nhau, ít nghe nhau nói. Có người suốt đời không có dịp đi ra khỏi làng mình. Vì vậy mà ngôn ngữ nói các vùng miền ít có cơ hội giao tiếp. Người Quảng Nam nói thứ ngôn ngữ mà tổ phụ và bà con xung quanh thường nói. Chính vì thế nên hệ thống phương ngữ Quảng Nam gần như được bảo lưu trọn vẹn. Địa hình hiểm trở khiến ngữ thanh của từng địa phương nhỏ cấp huyện, xã, thôn rất khác nhau.
Tuy nhiên, ngữ thanh (âm vị) chỉ là cái vỏ bên ngoài. Chính hệ thống phương ngữ mới quyết định nội hàm của ngôn ngữ Quảng Nam.
Để tiện cho các em học sinh tra cứu phương ngữ Quảng Nam phục vụ cho việc học “Chương trình địa phương Quảng Nam”, chúng tôi trích đăng một số phương ngữ Quảng Nam trong cuốn “Từ điển Phương ngữ Quảng Nam” do PGS.TS. Phạm Văn Hảo chủ biên (sách do Sở KH&CN Tỉnh QN kết hợp với Viện Từ điển học & Bách khoa thư VN xuất bản năm 2017)
ai dè: đâu ngờ, không ngờ
ang: dụng cụ đan bằng tre để đong lường thóc lúa, tương đương 30kg
ảnh – chỉ: anh ấy – chị ấy
ăn cơm trộng (nuốt trộng) : ăn cơm nguyên hạt, không nhai
ăn nhằm: không có ảnh hưởng hay tác động nào đáng kể
ăn nhín: ăn dè xẻn, tiết kiệm
ấm hỉm: ấm áp dễ chịu (ấm ru)
ẩu tả: làm liều, không xem xét trước sau
ba láp: nói năng thiếu nghiêm chỉnh, không thực (nói ba láp ba xàm)
ba lua: xe tải thùng (Gốc Pháp “poids lourd”)
ba nhe: lời nói và hành động vô lễ
ba tia: dây kéo (tiếng Pháp “fermeture”)
bà già đén: trẻ gái khôn trước tuổi
bành chát: to tướng, to lớn quá khổ
bao lăm: chẳng đáng giá bao nhiêu
bằng riến: bằng nhau, đều nhau
bằng thán: bằng phẳng
bắt bồ: kết bạn, làm quen
bắt bộ: bắt bằng tay, không cần dụng cụ hỗ trợ
bần cốt: nghèo, dùng để tỏ ý coi thường điều gì
bất quá: cùng lắm thì… (giải pháp cuối cùng)
bể bạc: thua lỗ, thất bại
bị xị (bí xị): mặt mũi buồn bã, ỉu xìu
biều: mệt mỏi, mê mệt (nằm biều)
biểu: bảo, nói
bỏn sẻn: bủn xỉn
búa xua: nhiều thứ
bụm: dùng tay bịt, che, đậy
bự chảng, bự chác: rất to lớn
cà rịch cà tang: dềnh dàng, chậm chạp
cà rỡn: đùa giỡn
cả mô: làm cho xong chuyện không tính đến hiệu quả (làm cả mô)
cá rầm: chỉ tất cả các loại cá con sống theo bầy
cãi họng: cãi lại lấy được, không có lí lẽ gì là đúng
cắc cớ: trớ trêu, oái ăm, nghịch lí
cằn rằn: cằn nhằn
cẳng: chân
cây trính: cây xà ngang nhà
cháng ba: ngã ba đường, chỗ chia ra ba nhánh
chạo rạo (phát âm: chộ rộ): rạo rực, náo nức
chắc nụi: rắn chắc, vững chải
chí khú: chí thú (chuyên tâm vào việc)
chín hườm : sắp chín
chồm hổm: ngồi xổm
chửi tắt bếp: chửi xối xả, thậm tệ
coi bộ: xem ra, có vẻ
cơi: nới rộng ra
cứng khừ: rất cứng, chắc
dã lã: vui vẻ gượng gạo, giả vờ cười nói
dày trục: rất dày
dằn gan: nén giận
dính chấu: bị mắc mưu, bị liên quan đến những chuyện phiền nhiễu
dụ dựa: dựa dẫm, ỷ lại
đã nư: hả giận, hả hê, thỏa thuê
đánh đòng xa: đong đưa tay theo bước đi nhịp nhàng
đĩ miệng: nói năng đưa đẩy, lấy lòng, khoác lác, không thực lòng
đổ thừa: đổ lỗi cho người khác
eo: 1. túng thiếu, khó khăn (eo hẹp) 2.gây khó (làm eo)
ếm: yểm (bùa)
gắt mấu: làm nhanh, tới nơi tới chốn
giả đò: giả vờ
hàm hạ: quai hàm (sụp hàm hạ)
heo thất: lợn đực giống
hiếm chi, hiếm mấy: thiếu gì
hưa: thành thói quen (đi chơi hưa chân)
khiếu (áo quần): vá tạm chỗ rách
khóm: quả dứa (trái khóm), quả nhỏ nói chung (khóm mít)
làm sui: kết thông gia với nhau
lí lắc: tinh nghịch, hiếu động
lủm: bốc vật gì cho vào miệng
lửng: quên (quên lửng)
mãn khó: hết chịu tang sau ba năm
mắc tịt: mắc cỡ, e ngại
mềm múp, mềm mụp: rất mềm
mộc chận: bóng đè khi ngủ
mông mông: đầu thóc, trấu nhỏ lẫn với gạo sau khi xay xát
mút chỉ: hết mức
mửa: nôn
mừng khúm (húm): rất mừng khi được như ý
mứt: gọt nhọn, hoặc làm cho thon lại (mứt bút chì)
nạnh hẹ: tị nạnh
ngó: nhìn, trông, xem (ngó chừng, ngó bộ)
ngủm: chết
nhổ giò: trẻ con lớn nhanh
ních: ăn nhiều, thô tục, tham lam (ních cho đầy bụng)
nịt: dây thắt lưng
no cành: no căng
nộ: quát nạt
nổi sùng: nổi giận
nước đục lềnh: nước rất đục
nướu: lợi răng
nứt mộng: nảy mầm
ót: gáy
ông bộ: hoạn quan
phải quấy: phải trái
phải chi: giá mà, nếu như
phèo nước miếng: sùi bọt mép
phỉ phê: thỏa thích
phỉnh: lừa
phứt (phắt): nhanh chóng - làm phứt (phắt) cho xong.
quải: cúng giỗ
quận: phiên, lượt (tới quận anh đi)
ra bộ: ra vẻ
rạt gáo: hết sạch (thua bài rạt gáo)
rậm đám: phô trương đông đúc, ồn ào
rộng thình, rộng rinh: rất rộng, thoáng
rúi nùi: rối bời
rựng: còn non (con nít mới rựng rựng)
siết (răng): sâu răng, sún răng
sớm bửng: sáng sớm tinh mơ
sùng: nổi giận (nổi sùng, sùng máu)
sượng trân: sượng, chưa chín – nghĩa bóng: trơ trẽn
tam bành: nổi giận
te rẹt: la cà, đua đòi bắt chước
té giếng: hư hỏng hoặc không bình thường (lời rủa)
thả thất: phối giống
thấp xỉn, thấp xịt: rất thấp
thấy mồ: rất, quá , lắm (đau thấy mồ)
thiệt mặt: nhìn thấy rõ; thẳng thắn
thúi ình, thúi nực, thúi nặc, thúi quắc: rất hôi thối (thúi)
trửng: giỡn, đùa
trật lất: sai hoàn toàn
trõm lơ: mắt hõm sâu mệt mỏi
trổ trời: nghịch quá quắt; làm những việc không ai ngờ
trùn: giun đất
tuốt: tận, tít (nhà ông ấy ở tuốt đằng kia)
vị tinh: mì chính
: vái (xá ba cái trước bàn thờ)
xảng: xẻng
xàng xê: đi nghênh ngang, lúc lắc qua lại
xăng xái: hăng hái
xoa xoa: thạch rau câu
xụi lơ: mệt mỏi, rã rời
xưa rày: lâu nay
y chang, y đúc: rất giống nhau
y nguy, y quy: y nguyên
yếu nhớt, yếu xìu: rất yếu
(...)
 Nguồn: sách đã nêu trong bài

5 nhận xét:

Unknown nói...

cho em hỏi mua quyển từ điển này ở đâu ạ?

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh nói...

Sách này không có trên thị trường em à.
Sách in số lượng ít nên chỉ phân phối về cho một số cơ quan ban ngành, thư viện cấp phòng hoặc sở... Thậm chỉ thư viện trường cũng không có.
Thầy may mắn có được 1 quyển.
Quyển này tra cứu phương ngữ QN rất hay, nếu có điều kiện em nên tìm một bản để làm tài liệu.

Song Thu nói...

Thầy ơi, em đang cần quyển này để làm luận văn về tiếng Quảng Nam nhưng tìm khắp nơi vẫn không thấy, ngay cả thư viện tỉnh Quảng Nam, thư viện KHTH Đà Nẵng, thư viện Hội An vẫn không có. Giờ em không biết kiếm đâu nữa. Thầy ở đâu cho em mượn quyển này, hoặc chỉ em chỗ mượn cũng được ạ. Tha thiết nhờ thầy!Thầy nhắn giúp em qua email này: thuthupham0601@gmail.com. Em đội ơn thầy.

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...

Bạn còn cuốn này ko vậy..