24/8/18

1.217. NGÀY LỄ VU LAN VÀ CHỮ HIẾU



1. Ngày lễ Vu Lan:
Rằm Tháng 7- ngày lễ của người Việt được giới tăng ni Phật tử gọi là ngày Đại Lễ Vu Lan, dịp đặc biệt để con cái báo hiếu các bậc sinh thành, tổ tiên đã khuất. Theo tín ngưỡng dân gian, rằm tháng Bảy cũng là ngày xá tội vong nhân, mọi nhà bày mâm cỗ cúng chúng sinh...

Theo sự tích xưa, Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Sau khi đã chứng quả A La Hán, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng huệ nhãn tìm. Thấy mẹ vì gây nhiều nghiệp ác nên rơi vào ngục A Tỳ làm quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.Quá thương cảm, xót xa Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp Ðúng vào ngày rằm tháng 7 thì lập trai đàn để cầu nguyện, thiết trai diên để mời chư tăng thọ thực. Trước khi thọ thực, các vị này sẽ tuân theo lời dạy của Ðức Phật mà chú tâm cầu nguyện cho cha mẹ và ông bà bảy đời của thí chủ được siêu thoát". 
Mục Liên làm đúng như lời Phật dạy. Quả nhiên vong mẫu của ông được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ mà sanh về cảnh giới lành. Cách thức cúng dường để cầu siêu đó gọi là Vu Lan bồn pháp, lễ cúng đó gọi là Vu Lan bồn hội, còn bộ kinh ghi chép sự tích trên đây thì gọi là Vu Lan bồn kinh.
Và thế là mỗi năm khi ngày này đến gần, những người phụ nữ trong gia đình lại bận rộn hơn với công việc chuẩn bị cúng rằm nhớ ơn tổ tiên, lên chùa khấn cầu Phật phù hộ cho gia đình, cha mẹ được bình an phúc đức, tất bật chuẩn bị những mâm lễ cúng chúng sinh.
Theo Phật Quang Đại từ điển, mục từ: Vu Lan Bồn (tiếng Phạn: Ullalambana – phiên âm: Ô lam bà noa); chữ Hán dịch là “Đảo huyền” (Đảo huyền nghĩa là treo ngược, ý nói nỗi khổ của người chết giống như cái khổ của người bị treo ngược, cực kỳ đau đớn; tiếng Việt gọi là “Vu lan bồn hội” hoặc “Bồn hội” - chỉ cho nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm căn cứ theo lời Phật dạy trong kinh Vu lan bồn tạo các khu vực theo Phật giáo thuộc hệ thống Hán ngữ.
Theo Kinh Vu Lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Liên dùng thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não liên tục, thấy rồi, ngài Mục liên dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ, nhưng do chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Để cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ này, ngài Mục liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu, Phật liền dạy ngài Mục liên vào ngày rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc hạ an cư), dùng thức ăn uống đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời…

2. Những câu chuyện về hiếu của người xưa:
“Hiếu tâm tức thị Phật tâm,
Hiếu hạnh vô phi Phật hạnh”
          Một thông điệp ngắn nhưng hạt giống nhân bản vô cùng lớn, trên hết là tính cách mạng về giáo dục đạo đức của Phật giáo. Bậc Đạo Sư khi dạy điều này Ngài đã đặt mình ở vị trí của một người làm con nói về hạnh hiếu, chứ không phải ở vị trí của bậc đã viễn ly sanh tử. Ngài dạy rằng Thế Tôn cũng là người đại hiếu và tất cả các con cũng phải như vậy: “Khể thủ tam giới chủ, đại hiếu Thích Ca văn” (sớ Vu Lan), tâm hiếu tức tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật.
Hiếu tâm- hiếu hạnh là cội nguồn của đạo làm người trên nghĩa tuyệt đối để thành tựu những con người với nhân cách cao thượng. Đạo hiếu là con đường, là chân lý, là phương thức,là cách sống, là cứu cánh viễn ly điên đảo mộng tưởng, là giềng mối cho sự thịnh trị quốc gia và hạnh phúc xã hội.
Kinh sách đã chép lại nhiều tấm gương hiếu thảo được lưu truyền:
a. Câu chuyện về hiếu tử Sàma: Có chàng trai thuộc gia đình giàu có ở thành Xá-vệ, vì mộ đạo nên xuất gia. Khi xuất gia một thời gian và làm Tỳ-kheo, gia đình của thầy lâm vào cảnh khốn khó, cha mẹ thầy phải lang thang xin ăn, khi hay tin cha mẹ như vậy, sầu thương nổi lên và thầy buồn khóc thật nhiều, nghĩ rằng mình phải trở về gia đình để lo cho cha mẹ. Nghĩ vậy,trên đường hoàn tục để quay lại quê nhà tại Xá-Vệ, thầy đã đến Kỳ Viên để đảnh lễ Phật lần cuối,  quán thấy những bất an của vị Tỳ-kheo này nên bậc Đạo Sư đã dạy: một người con đi xuất gia vẫn lo được cho cha mẹ mình. Hôm sau trên đường về, thầy đã gặp cha mẹ đang ngồi xin ăn bên vệ đường, thầy không kìm lòng được và đã cúng dường hết cho cha mẹ phần thức ăn mà thầy đã khất thực, hôm sau thầy cũng phụng dưỡng cha mẹ bằng cách đó. 
Việc làm này của thầy đã gây ngờ vực cho các thầy khác,  rồi đem chuyện này trình lên đức Phật, Phật cho gọi vị Tỳ-kheo trẻ đến và hỏi: “ Có phải ông đã xuất gia mà còn lấy vật cúng dường của thí chủ đem cho người thế tục không? đó là người thế tục nào? Thầy đáp: “Bạch Thế Tôn, có, đó chính là cha mẹ của con”. Phật tán thán việc làm đó và dạy:  “Lành thay! Ông đang đi con đường ngày xưa ta đã đi qua, ngày xưa khi đi khất thực Ta cũng phụng dưỡng cha mẹ ta”.
* Dù khi xuất gia tu hành, hiện nếp sống viễn ly, nhưng trên phương diện đạo đức xã hội, phụ mẫu tình thâm nên vẫn phải làm tròn bổn phận đạo con. Thời Đức Phật còn tại thế, mỗi khi biết vị Tỳ-kheo nào có hiếu với cha mẹ Ngài đều tán thán, vì trải qua vô lượng a tăng kỳ kiếp, tiền thân của Phật cũng là hiện thân của người con đại hiếu.
b. Vào thời đức Phật có Tôn giả Tất- Lăng-Già-Bà-Ta, sau khi xuất gia hành đạo, nhưng còn cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm cúng dường cha mẹ, nhưng vì sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó, đức Đạo sư họp các Tỳ-kheo và truyền dạy: "Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay ta cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng” (Luật ngũ phần).
c. Vào triều Nguyễn, tấm gương hiếu hạnh được nhắc nhiều là vua Tự Đức, nói về chữ hiếu mà không nhắc đến vua Tự Đức là một thiếu sót, vua Tự-Đức Là vị vua có hiếu với mẹ bậc nhất trong 13 vị Hoàng đế Triều Nguyễn.
“Trải qua 36 năm làm Vua trên ngai vàng, Vua Tự-Đức lúc nào cũng dành ngày chẵn vào cung để vấn an sức khỏe mẹ, đồng thời nghe lời truyền bảo của mẹ, nếu có điều gì quan trọng đáng lưu tâm thì ghi ngay vào quyển sổ tùy thân mà nghiền ngẫm. Đó là, quyển sổ từ huấn lục- quyển sổ chép lời mẹ dạy. Còn ngày lẻ thì lo việc triều đình, chớ không vì làm Vua có vạn năng quyền thế mà lơ là bổn phận làm con… Có lần, ngày mai là đến kỳ giỗ kỵ tiên đế Thiệu-Trị, thế mà hôm ấy Vua Tự Đức ham đi săn bắn, gặp nước lụt chảy xiết mạnh bất ngờ, Vua quan chưa dám dùng thuyền hồi cung, phải mắc kẹt chốn ngoại thành thuộc rừng Thuận Trực. Bà Từ Dũ sai quan Nguyễn Tri Phương đi rước, khi vào cung, vua biết lỗi, dâng roi, nằm xuống chờ quở phạt. Bà Từ Dũ giận, quay mặt chẳng nói một lời, sau đó mới tha cho hình phạt, chỉ trách dạy bằng lời mà thôi”. (Tìm Hiểu Các Danh Nhân - Nguyễn Phú Thứ)
d. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ sách lịch sử địa lý của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, biên soạn thời Tự Đức, có thuật lại tấm gương hiếu của Thiền Sư Nhất Đinh: khi mẹ thầy bị bịnh nặng, Thiền Sư lặn lội lập An Dưỡng Am để cõng mẹ về cùng nương nấu và cũng thuận đường tu tập. Mẹ Ngài ngày thêm bệnh nặng, được y sư khuyên rằng cần phải bồi bổ cho bệnh nhân bằng thịt hoặc cá mới mong khỏi. Hằng ngày sư chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ để mua cá và buộc vào đầu gậy mang về am thổi cháo hầu mẹ, lần hồi bệnh thuyên giảm...  vì xuống chợ mua cá mà bị đời đàm tiếu.
Chuyện đến tai Vua Tự Đức, Vua sai người theo dõi, tìm hiểu hư thực.  Vốn cũng là vua hiếu nên khi biết hoàn cảnh của thiền sư, vua rất quý kính, cung cấp lương thực cho sư nuôi mẹ, và cho tu bổ An Dưỡng Am rồi ban biển ngự đề "Sắc Tứ Từ Hiếu Tự". Kể từ đó, An Dưỡng Am trở thành chùa Từ Hiếu lưu danh đến ngày nay.
e. Câu chuyện “Đôi mắt người mẹ”: Có một người lúc nào cũng căm ghét mẹ mình, vì bà nghèo, xấu, lam lũ và chỉ có một con mắt. Người con này học hành chăm chỉ nên được du học, thành đạt và có vợ con, thỉnh thoảng anh ta gởi tiền về và mua căn nhà nhỏ cho bà, rồi tự nhủ đã làm tròn bổn phận, cắt đứt mọi liên lạc với bà.
Ngày kia có một bà già lam lũ đến trước cửa nhà anh ta, làm mấy đứa con anh ta hoảng sợ, anh ra quát “Hồi nhỏ, bà đã làm cho con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ bà còn định phá hỏng cuộc sống của con hay sao”? bà nói xin lỗi vì tôi nhầm địa chỉ và lặng lẽ đi.
Rồi bà qua đời trong hiu quạnh không ai hay biết, bà để lại một lá thư cho người con trai: "Con yêu quý! Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi và ân hận về việc đã làm cho con xấu hổ và các cháu sợ hãi. Con biết không hồi con còn nhỏ, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ. Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con. Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ... Mẹ yêu con lắm…”
          g. Trong cuốn sách “Nhị thập tứ hiếu” của cụ Lý Văn Phức  kể về 24 gương chí hiếu ở nước Trung Hoa thời xưa, cũng có nhiều câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đó là Lão Lai Tử, đã 80 tuổi mà vẫn nhảy múa hát ca rồi làm trò vờ ngã như trẻ con để làm vui lòng cha mẹ già đã trên trăm tuổi. Đó là Mẫn Tử, trước sự đối xử tệ bạc của người mẹ kế (chỉ chăm sóc hai con riêng, bỏ mặc Mẫn Tử mùa đông chỉ có hoa lau đắp lên người, rét quá nên ngã bệnh), nhưng vẫn không hề giận mẹ kế. Bố Mẫn Tử nổi giận định đuổi bà vợ kế đi, nhưng Mẫn Tử đã ngăn cha lại, xin tha cho mẹ: “ Mẹ còn, chịu một thân đơn/ Mẹ đi, luống để cơ hàn cả ba”. Hành động cao thượng và lòng khoan dung, chí hiếu của Mẫn Tử khiến người cha xúc động và đã cảm hóa được người mẹ kế, khiến từ đó bà trở nên từ mẫu với cả 3 con.
h. Trong cuốn sách “Cổ học tinh hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có ghi lại câu chuyện giản dị và vô cùng cảm động minh họa cho điều ấy. Chuyện rằng Dương Phủ, người Trung Quốc, lúc nhỏ nhà nghèo nhưng ra sức cày cấy để phụng dưỡng cha mẹ. Một hôm, nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ, Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân ít lâu đến hầu bậc Vô Tế. Đi được nửa đường, Phủ gặp một vị lão tăng, vị này bảo ông rằng được gặp Vô Tế chẳng bằng được gặp Phật; Dương Phủ hỏi Phật ở đâu, lão tăng bảo nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người  nào khoác chăn thay áo, mang dép ngược thì chính là Phật đấy. Dương Phủ nghe nói quay về, trên đường chẳng thấy ai như thế cả. Về tới nhà thì đêm đã khuya, ông gọi cửa, mẹ ông nghe tiếng con mừng quá vội vã khoác chăn, đi dép ngược chạy ra mở cửa đón. Bấy giờ, Dương Phủ trông ra thì thấy hình dáng Phật mà lão tăng đã nói cho nghe. Từ đấy ông biết cha mẹ trong nhà tức là Phật. 
Các học giả thời nay, khi tìm hiểu về chữ Hiếu của thánh nhân, đã minh họa sâu sắc thêm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh, trong tùy bút nổi tiếng “Bông hồng cài áo” đã viết hết sức sâu sắc, hết sức cảm động về tình mẫu tử : “Khi con cất tiếng khóc chào đời, Mẹ như là người nghe được âm nhạc. Mẹ dùng ngực làm nơi ngủ, nghỉ cho con và trên hai đầu gối mẹ thường là nơi đùa dỡn của con. Ơn nuôi dưỡng ấy nhiều hơn trời đất và đức thương yêu ấy rộng lớn không gì sánh nổi. Trên thế gian này không có một thứ tình cảm nào sâu đậm, thiêng liêng vô điều kiện bằng tình thương của Mẹ Cha đối với con cái vì con cái là hình hài, cốt nhục của Cha Mẹ lưu truyền. Khi con nằm trong bào thai - cung điện của em bé -  thì Mẹ con là một thể thống nhất, tuy hai mà một, tuy một mà hai, Mẹ con nối với nhau bằng một đường dây huyết mạch là sợi dây rốn. Khi hài nhi ra đời, sợi dây rốn được cắt đi, mẹ con là hai thực thể, hai sinh mệnh biệt lập nhưng quan hệ vô cùng mật thiết. Hình hài con đích thị là sự tổng hợp và nối tiếp sinh mệnh của Cha và Mẹ. Phật giáo gọi mốiquan hệ hữu cơ đó là “phi nhất, phi di” không phải là một, không phải là khác”. Bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc cũng viết rất sinh động về tình mẫu tử:“Những lúc bú mớm, con đã từng cắn vào mẹ đau điếng. Những lúc bệnh nạn, con làm mẹ thức thâu đêm. Con ho mà mẹ nóng ran lồng ngực; con ỉa chảy mà mẹ đau thắt ruột gan. Mẹ không ngần ngại hôi hám, vấy bẩn để chăm sóc con. Có lúc ngửi mùi phân, nước tiểu con để dõi theo bệnh trọng mà báo cho bác sĩ… Sữa mẹ là những tế bào thân xác Mẹ vỡ ra từng mảnh mà thành. Mẹ xanh xao đi để cho con được hồng hào. Mẹ lùn thấp xuống để con cao lớn lên. Mẹ loãng xương để con được cứng cáp. Mẹ nhăn nheo để con được đầy đặn. Mẹ xấu xí đi từng ngày để con được rạng rỡ xinh tươi… Mẹ hãnh diện nhìn con như dòng sông hãnh diện nhìn dòng nước chảy”;… “Tuổi thơ cần sự che chở của Mẹ nhưng khi khôn lớn sự che chở là những giọt nước mắt lăn dài trên má khi tiễn con đi, theo con nhưng để bảo vệ che chở, dõi theo những bước chân trên đường đời nhiều chông gai và là điểm tựa bình yên cho con khi vấp ngã”.
Về tình cha con, Đức Phật từng nói: “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha”;… “Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”;…  “Mang tấm thân gầy Cha che chở đời con”. Tục ngữ nước ta cũng có câu: “Con có Cha như nhà có nóc/ Con không Cha như nòng nọc đứt đuôi ”. Người cha thường chơi đùa với con khi con còn nhỏ, kiên nhẫn trả lời những câu hỏi tò mò khám phá thế giới xung quanh của con trẻ; nghiêm nghị chín chắn khi dạy bảo con lúc con lớn lên, định hướng cho con những vấn đề trong cuộc sống ; đứng ra giải quyết những vấn đề liên quan trong cuộc sống, tương lai sự nghiệp của con; đem đến cho con cảm giác của sự khuôn phép, an toàn; vắt kiệt sức lực để lo miếng cơm manh áo; chạy ngược chạy xuôi lo lắng trăm bề chữa chạy khi con yếu đau mà không than thân trách phận, không tính toán thiệt hơn. Trong bộ phim của nhà văn Đức - Fatk Akin (gốc Thổ Nhĩ kì) - có một nhân vật chính là Nejat (là một giáo sư văn học), do ngộ nhận mà giận cha mình không muốn nhìn mặt. Cho đến ngày lễ Eid Aladha của người dân Thổ (Lễ tưởng nhớ sự tích Ibrahim tuân theo lệnh của Thượng đế đã hiến tế con trai mình là Ishmael cho Ngài), Nejat bỗng nhớ lại thuở ấu thơ, khi nghe xong câu chuyện đó, anh đã hỏi cha sẽ làm gì khi Thượng đế bắt ông phải làm như vậy, thì cha anh trả lời không do dự “Cha thà làm kẻ thù của Thượng đế chứ không bao giờ làm tổn thương đến con của cha!”. Câu trả lời ấy đã nói lên tấm lòng cao cả, tình yêu thương con vô hạn của mọi người cha trên khắp thế giới! 
          Trong sách Mạnh Tử  có câu chuyện rằng  một người tên là Đào Ứng đã giả định một vấn đề nan giải và  đề nghị Mạnh Tử đưa ra giải pháp: ông Cổ Tẩu là cha vua Thuấn  (Một ông vua tài đức toàn vẹn nhất của Trung Hoa cổ đại) là người ác, đã phạm tội giết người, phải tội chết. Cao Dao là người chấp pháp, có trách nhiệm xử lý ông Cổ Tẩu nhưng không biết phải xử lý như thế nào vì Vua Thuấn là con, về tình không thể xử lý cha, đó là đạo trời, nhưng Thuấn lại là vua, theo luật phải xử lý cha để duy trì kỷ cương phép nước. Mạnh Tử đã đề xuất một giải pháp hết sức sâu xa, đầy ý nghĩa nhân văn: Thuấn sẽ xem việc bỏ thiên hạ  như một cái dép rách, lén đưa cha đi trốn đến những vùng xa lạ, vui mà quên đi thiên hạ”.
Nếu vua Thuấn cho phép xử cha mình cho đúng với nghĩa “luật pháp bất vị thân” thì trước mắt có thể duy trì được giềng mối xã hội, nhưng chắc chắn sẽ để lại một vết thương trầm trọng không gì cứu vãn được trong nền đạo lý làm người cho muôn vàn thế hệ mai sau. Cho nên những ai cư xử vô đạo với cha mẹ là đánh mất điều may mắn đó và họ tự đưa mình xuống thấp hơn cõi người. Đạo lý Phương Đông không cho phép người con trực tiếp lên án bố mẹ chứ đừng nói chi đến sự đối xử vô đạo, nhẫn tâm hay tàn hại, dẫu người đó mang trọng tội. Đạo lý nếu cần phải duy trì để giữ giềng mối cho sự vận động của guồng máy xã hội sẽ được thực hiện bởi Trời, bởi phép nước hoặc bởi một người khác.
Bài viết có sử dụng thông tin từ nhiều nguồn trên Internet

Không có nhận xét nào: