9/1/12

95. CHƠI CHỮ TRONG THƠ VĂN TÚ QUỲ

NGHỆ THUẬT CHƠI CHỮ TRONG THƠ VĂN TÚ QUỲ 
Bài đăng trên Đặc san Văn nghệ ĐẠI LỘC - XUÂN NHÂM THÌN 2012


Nguyễn Hữu Vĩnh  (Nhà giáo – Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ , ĐL) 


Trong nền văn học Việt Nam, giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX xuất hiện nhiều cây bút trào phúng, như: Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Học Lạc, Kép Trà, ... hình thành nên mảng văn học trào phúng đặc sắc. Trong bức tranh chung của văn học học giai đoạn ấy, Tú Quỳ - một danh sĩ Quảng Nam – đã góp thêm một sắc màu làm cho bức tranh văn học ấy thêm rực rỡ.
Tú Quỳ (1928 – 1926) tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu là Hướng Dương, quê ở làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Tú Quỳ đỗ tú tài năm 19 tuổi, sau đó ông dự thi thêm lần nữa nhưng cũng chỉ đỗ tú tài. Không kiên trì khoa cử như Tú Xương, Tú Quỳ sớm khép mộng đèn sách, về quê dạy học, làm thơ, hoạt động xã hội.


Cũng như các nhà thơ cùng thời nói riêng, thời phong kiến nói chung, sáng tác của Tú Quỳ gồm nhiều thể loại, như: thơ, văn tế, câu đối, thư tín... Và dù ở thể loại nào, thơ văn ông cũng luôn chan chứa tiếng cười, có lúc là tiếng cười dí dỏm mua vui, có khi là tiếng cười đau xót, lại có lúc là tiếng cười vỗ mặt chua cay trước những xấu xa của cuộc đời... Nghệ thuật tạo tiếng cười trong thơ văn Tú Quỳ phong phú, đa dạng, nhưng nổi bật nhất là nghệ thuật chơi chữ. Bài viết này chỉ tập trung tìm hiểu nghệ thuật chơi chữ trong thơ văn Tú Quỳ như một cách bước vào thế giới nghệ thuật của ông và cũng để phần nào lý giải sức sống lâu bền của thơ văn Tú Quỳ trong lòng người Quảng Nam, mặc dù hầu hết những sáng tác của ông được lưu truyền thông qua con đường truyền khẩu.
Chơi chữ là cách dùng phương thức biểu đạt đặc biệt, sao cho ở trong đó song song tồn tại hai lượng ngữ nghĩa (thông tin) khác hẳn nhau được biểu đạt cùng một hình thức ngôn ngữ, nhằm tạo nên sự thú vị mang tính chất ngữ nghĩa.
Chơi chữ là thủ pháp nghệ thuật phức tạp mà cho đến nay chưa có công trình nghệ thuật nào dám đảm bảo gọi tên đầy đủ các hình thức chơi chữ. Bởi lẽ, chơi chữ diễn ra trên mọi cấp độ ngôn ngữ, từ phương diện ngữ âm đến hình tức chữ viết, đến phương diện ngữ nghĩa, từ cấp độ nhỏ nhất của ngôn ngữ là chữ cái đến từ, ngữ, câu và đơn vị cao nhất của ngôn ngữ là văn bản.
Hơn nữa, ngôn ngữ tiếng Việt từ xưa đến nay có vay mượn và sử dụng nhiều yếu tố ngôn ngữ nước ngoài, do đó, hiện tượng chơi chữ càng trở nên phong phú khi các nghệ sĩ sáng tác khai thác những yếu tố ngôn ngữ ngoại lai.
Khảo sát thơ văn Tú Quỳ, chúng tôi nhận thấy nghệ thuật chơi chữ được ông sử dụng phổ biến ở những dạng thức sau:

1. Chơi chữ đồng âm, gần âm, nhịu âm.
Hình thức này chiếm tỷ lệ khá lớn và xuất hiện hầu hết ở các thể tài. Thơ ca thì có các bài như: Sư nữ (II), Chuồng bồ câu, Đồng hồ con cu, Trâu già... và tiêu biểu nhất là bài Đi mượn bàn cờ:
     Đi mượn bàn cờ, mượn cả con
     Cuộc vui mà có cuộc vuông tròn
     Đôi bên mười sáu đều nguyên vẹn(*)
     Của để mà chơi chớ sợ mòn.

Bài thơ được lưu truyền khắp các địa phương Quảng Nam và được nhiều người thuộc vì cái tài ứng tác thông minh của Tú Quỳ. Rất nhiều từ và cụm từ trong bài thơ mang hai nghĩa hoàn toàn khác biệt nhau, như: con, cuộc vui, cuộc vuông tròn, mười tám, của, chơi, mòn. Vì thế, bài thơ tồn tại hai lượng ngữ nghĩa song song: mượn bàn cờ và mượn ái nữ của gia chủ!
Tú Quỳ là người có biệt tài ở thể loại văn tế. Văn tế của Tú Quỳ viết cho nhiều hạng người (thậm chí có lúc viết về loài vật), người nào nghề ấy. Do vậy, trong văn tế, Tú Quỳ thường khai thác lớp từ ngữ chỉ phương tiện, công cụ, hoàn cảnh, đặc điểm của nghề với nhiều mục đích, theo nhiều phương cách khác nhau. Ở đây, xin được bàn về việc dùng các từ chỉ nghề nghiệp ở phương thức chơi chữ đồng âm, nhịu âm.
Cân sắc tài từ lúc, lời nói như rựa chém xuống đất hẹn với trời già
Ra gan dạ con người, việc làm như lửa đổ trên đầu chết không kịp trối.
(Văn tế thợ rèn)
Người Quảng phát âm không phân biệt sắc – sắt, gan – gang. Cho nên, “sắc” có nghĩa là nhan sắc, dung mạo, “gan” là từ chỉ khí tiết, phẩm cách và “sắt”, “gang” là các từ chỉ nguyên liệu của nghề thợ rèn.
Ở thể loại câu đối, chơi chữ đồng âm cũng xuất hiện khá nhiều, tiêu biểu như câu đối viết cho Xã Nhiến phúng điếu thông gia:
      Phú Thuận xã Trùm Di tử hĩ
     Giảng Hòa thôn Xã Nhiến điếu chi
     (Xã Phú Thuận có Trùm Di chết
     Thôn Giảng Hòa có Xã Nhiến phúng điếu)

“Hĩ” và “chi” là hai hư từ trong tiếng Hán, có vai trò trợ hơi, giữ nhịp cho câu văn. Người Quảng đọc “hĩ” như “hỉ” và “hỉ”, “chi” là hai từ dùng hỏi đậm chất Quảng Nam. Thành ra, câu đối trên được hiểu là “Xã Phú Thuận có ông Trùm Di chết hỉ, ông Xã Nhiến ở Thôn Giảng Hòa đi phúng điếu cái chi?” Kiểu chơi xỏ này khiến Xã Nhiến muốn độn thổ.

2. Chơi chữ cùng nghĩa, cùng trường nghĩa
Trong tiếng Việt, một từ có nhiều nghĩa (chuyển nghĩa) và một đối tượng có nhiều cách gọi tên là khá phổ biến. Nghệ thuật chơi chữ của người Việt nói chung đã khai thác triệt để đặc điểm này, tiêu biểu như :
     Da trắng vỗ bì bạch  (Hồ Xuân Hương)

     Đi tu phật bắt an chay
     Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.
 (Ca dao)
Trong thơ văn Tú Quỳ, kiểu chơi chữ cùng nghĩa ở cấp độ từ vựng không nhiều, nhưng chơi chữ cùng trường nghĩa ở cấp độ tổ hợp từ thì khá nổi bật. Theo khảo sát, chỉ có một trường hợp Tú Quỳ sử dụng cách chơi chữ cùng nghĩa mà thôi, chính xác là gần nghĩa. Đó là trường hợp đối lại vế xuất của một người bạn:
Vế xuất: Dậm ván rầm rầm.
Vế đối: Vỗ bồ bịch bịch.
“Bồ” “bịch” là những dụng cụ đan bằng tre dùng để đựng lúa ở nhiều địa phương tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, chơi chữ cùng trường nghĩa lại là một sở trường của Tú Quỳ, ở thể loại câu đối cũng có và nhiều nhất là văn tế.
     Mượn nồi không trả khiến bả trách om
     Xiết chảo xí xanh nên anh chõ vạc.

Đây là câu đối của Tú Quỳ đối lại vế xuất của cụ Văn Thân làng Câu Nhí. Cả hai vế đối đều sử dụng các từ ngữ có trường nghĩa chỉ vật dụng để nấu ăn: nồi, trả, trách, om, chảo, xanh, chõ, vạc. Ngoài ra, câu đối còn dùng kết hợp kiểu chơi chữ đồng âm.
Người xưa quan niệm “Sinh nghề tử nghiệp”, con người và nghề nghiệp của họ quan hệ mật thiết với nhau. Chính vì thế, trong các tác phẩm văn tế, như:Văn tế thợ rèn, Văn tế ông chài, Văn tế hát bội …, Tú Quỳ sử dụng khá nhiều từ ngữ chỉ nghề nghiệp, liên quan tới nghề nghiệp của người chết. Người nào thì nghề nấy, nghề nào thì lớp từ nấy.
Trong Văn tế thợ rèn, có gần 70 từ ngữ, hình ảnh liên quan đến nghề thợ rèn. Có các lớp từ cùng trường, như: chỉ phương tiện công cụ nghề rèn: bệ, lò than, búa, đe,…, chỉ nguyên liệu: gan (gang), sắt, thép, thiết,… chỉ hành động, thao tác: rèn, đập, thổi, mài, niết, nối,… chỉ sản phẩm: gươm, dao, rựa, lưỡi cày, đinh, choẻn, khâu, … Bài văn như một cuốn từ điển của nghề rèn. Tương tự như vậy, trong Văn tế ông chài, Tú Quỳ huy động vốn chữ phong phú có cùng trường nghĩa về nghề sông nước, dệt thành tiếng khóc tiễn ông chài về chốn cửu tuyền. Đó là các từ, ngữ: đèn chài, rớ, nò, phao, lưới, đó, bửng(thuyền), mui (thuyền), …

3. Đảo trật tự ngữ pháp
Phương tiện ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt là trật tự từ. Khi trật tự từ thay đổi thì quan hệ ngữ pháp thay đổi kéo theo ngữ nghĩa thay đổi. Trong lĩnh vực sáng tác văn học, chơi chữ bằng cách thức thay đổi trật tự từ được đẩy đến đỉnh cao ở kiểu thơ Thuận nghịch độc. Trong thơ văn Tú Quỳ, kiểu chơi chữ này không nhiều, nhưng đặc sắc. Bài Chân tu là một ví dụ:
Bài đọc xuôi: Chân tu
     Xôi chè kệ tụng niệm không không
     Thiếp phận đành tu nỡ lấy chồng
     Nồi bỏ tốc hương mùi rực rực
     Tóc dài mau cạo chớ mong trông
     Rồi lo muộn trễ công chuông mõ
     Nỗi sợ e tàn tiếc trái bông
     Thôi chẳng tục trần tơ vấn buộc
     Ôi lòng phới nhẹ chuốc dường lông.

Bài đọc ngược: Hồi tục
     Lông dường chuốc nhẹ phới lòng ôi
     Buộc vấn tơ trần tục chẳng thôi
     Bông trái tiếc tàn e nỗi sợ
     Mõ chuông công trễ muộn lo rồi
     Troong mong chớ cạo mau dài tóc
     Rực rực mùi hương tốc bỏ nồi
     Chồng lấy nỡ tu đành phận thiếp
     Không không tụng niệm kệ chè xôi.

Điều thú vị ở bài thơ chính là sự đảo ngược trật tự chữ dẫn đến sự đảo ngược nội dung ý nghĩa. Đọc thuận là chân tu, nhưng đọc ngược lại là hồi tục. Kiểu chơi chữ này trước hết thể hiện khả năng dùng chữ tài tình, linh hoạt của cụ Tú, bên cạnh con chữ trong bài thơ còn thể hiện một triết lý: Theo đạo thì thanh, ngược đạo hóa tục. Người theo đạo nhưng làm trái (ngược) đạo thì không còn là đạo nữa!

4. Nhại
Nhại là kiểu chơi chữ bằng cách mượn / sử dụng lại những giá trị, mô thức văn hóa cũ có tính ổn định theo hướng phá bỏ những giá trị ấy, xác lập những giá trị mới. Vì thế, chơi chữ bằng hình thức nhại luôn tạo ra hai trường nghĩa tồn tại song song và đối lập nhau.
Con người Tú Quỳ vừa thông minh vừa tinh nghịch. Sự tinh nghịch của ông gần như không kiêng dè bất cứ đối tượng nào, kể cả thần thánh. Thậm chí, những giá trị văn hóa truyền thống cũng bị ông bóp méo đi theo một dụng ý nào đó.
Khổng Tử dạy “Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thỉ dã” (Mình vóc tóc da chịu chung cha mẹ, chẳng dám nát hại, hiếu chưng đầu vậy). Như vậy, đạo hiếu của con phải lấy việc giữ gìn thân thể làm đầu. Cái chuẩn tắc này sử dụng rộng rãi trong xã hội phong kiến, là cơ sở để đánh giá đạo hiếu của con người. Tú Quỳ nhại lại lời dạy ấy trong bài thơ Hớt tóc, bày tỏ quan điểm rõ ràng về việc này:
     Thân thể phát phu chữ thọ chi
     Bấy lâu quấy rối bởi vì mi

Và vì bị “quấy rối” nên cần phải cắt bỏ đi để “Chẳng lo chí cắn lo ai bắt / Mặc sức ăn no mặc ngủ khì”. Bài thơ mang tinh thần nhại cổ để ủng hộ cho chủ trương cắt bỏ tóc dài của phong trào dân quyền Quảng Nam hồi đầu thế kỷ XX.

5. Nói lái
Nói lái là một kiểu chơi chữ bằng cách hoán đổi một hay nhiều yếu tố ngữ âm (thanh điệu, phụ âm đầu, vần, nguyên âm) giữa các âm tiết tương cận để tạo nên những âm tiết mới mang ý nghĩa mới.
Nói lái là hình thức chơi chữ khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung, mà đặc biệt nhất là Quảng Nam. Người Quảng rất nhạy cảm hoán đổi ngữ âm và nói lái nhiều khi được nhìn nhận như một đặc sản Quảng Nam. Nhiều người Quảng xa quê nhớ về quê hương là nhớ cách nói lái tài tình của bà con mình.
Tú Quỳ sử dụng điêu luyện các thủ pháp nói lái trong thơ văn, nhất là ở thể loại câu đối. Ông nói lái cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, chữ Hán dịch ra Nôm rồi lái, … Nhiều câu đối bằng hình thức nói lái của ông được truyền khẩu rộng khắp Quảng Nam. Xin được dẫn dụ vài trường hợp để minh chứng:
Câu đối cho bà bạn ở Ái Nghĩa thờ Ngũ tự như sau:
     Phiên âm: Chúng tam hồ / Thiên thượng lưu
     Dịch nghĩa: Đông ba ôi / Ngàn trên trôi
     Đọc lái: Đôi ba ông / Ngồi trên trang
Đó là trường hợp chữ Hán dịch Nôm rồi lái. Còn đây là là trường hợp lái chữ Hán ra chữ Nôm: “Nhất đán chủ không vô cụ đặt / Tam niên đổ lễ chẩm ai đăng”(Một ngày không có người chủ (người chồng) thì việc trong nhà không ai xếp đặt tươm tất / Ba năm giữ lễ thờ chồng đêm về chỉ có cái gối, cái đèn …buồn thảm biết bao). Đây là câu đối Tú Quỳ viết cho một bà góa thờ chồng. Dịch Nôm hay nói lái đều phù hợp với nỗi niềm, hoàn cảnh của khổ chủ!

Nhìn chung, chơi chữ là một thủ pháp nghệ thuật đắc dụng trong thơ văn Tú Quỳ. Hình thức chơi chữ phong phú, đa dạng, diễn ra ở nhiều thể loại gắn với nhiều nội dung khác nhau. Chơi chữ cũng là một yếu tố nghệ thuật cơ bản để ta nhận ra giọng điệu và phong cách thơ văn ông. Đó là một giọng trào lộng, mỉa mai, châm biếm đặc sắc đậm chất Quảng Nam. Thông qua nghệ thuật chơi chữ, người đọc còn nhận ra ở Tú Quỳ sự thông minh, săc sảo và vốn ngôn ngữ phong phú cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, nhuần nhuyễn.
Chơi chữ trong thơ văn Tú Quỳ đã tạo nên những ấn tượng thẩm mỹ sâu sắc, góp phần làm nên sức sống của thơ văn ông trong lòng người Quảng nói riêng, người Việt nói chungr

NHV - 12/2011

(*) Trong cuốn Thơ văn Tú Quỳ, NXB Văn hóa thông tin, 2008, của Thy Hảo Trương Duy Hy, câu này chép là “Đôi bên hai tám đều nguyên vẹn”. Chúng tôi nghĩ tác giả có sự nhầm lẫn nên mạnh dạn đổi lại “Đôi bên mười sáu đều nguyên vẹn”. Bởi vì, một bộ cờ tướng gồm 32 quân cờ.

Không có nhận xét nào: