9/1/12

94. HOÀI NIỆM DÒNG SÔNG

  HOÀI NIỆM MỘT DÒNG SÔNG
Bài đăng trên đặc san  ĐẠI LỘC - XUÂN NHÂM THÌN 2012

Đinh Công Tôn (Nhà giáo - Trường THPT Lương Thúc Kì, ĐL) 

Cũng như bao  nhiêu con sông khác trên khắp đất nước, sông Vu Gia chảy qua địa phận Đại Lộc là phương tiện đường thủy cần thiết để chuyên chở con người và nông sản thực phẩm đi, về khắp nẻo các bến quê. Nó cũng không ngừng chuyên chở biết bao hạt phù sa về bồi đắp cho đôi bờ thành những triền dâu xanh mượt, những bãi bắp tươi non, những cồn dưa mát rượi...Chính vì thế mà những người con Đại Lộc, dẫu có tha hương đến tận chân trời góc bể nào, cũng không thể nào quên có một con sông đang chảy qua trên quê hương và nó cũng mãi mãi chảy qua trong đời mình với biết bao thương tưởng.
Những ngày đầu về với mảnh đất Đại Lộc, ta vẫn còn nhớ như in trong tâm trí mình, khi bước xuống xe lam đến trình diện tại cơ quan công tác, người tiếp nhận ta bảo rằng: anh đem hành lí vào phòng bên trong nghỉ một chút rồi theo con đường nhỏ phía sau ra bờ sông tẩy trần sẽ thấy dễ chịu hơn. Nghe lời vị thủ trưởng dặn bảo, cất đồ đạc xong, ta liền men theo con đường nhỏ đến bến sông. Nhìn con sông đang chảy, ta chợt liên tưởng đến con sông Hằng rất linh thiêng của người dân Ấn. Ai cũng muốn trầm mình xuống để cầu nguyện, mong dòng sông thiêng thanh lọc tâm hồn. Ta lúc ấy cũng muốn làm vậy với Vu Gia. Khi trầm mình xuống dòng nước trong xanh mát rượi, thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản.Trong phút giây kì diệu ấy, ta muốn tự tình một chút với sông. Ta không phải lớn lên, uống ngụm nước đầu tiên từ nơi này nhưng bây giờ bỗng dưng sông đối với ta vừa lạ lại vừa quen. Có lẽ những con sóng đang len nhẹ vào lòng vỗ về, những con nước chảy rì rào như thầm thì chuyện người ta có thể không tắm hai lần trên dòng sông nhưng duyên tình của sông với người thì trầm tích mãi trăm năm. Ta  bắt đầu ngộ ra điều ấy khi nhịp điệu công việc, sinh hoạt nơi đây đã thành quen thuộc. Cứ vào độ trung tuần mỗi tháng, sau khi chong đèn soạn bài xong, ta cùng đồng nghiệp rũ nhau ra sông ngâm mình xuống dòng nước trong mát, hoặc nằm ngửa trên bãi cát ngắm trăng cùng những ánh sao trời nhấp nhánh, rồi tâm sự với nhau những vui buồn của cuộc sống .
Vào những ngày nghỉ trưa hè, trong khu tập thể chẳng còn ai, ta bỗng nhớ sông. Một mình trầm xuống dòng nước. Sông vuốt nhẹ vỗ về, nước mơn man da thịt.Ta mặc sức bơi, lặn; mặc sức lộn nhào, nghịch với cát sỏi, Những lúc ấy lòng mình như được kỳ cọ, gột rửa bao chuyện đói no, âu lo, phiền muộn.
Khi chuyển đổi nơi công tác, ta tưởng đã xa sông. Ai ngờ mình lại có dịp được gần sông hơn; biết thêm những chuyến đò ngang qua lại. Lúc chờ đò, ta gặp người lạ, nói chuyện bỗng chốc thành quen. Lúc rời đò, có kẻ gánh người gồng củ khoai trái bắp, có người gánh cả nỗi niềm cuộc sống giãi bày cùng bạn đồng hành qua hết lối của triền sông. Biết bao nhiêu dấu chân họ để lại trên cát. Ta chẳng thể nào dừng lại phân biệt để biết đâu là dấu chân vội vàng, đâu là dấu chân thong thả, đâu là dấu chân độc hành xuôi ngược, đâu là dấu chân của đôi lứa đang song hành tình tự với nhau. Soi mình xuống dòng, ta định hỏi sông nhưng chỉ thấy một màu xanh trong hiền hòa hiển lộ vô ngôn.
Không thích đi đò ngang thì mình đi đò dọc.Thích thật! Chỉ có đi đò dọc mới thấy sông dài hơn. Mắt ta mặc sức nhìn những sắc xanh: xanh da trời trên cao, xanh ve chai dưới nước, xanh áo ai đang phơ phất trước mũi đò. Đặc biệt khi nhìn đôi bờ xanh ngút ngàn những nương dâu, ta chợt nhớ những câu thơ chinh phụ :
   Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
   Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
                      ( Chinh phụ ngâm )
Hoặc cảm thấy lòng mình xao động với mấy câu ca dao:
                                      Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Ghé vô thăm bậu nhức đầu khá chưa ?
          Cái màu xanh của sông đã hòa quyện cùng màu xanh của thơ ca đã nhập tâm trong ta thành màu bâng khuâng, xanh kỉ niệm, khiến ta luôn mơ tìm một bóng chinh phu khắc khoải trong cuộc chia li; một thôn nữ luôn e ấp, ngập ngừng, đang hái dâu mà cứ ngỡ như đang hái những lộc tình mơn mởn; một ngư phủ gõ mái chèo khoan nhặt như nhịp đập thổn thức của con tim đang rạo rực những yêu thương...
          Thế mà giờ đây...Ôi! Chẳng còn có con đò xuôi ngược để đón đưa bao lần chia li, tao ngộ, chở biết bao nhiêu vơi đầy của cuộc nhân sinh để bồi đắp thêm cho hai bờ thương nhớ, nhớ thương. Cũng chẳng còn có những chuyến đò ngang nối đôi bên bồi lở để nhắc cùng ta chuyện trăm năm thương hải tang điền...
          Dòng sông hoài niệm thực sự lui tít vào quá vãng rồi chăng? Có những chiều, ta cố lục tìm bóng lũ trẻ con nô đùa giỡn nước. Nước đục ngầu chẳng còn trông được những bì bõm của tuổi thơ.Và ta cũng không còn thấy được những cô gái trẻ dịu dàng xõa tay vờn mặt nước, bóng lung linh nhảy nhót hồn nhiên...
          Tất cả đều mất đi...từ độ dòng sông vẩn đục bốn mùa. Bây giờ sông vẫn còn đó chỉ có xác không hồn, nó như bị phù phép chẳng còn hoàn hồi được bản ngã.  Nó chấm dứt hẳn thiên chức mang những thông điệp xanh từ thượng nguồn về tưới mát khắp các cánh đồng, kênh lạch. Nó hết thời kỳ nuôi dưỡng đủ thứ cá tôm ngon ngọt dành cho cuộc sống con người. Nó đang lạnh lùng mang theo đủ thứ giấy báo tử. Báo tử để cáo chung một thời kỳ biêng biếc, từng làm xanh thắm bao tâm hồn những kẻ lớn lên trên con sông quê. Báo tử về một cái chết cạn dòng, làm trỏm mắt chờ của những cánh đồng nẻ chân chim đang cháy lửa hạ. Báo tử về thảm họa xi-a-nua ( một chất cực độc gây chết người ) trên các bãi vàng, về chất thải trong các nhà máy xả ra đang tiêm cấy vào mỗi người dân Đại Lộc hôm nay và mai sau những mầm chết. Báo tử về những tiếng gọi: Đò ơi! Sông ơi! Thương nhớ ơi! Xao xuyến tự nguồn về...đã tắt lịm từ lúc nao.
          Con sông của quá vãng cứ chảy mãi trong ta. Nhưng rất tiếc, Vu Gia ơi! Ta vẫn ở bên sông thế mà nhạt lòng, hờ hững từ đâu cứ chắn, cứ xô, cứ lấp, không cho ta được nối dòng với hiện tại. Nên ta đành viết khúc thương này để hoài niệm một dòng sông!    
                                                                            
Vu Gia, mùa lũ 2011
                     

Không có nhận xét nào: