Mộc Nhân
Rồng là một linh vật đứng đầu trong tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Trong cả phương Đông lẫn phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường như bay cao, bay xa, hút nước phun mưa, phun lửa, thổi gió... Thường thì rồng đại diện cho lực lượng siêu nhiên bênh vực chính nghĩa chống lại thế lực phi nghĩa.
Chẳng ai thấy con rồng ra sao bởi nó là sản phẩm của tưởng tượng có mình cá sấu, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, biết bay… Tuy nhiên dân gian cũng xem con rồng như con vật có thực trong cuộc sống:
"Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa" (Tục ngữ)
Tên gọi con Giao Long có hàm nghĩa là con rồng của người Giao Chỉ. Như vậy có thể nói con rồng đã gắn bó với đời sống sinh hoạt vật chất và tâm linh của người Việt từ xa xưa.
Sách xưa có chép về các loại rồng như sau: rồng có cánh gọi là Ứng Long, rồng có sừng gọi là Cù Long, rồng không có sừng gọi là Ly Long, rồng có vảy gọi là Giao Long (con rồng ở xứ Giao Chỉ), rồng chưa bay được vì chưa mọc cánh gọi là Bàn Long.
***
Trong kho tàng văn học dân gian Việt nam, hình tượng con rồng xuất hiện khá phổ biến, nhân dân mượn hình tượng con Rồng để gởi gắm các ý nghĩa nhân sinh.
Truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” là câu chuyện tưởng tượng được nhân dân ta sáng tạo nhằm mục đích giải thích nguồn gốc giống nòi dân tộc Việt Nam, qua đó thể hiện niềm tự hào về nguồn gốc Rồng Tiên cao quí của mình.
Trong ca dao, dân gian mượn con rồng để nói gần nói xa trước khi bày tỏ tâm tình :
“Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.”
“Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.”
“Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt : Mình thương tui không mình ?”
Trong tục ngữ hình tượng con rồng thường để ví von: “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo” chỉ hành động, tư thế mạnh mẽ; “Rồng ở với giun” nói về nghịch cảnh trong cuộc sống, quan hệ.
Rồng trong thành ngữ mang ý nghĩa so sánh khá cụ thể: “Rồng bay Phụng múa” chỉ hình dáng, đường nét đẹp đẽ phóng khoáng; “Rồng mây gặp hội” nói về cơ hội gặp gỡ may mắn hoặc người học trò đỗ đạt vinh hiển; “Rồng đến nhà Tôm” chỉ lời nói nhún nhường khi người cao sang đến nhà kẻ dưới; “Duyên cỡi rồng” là để chỉ duyên gái lành gặp chồng tốt.
Đôi khi hình tượng rồng được dùng với sắc thái chê bai: “Vẽ rồng, vẽ rắn” nói về kẻ vẽ chuyện nhưng chẳng ra tích sự gì; “Vẽ rồng nên giun” chỉ người có tham vọng nhưng bất tài nên công việc bất thành.
***
Trong từ vựng Tiếng Việt, yếu tố “rồng” (long) gắn liền với uy quyền, sự cao quí của vua chúa :
Long bào: ao vua; Long nhan: mặt vua; Long thuyền: thuyền vua; Long sàng: giường vua …
Vậy thì yếu tố “long” trong từ “nương long” - chỉ ngực của người phụ nữ phải chăng là phạm húy:
"Lược trúc chải cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long." (Hồ Xuân Hương)
Trong văn chương bình dân, Trạng Quỳnh lấy hình tượng “rồng” để bỡn cợt với vua chúa: “Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng !”
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, “rồng” còn gắn với tên của một số loài cây trái, con như: cây xương rồng, cây lưỡi long, cây đậu rồng, cá long nhãn, cá rồng rồng (cá quả con mới nở) …
Dân ta còn dùng yếu tố “long” (rồng) để đặt tên cho nhiều địa danh như: Long Biên, Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên ...
***
Đặc biệt là hình tượng con rồng xuất hiện trong mười hai con giáp phần nào cũng phản ảnh quan niệm về đời sống văn hóa của con người.
Chuyện rồng cũng như chuyện về các con vật có thực hoặc tưởng tượng khác sẽ luôn đồng hành và có những giá trị nhất định trong đời sống tinh thần, tâm linh của nhân loại.
“Mèo mới nay đã cũ mèm
Nhâm Thìn rồng lộn êm đềm xuân sang.” (Nghiêm cấm nói lái !!!)
Nhân dịp năm mới Nhâm Thìn 2012, người viết góp nhặt những từ ngữ về rồng, chuyện rồng để mua vui đầu năm, nếu do sở tri hạn hẹp mà “Vẽ rồng nên giun” rất mong bạn đọc vui lòng thể tất.
Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh / đầu năm Nhâm Thìn 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét