16/9/12

209. Ý KIẾN KIỂU NGỤY NGÔN


Mộc Nhân

Tranh luận, phát biểu ý kiến cởi mở và nghiêm túc được xem là một dấu hiệu của một xã hội lành mạnh. Nhưng thế nào là tranh luận, ý kiến nghiêm túc? Nói ngắn gọn, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc tranh luận có qui tắc, mà trong đó người tham gia không được phạm luật chơi, phát biểu bằng cách vận dụng những lí lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự thiển cận, thiếu hiểu biết.

Để đạt những yêu cầu này, người tranh luận nghiêm túc trước khi phát biểu hay đề xuất ý kiến, đưa ra lời bình phẩm của mình, cần phải xem xét tất cả các trường hợp khả dĩ, phải cân nhắc những quan điểm và những cách giải thích khác nhau, phải đánh giá ảnh hưởng của sự chủ quan và cảm tính, phải tập trung vào việc tìm sự thật hơn là muốn mình đúng,  không công kích cá nhân...

Đó là những đòi hỏi khó khăn cho một cuộc tranh luận nghiêm túc  và không phải ai cũng có khả năng đạt được những yêu cầu này, nhất là đối với nhiều người dù thuộc thành phần trí thức nhưng cũng chưa quen với văn hóa tranh luận.



Vì vậy, rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận trở thành  những cuộc cãi lộn mà chẳng cần để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận là gì. Hơn nữa, rất dễ dàng nhận thấy rằng trong các cuộc tranh luận đó người ta nhắm vào mục tiêu là chỉ trích cá nhân  chứ không nhắm vào quan điểm và lí lẽ khách quan. 
Trong những tranh luận như vậy, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí cao, trịch thượng bằng cách gắn cho đối phương những từ ngữ mang tính miệt thị, có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đả ngôn từ đinh tai nhức óc thay vì là một trao đổi ý kiến.

Thực ra, đó là một hình thức ngụy ngôn (ngụy biện) nghiêm trọng trong tranh luận.

Ví dụ : Trong cuộc họp , khi nêu ý kiến về kết quả xếp loại thi đua, một đồng nghiệp của tôi đã phát biểu chỉ trích: “Tôi cho rằng trong cuộc xét thi đua vừa qua, tổ chúng ta có 2 vị trong HĐTĐ mà không bảo vệ thành viên của mình, để cho một số thành viên trong tổ xếp loại cuối bảng là không xứng !” (Không xứng làm TTCM , không xứng ngồi trong HĐTĐ).

Tôi xin chỉ ra mấy cái sai trong cách phát biểu này để thấy rằng đó là một kiểu ngụy ngôn (trong tranh biện gọi là ngụy biện)  như sau:

1. Công kích cá nhân : Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất,  nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất, vì nó tấn công vào cá nhân của người tranh luận. Nếu người đối thoại không có bản lĩnh anh ta sẽ bị tê liệt ngay từ đầu vì bị đối phương dùng hình thức sỉ nhục, hay nặng lời khiến người đối thoại bị “ngột thở” trước đám đông nên không biết đằng nào mà lần. Nếu người đối thoại cũng không có văn hóa tranh luận như đối phương thì anh ta sẽ dùng lời lẽ tệ hại để đáp trả lại. Hậu quả là "hòn đất ném đi, hòn chì ném lại", vô tình  làm cho cuộc tranh biện trở thành cãi vả tay đôi.

2. Lập luận kiểu cá trích: Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề. Trường hợp trên vẫn biết là việc “bảo vệ thành viên trong tổ” chẳng liên quan gì đến chuyện “xứng hay không xứng” làm TTCM nhưng họ vẫn lôi 2 chuyện vào một , họ cố tình hay do không hiểu biết mà quên rằng “luật chơi” trong trường hợp này là bỏ phiếu kín; mà bỏ phiếu kín thì không có chuyện tranh luận phản biện để bảo vệ  người khác từ vị thứ cuối lên vị thứ khác …

3. Luận điệu ngược ngạo: Người phát biểu kiểu này luôn nói cho “đã mồm”, còn  khi hỏi ngược lại : “Vậy cô có giải pháp gì để xóa bỏ tình trạng bất hợp lí này?” thì chỉ nhận được câu trả lời đại loại như: “Đó là chuyện của cấp trên, không phải của tôi … Tôi chỉ phát biểu ở đây thôi, không phát biểu nơi khác…”. 
Hành động ngôn ngữ của họ  cuối cùng chẳng giúp ích gì cho cái chung.

4. Lợi dụng tình cảm : Dựa vào lòng trắc ẩn của người khác để mọi người chấp nhận lí lẽ của mình. Trong trường hơp nêu trên, người phát biểu đã lôi kéo được sự đồng tình của vài người có liên quan, khiến họ nể phục hoặc xúc động  vì người phát biểu đã vì mình mà nói lên sự thật !!! 
Vì tình cảm và cảm tính nên họ sẵn sàng bỏ qua luật của cuộc chơi, bỏ qua nhiều giá trị khác…

Vài ý kiến nhỏ trên đây để chia sẻ với bạn đọc về những phát ngôn mang nặng tính thị phi, báng bổ. 

Thiết nghĩ trong việc  đóng góp ý kiến hoặc tranh luận thì  tiêu chí hướng đến cái chung, khách quan là quan trọng nhất mà mỗi chúng ta cần tuân thủ.

Mời đọc thêm bài này : BẤM VÀO ĐÂY

Không có nhận xét nào: