26/10/12

228. TẢN MẠN “ẾCH NGỒI ĐÁY GIẾNG”

Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh 
Chúng ta đã đều biết đến câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” ám chỉ những người hiểu biết nông cạn nhưng lại luôn muốn chứng tỏ mình tài giỏi  hơn người nên khoác lác, ba hoa và cuối cùng nhận lãnh một hậu quả. 
Thành ngữ trên có nguồn gốc từ một ngụ ngôn dân gian: Có một con ếch, do một sự ngẫu nhiên nào đó, ngay từ khi sinh ra đã ở trong một cái giếng nọ. Sống cùng với ếch ở trong giếng chỉ có vài con nhái, cua, ốc nhỏ. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, ếch ta chỉ thấy một khoảng trời bé bằng cái vung. Nó nghĩ: Tất cả vũ trụ chỉ có vậy, vì thế ếch tự coi mình là chúa tể. Hàng này, nó cất tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng khiến các con vật bé nhỏ kia hoảng sợ. Nó càng lấy làm oai. 
Nhưng năm ấy có một trận mưa thật to. Nước trong giếng dềnh lên, tràn vào bờ, đưa ếch ta ra ngoài. Quen thói cũ, ếch nhâng nháo nhìn lên trời, nó bỗng thấy cả một bầu trời rộng lớn hơn nhiều cái khoảng trời nó vẫn thấy. Ếch ta không tin và thấy bực bội vì điều đó. Để ra oai, nó cất tiếng kêu ồm ộp. Vị chúa tể hy vọng là sau những tiếng kêu của mình, mọi thứ phải trở lại như cũ. Nhưng bầu trời vẫn là bầu trời. Còn con ếch vì mải nhìn lên trời đã không chú ý đến xung quanh nên đã bị một con trâu đi qua dẫm bẹp. 
Câu chuyện đã đặt ra mấy vấn đề:
- Về môi trường sống tự nhiên: ếch sống trong môi trường giếng, có thể do ngẫu nhiên mà cũng có thể là do sở thích của họ hàng nhà ếch nữa (Giếng đâu thì ếch đó). Môi trường này có ảnh hưởng đến tính cách, nhận thức của đối tượng, như dân gian nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.
- Về môi trường xã hội: sống cùng với ếch ở trong môi trường tự nhiên là cái giếng có một “cộng đồng xã hội” gồm: nhái, cua, ốc nhỏ … nhưng ếch nhâng nháo, xấc xược tự coi mình là chúa tể và lấy đó làm oai. Như vậy ếch đã làm vẩn đục môi trường xã hội. Quan hệ ứng xử công bằng, văn minh, hiểu biết giữa “chúa tể” ếch với cư dân đã bị phá vỡ. Tiếng kêu ồm ộp làm vang động cả giếng khiến các con vật bé nhỏ hoảng sợ là kiểu ngôn ngữ “miệng nhà quan có gang có thép”.
- Về nhận thức thế giới: vì ếch sống trong môi trường như vậy nên nó nhìn thế giới bên ngoài qua cái miệng giếng. Vì vậy ếch hiểu biết ít do điều kiện tiếp xúc hẹp. Nhưng bi kịch của ếch là đã không nhận ra điều đó, ếch cho mình tài giỏi hơn người, thật đúng là “thùng rỗng kêu to”.
- Về tính cách: ếch thể hiện rõ tính chủ quan trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Với cộng đồng ếch huênh hoang, hợm hĩnh “coi trời bằng vung”.
Bốn yếu tố này có mối quan hệ điều kiện – kết quả hoặc nguyên nhân – hậu  quả với nhau. Cái này là tiền đề cho cái kia.  
Một triết gia nào đó đã nói: sự lặp lại lần thứ nhất là một bi kịch, lặp lại lần thứ hai là một hài kịch. 
Cuộc đời của ếch phải chẳng đi từ bi kịch đến hài kịch.  Cái kết cục của ếch chẳng ai xót thương mà nó lại mang tính hài hước để giúp chúng ta đi đến một bài học ngụ ngôn: số phận của những người thiếu hiểu biết do nhận thức kém mà lại huênh hoang, hợm hĩnh thì sẽ phải trả bằng những thất bại chua xót khi tiếp xúc với thực tiễn phong phú và sinh động,  mà khi hiểu ra thì sự đã rồi.
Chung quanh chúng ta có rất nhiều người mắc chứng bệnh “ếch ngồi đáy giếng” ở một mức độ nào đó. Nguyên nhân không chỉ do môi trường tự nhiên mà còn do môi trường xã hội, môi trường giáo dục, với người lớn thì do cả môi trường công tác bao gồm cả địa vị, chức vụ, quyền hạn, các mối quan hệ … (...)
Tôi nghĩ vấn đề "ếch ngồi đáy giếng" chỉ có thể thay đổi bằng nhận thức. Điều quan trọng là chúng ta cần biết chúng ta dốt và cố gắng học hỏi. Phải có tính khiêm nhường, điều gì biết thì nói biết còn điều gì không biết thì bảo không biết, nói sai nhầm thì xin lỗi người nghe và chỉnh sửa lại ... đó cũng là một cách để thoát khỏi tình trạng “ếch ngồi đáy giếng”.

            Thậm chí là nếu không thay đổi nhận thức thì dù được "ngồi trên cây" ếch ta vẫn coi trời bằng vung thôi. Vậy phải chăng bản chất của ếch là vậy - "non sông dễ đổi, bản tính khó dời" !
Hegel – triết gia Đức nói: “Cái gì hợp lý thì tồn tại, cái gì tồn tại thì hợp lý”. Ếch bị một con trâu đi qua dẫm bẹp là một kết thúc hợp lí bởi kiểu tư duy của ếch không thể tồn tại theo logic của nhận thức.
Tình cờ tôi đọc được bài “Năm mức độ dốt” (Five orders of ignorance) có thể tóm tắt như sau:
- Dốt độ 0: có nghĩa là không dốt - có kiến thức về một lĩnh vực nào đó và có thể chứng minh được kiến thức của mình. Tri thức mênh mông, biển học vô bờ, vậy nên giỏi trong  chuyên môn và luôn trau dồi học tập "học, học nữa học mãi" là điều đáng quí .
- Dốt độ 1: là loại thiếu kiến thức nhưng phải biết là mình thiếu kiến thức. Thiếu kiến thức nhưng có nhận thức, vậy cũng chưa đến nỗi nào. Thiếu kiến thức thì khiêm tốn, cố gắng học hỏi để  nâng cao chuyên môn và mở rộng hiểu biết.
- Dốt độ 2: thiếu kiến thức và thiếu nhận thức - dốt mà còn không nhận thức được tình trạng dốt của mình . (...) “Ếch ngồi đáy giếng” là kiểu dốt độ 2. Loại này khá phổ biến trong xã hội. Tai hại hơn là họ rất tự tin vào “hiểu biết sai” của mình, đôi khi trích dẫn cả nguồn tư liệu sai trái để bao biện cho mình do không đủ  trình độ để thẩm định được độ tin cậy của tư liệu. Thậm chí có khi họ lấy cái sai của mình để “dạy bảo” người khác.
- Dốt độ 3: thiếu quá trình - có nghĩa là không chỉ không biết mình không biết, mà còn không có cách nào để cải thiện tình trạng đó (...). Nói cách khác là vừa thiếu kiến thức vừa thiếu nhận thức.
- Dốt độ 4: dốt toàn diện – loại này xin miễn bàn. Dân gian có chuyện vui “Dốt có chuôi” để hài kịch hóa loại dốt này.
Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung không chỉ là nhận xét khái quát về  những người không biết tự lượng cái nhìn hạn hẹp của mình hay không biết cái tri thức bị giới hạn của mình trước cái bao la rộng lớn của tri thức nên đã có những suy đoán hồ đồ về sự vật. Tuy nhiên cũng có thể coi như đây là một qui luật tâm lý học:  sự vật được tri giác như thế nào là do nơi vị trí đứng của chủ thể tri giác.
Con ếch chưa ra khỏi cái giếng bao giờ, nó không biết rằng thế giới bên ngoài rộng lớn lắm khó khăn nhiều lắm, mọi thứ tuyệt vời lắm. Khoảng cách từ miệng giếng đến bầu trời là chặng đường nhận thức thế giới không dễ dàng gì nếu ta không gạt bỏ tự ngã,   biết  cầu thị, không cố chấp …
Hegel nói: “Ai nhìn nhận thế giới một cách hợp lý thì thế giới cũng nhìn nhận người đó một cách hợp lý”.
Đó là một chân lí.
25/ 10/ 2012 - Ngẫu hứng sau khi dự giờ dạy “Ếch ngồi đáy giếng” của một đồng nghiệp
Bài này về sau đăng lên báo GD-TĐ / số ra ngày 12. 5. 2014



                              Mời bấm vào nhan đề để đọc bài liên quan : 
                                                      1. NGỤY NGÔN                                                                       
                                                      2. BÀN VỀ SỰ DỐT

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Có thể bổ sung thêm một đoạn: "Lên khỏi miệng giếng, ếch gặp được một số tác động khách quan giúp nó đã được khai thị . Nhưng vì mặc cảm với bệnh ba hoa nên cơ thể ban đầu của ếch vốn có cổ cao, mắt nhỏ vừa, bây gời cổ bị rụt lại, mắt lồi to lên ...có lẽ đó là biểu hiện sự thay đổi cả môi trường bên ngoài lẫn bên trong đó..."

HVC nói...

Bài viết thể hiên sự uyên bác của một thầy giáo dạy văn và có sự trăn trở về hiện thưc cuộc sống vàng thau lẫn lộn. Bài viết của MN cũng kín đáo bày tỏ cái nhìn của NGƯỜI đối với lũ ẾCH .
Cảm ơn em có sự chia xẻ đặc biệt

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh nói...

Cảm ơn thầy Cát đã chia sẻ.
Cũng là "thấy gì nói nấy, nghĩ gì viết nấy" thôi mà. Lời của thầy là sự động viên cho đàn em tư duy và viết tốt hơn.