Mộc Nhân (Tư liệu giáo khoa)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, hình tượng
người nông dân mặc áo lính đã đi vào thơ ca một cách dung dị mà tuyệt đẹp. Bài
thơ Đồng chí của Chính Hữu cùng với
một số bài thơ khác đã mở ra khuynh hướng viết về anh bộ đội bằng cách khai
thác cái đẹp và chất thơ từ những cái bình dị nhất của cuộc sống,
chiến đấu để làm nên vẻ đẹp của người lính cách mạng.
“Đồng chí” được Chính Hữu
sáng tác vào đầu năm 1948 sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến
đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947). Bài thơ được viết theo thể thơ tự
do, cả bài thơ tập trung thể hiện chủ đề tình đồng chí, chủ đề ấy thấm sâu vào
từng chi tiết nghệ thuật của tác phẩm và được thể hiện qua ba đoạn của bài thơ.
1. Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ có cấu trúc song hành
giới thiệu về sự xuất thân của người lính:
“Quê
hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Với cách sử dụng một số thành ngữ dân gian, Chính Hữu đã
gợi cho ta biết người lính xuất thân từ những người nông dân nghèo. Những người
lính cách mạng đến từ những miền quê khác nhau trên khắp đất nước. Kẻ thì ở vùng
quê nghèo ven biển nước mặn đồng chua;
người thì ở miền trung du khô cằn đất cày
lên sỏi đá.
Từ những người xa
lạ, giờ đây họ đã trở nên quen nhau.
Nếu ở câu thơ thứ nhất, nhà thơ nói về anh;
đến câu thơ thứ hai nói về tôi thì đến
câu thơ thứ ba đã khéo dùng từ đôi (đôi người xa lạ) để nói lên tình thân, sự
gắn bó chặt chẽ giữa những con người xa lạ ấy.
Mối tình đồng chí của họ bắt đầu hình thành trên cơ sở
sự đồng cảm giai cấp xuất thân.
Khi đã trở thành người lính, họ đứng bên nhau trong đội
hình:
“Súng bên súng, đầu sát bên đầu”
Súng bên súng
gợi lên sự cùng chung nhiệm vụ chiến đấu,
đầu sát bên đầu vừa có ý nghĩa tả thực
vừa có ý nghĩa tượng trưng nói lên họ là những người bạn ý hợp tâm đầu, cùng
chung chí hướng, chung lí tưởng chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Những gian lao thiếu thốn của đời lính cũng được họ
cùng nhau chia sẻ:
“Đêm rét
chung chăn thành đôi tri kỉ ”
Đây là một câu thơ hay và cảm động, đầy ắp kỉ niệm về
một thời chiến đấu gian khổ, thiếu thốn. Những lúc chia ngọt sẻ bùi ấy đã gắn kết
họ với nhau thành đôi tri kỉ.
Tri kỉ là đôi bạn thân, hiểu biết nhau. Như vậy là từ
những người xa lạ, những chàng trai làng
đã trở nên quen nhau trở thành bạn
chiến đấu rồi thành đôi tri kỉ. Mối tình tri kỉ ấy càng thắm
thiết hơn và trở nên thiêng liêng, đó là tình Đồng chí .
Chính vì vậy, sau sáu dòng thơ đầu, nhà thơ Chính Hữu đã
hạ một dòng thơ đặc biệt chỉ có một từ với hai tiếng và một dấu
chấm than :
“Đồng chí !”.
Đồng chí vừa là tên gọi của những người lính cùng
trong đội ngũ, vừa là tiếng gọi thiêng liêng vang lên như một lời khẳng định giá
trị chân thực thiêng liêng của tình đồng chí, nó như một dấu nhấn ngân vang
trong bản đàn.
Đó chính là biểu hiện cho sự kết tinh cao độ của tình bạn, tình người,
tình giai cấp. Hai tiếng ấy như một bản
lề khép lại đoạn thơ đầu: sự hình thành tình đồng chí- và mở ra đoạn thơ thứ
hai: những biểu hiện cụ thể và cảm động của tình đồng chí.
2. Biểu
hiện đó là sự thấu hiểu:
“ Ruộng nương
anh gởi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính ”.
Những lúc cận kề bên nhau, họ lại kể cho nhau nghe
chuyện quê nhà. Đối với mỗi người thì mảnh ruộng, gian nhà là những thứ thiết
thân, gần gũi và gắn bó nhưng giờ đây họ phải gởi lại tất cả để lên đường chiến
đấu.
Hai chữ “mặc kệ”
nói được sự dứt khoát, mạnh mẽ tuy nhiên họ không phải là những người vô tình,
bởi trong tâm hồn của họ luôn nhớ về những kỉ niệm vui buồn, những cuộc hò hẹn,
yêu thương của những chàng trai cô gái bên “giếng
nước gốc đa”.
Biểu hiện đó là sự chia sẻ những gian lao thiếu thốn
của đời lính:
“Anh với tôi
biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”.
Câu thơ gợi tả những trận sốt rét rừng khiến con người
run rẩy lúc thì ớn lạnh đến thấu xương,
lúc nóng sốt đến vừng trán ướt mồ hôi.
Chữ biết
trong câu thơ vừa nói lên sự nếm trải, sự chịu đựng và cả sự thấu hiểu lẫn
nhau. Người lính đã vượt qua những gian khổ ấy bằng nghị lực, bằng ý chí và bằng
cả sự nâng đỡ của tình đồng chí.
Những gian khổ của đời lính không chỉ là bệnh tật mà còn
là :
“Áo anh rách
vai
Quần tôi có vài
mảnh vá
Miệng cười buốt
giá
Chân không giày
”
Bằng những chi tiết rất thực được chọn lọc, nhà thơ đã
miêu tả rõ nét cuộc chiến đấu gian khổ, thiếu lương thực, thuốc men, trang phục
quân đội thì thiếu thốn giữa cái giá lạnh của núi rừng Việt Bắc.
Nhưng dù trong gian khổ, những người lính vẫn nở miệng cười buốt giá, một nụ cuời thể hiện
sâu sắc tinh thần lạc quan.
Tác giả đã xây dựng những câu thơ sóng đôi, đối ứng
nhau trong từng cặp từ ngữ, hình ảnh: anh
với tôi…/ áo anh…quần tôi... để diễn tả sự gắn bó, chia sẻ, đồng cảm trong
tình đồng chí thắm thiết. Đặc biệt là với hình thức liệt kê, những gian khổ thiếu
thốn đó dường như chồng chất; để rồi cảm xúc dồn nén bỗng bừng lên qua câu thơ
:“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay ”.
Bao thiếu thốn về vật chất đã được thay thế bằng tình
yêu thương của những người đồng chí, đồng đội. Chỉ bằng một cử chỉ nắm tay nhau
mà những người lính như đuợc tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Tình cảm chân thành
tha thiết ấy không diễn tả thành lời mà thể hiện bằng một hành động giản dị để động
viên nhau vượt qua gian khổ.
3.
Bài thơ kết
thúc bằng hình ảnh đặc sắc:
“Đêm
nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên
nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”.
Đây là một bức tranh đẹp về tình đồng chí đồng đội của
người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ.
Chính Hữu đã gợi lên khung cảnh rừng hoang sương muối - một đêm đông vô cùng lạnh lẽo giữa núi rừng
hoang vu. Trong thời gian và không gian đó, người lính vẫn kiên trì đứng cạnh bên
nhau để phục kích chờ giặc. Sức mạnh của tình đồng đội đã sưởi ấm lòng họ, giúp
họ vượt lên trên tất cả những khắc nghiệt của gian khổ, thiếu thốn.
Đêm khuya, vầng trăng ở trên trời cao, khi trời về sáng,
trăng xuống thấp dần và đến một lúc nào đó có cảm giác như trăng treo lơ lửng
trên đầu súng. Hiện thực chiến đấu gian khổ vẫn không làm mất đi tâm hồn lãng mạn,
luôn hướng đến cái đẹp của người lính. Hình ảnh “Đầu súng trăng treo ” được nhận ra vào những thời khắc ấy.
Đây là một tứ thơ đẹp, xuất hiện khá bất ngờ vừa tả thực
vừa mang ý nghĩa biểu tượng, gợi ra nhiều liên tưởng phong phú: lãng mạn và
hiện thực tại; thi sĩ và chiến sĩ… Tất cả
các ý nghĩa ấy kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau làm nên vẻ đẹp của người lính
cách mạng.
Bằng
ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc, gần gũi với tâm tình người lính kết hợp với
những chất liệu văn học dân gian, Chính Hữu đã tạo nên những câu thơ vừa hiện
thực vừa mang màu sắc lãng mạn. Đồng chí
là bài thơ hay nhất của Chính Hữu viết về người nông dân mặc áo lính trong
những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bài thơ khép
lại nhưng đã để lại trong mỗi chúng ta lòng tự hào và mến phục về anh bộ đội Cụ
Hồ. Những con người áo vải, chân đất ấy đã góp phần viết nên những trang sử anh
hùng của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét