3/10/12

217. AI NÓI VỚI ANH RẰNG EM ĐÃ CÓ CHỒNG ?


Mộc Nhân – Lê Đức Thịnh


“Mùa xuân em đi chợ Hạ   
Mua cá thu về chợ hãy còn đông   
Ai nói với anh rằng em đã có chồng?
Bực mình em đổ cá xuống sông, em về”

Bài ca dao rất ngắn nhưng kể được một câu chuyện có kịch tính, đầy rắc rối, rất thực tế và quan trọng đối với người con gái.
Hai câu đầu nói đến việc cô gái đi chợ. Công việc của cô được ghi bằng những từ: xuân, Hạ, thu, đông  - ẩn chứa lối chơi chữ đồng âm quen thuộc trong ca dao.


Mùa xuân là mùa của hội hè, vui chơi, trai gái tìm nhau; chợ Hạ vừa là danh từ riêng chỉ tên một cái chợ cụ thể còn có nghĩa mùa hạ; Yếu tố thu trong cá thu đồng âm với thu trong mùa thu; đông vừa là tính từ nói về chợ hãy còn đông người – cũng là mùa đông. Cách chơi chữ đồng âm thật tài tình, có đủ bốn mùa trong hai câu thơ diễn tả cô gái vừa tuổi đang yêu mà vẫn tháo vát đảm đang, làm việc quanh năm suốt tháng.
            Cô gái ấy có bạn trai đến chơi nhà tìm hiểu, kết thân cho nên cô đã đi chợ mua cá thu về để đãi khách. Cô vội vàng trở về nhà khi chợ còn đông. Nhưng cô chưa về đến nhà thì khách đã bỏ đi vì nghe ai đó nói cô đã có chồng.
Có lẽ cô bắt gặp chàng trai trên đường về nên chặn lại để hỏi cho ra lẽ:
 “Ai nói với anh rằng em đã có chồng?”.
Câu hỏi cũng là lời trách sự hiểu nhầm của chàng trai. Sự trách móc ở đây thể hiện tình cảm chân thành, mạnh mẽ. Cô yêu chàng trai, vui mừng khi chàng đến chơi, chờ đợi nhã lời của chàng, nhưng chàng đã thiếu suy xét mà nghe người khác dèm pha.
Lời hỏi và trách ở đây không phải để tìm ra người dèm pha, nói sai về cô mà thực chất để khẳng định rằng “em chưa có chồng”, rằng em có thể kết bạn với anh. Lời nói của cô thật khéo, cô đã bày tỏ tình cảm của mình một cách ý nhị mà sâu sắc.
Lời chất vấn mà không nhận được câu trả lời từ chàng trai nên cô đã có thái độ bực mình và hành động đổ cá xuống sông em về. “Đổ cá” được sử dụng như  kiểu chơi chữ nói lái thành “đá cổ”, thể hiện kịch tính câu chuyện lên đến cao trào.
Cái hay của bài ca dao nằm ở hai câu thơ cuối: câu hỏi của cô thẳng thắn; giọng điệu phẫn nộ mà thành thực; hành động mạnh mẽ thể hiện tính cách hồn nhiên, chân thực và bộc trực. 
Cả bài chỉ có lời của cô gái, còn chàng trai tuy không thể hiện ngôn ngữ nhưng cũng là người có cá tính: nghe nói người con gái mình đang nhắm nhía có nơi chốn rồi thì đùng đùng bỏ về mà không một lời từ biệt. Có lẽ chàng vừa giận vừa hụt hẫng khi nghe nói như vậy nên mới có thái độ và hành động bỏ ra về.
Khi nghe cô gái hỏi trách mình chàng cũng chẳng nói được gì vì biết mình đã sai. Cả hai đều hồn nhiên, bộc trực và họ đều đang yêu mãnh liệt đắm say.
Cô gái đảm đang tháo vát trong công việc, tình cảm chân thành, cách thể hiện thì mạnh mẽ mà sâu kín. Cô đặt chàng vào một thách thức, buộc chàng phải có thái độ dứt khoát. Có lẽ ngọn lửa của tình yêu sẽ làm tan biến những hiểu lầm do những lời dèm pha gây ra.
Sức hấp dẫn của bài ca không chỉ ở cái tình mà còn ở cả ngôn từ dân gian.
Bốn câu ca dao giản dị, vần điệu nhẹ nhàng, không ẩn ngữ cầu kì, chơi chữ thật khéo. Điều thú vị là mọi cung bậc tình cảm của tình yêu đôi lứa: yêu thương, hờn dỗi … được diễn tả bằng những câu ca ngắn gọn và thâm thuý. Đặc biệt là người nữ được bình đẳng trong việc bày tỏ tình cảm, thoát khỏi sự ràng buộc nghiêm ngặt của lễ giáo phong kiến.
Bài ca dao tuy không có đoạn kết nhưng chúng ta hiểu được cái kết “có hậu” – sau cơn mưa trời lại sáng – tình yêu của đôi nam nữ sau những giận dỗi do hiểu lầm sẽ có cái kết tốt đẹp chăng ?

MN- LĐT Tháng 10/ 2012

Không có nhận xét nào: