5/10/12

220. THÀNH ĐẠT


           Mộc Nhân
Đề thi vào các trường THPT chuyên tỉnh Quảng Nam 2012-2013 có câu: Viết bài văn nghị luận trình bày ý kiến của bạn về quan niệm:“Rút cuộc mấu chốt của thành đạt là ở bản thân chủ quan mỗi người, ở tinh thần kiên trì phấn đấu, học tập không mệt mỏi, lại phải trau dồi đạo đức cho tốt đẹp. Không nên quên rằng, thành đạt tức là làm được một cái gì có ích cho mọi người, cho xã hội, được xã hội thừa nhận.” (Nguyên Hương- Trò chuyện với bạn trẻ)
***
Thành đạt là thành công trong cuộc sống; đạt được các thành quả về vật chất, địa vị xã hội, tiếng tăm... Có nhiều quan niệm khác nhau về sự thành đạt: người thì  coi việc tích góp được nhiều của cải vật chất trên con đường làm giàu là thành đạt; người thì xem việc thăng quan tiến chức trên đường hoạn lộ là thành đạt, người thì đánh giá việc thành đạt trên bằng cấp ...


           Tất cả những quan niệm ấy là không sai bởi nó là những dấu mốc để thể hiện sự thành đạt. Tuy nhiên điều quan trọng là mỗi người phải đánh giá được nguyên nhân, giá trị và mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trong vấn đề thành đạt của bản thân.
            Phải thừa nhận nhiều người thành đạt là do gặp thời, do may mắn. Có người  thành đạt là do được học tập đến nơi đến chốn, hoặc do có điều kiện sống, làm việc thuận lợi ... Đó chỉ là những yếu tố khách quan nhưng sự thành đạt luôn gắn với nỗ lực bản thân con người.
Muốn có được những thành công con người phải đặt ra mục tiêu cụ thể và kiên trì thực hiện mục tiêu ấy. Tục ngữ có câu Có chí thì nên là muốn nói lên ý chí, nghị lực là một điều kiện quan trọng để đi đến thành công.
Ai cũng có ước mơ nhưng con đường đến ước mơ không hề phẳng lặng. Khó khăn, trở ngại thường làm lung lạc ý chí của người không vượt qua được thách thức. Mức độ kiên trì đối mặt với khó khăn, thách thức là thước đo ý chí kiên cường của con người trên bước đường tiến tới mục tiêu của mình. Tính kiên trì là yếu tố quan trọng giúp con người đạt được bất cứ thành công nào.
Mọi thành công đếu phải đánh đổi bằng cái giá nhất định nào đó. Khi kiên trì theo đuổi mục tiêu với lòng quyết tâm sắt đá, con người như được tiếp thêm nguồn sức mạnh tinh thần mạnh mẽ không gì ngăn cản được để tiến bước cho đến khi đạt được mục tiêu đã định. Những người thiếu lòng kiên trì không thể chạm tay đến thành công vì họ sớm bỏ cuộc.
            Muốn thành đạt thì bản thân phải nỗ lực chứ không nên trông chờ vào sự may mắn ngẫu nhiên hoặc những yếu tố khách quan.  
Khi xác định mục tiêu rõ ràng, con người đã hình dung kết  quả cuối cùng mình sẽ đạt được như thế nào thì đó sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn, trở ngại. Người có mục tiêu cuộc đời rõ ràng sẽ là người có ý thức tự kỷ luật cao để chiến thắng những ý nghĩ tiêu cực làm chệch hướng đi của mình, đó cũng là nguồn sức mạnh đáng kể trong việc thuyết phục người khác. Để thành công phải có lòng kiên trì, vì không ai thành công mà không phải trải qua quá trình phấn đấu cam go.

Thomas Edison, người có kỷ lục 1093 bằng phát minh sáng chế đã trải qua 10.000 thí nghiệm thất bại để thu được thành công trong việc tìm ra cách làm bóng đèn điện. Có người hỏi Thomas Edison: vì sao ông có thể chịu đựng số lần thất bại đến nhường ấy. Ông đã trả lời: “Tôi không hề thất bại, mà tôi đã tìm ra được 9.999 cách không làm ra được bóng đèn“.
Khi người ta nghĩ thất bại chỉ là những bài học để đi đến thành công, thì họ sẽ không có lý do gì để từ bỏ mục tiêu đã đặt ra – Thất bại là mẹ thành công.
Nói đến thành đạt ta thường nghĩ đến tài năng bởi tài năng cũng là yếu tố quan trọng quyết định thành đạt. Tuy nhiên người thành đạt bên cạnh cái tài cũng phải trau dồi đạo đức cho tốt đẹp để phục vụ xã hội tốt hơn. Chỉ có người thành đạt mà toàn tài, toàn đức mới được xã hội tôn vinh, trở thành tấm gương cho mọi người noi theo. Bác Hồ nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó“  là với ý nghĩa ấy.
            Người thành đạt phải biết đem sự thành đạt ấy phục vụ cho lợi ích mọi người, cho xã hội. Đó là sự thành đạt có ích được xã  hội thừa nhận và tôn vinh. Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ quan niệm làm trai phải có công danh sự nghiệp, và đem tài năng của mình ra để hành đạo giúp đời:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.
                             (Nguyễn Công Trứ - Chí làm trai)
            Ông cha ta đã quan niệm về sự thành đạt phải gắn liền với ba chữ: Lập thân - Hành đạo - Giúp đời, đó là một quan niệm tích cực vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Tác giả Nguyên Hương trong bài Nói chuyện với bạn trẻ viết: “Rút cuộc mấu chốt của thành đạt là ở bản thân chủ quan mỗi người, ở tinh thần kiên trì phấn đấu, học tập không mệt mỏi, lại phải trau dồi đạo đức cho tốt đẹp. Không nên quên rằng, thành đạt tức là làm được một cái gì có ích cho mọi người, cho xã hội, được xã hội thừa nhận.”
Đó là một quan niệm đúng đắn, tích cực; một lời khuyên chân thành với các bạn trẻ làm hành trang vào đời.
Nếu chỉ quan niệm thành đạt là để cho bản thân mình thì vẫn chưa đủ. Cần phải nhận thức rằng thành đạt tức là làm được một cái gì có ích cho mọi người, cho xã hội, được xã hội thừa nhận. Sự thành đạt phải đặt trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng, có như thế thì việc thành đạt mới có ý nghĩa.
            Muốn thực hiện được điều ấy mỗi chúng ta phải chăm chỉ học tập, rèn luyện đạo đức để đem tài năng của mình ra giúp đời.
            Những con người thành đạt mà ích kỉ, thành đạt để vinh thân phì gia, bất chấp thủ đoạn để thu được những nhiều vật chất, tranh giành chức vụ ... khiến ta phải suy nghĩ về văn hóa, đạo đức, ứng xử, nhân cách con người trong xã hội hiện tại. 

Không có nhận xét nào: