3/11/11

46. BÀI THƠ “SANG THU”

SỰ VẬN ĐỘNG CỦA MẠCH CẢM XÚC 
TRONG BÀI THƠ “SANG THU”  (Hữu Thỉnh)

Lê Đức Thịnh
Mùa thu đã bước vào thơ ca với nhiều thi phẩm để đời như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thu vịnh -  Nguyễn Khuyến, Đây mùa thu tới của Xuân Diệu… Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng góp vào đề tài thơ thu một bài thơ giản dị mà để lại nhiều lắng đọng trong lòng người.


Bài thơ mở đầu bằng một phát hiện bất ngờ :
                                                “ Bỗng nhận ra hương ổi
                                                  Phả vào trong gió se
                                                  Sương chùng chình qua ngõ
                                                 Hình như thu đã về. ”
          Nhà thơ chợt nhận ra tín hiệu của sự chuyển mùa từ những chi tiết rất bình dị quen thuộc: ngọn gió se lạnh đầu thu mang theo hương ổi phả vào không gian lúc buổi sớm.
Động từ “phả” gợi cảm giác về sự thơm nồng của hương ổi không chỉ lan toả  trong đất trời mà còn thấm vào hồn người. 
 Hữu Thỉnh lại cảm nhận trời thu qua chi tiết “hương ổi”, hình ảnh đó vừa gần gũi, mang đậm chất đồng quê, đi vào bài thơ một cách tự nhiên, lại mới mẻ, bất ngờ có cái riêng nên không lẫn vào các bài thơ thu khác.
          Từ những cảm nhận ban đầu bằng khướu giác, nhà thơ chuyển sang những cảm nhận bằng thị giác qua hình ảnh “sương chùng chình qua ngõ ”. 
Chùng chình là một từ láy diễn tả sương thu chưa tan, sương chuyển động chầm chậm, sương giăng mắc nơi đầu thôn, ngõ xóm lúc buổi sớm. Sương được nhân hoá một cách sinh động, có hồn, mang đầy tâm trạng như con người .
          Nhà thơ đã khéo dùng từ “bỗng” ,“hình như” để diễn tả cảm giác ngỡ ngàng bâng khuâng của lòng người. Có điều gì chợt đến khiến con người giật mình.  Đất trời sang thu hãy còn mơ hồ lắm, con người phải thật tinh tế thì mới cảm nhận được qui luật vận động của tự nhiên .

          Cảm giác ngỡ ngàng ban đầu đã tan biến đi nhường chỗ cho những cảm nhận mới về đất trời sang thu :
                                          “Sông được lúc dềnh dàng
                               Chim bắt đầu vội vã
                               Có đám mây mùa hạ
                               Vắt nửa mình sang thu. ”
Dòng sông chảy một cách thanh thản, bình lặng êm đềm. Những cánh chim vội vã, cho một mùa mới. Sự vội vã đó cũng không làm mất đi sự bình lặng êm đềm của thiên nhiên lúc vào thu.
Trên trời cao, mây mùa hạ cũng đang dần chuyển mình sang thu.
Nhà thơ đã chọn nhiều hình ảnh quen thuộc để làm nên một bức tranh mùa thu đẹp đẽ, trong sáng, gần gũi, mang đậm cảnh sắc làng quê. Những từ láy“dềnh dàng”,“vội vã” vừa gợi tả được nét đặc trưng, vừa nhân hoá các hình ảnh sự vật làm cho chúng trở nên sinh động, hữu tình, có hồn. Bức tranh mùa thu đã hiện ra khá rõ nét.
          Hình ảnh đám mây mùa hạ được miêu tả khá độc đáo:
  “Có đám mây mùa hạ
  Vắt nửa mình sang thu”.
Mây trôi lững lờ, bồng bềnh, vắt ngang trên bầu trời. Hình như trong mây còn lại chút nắng hè nên mới “vắt nửa mình”.
Câu thơ tả đám mây khá độc đáo, thú vị và có sức gợi cảm. Với cách diễn đạt này, hình ảnh của sự vật không chỉ hiện lên ở thực tại mà còn gợi liên tưởng đến quá khứ. Mùa hạ chưa qua hẳn mà thu đã sang, lòng người dường như có sự nuối tiếc nhẹ nhàng vào khoảnh khắc giao mùa.
Thời gian vẫn tiếp tục vận động để cho vạn vật chuyển mình sang thu.
                                “Vẫn còn bao nhiêu nắng
                                Đã vơi dần cơn mưa
                                Sấm cũng bớt bất ngờ
                               Trên hàng cây đứng tuổi. ”
Nắng cuối hạ vấn còn nồng, còn sáng nhưng đang nhạt dần. Những ngày giao mùa này đã ít đi những cơn mưa rào ào ạt. Tiếng sấm cũng bớt dữ dội và bất ngờ. Dấu hiệu mùa thu dường như đã trở nên rõ nét hơn .
Nắng, mưa, sấm là những hiện tượng của thiên nhiên trong thời điểm giao mùa được nhà thơ gợi tả rất hay cảm giác về sự hiện hữu của sự vật trong thời gian và không gian ấy.
Từ những cảm nhận về thiên nhiên, nhà thơ đã chuyển sang những suy ngẫm về con người và cuộc đời. “Sấm” tượng trưng cho những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời; “hàng cây đứng tuổi” tượng trưng cho những con người từng trải, được tôi luyện trong gian khổ.
Với hình ảnh này, nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gởi gắm những suy ngẫm của mình về mùa thu của đời người. Khi con người đã từng trải thì họ cũng vững vàng hơn trước những tác động bất thường từ bên ngoài.
Cái hay của bài thơ không chỉ ở ngôn ngữ, hình ảnh giản dị mà còn ở sự vận động tinh tế của mạch thơ.
Cảm nhận của nhà thơ mở theo chiều rộng của không gian từ gần đến xa, không chỉ là những hình ảnh thiên nhiên nơi đầu thôn ngõ xóm mà giờ đây, thu đã lan toả trong cả đất trời. 
Thời gian cũng chuyển động khiến cho đất trời sang thu từ mơ hồ đến mỗi lúc một rõ nét hơn. Cảm giác con người từ ngỡ ngàng bâng khuâng đến sự nuối tiếc nhẹ nhàng vào khoảnh khắc chuyển giao kì diệu của đất trời. 
Từ những cảm nhận về thiên nhiên, nhà thơ đã chuyển sang những suy ngẫm về con người và cuộc đời. Từ hướng ngoại, tứ thơ đã chuyển sang hướng nội.
Bài thơ “Sang thu ” đưa ta về một miền quê dân dã mà ấm áp tình người qua ngòi bút tả cảnh thu tài hoa của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nó không chỉ mang đến cho người đọc những cảm nhận mới về mùa thu quê hương mà còn gợi lên tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương trong lòng mọi người.



5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thay oi cho em hoi: ngoai sam va hang cay dung tuoi la hai hinh anh an du thi nang va mua co phai an du khong thay?
Thanh Mai pbc

Nặc danh nói...

thực ra thì cả nắng , mưa , sấm đều là hình ảnh ẩn dụ cho những khó khăn thử thách hay những vang động của cuộc đời thôi bạn ạ

mai nguyen nói...

Nhung co rat nhieu truong khong chap nhan nang mua la hinh anh an du..vay thi phuong annao la dung ma khong so bi tru diem?

Nặc danh nói...

Bài viết rất hay em đã sử dụng để làm tài liêu dạy cho học sinh.

Minh Nguyệt nói...

Cảm ơn thầy rất nhiều ạ!