6/11/11

50. THÀNH NGỮ MỚI

VỀ NHỮNG THÀNH NGỮ MỚI

TRONG TẬP SÁCH TRANH "SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ"

Mộc Nhân tổng hợp

 

So với nhiều ngôn ngữ trên thế giới thì tiếng Việt là một ngôn ngữ vô cùng giàu có vì tính đa thanh, đa điệu, cách diễn đạt động từ và tính từ phong phú cùng các lối nói lái, nói điệp vần, lối thậm xưng khiến cho mỗi một người dân Việt đều có thể trở thành một nhà sáng tạo ngôn ngữ khi sử dụng nghệ thuật chơi chữ dân gian đầy biến ảo.



Ngôn ngữ của một dân tộc có giàu có hay không cũng là nhờ một phần lớn sự đa dạng của thành ngữ, tục ngữ. Mà thành ngữ Việt thì nhiều vô kể.
Cuốn sách tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” là công trình tập hợp các thành ngữ, có kèm theo tranh minh họa mới xuất hiện bị thu hồi đã gây nên dư luận nhiều chiều. Nhiều độc giả nói rằng cuốn sách có nhiều thành ngữ phản cảm và làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng cuốn sách  đã đóng góp thêm cho sự phong phú của tiếng Việt.
Sau đây là lược trích một số câu thành ngữ, tục ngữ được ghi nhận trong tập sách :
Ăn cây táo, rào cây lê (phê phán kẻ vừa vô ơn lại vừa nịnh hót)
Chim cú đú phượng hoàng
 Cố quá thành quá cố 
Nhan sắc có hạn, thủ đoạn vô biên
Sống đơn giản cho đời thanh thản 
Tay nhặt lá, chân đá ống bơ (Ám chỉ kẻ ẩm ương )
Thú vui tao nhã, giặt tã cho con (một cách tự an ủi theo kiểu AQ)
Tiền thì anh không thiếu, nhưng nhiều thì anh không có
Ăn chơi sợ gì mưa rơi 
Đâu có đó, thịt chó có mắm tôm
Từ từ rồi khoai sẽ nhừ 
Cái khó ló cái ngu 
Thất bại vì ngại thành công
Trăm lời nói không bằng khói xe a còng (@)
Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá
Môi hở răng hô…
Một điều nhịn là chín điều nhục
Một con ngựa đau cả tàu ăn thêm (hàm nghĩa phê phán)
Đầu to óc bằng quả nho
Dốt như con tốt
Nhí nhảnh như con cá cảnh
Đói như con chó sói
Xinh như con tinh tinh ( nói ngược)
Chán như con gián, Ác như con tê giác,
Buồn như con chuồn chuồn, Chuyện nhỏ như con thỏ
Đau khổ như con hổ
Cái khó ló cái ngu
Thanh kiu Vina Miu
Thoải con gà mái
Đau sờ cau
Hận đời cắt tóc đi tu, nghĩ đi nghĩ lại đi tù sướng hơn
Không mày đố thầy dạy ai
Bộ đội phải chơi trội
Được voi đòi Hai Bà Trưng
Đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm
Bình thường như cân đường hộp sữa
Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản
Xấu nhưng kết cấu nó đẹp
Xấu mà còn muốn phấn đấu …

Từ những câu nói thuận miệng nghe thuận tai trong đời sống, thành ngữ được ra đời ghi dấu một bối cảnh lịch sử hoặc phản ánh một lối sống xã hội. Về mặt cấu trúc, thành ngữ không bắt buộc phải tuân thủ sự hoàn chỉnh cú pháp. Về mặt nội dung, thành ngữ không có giá trị ổn định như tục ngữ, vì thành ngữ không cốt yếu truyền đạt kinh nghiệm hoặc kiến thức. Chính tính nhất thời của thành ngữ giúp chúng ta cảm nhận rõ nét những vui buồn đang diễn ra xung quanh!

Những thành ngữ trên có thể chia thành các nhóm: Phê phán những hiện tượng thái độ tiêu cực; nêu lên bài học hoặc ghi nhận hiện tượng mới trong xã hội; cũng có khi là chơi chữ hoặc nói thuận vần cho vui không có ý gì …
Thành ngữ, theo thời gian và sự sàng lọc trong dân gian, những thế hệ sau sẽ tự quyết định có nên sử dụng tiếp hay không. Những thành ngữ tôi vừa nhắc đến ở trên hoàn toàn không có sự vi phạm về thuần phong mỹ tục hay làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên phải thừa nhận có nhiều câu thiếu tinh lọc …
Mỗi thời đại có một số thành ngữ riêng. Những thành ngữ trên phần nào hé lộ người Việt ở thế kỷ 21 có cuộc sống sôi nổi hơn, nhộn nhịp hơn, dí dỏm hơn. Mặt khác, thành ngữ mới còn có tính chất châm biếm, giễu nhại, cợt đùa. Một con người biết tự cười mình là một con người đang trưởng thành, và một dân tộc đang biết tự cười mình cũng là một dân tộc đang trưởng thành.
          Dù sao đọc những câu thành ngữ mới đó, chúng ta thấy khoái cảm về ngôn ngữ và tinh thần hơn đọc nhiều bài viết, câu văn xơ cứng nội dung và nghèo nàn nghệ thuật chữ nghĩa.

Sau đây là một số tranh minh họa lấy từ tập sách trên:





















Không có nhận xét nào: