2/11/11

BÀI THƠ CON CÓC HAY Ở CHỖ NÀO

     Nguyễn Hưng Quốc
        Tác giả là Tiến sĩ Văn học, tên thật là Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh năm 1957, người xã Đại Phong, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp ĐHSP TP HCM  - sau đó sang Australia lấy bằng tiến sĩ Văn học tại ĐHTH Victoria. Hiện nay giảng dạy Ngôn ngữ, Văn học, Văn hóa, viết Phê bình VH… tại Australia.
 ***       
   Đây là bài thơ hay nhất trong tất cả những bài thơ miêu tả cái dở, cái kém nghệ thuật và kém thẩm mỹ. Ở mức độ nào đó, có thể coi "thơ con cóc" cũng tương tự bức chân dung Thị Nở của Nam Cao. Nếu Thị Nở là điển hình của cái Xấu, “Thơ con cóc” sẽ là điển hình của cái Dở.
          Chỉ riêng ở khía cạnh này, “Thơ con cóc” đã là một cái gì khá mới mẻ và đầy táo bạo, khác hẳn mỹ học truyền thống vốn đồng nhất cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật với cái đẹp của đối tượng được tác phẩm nghệ thuật miêu tả, từ đó, hình thành một lối đi độc đạo trong sáng tác: mọi người đều chăm chăm chọn những nhân vật đẹp, những khung cảnh đẹp. Văn học dân gian và tiểu thuyết thoát ly ra khỏi quan điểm hẹp hòi này khá sớm có lẽ do bản chất dân chủ của chúng. Thơ cứ đắm đuối mãi trong cõi mộng mợ Cái xấu, cái tầm thường bị gạt qua một bên, trở thành lãnh địa dành riêng cho thơ trào phúng. 
          Ngay trong giới hạn của thơ trào phúng, cho đến nay, người ta cũng chỉ thành công trong việc khắc họa những cái xấu theo nghĩa đạo đức học hoặc xã hội học, tức những nhân vật, những sự kiện lố bịch, nhố nhăng, chướng tai gai mắt, nhưng lại không thành công trong việc miêu tả cái xấu theo nghĩa thẩm mỹ học. Tất cả những bài thơ phê phán cái dở đều ... khá dở.
          Còn lại, chỉ còn lại trong suốt lịch sử văn học Việt Nam, hai câu thơ này của Hồ Xuân Hương:
                         Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
                         Chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông.
          Nhưng Hồ Xuân Hương, trong hai câu thơ này, không có chủ tâm nói về cái dở. Bà chỉ nhằm chế diễu sự bất tài mà thôi.
          Như thế, có thể coi bài "thơ Con cóc" là bài thơ duy nhất thành công trong việc nêu bật đặc điểm của những bài-thơ-Thị-Nở ê hề, xưa cũng như nay, trong cũng như ngoài nước. 
          Tuy nhiên, giá trị bài "Thơ con cóc" không phải chỉ có như vậỵ Đọc bài thơ một cách nghiêm chỉnh như đọc một bài thơ trữ tình và quên đi câu chuyện tiếu lâm ngớ ngẩn chung quanh nó, chúng ta sẽ phát hiện ra một số điều rất la.
          Trước hết, về phương diện kết cấu, bài thơ rất ngắn, chỉ có sáu câu, lại được cắt ra làm 3 đoạn. Câu đầu của đoạn sau lặp lại nguyên vẹn câu cuối của câu trước. Thành ra, trừ câu đầu và câu cuối, tất cả bài thơ còn lại đều xuất hiện hai lần, cách nhau một quãng ngắt hơi, một quãng im lặng dài vì là thuộc hai đọan thơ khác nhau.
          Cái quãng ngắt hơi ấy tạo ra cảm giác nghiêm trang, trịnh trọng cho cái động tác được miêu tả. Đây chỉ là kỹ thuật thông thường khi kể chuyện, đặc biệt những chuyện có vẻ ly kỳ, rùng rợn. Thế nhưng, khác với các câu chuyện ma, chẳng hạn, sau mỗi lần người kể im lặng để tạo tâm thế căng thẳng, hồi hộp cho người nghe hoặc người đọc là một chi tiết bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ, bài "thơ con cóc", ngược lại, sau mỗi lần ngắt hơi, lại lặp lại nguyên văn điều đã nói. Điều này tạo nên một cảm giác nghịch lý: nó vừa nghiêm trang, trịnh trọng lai vừa rất nhàm, rất nhảm.
          Tính chất nghịch lý ấy lại được nhìn thấy ở một phương diện khác: hình tượng "con cóc", lặp đi lặp lại sáu lần, chiếm nửa số lượng từ vựng trong bài, luôn luôn đứng làm chủ ngữ trong mọi câu thơ, nổi bật, uy nghi, vừa như một tượng đài lại vừa như một quyền lực.
          Nửa số từ vựng còn lại chỉ vừa đủ để diễn tả bốn động tác căn bản của con cóc: ở trong hang, nhảy ra, ngồi lại và cuối cùng, nhảy đi. Những động tác này không những nhàm, nhảm và còn vô nghĩa nữa.
          Sự vô nghĩa này lại được cố tình trình bày một cách trịnh trọng: yếu tố hài hước của bài thơ được khơi dậy từ đây; lý do chính khiến "thơ con cóc" bị coi là điển hình của cái dở nằm ở đây. Và cũng từ đây, chúng ta thấy được chủ đề của bài thơ: nó không phải là bài thơ tả con cóc mà, qua con cóc, bài thơ nói về những sự trịnh trọng vô nghĩa.
          Sự kết hợp giữa hai yếu tố trịnh trọng và vô nghĩa góp phần mở rộng trường liên tưởng của bài thơ: với loài cóc, chỉ có thể có sự vô nghĩa chứ không có sự trịnh trọng. Trịnh trọng là khái niệm dùng cho con người, một loài vật có trí tuệ và khả năng tự giác để gán cho hành động của mình như một giá trị nào đó có khi chính nó không có. 
          Bài "thơ con cóc", như thế, đang nói về con người. Về tôi. Về chị. Về anh. Về tất cả chúng ta. Trong cuộc đời, chúng ta làm bao nhiêu công việc, đôi khi, một cách cực kỳ nghiêm cẩn. Chúng ta đắn đo trước khi khởi sự đã đành. Chúng ta còn có thói quen tự chiêm ngưỡng mình lúc đang hành động. Chúng ta tự khoác lên chúng ta cơ man nào những hào quang lấp lánh. Chúng ta lạm dụng tính từ để miêu tả, để tô vẽ việc làm của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta chỉ sống với sự diễn dịch về cuộc đời chứ không phải với chính cuộc đời

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Quá hay và trí tuệ-Người viết bài này đã lột tả được cái dở của bài thơ con cóc bằng một giọng văn gần gủi nhưng trác tuyệt ở nhiều cung bậc khác nhau cho ta cảm nhận được cái dở, cái hay của văn chương và đã chuyển tải được rất nhiều ý tưởng táo bạo dám đi phân tích một đề tài "bài thơ con cóc". Qua bài viết này ta thấy rằng: đi ca tụng cái hay dễ nhưng chỉ ra cái dở cũng chẳng dễ dàng gì. Thật thú vị
Thanks