17/1/25

3.395. THƠ 1-2-3 PHẠM THẾ CHẤT

       Mộc Nhân

      Bài giới thiệu tập thơ "Hạt sương ngủ gối cánh đồng" (Thơ 1-2-3) - Phạm Thế Chất, Nhà xuất bản Đà Nẵng 2024
     Bài viết cũng đã được biên tập, và đăng trên Báo Quảng Nam, số ra ngày Thứ Sáu, 17-01-2025.


Thơ ca là một hình thức ngôn ngữ sáng tạo, quyền năng, truyền cảm hứng. Để thục hiện được điều này, hành trình thơ luôn có sự tiếp nhận - tìm tòi và thể nghiệm. Nói cách khác thơ ca luôn được làm mới: mở ra những cánh cửa mới, khuynh hướng mới, hay tạo ra các phiên bản mới từ những giá trị cũ/ tương tự… Mỗi nhà thơ có ý thức sáng tạo thực sự luôn ám ảnh với thực tế rằng, những lối mòn sẽ ngăn cản họ thử thách trước những điều mới.

Sự xuất hiện của Thơ 1-2-3 trong thập kỷ này là một ví dụ. Thơ 1-2-3 có khởi xướng với những quy phạm nhất định, có diễn đàn riêng, có lực lượng sáng tác đông đảo – họ dám thử thách ngòi bút của mình, cuốn theo lượng bạn đọc mới - làm cho sinh quyển thơ ca thêm phong phú, nhiều sáng tạo và tiếp cận mới mẻ.

Trong lời ngỏ ngắn gọn này, tôi xin không nhắc lại sự hình thành và những điển phạm thi pháp của Thơ 1-2-3 bởi ít nhiều bạn đã đọc, tìm hiểu về nó – bạn cũng có thể hiểu những điều này trong Lời bạt của nhà thơ Huỳnh Minh Tâm ở cuối sách.

***

Sau tập thơ thứ nhất: “Tiếng gàu va trăng khuya” (Nxb Hội Nhà Văn, 2020),  Phạm Thế Chất trình làng tập thơ thứ hai: “Hạt sương ngủ gối cánh đồng” (Nxb Đà Nẵng, 2024) – lần này là một tập thơ chuyên biệt, tác giả gắn nhãn Thơ 1-2-3 như lập ngôn về thành tựu thơ ca mang tính thể nghiệm cá nhân.

Thơ nói chung vốn đã là một câu chuyện đòi hỏi sự cô đọng. Nó làm chúng ta liên tưởng đến ngôn ngữ tối giản trong Haiku kết tinh nhiều giá trị văn hoá và tinh thần Nhật Bản; Thất ngôn tứ tuyệt đặc sắc thi ca Trung Hoa và Tercet - thơ ba câu, lát cắt tự sự, trữ tình của Phương Tây và mới nhất là Thơ Insta (Insta Poetry) – một hình thức thơ ngắn, tinh chắt ngôn từ vừa đủ cho một lần đăng trên mạng xã hội Instagram hay Facebook với các thông điệp đầy chất thơ – hiên nhiên…

Thơ 1-2-3 tiếp nối câu chuyện ấy thành một phiên bản mới - một hình thức thơ với những qui ước riêng trong sân chơi của nó - đôi khi có trạng thái tĩnh lặng như thiền, ngưng đọng và phô diễn cảm xúc, bày biện trạng thái tự sự… Mỗi trạng huống đều có nội lực, diễn ngôn nhất định và giống như cánh chim, nó có thể vượt qua mọi biên giới.

Trong “Hạt sương ngủ gối cánh đồng”, Phạm Thế Chất đã vận dụng linh hoạt những ưu thế của Thơ 1-2-3 để diễn tả các trạng thái của mình. Ưu thế ấy là tính cô đọng mà không quá ràng buộc khuôn khổ; tự do trong thể tài nhưng bố cục lại chặt chẽ. Tôi tỉa vài bài:

Phía cuối xóm, hàng tre như cỏ, mặt trời hồng tròn lăn/ cánh đồng lúa được khảm vào muôn hạt sương long lanh/… em gánh ban mai tinh khôi về nhà” (Bài 10) – là những câu thơ giúp người đọc nhìn thấy mọi thứ quen thuộc bỗng trở nên mới mẻ, tươi rói, đầy ấn tượng qua ngôn ngữ giàu tính hình ảnh. Ở đây, không chỉ là hình ảnh mà lối diễn tả giàu cảm xúc nâng hình ảnh lên thành biểu tượng làm cho bài thơ đi vào tâm trí người đọc: “Đôi rổ lớn phải gánh lúa nhẹ như rơm mùa gặt/ ngày mưa, lo ngay ngáy lũ ngập hết xóm làng/ thương đôi vai đầy trĩu nặng bữa biệt quê (Bài1).

Mỗi bài thơ 1-2-3 tự nó là một diễn ngôn; một chủ đề được gợi ý trong tựa ở câu số một/ bài thơ có sáu câu. Điều này có vẻ đơn giản nhưng nó lại là một thách thức khi kiến tạo kết cấu, chủ đề trong toàn bài. Nó khơi mở cảm xúc của người đọc ở câu 1 (khai – mở ra), nó đưa người đọc đến không gian thi ảnh hay một trải nghiệm cảm giác (thừa – phát triển); và cuối cùng là một lập ngôn, hiển ngôn, một lắng đọng, nỗi niềm hay triết lý (chuyển - hợp): “Lối này rồi sẽ thênh thang/ Cuộc sống ngày càng muôn màu, năng động/ con đường thơ dường như chật/ yêu những con người đi trước tách lối/ song hành và mang theo bản lĩnh nghệ thuật/ Thơ 1-2-3, tôi say đắm đi cùng” (Bài 15).

Ngôn ngữ luôn giống nhau nhưng những gì người ta viết ra, nhất là trong thơ ca, thì không bao giờ giống nhau. Vậy nên cái mà chúng ta cần khai quật nằm ở dưới những lớp ngôn từ. Thơ 1-2-3 cũng không ngoại lệ. Tất cả đều thúc đẩy những trường liên tưởng mở ra cả hai phía: hướng nội/ sâu lắng - hướng ngoại/ bùng nổ. Và tôi cũng như tác giả dành cảm nhận ấy cho bạn đọc hơn là một vài chỉ dấu áp đặt: “biển ngày sóng êm/ con cá gọi mãi không nghe tiếng trả lời/ ông lão ở xa (Bài 18).

Sự dồn nén, lắng đọng của thơ, suy cho cùng là để bùng nổ trong lòng người đọc. Giả sử nó không “bùng nổ”, điều ấy thuộc về sở đọc của bạn, trong đó có cả trách nhiệm cài đặt, kích hoạt thông qua hình tượng, con chữ của tác giả. Suy cho cùng, điều này nằm ngoài câu chữ, chỉ có thể được nghe thấy, cảm thấu bằng sự nhạy cảm và đồng cảm, hấp dẫn tâm trí bạn đọc trong một khoảnh khắc suy ngẫm, quan sát, liên tưởng và xúc cảm.  Ở một chừng mực nào đó, Phạm Thế Chất đã làm được điều này: “phù sa kết thúc cuộc hành trình về với ruộng/ đôi bờ xanh biếc vươn lên/ hạt sương ngủ gối cánh đồng” (Bài 25).

***

Với tập Thơ 1-2-3 này Phạm Thế Chất đã mạnh dạn đánh một tiếng chuông trữ tình cho riêng mình bằng những câu thơ dịch chuyển giữa ẩn dụ và hình ảnh cụ thể, sống động, tinh tế. Những hàng cây, bến thuyền, trăng quê, hoa cỏ, màu sắc, đồng nội, làng quê… có đời sống riêng biệt, trong không gian và thời gian riêng, nằm trong ký ức của anh và tái sinh thành thơ ca khi trái tim anh muốn tìm cách quay về cố xứ; không cần sự trang điểm cầu kỳ nào của hình tượng, ngôn từ: “lặng lẽ thân cò như mưa, như nắng/ thương nhớ miết một rằm tháng Tư âm lịch/ bà không nói gì về bữa nghỉ ở nhà” (Bài 4).

Tôi nghĩ xuất bản một tập thơ cũng giống như thả một cánh hoa hồng xuống hẻm núi lớn và chờ tiếng vang. Phạm Thế Chất đã dấn thân cho Thơ 1-2-3 trong trạng thái như thế. Hơn nữa, tự thân mỗi bài thơ đã là một liên văn bản (intertextual) từ những gì tác giả đọc, ám ảnh, ảnh hưởng, tái tạo, làm mới mình hay của của người đi trước. Với việc gắn nhãn Tập thơ 1-2-3 cho “Hạt sương ngủ gối cánh đồng”, tôi tin tác giả để lại được dấu vân tay của mình trong văn bản; rộng hơn là sự điểm chỉ đầu tiên về Thơ 1-2-3 cho thơ xứ Quảng. Tất nhiên, mỗi cuốn sách có một chỗ an trú lặng thầm và chờ ai đó nghe được tiếng nói của chúng. Đó không chỉ là nội dung mà đôi khi gợi ra ý tưởng nào đó; giống như khi nghe nhạc, âm điệu tạo tiếng vang vọng trong trái tim chúng ta.

***

Thơ 1-2-3, suy cho cùng cũng là một kiểu “tân hình thức” (new formalism poetry). Chúng ta khoác cho thơ ca chiếc áo mới trên hành trình sáng tạo. Tất nhiên, những giá trị thẩm mỹ mà nó mang lại không phải ở chiếc áo mới ấy mà là khả năng, bút lực của người nghệ sĩ.

Phạm Thế Chất đẹp, không sáo, đong đưa ở tiết nhịp 1-2-3 rồi bay lên hoặc có khi trầm lắng như đất đai – như chính câu chuyện tác giả: “từng gánh hàng rong qua - lại phố/ tiếng rao hun hút hẻm gầy vọng về mùa xưa(Bài 51). Điều này khiến tôi nhớ đến câu trích của nhà thơ người Nga, Yevgeny Yevtushenko: “Tự truyện của một nhà thơ chính là thơ ca. Mọi thứ  khác chỉ là chú thích” (A poet's autobiography is his poetry. Anything else is just a footnote).

Khi đọc thơ của nhau, viết cho nhau trong trạng thái chia sẻ, chúng ta hiểu là tác giả không bao giờ đơn độc trên hành trình sáng tạo – đôi khi, điều này tạo ý hướng thiết lập quan hệ giữa tác giả - thơ và người đọc. Và tôi tin, mỗi tác phẩm luôn khơi mào cho những câu chuyện và khi kết thúc nó mở ra một câu chuyện khác: “Nhìn lau triền sông trổ trắng/ yên tâm gieo những hạt vàng”.


MN LĐT



Không có nhận xét nào: