17/12/11

75. CHUYỆN PHIẾM VỀ TẮM

Lê Đức Thịnh


Hẳn mọi người đều biết câu chuyện về Archimedes, ông đã lo lắng nhiều ngày về yêu cầu của đức vua muốn biết chính xác là chiếc vương miện của mình có được làm bằng vàng nguyên chất hay không mà không được làm hỏng hình dạng của nó.
Làm thế nào để tìm ra câu trả lời chính xác? Archimedes đã nhiều đêm mất ngủ nhưng giải pháp vẫn vô vọng. 

Một hôm ông vào bồn tắm để tìm chút thư giãn. Bồn tắm đầy nước, khi ông bước vào, nước tràn ra. Thế là một ý tưởng vụt đến : “Chỗ nước tràn ra khỏi bồn nhất định có liên quan tới trọng lượng cơ thể của mình.” Ông liên hệ : “Nếu đặt khối vàng vào trong một cái thau đầy nước, nước sẽ tràn ra và chỗ nước tràn ra ấy nhất định có liên quan đến trọng lượng của vàng.”
Và như thế là ông bừng tỉnh, vui sướng tột cùng đến nỗi ông quên luôn rằng mình không có mảnh vải nào trên người, cứ thế chạy ra phố và hét vang Eureka ! Eureka !”

Albert Einstein cũng có thói quen ngâm mình trong bồn tắm hàng giờ. Một vị giáo sư nổi tiếng đến gặp ông nhưng bà vợ của Einstein bảo rằng : “Ông phải ngồi chờ thôi bởi vì ông ấy thường tắm trong bồn rất lâu.” Vị giáo sư hỏi: “Ông ấy làm gì trong bồn tắm mà lâu thế ?” Bà Albert cười : “Ông ấy hay nghịch với đám bọt xà phòng và thường những lúc như thế Einstein thường tìm ra lời giải cho những vấn đề hóc búa.”
Có lẽ trong bồn tắm con người ta được thư giãn, thoải mái, tất cả mọi căng thẳng đều dừng lại, đó là lúc mọi ý tưởng hay nhất sẽ đến.
           
Tuy nhiên nhiều giai thoại kể rằng văn nghệ sĩ thường không muốn tắm. Họ cho rằng tắm gội sạch sẽ làm mất đi cảm hứng sáng tạo, không còn cái bụi bặm của người nghệ sĩ.
Theo bạn bè của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên … kể lại thì họ là những nghệ sĩ rất ít … tắm. Mà không chỉ riêng mấy vị này mà nhiều văn nghệ sĩ  rất sợ nước. 
Có lẽ họ chịu ảnh hưởng của tư tưởng hiện sinh dù hiện sinh không có nghĩa là “không tắm” ! Có lẽ đó là cái “model” của nghệ sĩ bụi  chính hiệu ! 
Có lẽ họ sợ nước thật ! 
Mà cũng có thể họ không có thời giờ để … tắm ! …
Trịnh Công Sơn thì  bạn bè nhắc nhở  trần                                                     khi mới tắm táp một tháng đôi bận. 
Bùi Giáng thì bôi bẩn nhem nhuốc, mồ hôi nhễ nhại, áo quần nhếch nhác đứng giữa ngã ba, ngã tư đường phố Sài Gòn làm người điều khiển giao thông. 
Nguyễn Tất Nhiên thì trời hè oi bức chả cần tắm, lại diện hai áo măng-tô, đạp xe qua các phố đến nhà  “Cô em Bắc Kì nho nhỏ” để làm thơ, tặng thơ…
Thế nhưng những tác phẩm để đời của họ lại luôn “ướt mưa” thế mới lạ, thậm chí những tác phẩm đó lại ra đời vào những thời gian ít tắm nhất !
Họ Trịnh thì viết “Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ”; Bùi Giáng lại có tập “Mưa nguồn”;  Nguyễn Tất Nhiên thì có bài “Đưa em về dưới mưa …”
Thế mới biết chuyện của nghệ sĩ hoặc vĩ nhân không                                      như chuyện của người thường.

Lại có những người tắm táp sạch sẽ, đầu óc minh mẫn nên có những phát hiện lạ đời. Ví như nhà văn kiêm chính khách Nguyễn Tối Thui sau khi tắm táp sạch sẽ mới nổi hứng mà đề xuất trước QH về việc cần phải có luật nhà văn để rồi sau đó tự ngộ ra rằng “Cũng chẳng biết ra cái luật ấy để làm gì”.
Ví như doanh nhân kiêm chính khách Hoàng Vô Phúc sau khi ngâm mình trong bồn tắm mới ngẫm ra rằng “Không cần có luật biểu tình vì dân trí chưa cao, biểu tình là chống lại chính phủ …”
Lại có những nhân vật quanh năm chả cần tắm như Chí Phèo; chỉ cần “tắm” rượu để ăn vạ, chửi bới là đủ để nổi tiếng …
Xem ra chuyện tắm có liên quan đến vận mệnh con người, đời sống xã hội hoặc những phát hiện mang tầm thế giới.
Nếu cái sự tắm hay không tắm mà đưa đến những giá trị tích cực thì thật đáng trân trọng biết bao.
Còn như cái sự tắm hay không tắm mà dẫn đến những “tối kiến”, “tối tác” ngớ ngẩn, điên khùng, ngu xuẩn, u mê thì những con người này nhất thiết phải luôn tắm gội, tẩy mình để xã hội và bản thân sạch sẽ hơn, may ra họ có cơ hội nhận ra mình đã từng là kẻ bẩn.
Mà cái sự bẩn, điên, tối tăm … thì giữa bọn có học và kẻ lưu manh cũng không khác nhau mấy.


1 nhận xét:

Minh phương nói...

Minh Phương
Khà khà, Hay!
Tiếp!