VIỆC SỬ DỤNG TỪ NGỮ CÓ NGUỒN GỐC NƯỚC NGOÀI
Lê Đức Thịnh
Hiện tượng sử dụng từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài là chuyện bình thường trong việc sử dụng ngôn ngữ ở tất cả các nước trên thế giới chứ không riêng gì ở tiếng Việt. Những từ ngữ thuộc nhóm này gọi là từ mượn.
Việc vay mượn như vậy có tác dụng làm cho vốn từ ngữ thêm phong phú, tăng khả năng diễn đạt, phản ảnh các sự việc hiện tượng trong cuộc sống mà bản thân ngôn ngữ ấy không đáp ứng kịp thời.
Việc vay mượn như vậy có tác dụng làm cho vốn từ ngữ thêm phong phú, tăng khả năng diễn đạt, phản ảnh các sự việc hiện tượng trong cuộc sống mà bản thân ngôn ngữ ấy không đáp ứng kịp thời.
Xét về nguồn gốc thì tiếng Việt vay mượn ở các ngôn ngữ : tiếng Hán, tiếng Châu Âu và một số ngôn ngữ khác như Nga, Nhật …
Lâu nay việc sử dụng các từ ngữ có gốc nước ngoài trong văn bản viết gặp nhiều bất nhất.
Sự bất nhất đó thể hiện ngay trong chương trình SGK ở các cấp học, giữa các môn học trong cùng khối lớp. Trên các phương tiện truyền thông như báo giấy, báo mạng cũng thể hiện rõ vấn đề này nhất là qua cách ghi tên nhiều danh từ riêng, các thuật ngữ khoa học …
Trong phạm vi nhà trường cũng đã có nhiều chuyên đề chuyên môn bàn đến vấn đề việc sử dụng các từ mượn nước ngoài như thế nào cho hợp chuẩn. Nhiều chuyên đề đã đặt vấn đề ở góc độ người dạy học và tâm lí, nhận thức của người học (bậc học phổ thông) để mạnh dạn chỉ ra mặt tích cực và mặt hạn chế của mỗi cách ghi các từ ngữ có nguồn gốc nước ngoài và đề xuất những giải pháp hướng đến sự thống nhất. Giới học thuật chuyên ngành cũng đã lên tiếng …
Tùy theo sở tri của mình, mỗi người đều đưa ra những lí lẽ mang tính khoa học, thuyết phục.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin điểm lại tình hình và nêu lên ý kiến cá nhân của mình về vấn đề trên.
Có thể thấy việc sử dụng các từ ngữ gốc nước ngoài trong văn bản tiếng Việt tồn tại ở 6 dạng sau :
1. Việt hóa tiếng nước ngoài theo âm Việt: Đây là cách mà nhân dân ta đã sử dụng từ thế kỉ XIX khi tiếng Việt có sự giao thoa với các ngôn ngữ Châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha … Dấu vết của sự Việt hóa này đã ăn sâu vào đời sống đến mức người sử dụng ngôn ngữ khó nhận ra.
Ví dụ : ga (gas), dây cáp (cable), xăm xe (chamble), phim (film )…
Hiện tượng này đến nay vẫn tiếp tục diễn ra trong đời sống ngôn ngữ của dân tộc thể hiện qua các từ mới phổ biến gần đây như: ô sin, gêm (game) …
2. Việt hóa tiếng nước ngoài theo âm Hán : Đây cũng là một cách sử dụng từ vay mượn gốc Châu Âu qua ngôn ngữ trung gian là tiếng Hán. Các nhà trí thức thế kỉ XIX – XX vừa có vốn Hán - Nôm lại vừa tiếp xúc với nền Tây học hay sử dụng cách này để ghi các danh từ riêng như tên người, tên quốc gia, địa danh …
Ví dụ : Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya), Tân Tây Lan (New Zeland), Mã Lai Á (Malaysia ) …
Cách này hiện nay ít dùng nhất là khi phiên âm Hán những từ ngữ không phải là danh từ riêng bởi khó được cộng đồng sử dụng ngôn ngữ chấp nhận. Ví dụ trong thời gian vừa qua, một số nhà nghiên cứu văn học cố gắng dịch từ tiếng Anh inspiration (cảm hứng) theo cách này thành cụm từ “yến sĩ phi lí thuần” chưa được người đọc đồng thuận khi xử lí văn bản.
3. Phiên âm tiếng nước ngoài theo âm Việt : Cách dùng này tương đối phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực từ khoa học công nghệ đến văn hóa xã hội, đời sống. Khi sử dụng tiếng nước ngoài theo kiểu phiên âm người ta thường dùng dấu ngang nối giữa các âm tiết.
Ví dụ: a-xít (acid), ra-đi-ô (radio), Sêch-xpia (Shakespeare) …
Cách phiên âm này đôi khi tạo ra những cụm từ ngữ nghĩa không được đẹp, gây cười và mất tính trang trọng.
Bé cười to quá coi chừng sặc và nôn |
Còn nhớ có lần một bài báo phiên âm tên của tổng thống Mỹ Bush thành Bú-sờ để rồi bị giễu thành “Ngài tổng thống vừa bú vừa sờ !”
4. Dịch nghĩa tiếng nước ngoài : Đây là cách chuyển từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt bàng con đường dịch nghĩa. Ví dụ : Báo L’Humanité của Pháp sẽ gọi là báo Nhân đạo …
5. Giữ nguyên ngữ : là cách dùng cũng khá phổ biến ở giới trí thức có trình độ ngoại ngữ. Khi dùng từ gốc nước ngoài theo cách này trong văn bản tiếng Việt thì chỉ có tiếng Anh và tiếng Pháp dễ được chấp nhận hơn. Còn nếu nguyên ngữ không phải là tiếng Anh hay tiếng Pháp thì người dùng sẽ chuyển ngữ.
6. Chuyển ngữ : cách này áp dụng cho các tiếng nước ngoài không thuộc hai ngôn ngữ quen thuộc với người Việt là Anh và Pháp. Chuyển ngữ phổ biến thường ghi theo dạng Anh ngữ, Ví dụ : tiếng Nga: Москва; tiếng Anh: Moscow ; tiếng Pháp: Moscou chuyển ngữ thành Moskva (phiên âm là Mác-xcơ-va). Trong trường hợp tên của ngài chủ tịch QH Thái lan, người Thái đã chuyển ngữ sang hệ La-tinh với tự dạng là Somsak Kiatsuranont thì ta cũng phải tôn trọng chứ không nên tùy tiện phiên âm thành Sổm-sặc Kiệt-sụ-ra-nôn như đã nêu trên.
Từ 6 dạng thức sử dụng ngôn ngữ gốc nước ngoài ta có thể nhận thấy:
- Mỗi giải pháp đều có những mặt được và chưa được.
- Mỗi giải pháp chỉ có thể áp dụng cho người đọc ở một trình độ nhất định.
- Đi tìm giải pháp thống nhất là bất khả thi.
- Người viết sử dụng giải pháp nào là tùy theo năng lực, sở học và mục đích của họ.
Theo ý kiến của chúng tôi thì người viết cần phải chọn giải pháp hợp lí nhất để sử dụng tùy từng trường hợp giao tiếp cụ thể (đối tượng giao tiếp, mục đích giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp) tuy nhiên cần lưu ý :
- Tên riêng cần viết đúng theo mặt chữ như nó vốn có. Viết nguyên dạng vừa thể hiện sự tôn trọng tự dạng nguyên ngữ vừa tạo điều kiện thuận lợi khi tra cứu, tìm hiểu. Nhất là đối với các ngôn ngữ theo hệ chữ Latin thì tên riêng nên viết theo nguyên dạng. Ví dụ: Brazil , Mexico , California , Einstein,… Hầu hết các địa danh trên thế giới đã được viết theo tiếng Pháp và tiếng Anh và trở nên quen thuộc, vì vậy khi giữ đúng cách viết của một quốc gia về tên riêng của họ,
- Những nước có hệ chữ không phải Latin, họ phiên tên riêng sang chữ Latin thế nào thì chúng ta theo đúng như vậy. Ví dụ: người Hàn viết Seoul thì ta cũng viết Seoul chứ không gọi là Hán Thành; ta cũng theo cách người Nhật gọi thủ đô của họ là Tokyo chứ không gọi Đông Kinh …
- Hạn chế cách dùng theo kiểu phiên âm bởi sẽ gặp nhiều rắc rối khi muốn tra về nguyên gốc, hơn nữa do sở học khác nhau nên mỗi người có một kiểu phiên âm khác nhau. Ví dụ ca sĩ Michael Jackson có người phiên âm thành Mai-cơn, có người phiên âm thành Mai-cồ; Saddam Hussein có thể phiên là : Xat-đam Hut-xanh / Hu-xanh, Hu-xê-in; Ronan Reagan có thể phiên là: Rô-nan Ri -gân / Rê-gân / Rê-gơn / Ri-gơn ... Phiên âm như thế nếu muốn truy nguyên thì đúng là “đánh đố” người đọc.
- Với người dạy học bậc học phổ thông, bên cạnh việc sử dụng lối phiên âm theo SGK cũng cần chua thêm nguyên ngữ để học sinh có thể củng cố vốn ngoại ngữ vừa truy nguyên khi cần thiết.
- Với người dạy học bậc học phổ thông, bên cạnh việc sử dụng lối phiên âm theo SGK cũng cần chua thêm nguyên ngữ để học sinh có thể củng cố vốn ngoại ngữ vừa truy nguyên khi cần thiết.
Thiết tưởng, trong bối cảnh hoà nhập chung với quốc tế về mọi mặt, trong đó có hoà nhập ngôn ngữ, chúng ta không thể cố giữ quan điểm “dân tộc chủ nghĩa”. Chính cuộc sống ngôn ngữ là căn cứ để ta phải sử dụng sao cho phù hợp chứ không phải theo chỉ đạo, định hướng một cách máy móc của ai cả.
* (Nội hàm của "Từ mượn" trong bài này không bao gồm từ Hán Việt)
***
Phụ lục : MỘT CHUYỆN VUI
Chủ tịch nước Algeri, ông Houari Boumedien đến thăm Việt nam năm 1959. Trong cuộc gặp mặt, ông Boumedien (phiên âm là Bu-mê-điên) phát biểu với Bác Hồ:
- Bản thân tôi và nhân dân Algeri rất yêu quý ngài nên tôi đã lấy tên ngài đặt cho đứa con vừa mới sinh của tôi.
Người Việt nam có mặt ở đó cảm thấy khó chịu vì đó là điều kiêng kỵ trong xã hội.
Như hiểu được điều đó Bác Hồ nói:
- Rất cảm ơn ngài, thật vinh dự cho tôi nhưng rất tiếc tôi không thể đáp lại như vậy được vì tôi không có gia đình.
Quay sang phía bà con Việt Nam, Bác nói tiếp:
- Ở đây có bà con nào mà vợ sắp sinh hãy nhớ tên ngài đây gọi tắt là "Điên" để đặt cho tên con nhé !”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét