NOEL 2011 – ĐỌC LẠI TRUYỆN “CÔ BÉ BÁN DIÊM”
Mộc Nhân
Truyện“Cô bé bán diêm” của Hans Christian Andersen, nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, kể về cuộc đời của một em bé bất hạnh.
Đêm giao thừa, trời đã tối, rét dữ dội, tuyết rơi, một em gái nhỏ nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất đang dò dẫm trong bóng tối. giày của em đã bị mất, chân tím bầm vì rét. Em mang chiếc tạp dề đựng đầy diêm. Bụng đói, em bé vẫn lang thang trên đường. em không dám về nhà, sợ bố mắng vì cả ngày không bán được que diêm nào. Em ngồi nép trong góc tường lạnh lẽo, thu đôi chân vào người nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn.
Giá quẹt một que diêm để sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ. Que diêm được quẹt lên, em tưởng như mình đang ngồi trước lò sưởi lửa cháy nom đến vui mắt và tỏa ra hơi nóng dịu dàng. Thật là dễ chịu! Nhưng em vừa duỗi chân ra sưởi thì lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất.
Em quẹt que diêm thứ hai. Bàn ăn sang trọng hiện ra, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn có cả một con ngỗng quay. Rồi que diêm phụt tắt, chỉ còn là những bức tường dày đặc và lạnh lẽo, phố xá vắng teo, lạnh buốt…
Em quẹt que diêm thứ ba. Bỗng em thấy hiện ra cây thông Noel lớn trang trí lộng lẫy với hàng ngàn ngọn nến sáng rực lấp lánh trên cành lá xanh tươi… em với tay nhưng diêm đã tắt… tất cả các ngọn nến bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời.
Em quẹt que diêm thứ tư, và thấy rõ ràng bà em đang mỉm cười với em… “ Bà ơi! Cho cháu đi với… xin bà đừng bỏ cháu nơi này… cháu van bà, bà xin thượng đế chí nhân, cho cháu về với bà. Chắc người không từ chối đâu…” Que diêm vụt tắt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biến mất
Thế là em quẹt tất cả những que diêm còn lại trong bao. Em muốn níu bà lại, cuối cùng, bà cầm lấy tay em rồi hai bà cháu bay vụt lên cao, chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa em nữa.
Sáng mồng một tết, người ta phát hiện ra xác chết của một em bé có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười, em ngồi giữa những que diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn. Mọi người bảo nhau “Chắc nó muốn sưởi ấm!” nhưng chẳng ai biết điều kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đầu năm…
***
Ngoài cô bé, truyện còn nhắc đến ba nhân vật khác là: mẹ, bố và bà. Kí ức của em chẳng hề lưu giữ một kỉ niệm nào về người mẹ, người em sợ nhất là cha, người em yêu thương nhất là bà. Nhưng bà em đã qua đời. Em sống cùng cha, người mà lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí em với đòn roi hung dữ. Em không thể nào về nhà nếu không bán được ít bao diêm hay không ai bố thí cho em đồng xu nào để em đem về, nhất định cha em sẽ đánh.
Đó là nỗi ám ảnh mở ra tình huống gay cấn trong truyện. Em bé không bán được diêm nên không dám về nhà. Ngôi nhà ấy lạnh lẽo, tồi tàn không chỉ vì thiếu vắng tình người mà bản thân nó cũng dột nát tả tơi.
Với ngôi nhà và người cha như thế thì cô bé cũng đã quen với cảnh lang thang ngoài đường. Em nghĩ: “Vả lại ở nhà cũng rét thế thôi. Cha con em ở trên gác sát mái nhà, và mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẻ hở lớn trên vách, gió vẫn thổi rít vào trong nhà”.
Tình cảnh của em thật thương tâm. Thế gian này hoàn toàn lạnh lẽo đối với em. Gia đình là cả chốn ngục tù. Ngôi nhà lạnh lẽo giống như ngoài đường phố. Xã hội không chấp nhận, cưu mang một mảnh hình hài đói rét khốn cùng như em. Tác giả sử dụng biện pháp tăng cấp nhằm đưa em bé đến giới hạn tột cùng của nỗi bất hạnh, của sự sống.
Thông thường trong truyện cổ tích, trước cảnh ngộ đó Bụt sẽ hiện lên cứu giúp con người khốn khổ. Thế nhưng câu chuyện phảng phất dư vị cổ tích này lại không phát triển theo hướng đó. Sẽ không có cái kết thúc có hậu dành cho số phận của em bé.
Trong tình huống ấy tác giả đã để cho nhân vật vượt qua giới hạn của sự sống đến với cõi chết. Thời điểm xảy ra bước ngoặt giữa sự sống với cái chết của em bé, mỉa mai thay, được đặt vào đem giao thừa. Đêm giao thừa là đêm bất hạnh của em bé, không chỉ bây giờ mà ngay cả trước đó: “Em tưởng nhớ lại năm xưa khi bà nội hiền hậu của em còn sống, em cũng được đón giao thừa ở nhà. Nhưng thần chết đã đến cướp bà em đi mất, gia sản tiêu tán, và gia đình em phải lìa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân bao quanh, nơi em đã sống những ngày đầm ấm, để đến chui rúc trong một xó tối tăm, luôn nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa”.
Khoảng cách thời gian về đêm giao thừa hạnh phúc năm xưa và đêm giao thừa bất hạnh năm nay chắc hẳn chưa phải lâu lắm. Bởi lẽ em bé còn nhớ rất rõ không khí và mùi vị đêm giao thừa: “Cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn” và “trong phố sực nức mùi ngỗng quay”. Những hình ảnh đó cứ lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác, trở thành những tín hiệu bất di bất dịch. Thế nhưng trên cái nền yên ả tràn ngập ánh sáng và mùi vị quyến rũ đó, Andersen dựng lên một sự tương phản: em bé phải ngồi ngoài đường giá lạnh đón giao thừa.
Khoảng cách không gian từ nhà ra đường thì ngắn ngũi nhưng khoảng cách tâm trạng thì thật xa vời. Em bé ý thức được điều đó và người kể lại nắm bắt ngay được dòng nội tâm đó kể lại cho chúng ta nghe câu chuyện đầy thương cảm. Thoạt tiên là khung cảnh đêm giao thừa, tiếp đến là em bé ngồi trong góc tường, rồi em chống cái rét bằng cách “thu đôi chân vào người”. Cả cái xã hội nhộn nhịp giàu có kia lãnh đạm trước hình hài bé bỏng rét buốt bất hạnh…
Đến đây ta thấy thân phận cô bé bán diêm hiện lên trong một khung cảnh đối chọi khốc liệt. một mình cô bé, áo không đủ ấm, đói không có gì ăn, phai chống chọi lại cả khối lạnh lẽo đang bủa vây từ mọi phía: cái lạnh của ngôi nhà, cái lạnh của tình người, cái lạnh của tình thân và cái lạnh của thời tiết. Trong tình cảnh đó ánh sáng đèn điện, lò sưởi, mùi ngỗng quay không những không làm giảm đi cái đói lạnh của em mà còn khiến nó tăng lên đến tận cùng.
Đêm tối, giá lạnh và cái đói, lối thoát duy nhất của em lúc này là ao ước và mộng tưởng về thế giới khác nơi không còn nỗi đói khổ giày vò em. Giữa cái đói và cái rét thì cái rét còn khủng khiếp hơn. Sức cám dỗ của hơi ấm thật lớn khiến em “đánh liều quẹt một que diêm”. Hơi ấm từ ngọn lửa diêm đã gợi cho cô bé cảm giác được ngồi trước lò sưởi. Sự tưởng tượng đó cũng là dấu hiệu em bé đang từ từ rời thế giới thực tại bước sang thế giới hư ảo của mình.
Sự chuyển biến từ thế giới bên ngoài vào thế giới tâm trạng của em bé được dẫn dắt dần dần. Người kể đôi lúc cũng dừng lại, nhắc lại cảnh ngộ thực tại của em: “Em bần thần cả người chợt nghĩ ra rằng cha đã giao cho em đi bán diêm. Đêm nay về nhà thế nào cũng bị cha mắng”. Thực tế đó càng tăng thêm phần nghiệt ngã vơi em bé và vì thế càng thôi thúc em tìm đến với cõi ảo mộng. Lối kể xen kẻ này có tác dụng rất lớn để đưa người đọc xâm nhập vào thế giới mộng tưởng của nhân vật.
Ánh sáng từ ngọn lửa diêm vừa sưởi ấm vừa thắp lên thế giới mộng ảo, cái thế giới mang lại hạnh phúc cho em. Nhưng rồi khi lửa cháy hết, que diêm tắt, em bé chỉ còn lại bóng đêm và nỗi ngỡ ngàng hiu quạnh.
Bốn lần thắp lửa, bốn lần lửa tắt, bốn lần ảo ảnh hạnh phúc vụt qua nhanh. Để níu lại hư ảnh, diêm phải liên tục được đốt lên tỏa sáng. Niềm hạnh phúc của em bé cũng chỉ nhỏ nhoi như ngọn lửa diêm trong mịt mùng số phận của đêm giao thừa buốt giá.
Điều nghịch lí ở đây là: hư ảnh càng được giữ lại, càng rõ nét bao nhiêu thì sự sống của em bé càng leo lét, linh hồn em càng rời xa thể xác, xa sự sống bấy nhiêu.
Cuối cùng ngọn lửa ước mơ đã mang em theo cùng bà, người duy nhất em dấu yêu, người duy nhất mang lại hạnh phúc cho em trên cõi đời này. Cái chết ấy là sự giải thoát. Khi trần gian là chốn khổ ải vô bờ thì hạnh phúc con người chỉ có được là thế giới bên kia.
Toàn bộ câu chuyện là bức tranh sáng tối của một cuộc đời. Điểm khép mở của câu chuyện chập chờn theo ngọn lửa diêm tỏa sáng. Cứ mỗi lần quẹt diêm ta cứ ngỡ em bé sẽ tìm được hạnh phúc nhưng thật ra đó chỉ là sản phẩm từ trí tưởng tượng của một con người bơ vơ đói lạnh.
Nhưng có một sự thật đã xảy ra đó là em bé bán diêm vĩnh viễn ra đi. Lần này thì nỗi hụt hẫng trong câu chuyện không dành cho em bé mà giáng xuống người đọc gây nuối tiếc xót xa
Em bé bán diêm là nhân vật chính trong câu chuyện. Điểm độc đáo ở đây là nhà văn đã để cho em bé xuất hiện trong toàn bộ câu chuyện, một nhân vật cho cả câu chuyện. Sự tồn tại của xã hội chung quanh em thể hiện qua hình ảnh “mọi người”. Mọi người là số đông tiêu biểu cho khối băng lạnh trong lương tri con người. Thì ra không phài cái lạnh của một đem chuyển mùa đã giết chết em bé mà chính cái lạnh trong tâm hồn, đạo đức của mọi người đã giết chết em.
Thế giới thực, thế giới con người đã hoàn toàn lạnh lẽo đối với em. Tại thời điểm vạn vật trên trái đất đang âm thầm chuyển mình đón chào những tia nắng của mùa hồi sinh mới thì em bé đã vĩnh viễn ra đi, chìm trong đêm tối tăm buốt lạnh của độ đông tàn.
Andersen không phải là nhà văn tàn nhẫn, tại sao con người không khao khát sống mà lại thỏa nguyện khi tìm về thế giới bên kia? Đằng sau sự kết thúc ấy là tiếng nói phê phán sâu sắc sự bất nhân mà xã hội dành cho em bé bán diêm.
Hình ảnh người bà nắm tay cháu bay lên trời là sự giải thoát, là niềm hạnh phúc ta thường gặp trong thế giới cổ tích. Nhưng kiểu kết thúc có hậu của truyện cổ tích là nhân vật được hưởng hạnh phúc, niềm vui sướng ngay tại cõi trần. Còn kiểu kết thúc có hậu của Andersen là hạnh phúc ở thiên đường, nơi chẳng có ai chứng kiến để tôn vinh chuyện ở hiền gặp lành. Sự ra đi của em bé là lời lên án sâu sắc cái xã hội phi nhân bản kia.
Khi viết về cái chết của cô bé bán diêm tác giả đã viết những câu văn thấm đẫm tình yêu thương dành cho những đứa trẻ mồ côi xấu số “ngày mồng một đầu năm hiện lên trên thi thể em bé ngồi giữa những bao diêm…” và hình ảnh của em được miêu tả như một thiên thần có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười.
Em đã trở thành hình ảnh của năm mới với khát vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Andersen vững tin vào điều đó nên để cho em ra đi trong hạnh phúc, cái hạnh phúc mà em phải tự tạo cho mình trên thế gian vì “chẳng ai biết cái điều kì diệu em đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón lấy những niềm vui đâu năm”.
Điểm dừng của niềm cảm thông, tin tưởng vào hạnh phúc ở thế giới bên kia của câu chuyện cũng chính là điểm mở ra những vấn đề chua chát, thẳm sâu trong tận cõi nhân sinh.
Chẳng một ai thấu hiểu em bé. Chẳng một ai biết niềm mong ước của em “chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa”. Em chẳng biết tìm đâu ra lời giải đáp, lời nguyện ước của em chí được khi ở thế giới bên kia: từ cõi chết.
Chẳng một ai thấu hiểu em bé. Chẳng một ai biết niềm mong ước của em “chẳng còn đói rét, đau buồn nào đe dọa”. Em chẳng biết tìm đâu ra lời giải đáp, lời nguyện ước của em chí được khi ở thế giới bên kia: từ cõi chết.
Những chuyện như thế này thời nào cũng có, ở đâu cũng có. Nhưng câu chuyện được ông viết với niềm say mê chân thành, không chỉ hướng đến độc giả nhỏ tuổi mà còn hướng đến tất cả mọi người. Nó cho chúng ta niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cái tốt đẹp trên thế gian.
Mocnhan – leducthinh / Noel 2011
CHÚC CÁC BẠN CÓ ĐÊM GIÁNG SINH VUI VẺ
Hải kì
Đêm này đêm Chúa Giáng sinh
Tình yêu tôi cũng tượng hình đêm nay
Chúa trời giang rộng cánh tay
Trên cây thành giá lưu đày khổ đau
Tình yêu tôi cũng nhiệm màu
Đóng đinh tôi vạn thưở đầu trang thơ
Thiên thần cánh trắng như mơ
Trong tôi bay liệng bây giờ là em
Thiên thần cánh trắng như mơ
Trong tôi bay liệng bây giờ là em
Để trên máng cỏ diệu huyền
Sinh tôi với những ưu phiền trần gian.
2 nhận xét:
Đọc bài, em lại muốn dạy lớp 8 để được dạy bài Cô bé bán diêm.
Mình cũng rất thích truyện này
Đăng nhận xét