Phạm Đạt Nhân
(Xem tiểu sử tác giả TẠI ĐÂY )
Sách “Trung dung” dành riêng một phần quan trọng ( chương XXIII) để bàn về phương pháp học hỏi . Trước hết là bàn về cách BIẾT . Có ba cách BIẾT :Một là sinh ra đã biết ( sinh nhi tri ) cái biết do thiên bẩm của bậc thượng trí ; thứ hai là học mà biết ( học nhi tri ) là cách biết bậc thứ của người bình thường và thứ ba là do chịu khốn khổ, nhờ vào kinh nghiệm mà biết ( khổ nhi tri ).
Dù biết bằng cách nào thì kết quả vẫn như nhau . Sự liễu ngộ trong đạo Phật bắt đầu từ liễu sinh tử. Chấp nhận sự thật khổ đau ( khổ đế ) để tìm hiểu nguyên nhân khổ đau ( tập đế ) và rồi chọn con đường tu tập ( đạo đế ) để chấm dứt khổ đau ( diệt đế ) .
" Đời là bể khổ" câu nói dân gian này phát ra từ cửa miệng của những người lâm vào cảnh khổ. Sinh lão bệnh tử khổ, cầu bất đắc khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ , ...
"...Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi" |
"Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Cũng chỉ trong vòng bể thảm thôi "
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ai ai cũng khổ. Nhờ y báo, phước báo thừa hưởng nhân lành kiếp trước nên có người gặp nhiều may mắn, được sung sướng hạnh phúc. Song dù vậy họ vẫn không thoát được sinh lão bệnh tử. Nói về người chịu cảnh khổ sẽ có hai thái độ khác nhau :
1/ Chấp nhận sự thật một cách hoan hỹ . người này kham nhẫn chịu đựng kết quả của nghiệp NHÂN kiếp trước ( Đức Phật dạy rằng chúng sinh là kẻ thừa tự những hành động mà y đã gây ra trong quá khứ). Kham nhẫn là chịu đựng được những gì tưởng chừng không thể chịu đựng. Kinh qua được khổ đau cùng cực người này sẽ thấu hiểu được lẽ vô thường vô ngã .
2/ Chịu hoàn cảnh khổ đau một cách buông xuôi, tha hồ để buồn đau gậm nhấm , tàn hại thân tâm. Họ để cho nỗi khổ đau đè nặng lên thân phận rồi than thân trách phận, than trời trách đất, hờn cha oán mẹ .Họ không nghĩ quả đời này chính là nhân đời trước. Nói như cụ Nguyễn Du :
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Cái khổ nào rồi cũng giống cái khổ nào . hoàn cảnh thì không khác chỉ khác nhau ở thái độ của con người trước hoàn cảnh mà thôi . Do cái nhìn phân biệt mà nẩy sinh ra các hoàn cảnh khác nhau : " Tôi khổ đau vì tôi nhìn thấy hoàn cảnh của tôi khác hoàn cảnh của người kia , họ có phước hơn tôi , con họ thành đạt hơn con tôi ..vv... Với cái nhìn và thái độ ấy đương sự trước sau gì cũng chìm trong bể khổ . Nhưng nếu chấp nhận SỰ THẬT ( khổ ) một cách hoan hỹ , kham nhẫn , chịu đựng ...thì con người trong cảnh khổ này sẽ ngộ ra chân lý cuộc đời : Khổ- vô thường - vô ngã-.Vì quá đau khổ ta thấu hiểu được rằng ĐỜI LÀ KHỔ . Hiểu được khổ ta dễ dàng chấp nhận vô thường và vì vô thường nên mới vô ngã . Khổ nhi tri
Chịu đựng được điều tưởng chừng như không thể chịu đựng được gọi là nhẫn ba la mật . Kinh Kim Cang gọi là đắc thành ư nhẫn ..
Tu là phải rèn luyện trong sự đau khổ ( khổ tu ). Tu sĩ Phật giáo tự xưng là bần tăng chứ không ai xưng là phú tăng. Ngày nay ít thấy ai xưng bần tăng vì đa số có khá nhiều tư hữu .. Khổ đau khốn đốn là nghịch cảnh của người TU. "Tu trong nghịch cảnh chẳng khác nào nồi lửa bỏng mà rèn luyện thành kim cang bất hoại .". Thiền sư Hoàng Bá cho rằng để có được mùi hương thơm ngát vào mùa xuân thì hoa mai phải biết chịu cái rét buốt của đêm đông hôm trước : Chẳng trãi một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngát hương đưa
Khổ nhi tri là một cách biết , cách học hỏi để biết từ thế bị động biến thành chủ động - Vật cùng tất biến, biến cùng tất thông -. Trong lịch sử trong văn chương và cả trong thực tế cuộc sống liên tục xảy ra đây đó hiện tượng nầy . Ta thử đơn cử vài ví dụ :
Vua Trần Thái Tông tức Trần Cảnh bị chú ruột của mình là Trần Thủ Độ bức ép lấy chị dâu ( vợ Trần Liễu ) đang có mang . Trần Cảnh đau khổ buồn bã, chán ngán trước cảnh thương luân bại lý đã bỏ cung điện ngôi báu như vứt " đôi giày rách " đang đêm qua sông Bình Than vào chùa Hoa Yên núi Yên Tử phát nguyện xuất gia cùng thiền sư Phù Vân . Vua nói : Ta đến đây chỉ cầu làm Phật không cầu gì khác ( duy cầu tác Phật bất cầu tha vật ). Thiền sư khuyên vua : Bệ hạ nên trở về để thực hiện Đạo trong Đời . Trong núi không có Phật .Phật ở tại trong tâm .Tâm yên tỉnh mà giác ngộ ấy là Chân Phật .
Và như vậy từ nỗi đau khổ bị bức ép mà Trần Cảnh đã giác ngộ được điều thứ nhất trong tám điều giác ngộ của bậc đại nhân ( bát đại nhân giác ) .*
Trần Thủ Độ vì muốn gầy dựng nghiệp đế cho nhà tần nên bất chấp mọi thủ đoạn . Thủ Độ ép Lý huệ tông phải vào chùa . Trong hoàn cảnh bị bức ép , đau khổ , Lý huệ Tông không có tâm thế sẵn sàng chịu đựng nên khi nghe Thủ độ dọa " nhổ cỏ tận gốc "thì bèn ra sau chùa thắt cổ tự tử . Vì đã vào chùa nhưng chưa đắc thành ư nhẫn nhà vua cuối cùng của họ Lý phải chịu sự bức tử !
Xem ra khổ và chịu khổ là hai thái độ khác nhau . Khổ là để cho nỗi đau tha hồ gậm nhấm , tàn hại thân tâm . Còn chịu khổ là kham nhẫn chấp nhận thực tại khổ đau , giáp mặt cuộc đời tìm ra lẽ đạo :
"Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao "
Hai câu trên làm ta liên tưởng đến thân phận nàng Kiều trong truyện Kiều của Nguyễn du . Trải qua Mười lăm năm bị trôi giạt , dập vùi , tủi nhục ê chề Kiều đã ngộ ra một điều :" tu là cõi phúc , tình là dây oan ".Trong buổi Kim Kiều tái hợp , cả nhà ai cũng động viên khích lệ Kiều chấp nối mối tình dang dở với Kim Trọng. Thế nhưng Kiều một mực chối từ và xin lập một am tranh sau vườn để tu cho hết kiếp phong trần .
Thì ra , hạt giống Bồ Đề cho dù bị vùi lấp trong bùn đen tanh tưởi vẫn còn khả tính triển nở , nẩy mầm , để rồi vươn lên cao vút .... Tuy cũng có lúc Thúy Kiều buông tay trước số phận :
"Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa "
Sao lại chừa chút lòng trinh bạch ? Đó là bi kịch muôn thuở của con người bị o ép trước hoàn cảnh . Vì hoàn cảnh mà con người muốn sống lương thiện , hiền lương cũng không xong . Xưa nay người ta xin chừa những thói hư tật xấu chứ nào ai nói xin chừa lòng trinh bạch ?! Không phải Thúy kiều đổ thừa hoàn cảnh để ra tiếp khách làng chơi mà vì nàng biết rất rõ khung hình phạt đối với tội " bỏ nhà theo trai "trong bối cảnh xã hội bấy giờ . Lỗi không phải ở nàng mà ở tên Sở Khanh đểu cáng trân tráo . Hắn ta đã cấu kết với tú bà dụ cho Kiều bỏ trốn rồi chỉ điểm cho tú bà bắt lại .Điều đáng quý là mặc dầu " thanh y hai lượt thanh lâu hai lần "nhưng Kiều vẫn giữ được một " chữ Trinh " ( chữ trinh còn lại chút này ). Chữ trinh ở đây chính là" nhất phiến băng tâm "là giác tính là lương thức trong " linh khâm " của mỗi con người . Như nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã nói :
"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son "
Nhờ vào giác tính lương thức ấy mà Kiều ngộ ra được vô thường vô ngã . . Nhìn sâu vào khổ đau ta thấu hiểu được lẽ vô thường , hiểu được vô thường là chấp nhận vô ngã và vô ngã dẫn ta đến niết bàn !Niết bàn có nghĩa là dập tắt , tắt ngấm những khổ đau phiền muộn , đạt trạng thái an lạc diệt độ .
Vào những năm 80 , nhiều người Việt
Đúng là " đoạn trường ai có qua cầu mới hay ".
Về tiến trình tâm, có bốn giai đoạn đạt trạng thái đoạn, hoặc ,chứng ,chân, chuyển mê thành ngộ. Đó là thấy , biết , sáng đạt .Riêng về cái biết có ba cách biết như đã nói ở trên. Đối với bậc thượng trí sinh nhi tri như Tổ Huệ Năng chỉ cần nghe một câu trong kinh Kim Cang là đã ngộ . Có người miệt mài kinh giáo mới được ngộ như ngài Thần Tú. Cũng có người do giáp mặt với những khổ đau cùng cực mà tự ngộ ra lẽ đời lẽ đạo. Ấy gọi là khổ nhi tri . Nhưng không phải hể khổ là biết. Muốn biết, người chịu khổ phải có thái độ chấp nhận sự thật" một cách hoan hỷ", phải biết kham nhẫn để chuyển hóa hoàn cảnh .
Nỗi khổ đau là bậc thang cho người trí dũng nhưng là vực thẳm cho kẻ yếu mềm bi lụy . Alfred de Musset, một nhà thơ Pháp , đã nói :" Không có gì làm cho ta trở nên kỳ vĩ cao đại bằng một nỗi đau đớn lớn nhất " ( Rien ne nous rend si grand qu'une grande douleur).
Nguồn : blog Phạm Đạt Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét