Lê Đức Thịnh
Tự nhiên lại thấy nợ Nguyễn Giúp.
Thỉnh thoảng anh lại gởi cho tôi mấy bài thơ tâm đắc. Đôi khi có kèm theo lời dặn dò : “Chỉ đọc thôi nhé, đừng đưa cho ai xem, đừng đăng trên blog vì …”. Vì thế này thế nọ.
Vâng thì đọc. Có người xem mình là bạn đọc tin cậy để gởi thơ cho xem là quí lắm rồi. Thế là đọc anh và tìm những bài thơ của anh trên trang Songtho.net, trên Vanchuongviet.org …
Dường như nó đem đến cho mình những xúc cảm mới mẻ, khác lạ dù đôi khi “chẳng hiểu gì”.
Thế là viết để tặng anh bài này.
***
Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã khái quát ba cái thú của người viết:
- Viết để ai đọc cũng hiểu và cũng thích: cái thú phục vụ.
- Viết để chỉ có một ít người đọc hiểu và thích: cái thú chinh phục.
- Viết mà cả những người đọc nghiêm túc và được trang bị đầy đủ nhất cũng không hiểu và không thích là một cái thú khác nữa: cái thú thách thức.
Ngẫm lại ở Nguyễn Giúp có cả ba điều ấy dù anh có cố tình tạo ra nó hay không.
Đọc và biết anh từ hồi anh làm và đọc “thơ tình”, “thơ rượu”, “thơ ngông”. Từ những câu thơ của Hoàng Lộc, thích ngâm nga “Hồ trường” qua bản dịch của Nguyễn Bá Trác… Nguyễn Giúp cứ đều đặn, lừng lững, thận trọng bước những bước dài đến với thơ ca.
Nếu nói không quá thì anh đã định hình cho mình một phong cách. Có người đã nói không quá rằng thơ đất Quảng đương đại chỉ còn lại : NG, HMT … Điều ấy nói lên rằng giữa cái dòng chảy thơ ca đương đại đất Quảng, NG cũng như một số ít tác giả khác đã để lại những dấu ấn trong bạn đọc và bạn thơ.
Tiếc rằng đó chỉ là một vài cảm nhận rời rạc, đúng nhưng thiếu thuyết phục. Chưa có công trình nào nghiên cứu, tổng hợp về tác giả đất Quảng đương đại để nhận diện mình, để “quảng bá” văn nghệ Quảng Nam ra các vùng miền khác. Vì vậy khi có người đặt ngược vấn đề : mới chỗ nào, dấu ấn chỗ nào, khám phá ra sao … thì tất thảy chúng ta đều lúng túng.
Tôi nói điều ấy bằng cái nhìn của người đọc quan tâm đến tác giả ở cấp độ thi pháp. Và thật quá sớm để khái quát các vấn đề thi pháp thời gian, không gian, ngôn ngữ … trong thơ Nguyễn Giúp.
Tuy nhiên qua thi pháp không gian, người đọc có thể hình dung phần nào diện mạo về thơ anh.
***
Không gian trong thơ Nguyễn Gíup trước tiên là cái không gian của làng quê, nơi anh đã từng sống, gắn bó và đi đây đi đó.
Khi nói đến không gian làng quê, các tác giả thường thể hiện qua những hình ảnh gần gũi như con sông, làng quê, tiếng chim, vườn cây, ánh trăng…
“Qua sông là tới làng
Ừ thì qua sông
Cổng làng ưỡn ngực khoe những tam cấp
Rồi sẽ tiếng chim chuyền cành
Vườn nhà thanh bình đến ngờ vực” (Đại Bường)
Tiếng chuông thả vào đêm
Gió lay cành mục
Trăng khuya một áng
Khắc khoải bốn bề sương giăng (Tiếng chuông)
Nguyễn Giúp cũng thể hiện các hình ảnh làng quê quen thuộc đó, tuy nhiên làng quê trong anh thường gắn với địa danh cụ thể: Đại Bường, Gò Nổi … đôi khi anh không nói về một vùng miền cụ thể, đôi khi anh mở không gian thơ của mình ra đến phố xá nhộn nhịp “thênh thang mùa thi” hoặc “Khơi ngàn năm, Bờ ngàn năm” nhưng người đọc vẫn nhận ra cái hồn đất, hồn quê xứ Quảng với những hình ảnh thật thanh bình, dung dị.
“Những thân lúa, thân bắp xanh từ đất đai
Những hạt sương tinh khiết từng giọt mà thành ban mai
Những phù sa vùi lấp đời mình mà thành bãi bờ điền địa …” (Gò Nổi)
Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Giúp không chỉ có tạo vật mà luôn có sự hóa thân của hồn người, tình người. Khi thì miền đất mà anh nói đến có hình bóng của danh nhân lịch sử : “Những Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi …” khi thì con người hóa thân vào quê hương, là một phần của hồn quê : “Linh hồn con sông hóa thân con người dung dị / Linh hồn mọc ra những buổi chiều, mọc ra những ban mai …”
Điều thú vị là trong cái không gian thi ca đó luôn có những âm thanh vang vọng để con người nhận ra nỗi niềm của mình.
Có khi đó là tiếng mỏ, tiếng chuông đêm lay động lòng người trần tục :
“Tiếng mỏ giục câu kinh lơi chuông điểm
Trôi đâu một giấc mộng tàn ?
Men rượu cháy lòng câu thơ bung ngày mới
Lẽ nào vô tích lẽ nào vườn khuya
Lẽ nào em tay phủi
Ta từ cuộc phong trần ngồi mặc niệm tiếng chuông ?” (Tiếng chuông)
Hoặc chỉ là tiếng thằn lằn nằm phơi mái ngói gợi buồn vui lòng người:
“tháng ba người không về
con thằn lằn nằm phơi mái ngói
buồn vui tắc lưỡi chờ
câu hát mài mòn đêm cũ
ru người tìm nỗi đau ta
áo xưa lãng quên cành súng”
Hoặc trần trụi đời thường mà vẫn gợi bao nỗi niềm :
Buổi chiều nghe tiếng con heo kêu / Ban mai nghe tiếng con gà gáy / Giục lòng cái ăn cái mặc / Trái bắp củ khoai thẳng mặt một lời ... (Gò Nổi)
Không gian thi ca trong Nguyễn Giúp có cái man mác của tình yêu thăng hoa :
“quay lại với tháng mười bài thơ cho em / góc phố đã lên sàn mùa đông trứng nước / thai nghén những sợi tơ trời hình lông ngỗng bay vào giấc mơ truyền thuyết / vó ngựa khua cung bậc tình yêu lên chín tầng hiện hữu
em đã về chưa / bài tháng mười cho em là nụ hôn đầu đời cùng kiệt vượt ngưỡng đau cơ bắp / anh cược linh hồn mình vào đây cho vòng tròn con chữ chạy quanh.” (Bài tháng mười cho em)
Có cái ưu tư trong men rượu về một giấc mộng tàn mà vẫn bung ngày mới :
“Trôi đâu một giấc mộng tàn ?
Men rượu cháy lòng câu thơ bung ngày mới
Lẽ nào vô tích lẽ nào vườn khuya
Lẽ nào em tay phủi
Ta từ cuộc phong trần ngồi mặc niệm tiếng chuông ? ” (Tiếng chuông)
Vẫn còn nhiều điều thú vị chưa khám phá hết về thơ Nguyễn Giúp và có lẽ chính điều này khiến cho người đọc có cảm giác vừa thú vị vừa bị thách thức khi đọc thơ anh.
***
Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài thơ mới nhất của Nguyễn Giúp.
Những phù sa vùi lấp đời mình mà thành bãi bờ điền địa
Hạ lưu con sông lang bạt dễ đâu quy hàng
Gò Nổi có phải mồ chôn con sông tự chết?
Linh hồn con sông thoát xác đi về triền dâu
Linh hồn con sông lẩn vào có lau
Linh hồn con sông hoá thân con người dung dị
Linh hồn mọc ra những buổi chiều mọc ra những ban mai
Buổi chiều nghe tiếng con heo kêu
Ban mai nghe tiếng con gà gáy
Giục lòng cái ăn, cái mặc
Trái bắp, củ khoai thẳng mặt một lời
Đói thì cạp đất mà ăn…
Cha mẹ nuôi con cơm trắng cá sông
Cha mẹ dạy con roi dâu với điều nhân nghĩa
Trái ớt cay đỏ mặt tía tai mà khoái chí
Con phải bơi qua sông con mới được làm người!
Như trận mạc và thi ca cần mặt trời
Như cỏ cây cần nắng
Như kẻ sĩ biết nương đâu dưới bóng tùng bóng trúc
Khỏi tiếng chim kêu mà giật mình!
Thân cha mẹ đầy đồng lui hui cày cuốc
Rồng bay lên nóc nhà thờ tộc
Hạc ra nghĩa địa đứng nhìn
Con đường không tên vặn nhánh
Gạo muối tứ phương tàn tro áo giấy
Nhíu nhăn mặt mày khăn đóng áo dài cưỡi hẫng thanh xuân
Thụng thịnh mắt nhìn gia phong khởi chinh cổ
Ngửa mặt lên trời sập xuống đất đai bổn mạng
Vái lạy tổ tiên độ trì noi gương nhân kiệt mà giang sơn
Cốt cách anh hùng áo vải mà chí lớn
Chí lớn bọc lá gừng lá nghệ mà vạn dặm mai sau
Những Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Phan Khôi…
Và máu trổ hoa thời những người đàn bà đánh Mỹ
Gò Nổi - một lát cắt tối ưu toàn cục!(*)
Gò Nổi tôi về mùa con sông nước lớn
Gò Nổi thẳm xanh
Thương em ngày trở trời
Gió lay chân ruộng
Đàn sếu bay
Đàn sếu bay…
(*) Phương pháp “Lát cắt Tuỵ” của Giáo sư Hoàng Tuỵ.
Nguyễn Giúp - Hội viên Hội VHNT Quảng Nam
- gv Trường THCS Trần Hưng Đạo, Đại Lộc, QN
1 nhận xét:
viết đang có tứ, nhận diên ra một phần, tuy vậy sao ngắn thế
Đăng nhận xét