Ngô Tự Lập (nguồn: blog Ngô Tự Lập)
Tóm tắt: Lời
các bài hát nước ngoài được Việt hóa qua ba con đường: dịch sát nghĩa, phỏng dịch
và phóng tác lời mới – cả ba đều có lịch sử lâu dài, và đều có những khía cạnh
đáng nghiên cứu. Nói chung, xu hướng dịch sát nghĩa luôn luôn chiếm một tỷ lệ
nhỏ, có lẽ vì những khó khăn của công việc dịch thuật – dịch ca từ chính là dịch
thơ trong điều kiện bó buộc của giai điệu của bài hát và thanh điệu tiếng Việt.
1.
Nhập đề: những cấp độ Việt hóa lời ca khúc nước ngoài
Trong ca khúc,
phần lời quan trọng không kém gì – và trong một số trường hợp thậm chí còn quan
trọng hơn – phần nhạc. Thật khó hình dung những bài hát của Văn Cao, Trịnh Công
Sơn, Jacques Brel (Bỉ), Pete Seeger, Bob Dylan (Hoa Kỳ), hay Vưtsosky (Nga) mà
lại không có ca từ. Nhiều khi ranh giới rất khó xác định: Đã từng có những
tranh luận về việc Bob Dylan trước hết là nhà thơ hay nhạc sĩ, và thậm chí từng
có đề xuất trao giải Nobel văn chương cho ông. Ban giám khảo giải thưởng
Pulitzer 2008 ca ngợi Bob Dylan về “ảnh hưởng sâu rộng đối với âm nhạc đại
chúng và văn hóa Mỹ, ghi dấu bởi những sáng tạo ca từ với sức mạnh thi ca phi
thường” [1]. Ca từ của Trịnh Công Sơn đôi khi cũng được coi là những bài thơ độc
lập [2]. Trong tuyển tập The Deluge: New Vietnamese Poetry, do Chax Press
xuất bản tại Hoa Kỳ, ca từ bài Cát bụi của Trịnh Công Sơn được Đinh
Linh chọn và dịch dưới nhan đề Sand and Dust. [3] Khi thay lời, về bản chất,
bài hát trở thành một bài hát khác, cũng giống như khi một bài thơ được phổ nhạc
theo hai cách, ta có hai bài hát khác nhau. Khi chúng ta nghe một bài hát, cảm
nhận sẽ rất khác nhau khi chúng ta hiểu và không hiểu ý nghĩa ca từ.
Do tầm quan trọng
ca từ, và nhằm những mục đích khác nhau, khi tiếp xúc và giới thiệu ca khúc nước
ngoài, người ta có những cách tiếp cận khác nhau trong xử lý ca từ. Chúng ta có
thể phân biệt ba xu hướng chính: dịch sát nghĩa, phỏng dịch và phóng tác. Sự
phân loại định tính này, giống như mọi sự phân loại định tính, không được chặt
chẽ cho lắm. Bởi lẽ, khó có thể tìm thấy một ca khúc nào được dịch tuyệt đối
trung thành. Có thể nói rằng mọi bản dịch đều ít nhiều phóng tác, vấn đề chỉ là
liều lượng mà thôi.
2.
Phóng tác: Những thông điệp văn hóa – xã hội
Lý do chính để
người ta soạn một lời Việt cho ca khúc nước ngoài không hẳn là vấn đề ngôn ngữ
và dịch thuật. Người phóng tác có thể biết hoặc không biết ngoại ngữ, có thể hiểu
hoặc không hiểu ca từ, điều đó không quan trọng: Người ta chỉ mượn giai điệu nước
ngoài để hát lời Việt, qua đó truyền đạt những thông điệp văn hóa và xã hội
khác nhau.
Thuộc về xu hướng
này là hiện tượng “Bài ta điệu Tây”, một hiện tượng bắt đầu từ rất sớm, có lẽ
ngay từ khi âm nhạc phương Tây được du nhập vào Việt Nam cùng với các nhà truyền
đạo, nhưng đặc biệt đáng chú ý từ đầu thế kỷ 20. Hiện tượng này đã được nhiều
tác giả, như Lưu Hữu Phước, Vũ Tự Lân, Phạm Duy, Trần Văn Khê, Đào Trọng Từ,
Huy Trân, Tú Ngọc, và gần đây là Jason Gibbs, nghiên cứu.
Những “Bài ta điệu
Tây” đôi khi được sử dụng như một thứ dẫn nhập hoặc lời chào mừng tân kỳ cho
các vở diễn truyền thống, như trường hợp bài Quand Madelon mà Jason
Gibbs [4] dẫn ra trong ví dụ dưới đây:
Tuy nhiên, trong
nhiều trường hợp, chúng được dùng để hun đúc lòng yêu nước của nhân dân. Chẳng
hạn, theo Phạm Duy, bài hát Frères Jacques (Frères Jacques/ Frères
Jacques/Dormez vous/ Dormez vous/ Sonnez les matines/ Sonnez les matines) được
hát thành: « Hời hợi đồng bào/ Hời hợi đồng bào/ Tỉnh dậy mau/ Tỉnh dậy
mau/ Nước (ứ) ta đã mất rồi/ Nước (ứ) ta đã mất rồi/ Mau tỉnh mau!/ Mau tỉnh
mau!” [5]
Một ví dụ khác là bài Quốc ca
Pháp (La Marseillaise), thật trớ trêu, được chế thành một bài hát chống
Pháp. Cũng theo Phạm Duy, đoạn điệp khúc: « Aux armes, citoyens/ Formez
vos bataillons/ Marchons, marchons! Qu’un sang impur abreuve nos
sillons! » được hát thành: « Huyết khí ở đâu, người Nam? Để
chúng múa gậy vườn hoang/ Đầu đen máu đỏ, khác chi thú cầm/ Ai ơi là giống Lạc
Hồng…» [5[
Chính những “Bài
ta điệu Tây” như vậy đã góp phần quan trọng vào việc phổ biến nhạc phương Tây
và sự hình thành nền tân nhạc Việt Nam.
Về sau, việc
sáng tác lời Việt cho ca khúc nước ngoài chủ yếu được sử dụng như là phương tiện
để chuyển tải tình cảm, tư tưởng và những thông điệp của người viết lời. Nhiều
bài hát, chẳng hạn bài dân ca Anh Scarborough Fair được Phạm Duy biến
thành Ôi! Giàn thiên lý đã xa và trở nên cực kỳ phổ biến ở Việt Nam,
mặc dù lời Việt khác hẳn lời Anh.
Lời
bài Scarborough Fair: «Are you going to Scarborough Fair?/ Parsley, sage,
rosemary, and thyme/ Remember me to the one who lives there/ For once she was a
true love of mine”. Còn đây là lời Việt của Phạm Duy: « Tội nghiệp thằng
bé cứ nhớ thương mãi quê nhà/ Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa/ Đứa bé lỡ yêu, đã
lỡ yêu cô em rồi/ Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi».
Việc soạn lời việc
đôi khi được thực hiện với cả các trích đoạn nhạc không lời, như trường hợp
Dương Thụ cùng cộng sự thực hiện album Chat với Mozart.
Xu hướng phóng
tác chưa bao giờ lụi tàn, nhưng gần đây có phần ít nghiêm túc hơn, nặng về chủ
đề thất tình, với ngôn từ khá mòn sáo, đôi khi thậm chí dung tục. Một ví dụ về
loại bài “nhạc ngoại lời Việt” như vậy là bài Say tình, do Đàm
Vĩnh Hưng trình bày. Đó là lời Việt do Quốc Việt phóng tác từ
bài L’Italiano (Người đàn ông Italia) của Toto Cutugno: «Rót mãi những
chén chua cay này/ Lêu bêu như gã du ca buồn/ Lang thang bước với nỗi đau/ Với
trái tim ta tật nguyền…”
Bài hát gốc, L’Italiano,
có nội dung khác hẳn. Được Toto Cutugno trình bày lần đầu tiên tại Sanremo
1983, tuy chỉ xếp thứ năm, nhưng bài hát nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới và
trở thành một bức chân dung âm nhạc đặc sắc của “một người đàn ông Italia đích
thực”. Bài hát bắt đầu: “Hãy cho tôi hát/ Tay cầm chiếc ghi-ta/ Hãy cho tôi
hát/ Tôi là người Italia…”
Đoạn tiếp theo
là bức tranh sinh động, vừa chân thực vừa sâu sắc, của xã hội Italia vào thập
niên 1980: “Chào Italia, với món spaghetti chín tới/ Và tổng thống là người du
kích năm xưa/ Tay phải khư khư chiếc radio xe hơi/ Và trên cửa sổ một con chim
bạch yến…”
Món spaghetti
thì ai cũng biết, chiếc radio xe hơi là biểu tượng của lớp người thành đạt vào
đầu thập niên 1980, còn vị tổng thống là Sandro Pertini, tổng thống Italia nhiệm
kỳ 1978-1985. Italia đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập niên 1950-1960, được
gọi là giai đoạn thần kỳ về kinh tế, nhưng đến thập niên 1970 bị rơi vào tình
trạng bất ổn. Vốn là du kích chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ 2,
Pertini khá thành công trong việc đoàn kết các tầng lớp nhân dân và khôi phục
lòng tin đối với chính phủ. Pertini cũng là người kiên quyết chống các tệ nạn
xã hội, đặc biệt là tội phạm có tổ chức của mafia.
Đoạn tiếp theo vẫn
là mô tả, nhưng với đôi chút phê phán, giễu cợt. Vẫn là Italia của văn chương,
nghệ thuật, tình yêu, nhưng đang bị Mỹ hóa nhanh chóng, đồng thời lối sống thực
dụng ngày càng làm lu mờ ảnh hưởng của Nhà thờ: “Chào Italia, với những nghệ sĩ
của người/ Với những tấm áp phích có quá nhiều nước Mỹ/ Với ca khúc, với tình
yêu, với trái tim/ Với đàn bà càng nhiều bà xơ càng ít/ Chào Italia, chào Đức Mẹ
Maria đôi mắt u sầu/ Chào Chúa Trời/ Người biết rằng tôi cũng đang hiện diện…”
Trong lời hai,
hiện lên bức chân dung đời thường của một người đàn ông Italia điển hình: lịch
lãm, chải chuốt (với áo vét sọc xanh và kem cạo râu mùi bạc hà), mê thể thao và
bận bịu (những pha bóng đá quay lại vì không kịp xem trực tiếp ngày Chủ nhật),
và tràn đầy lòng yêu nước (với lá cờ trong máy giặt): “Chào Italia không hề
biết sợ hãi/ Với kem cạo râu thoảng mùi bạc hà/ Với bộ áo vét sọc xanh/ Và
những pha bóng Chủ nhật TV quay lại/Chào Italia, với cà phê đậm đặc/ Với đôi tất
mới trong ngăn kéo trên cùng/ Với lá cờ trong máy giặt khô/ Và chiếc Fiat 600
cũ kỹ…”
Nhưng bức chân
dung đời thường ấy vẫn gắn chặt với đời sống chung của một đất nước đã từng thịnh
vượng nhưng đang trong lúc khó khăn – giống như chiếc Fiat 600, từng là biểu tượng
của công nghiệp Italia thời hoàng kim những năm 1950-1960, giờ đã trở nên cũ kỹ,
lạc mốt. Tuy vậy, người nhạc sĩ vẫn ngẩng cao đầu đầy kiêu hãnh trong đoạn điệp
khúc: « Hãy cho tôi hát/Tay cầm chiêc ghi-ta/ Hãy cho tôi hát/ Một bài hát
nhẹ nhàng, điềm tĩnh/ Hãy cho tôi hát/ Bởi vì tôi tự hào/ Là một người đàn ông
Italia/ Một người đàn ông Italia đích thực”.
Người đàn ông
Italia đích thực, lịch lãm và kiêu hãnh ấy thật khác xa gã đàn ông Say
tình bệ rạc, bước “lêu bêu”, “lang thang” với “trái tim tật nguyền” của Quốc
Việt!
Sự phóng tác lời
Việt cho ca khúc nước ngoài còn có một dạng rất phong phú và thú vị khác, đó là
« nhạc chế ». Mục đích chủ yếu của « nhạc chế » là gây cười,
chẳng hạn bàiGangnam Style của Psy được biến thành Một năm kinh tế buồn trong
chương trình « Táo quân 2013» của đài truyền hình Việt Nam. « Nhạc
chế » không chỉ được áp dụng với các bài hát nước ngoài, mà cả các bài hát
Việt Nam.
3.Phỏng
dịch: giải pháp gần đúng
Có thể nói rằng
tuyệt đại đa số các bài hát nước ngoài được “Việt hóa” là các bài phỏng dịch,
và chính điều đó cũng phần nào cho thấy những khó khăn của việc dịch lời. Trong
phần lớn các trường hợp, người phỏng dịch chỉ giữ nguyên chủ đề và trung thành ở
mức độ nhiều hay ít với nội dung của nguyên bản. Thêm nữa, trong trường hợp
nguyên bản có nhiều đoạn, người ta thường cũng chỉ phỏng dịch một vài đoạn mà
thôi.
Một ví dụ phỏng
dịch thành công là bài Песня о тревожной молодости (Nhạc:
А. Пахмутовой, Lời: Л. Ошанина), được Phạm Tuyên phỏng dịch thành Thời
thanh niên sôi nổi.Ngoài điệp khúc, bài hát có năm đoạn, nhưng Phạm Tuyên chỉ
phỏng dịch đoạn 1 và đoạn 3.
Một ví dụ nổi tiếng
khác là bài Green Fields của nhóm The Brothers Four, được Lê Hựu Hà
phỏng dịch dưới nhan đề Đồng xanh. Có thể thấy rằng trong bài Đồng
xanh, và trong rất nhiều bài khác nữa, Lê Hựu Hà khá trung thành và khá thành
công với việc tạo ra trong tiếng Việt một câu chuyện tương tự, một tâm trạng
tương tự, trong một bối cảnh tương tự – mặc dù về mặt ngôn từ, phiên bản tiếng
Việt khá nhuần nhuyễn của ông khá xa với nguyên bản.
Những nhận xét về
Lê Hựu Hà cũng có thể nói về nhiều bài phỏng dịch của Phạm Duy. BàiBoth Sides,
Now của Joni Mitchell, được Phạm Duy phỏng dịch dưới nhan đề Hai khía
cạnh cuộc đời, là một ví dụ.
Có thể nói,
trong hoạt động Việt hóa các ca khúc nước ngoài trong vòng nửa thế kỷ qua, Phạm
Duy và Lê Hựu Hà là hai gương mặt nổi bật nhất. Lê Hựu Hà đã phỏng dịch khoảng
100 bài hát. Số lượng bài phỏng dịch của Phạm Duy còn lớn hơn, lên tới 255 bài
[6]. Các bài phỏng dịch của Phạm Duy cực kỳ phong phú, từ những tác phẩm cổ điển
của Shubert, Giounod, Chopin, đến dân ca, nhạc pop, và có nguồn gốc từ rất nhiều
nước [6]. Các bản phỏng dịch của Phạm Duy và Lê Hựu Hà được phổ biến rộng rãi,
trở thành một phần quan trọng của đời sống âm nhạc và văn hóa nói chung ở miền
Nam trước 1975 và trong cả nước sau ngày Việt Nam thống nhất. Cũng cần phải nói
thêm rằng, trước năm 1975, hoạt động phỏng dịch ca từ nước ngoài ở miền Nam
phong phú và có hệ thống hơn rất nhiều so với ở miền Bắc. Và ở miền Bắc chỉ có
những người phỏng dịch lẻ tẻ, với số lượng bài ít ỏi. Về khối lượng công việc
và tính hệ thống không có ai có thể so sánh với Phạm Duy và Lê Hựu Hà. Ở đây có
những lý do chính trị, xã hội và văn hóa mà chúng tôi sẽ đề cập trong một dịp
khác.
Lời Việt
bài Happy New Year của ABBA là trường hợp đáng chú ý khác. Tuy cách
làm có vẻ tương tự, nhưng lời Việt Chúc mừng năm mới không chỉ khác
xa nguyên bản về mặt ngôn từ, mà còn khác hoàn toàn về mặt nội dung, ngoại trừ
cái đầu đề. Tôi không biết đó là một bản phóng tác hay một bản phỏng dịch thất
bại do người phỏng dịch không có điều kiện nghiên cứu sâu để hiểu đúng thông điệp
của tác giả.
Đây là lời Việt
được (chúng tôi chưa xác định được tên người phóng tác) trong phiên bản do Nhã
Phương thể hiện: “Đêm mãi chưa tàn/ Rượu nồng cay chìm trong đắm say/ Tim ngất
ngây/ Ôi khát khao/ Khiến trong ai thoáng phút suy tư/ Rượu cạn ly/ Bóng đêm
phai tàn/ Kìa bình minh về trên thế gian/ Ta có nhau/ Phút giây này/ Hát lên
mau câu ca mê say”. Và đây là đoạn điệp khúc: “Happy New Year, Happy New
Year/ Hòa nhịp đời vui/ Cháy trong ta sẽ không phôi pha/ Dẫu qua bao tháng năm
suy tư/ Một ngày đã qua rồi/ Happy New Year, Happy New Year/ Trọn đời yêu
thương/ Phía tương lai khắp trên quê hương/ Tiếng yêu thương ấm vui bên nhau/ Kề
vai đắp xây đời, You and I.”
Và đây là đoạn
hai: “Giây phút xum vầy/ Và giờ đây ta với nhau/ Xin chúc mừng/ Chúc cho nhau,
cho anh cho tôi/ Kìa ai môi thắm tươi cho đời/ Nhìn tương lai rồi mai sáng ngời/
Ta có nhau/ Năm mới về/ Tay trong tay tương lai mai sau/ Hát bên nhau với mê
say”
Trong nguyên bản,
lời bài hát của ABBA không đơn giản thế. Đó là một kiệt tác không chỉ nhờ vẻ đẹp
lộng lẫy thoáng u buồn của giai điệu cũng như cách phối âm tài tình, rất giản dị
mà tao nhã, mà còn nhờ phần lời rất sâu sắc và tính tiên tri hết sức lạ lùng.
Bài hát mở đầu như sau: “Sâm banh đã cạn/ Và pháo hoa đã tàn/ Còn lại anh với
em/ Bơ vơ, buồn bã/ Bữa tiệc vui đã hết/ Và buổi sáng sao mà ảm đạm/ Sao khác hẳn
hôm qua/ Nhưng đã đến lúc phải nói với nhau…”Tiếp đó là điệp khúc: “Chúc mừng
năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi/ Một thế giới
nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi
người hy vọng và ước mơ/ Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng
có thể ngả mình và chết…”
Vì sao có những
câu nặng trĩu lo âu như vậy trong một lời chúc mừng năm mới. Để hiểu được điều
đó, chúng ta phải trở lại thời điểm ra đời của bài hát: năm 1979. Những bạn đọc
lớn tuổi hẳn nhớ rằng vào thập niên 1970 nhân loại dường như đang đứng bên bờ vực
thảm hoạ diệt vong: chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang, khủng hoảng dầu lửa
năm 1973. Chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã chấm dứt năm 1975, nhưng những cuộc
chiến tranh khác vẫn tiếp tục hay bùng phát ở khắp nơi trên thế giới. Thập kỷ
1970 cũng nổi tiếng với cuộc đảo chính đẫm máu của Pinochet, những cuộc diệt chủng
ghê gớm của Suharto ở Đông Timor, Menghistu ở Ethiopia, của Pol Pot ở
Campuchea… Nhưng thập niên 1970 cũng chỉ là một thập kỷ nữa thêm vào chuỗi những
thập kỷ đầy giết chóc và tàn phá trước đó. Đến cuối thập niên 1970, số lượng đầu
đạn hạt nhân trên thế giới đã đủ để hủy diệt vài lần nền văn minh nhân loại.
Thập niên 1970
chỉ là một thập kỷ nữa trong một chuỗi những thập kỷ bi thảm trước và sau đó.
Và đó dường như là kết quả tất yếu của một thế giới kỹ nghệ hóa đến mất hết
tính người. Để thấy hết cái hay của bài hát, chúng ta phải biết đến một cuốn tiểu
thuyết nổi tiếng của nhà văn Anh Aldous Leonard Huxley (1894-1963), cuốn Tân
thế giới dũng cảm (Brave New World). Xuất bản lần đầu năm 1932, cuốn tiểu
thuyết của Huxley lấy bối cảnh là thế giới thế kỷ 26, trong đó tác giả không chỉ
dự báo sự phát triển của khoa học và công nghệ, như công nghệ sinh học, kỹ thuật
nhân bản, v.v., mà còn cả những nghịch lý của xã hội công nghệ, nơi không còn
gia đình, nghệ thuật, tôn giáo, triết học, và đa dạng văn hoá, nơi hạnh phúc của
con người phụ thuộc vào máy móc, thuốc, chất kích thích và tình dục… Lời bài
hát tiếp tục: “Đôi khi em thấy/ Tân thế giới dũng cảm đang đến gần/ Đang sinh
sôi nẩy nở/ Trên tro tàn của cuộc đời ta/ Ôi, con người là một gã khờ/ Nhưng hắn
cứ tưởng rằng mình vẫn ổn/ Lê đôi chân đất sét/ Hắn lang thang lang thang/ Mà
chẳng biết mình đang lạc lối…”
Đoạn tiếp sau
còn buồn bã hơn: “Bây giờ em cảm thấy/ Rằng mọi giấc mơ ta từng có ngày
nào/ Đều đã chết/ Chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn/ Một thập niên vừa
chấm dứt/ Nào ai biết một thập niên tới đây/ Những điều gì sẽ đến/ Điều gì đang
đợi chúng ta/ Vào cuối năm tám mươi chín…”
Điều gì diễn ra
vào năm 1989? Bây giờ thì chúng ta đều đã biết: sự sụp đổ dây chuyền của các nước
XHCN Đông Âu. Năm 1989 là một cái mốc quan trọng đến mức ta có thể nói đó chính
là sự kết thúc sớm của thế kỷ XX. Từ đó đến nay, thế giới đã thay đổi đến mức
không ai có thể tưởng tượng được. Trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế
giới khác. Tốt hơn hay xấu hơn, điều đó không dễ trả lời. Nhưng có một điều chắc
chắn: bóng dáng của “Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn” vẫn còn xa xôi,
và những lời chúc của ABBA trongHappy New Year vẫn là những lời chúc của
tương lai. Nỗi lo âu vẫn còn đó, chiến tranh vẫn lan tràn, thù hận vẫn dai dẳng,
môi trường vẫn tiếp tục bị tàn phá, và sự phát triển của công nghệ dường như
càng làm cho những mối hiểm nguy tăng thêm. Nhân loại, hơn bao giờ hết, cần phải
suy nghĩ và hành động để bảo vệ và cải thiện cuộc sống của chính mình.
Những điều đó là
quá lớn và còn quá xa vời. Và chính vì thế chúng ta mới thấy hết tầm vóc lời
chúc mừng năm mới của ABBA: Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho
mọi người bóng dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn…
Với thông điệp ấy, Happy
New Year của ABBA xứng đáng được xếp bên cạnh diễn văn I Have a
Dream của Luther King, bài hát Blowin’ in the Wind của Bob Dylan
và Imagine của John Lennon.
4.
Dịch thuật: sự sáng tạo trong gò bó
Dịch, nhất là dịch
thơ, là công việc rất khó. Nhưng dịch sát nghĩa ca từ còn khó hơn cả dịch thơ.
Bởi lẽ dịch ca từ chính là dịch thơ trong những điều kiện bó buộc của khúc thức,
giai điệu và những khác biệt ngôn ngữ, đặc biệt là về mặt ngữ âm. Một bản dịch
ca từ lý tưởng phải truyền đạt chính xác không chỉ thông điệp của tác giả, mà
còn cả những đặc điểm hình thức ngôn ngữ của nó.
Công việc dịch
thuật, như tôi đã có dịp trình bày trong Viết như là dịch thuật [7]
đòi hỏi dịch giả đồng thời phải là nhà ngôn ngữ, nhà văn hoá và nhà tâm lý.
Để hiểu một ngôn
ngữ thì người ta phải học về ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ cũng các mối
liên hệ của chúng trong một hệ thống nhất định. Người dịch phải hiểu không phải
một, mà hai ngôn ngữ. Anh/chị ta phải học về ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ
cùng các mối liên hệ của chúng trong hai hệ thống ngôn ngữ khác nhau. Người
dịch cũng không thể dừng lại ở đó. Anh/chị ta phải có khả năng so sánh, đối chiếu
hai hệ thống ngôn ngữ để tìm cách biểu đạt ít nhiều “tương đương”.
Để hiểu được văn
bản người ta còn phải học văn hoá. Người ta có thể biết tất cả mọi từ, nắm vững
mọi hiện tượng ngữ pháp trong một câu mà vẫn không hiểu câu đó gì. Một tài liệu
chuyên môn trong nghề hàng hải, chẳng hạn, là một tập hợp những câu bí hiếm đối
với người không hiểu biết về ngành hàng hải. Nhưng không phải chỉ có những văn
bản chuyên ngành mới gây khó khăn cho việc tiếp nhận. Khó khăn lớn nhất là các
điển tích. Mọi văn bản đều chứa đựng những điển tích. Điển tích có thể nằm
trong sách vở hay trong cuộc sống. Không chỉ có thuật ngữ chuyên môn và từ lóng
mới là điển tích khác, mà, nói cho cùng, mỗi từ đều là một điển tích. Và người
ta không thể sử dụng điển tích một cách chính xác nếu không biết về nó.
Nhưng ngay cả
khi đã tinh thông ngôn ngữ và có vốn văn hoá sâu rộng, người ta vẫn có thể dịch
rất dở. Vấn đề là ở chỗ trong nhiều trường hợp người dịch không phán đoán được,
hoặc phán đoán sai lầm phản ứng của người đọc. Tôi lấy lại ví dụ cũ: bộ phim của
đạo diễn Trần Anh Hùng có tên tiếng Việt là Mùa hè chiều thẳng đứng. Khi
chưa biết tên phim bằng tiếng Pháp, tôi đã nghĩ rằng “chiều” ở đây có nghĩa là
“buổi chiều”. Một buổi chiều thẳng đứng mùa hè. Đó là một cái tên rất thơ, rất
triết, và rất khác thường. Thú thật, tôi đã hơi thất vọng khi biết, nhờ cái tên
tiếng Pháp, À la verticale de l’été, rằng “chiều” chỉ đơn thuần là từ
“phương”. Tên tiếng Pháp của bộ phim chỉ đơn thuần là “Mùa hè phương thẳng đứng”.
lấy ví dụ này, tôi muốn nói đến tầm quan trọng của những phán đoán tâm lý. Một
dịch giả giỏi là phải lường trước được những phản ứng tâm lý của người đọc khi
tiếp nhận bản dịch, để gợi lên ở họ những xúc cảm thẩm mỹ mong muốn và tránh sự
hiểu lầm.
Người dịch ca từ
phải đáp ứng được những đòi hỏi chung đó, nhưng còn phải vượt qua những khó
khăn khác, trong đó đặc biệt khó khăn là sự bó buộc của giai điệu và sự khác biệt
về ngữ âm. Chúng ta có thể so sánh, ở chừng mực nào đó, sự bó buộc thể thơ với
sự bó buộc của khúc thức. Nhưng giai điệu không chỉ có khúc thức, và những bó
buộc của nó gay gắt hơn nhiều: số nốt nhạc trong câu hát, độ dài và độ cao của
mỗi nốt. Những bó buộc này lại còn tăng thêm do khác biệt ngôn ngữ, đặc biệt là
giữa tiếng Việt và các thứ tiếng Ấn-Âu: tiếng Việt đơn âm và đa thanh, trong
khi các thứ tiếng phương Tây lại đa âm và đơn thanh. Cũng cần phải nói rằng đặc
điểm đa thanh của tiếng Việt gây khó khăn không chỉ cho việc dịch thuật, mà cả
cho việc sáng tác ca từ. Nếu lựa chọn từ không hợp lý, một từ rất hay khi hát
lên sẽ không tự nhiên, hoặc bị hiểu theo nghĩa khác, đôi khi thậm chí tục tĩu.
Một ví dụ là câu mở đầu một bài hát nổi tiếng của Phan Huỳnh Điểu: “Đoàn Vệ Quốc
Quân một lần ra đi” khi hát sẽ thành “Đoàn Vế Quốc Quân một lần ra đi…”.
Những khó khăn của
dịch thuật có lẽ chính là dý do khiến chúng ta thấy không có nhiều ca từ nước
ngoài được dịch sát nghĩa. Mặc dù vậy, dịch ca từ không phải là bất khả. Trên
thực tế, ở Việt Nam, đã có một số ca khúc nổi tiếng của thế giới đã được dịch
thành công.
Ở miền Bắc, một
ví dụ thành công là bản dịch bài Chiều ngoại ô Moskva (Подмосковные
вечера) của Vương Thịnh. Trong bản dịch này, trừ câu cuối cùng, tác giả đã cố gắng
không chỉ trung thành với nội dung, mà cả với hình thức ngôn ngữ của nguyên bản.
Trong số lời Việt
do Phạm Duy phỏng dịch có nhiều bài khá trung thành, gần như có thể coi là lời
dịch. Bài Aline của Christophe, mà Phạm Duy dịch thành Gọi tên
người yêu, là một ví dụ. Đây là khổ đầu lời Việt của bài hát, được Phạm Duy dịch
rất sát. Tiếc rằng ở các khổ sau, ông có xu hướng phóng tác nhiều hơn.
J’avais dessiné sur le sable
Son doux visage qui me souriait
Puis il a plu sur cette plage
Dans cet orage, elle a disparu
Et j’ai crié, crié,
Aline, pour qu’elle revienne
Et j’ai pleuré, pleuré,
oh! j’avais trop de peine.
Ngồi họa hình người tình, vào bãi
cát vàng
Hình dáng em ngoan, nụ cười ôi mến
thương
Rồi trời mịt mù làm mưa rồi xóa nhòa
Hình dáng nên thơ, chìm dần trong
bão mưa.
Rồi anh sẽ hét lên! Sẽ hét
lên!
Hét lên gọi tên người quen
Rồi anh sẽ khóc! Sẽ khóc lên
Khóc lên lòng đau triền miên.
Trong số không
nhiều ca từ được dịch sát nghĩa, một ví dụ thành công điển hình và cũng rất
đáng chú ý về mặt lịch sử là bài Quốc tế ca (L’Internationale). Theo
Vũ Tự Lân, Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên dịch lời bài hát này sang tiếng Việt
(1924) [8]. Nhưng đó là bản phỏng dịch thành thơ lục bát, không phải để hát mà
để phổ biến thông điệp của nó trong quần chúng. Năm 1927, bản dịch thơ này được
đang trên báo Thanh Niên, cơ quan tuyên truyền của Việt Nam Thanh Niên
Cách Mạng Đồng Chí Hội [8]. Cũng theo Vũ Tự Lân, năm 1929, bài hát được Trần
Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, khi đó đang học tại
đại học Phương Đông (Moskva) dịch thành lời hát theo nhạc. Năm 1930, Lê Hồng
Phong và Trần Bình Long sửa lại bản dịch như ta thấy ngày nay [8]. Nguyên văn
bài hát này có 6 đoạn, nhưng bản tiếng Việt chỉ có một đoạn. Tuy nhiên, đây thực
sự là một bản dịch trung thành:
L’Internationale (Quốc
tế ca)
Musique: Pierre
Degeyter / Paroles: Eugène Pottier
“Debout, les damnés de la terre
Debout, les forçats de la faim
La raison tonne en son cratère,
C’est l’éruption de la fin.
Debout, les forçats de la faim
La raison tonne en son cratère,
C’est l’éruption de la fin.
Du passé faisons table rase,
Foule esclave, debout, debout
Le monde va changer de base,
Nous ne sommes rien, soyons tout.
Foule esclave, debout, debout
Le monde va changer de base,
Nous ne sommes rien, soyons tout.
Refrain:
C’est la lutte finale;
Groupons nous et demain
L’Internationale
Sera le genre humain…”
C’est la lutte finale;
Groupons nous et demain
L’Internationale
Sera le genre humain…”
Quốc tế ca
Dịch lời: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Trần Bình Long
"Vùng lên hỡi các nô lệ ở
thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ
bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết
trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết
mà thôi.
Chế độ xưa ta mau phá sạch
tan tành
Toàn nô lệ vùng đứng
lên đi.
Nay mai cuộc đời của
toàn dân khác xưa
Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình.
Điệp khúc:
Đấu tranh này là trận
cuối cùng
Kết đoàn lại để ngày
mai
L’Anh-te(rơ)-na-xi-o-na-lơ
Sẽ là xã hội tương lai…"
Nhìn chung, số
trường hợp ca từ được dịch sát nghĩa không nhiều, và đa số trong số không nhiều
đó là những ca từ mang nội dung chính thức hoặc chính trị. Lý do có lẽ là thái
độ: các bài hát chính thức hoặc chính trị thường được nhìn với thái độ kính cẩn
(Ta có thể liên hệ với trường hợp dịch Kinh thánh). Vì vậy, khi dịch, người
ta cố gắng tôn trọng cả nội dung và hình thức nguyên bản. Trong khi đó, người
ta cảm thấy tự do hơn khi xử lý ca từ về các đề tài khác, đặc biệt là đề tài
tình yêu.
--------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Bob Dylan Newsletter,
<http://bobdylan.com/news/dylan-wins-pulitzer-prize/>
[2] Hoàng Ngọc Hiến, “Một bài thơ
hay của Trịnh Công Sơn”, báo Người đẹp Việt Nam, số Tết năm 2000.
[3] Dinh Linh, “The Deluge: New
Vietnamese Poetry”, Chax Press, 2013.
[4] Gibbs, Jason, “Rock Hà Nội và
Rumba Cửu Long: Câu chuyện âm nhạc Việt Nam”, Tri Thức, Hà Nội, 2008.
[5] Phạm, Duy, “Tân nhạc Việt Nam
thuở ban đầu”, Nhà xuất bản Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2006. tr. 20-21.
[6] Trang Phạm Duy: http://www.phamduy.com/vi/
[7] Ngô Tự Lập, “Viết như là dịch
thuật”, trong “Minh triết của giới hạn”, Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
[8] Vũ, Tự Lân, “Những ảnh hưởng của
âm nhạc châu Âu trong ca khúc Việt Nam giai đoạn 1930-1950”, Nhà xuất bản Thế
Giới, Hà Nội, 1997.
[9] Đào, Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc,
“Essais sur la musique vietnamienne, Edition en langues étrangères”, Hanoi,
1979.
[10] Hữu Ngọc, “La musique
romantique d’avant-guerre”, trong À la découverte de la culture
vietnamienne, Edition the Gioi, Hanoi, 2008.
[11] Hữu Ngọc, “Nguyen Xuan Khoat,
homme de deux musiques”, trong À la découverte de la culture vietnamienne,
Édition Thế Giới, Hanoi, 2008.
[12] Trần, Văn Khê, “Vietnam – les
traditions musicales”, Institut international d’études comparatives de la musique,
Buchet/Chastel, 1967.
[13] Trần, Văn Khê, “Tính dân tộc
trong âm nhạc Phạm Duy”, Nhà xuất bản Thời Đại.
------------------------------------------------
Đọc thêm: Một số ca khúc quốc tế do
Mộc Nhân dịch thơ Việt ngữ được gắn nhãn “Music” trên blog này.