29/12/13

430. KHIÊM TỐN

         Mộc Nhân                             
Khiêm tốn trong Nho Giáo xuất phát từ chữ "lễ" - là một đức tính mà mọi người cần phải trau dồi, rèn luyện. Khiêm tốn có hàm nghĩa kính nhường, là biết mình, hiểu người, có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người, không tự mình đề cao vai trò của cá nhân. Người khiêm tốn hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình đề cao vai trò, ca tụng cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một tinh thần chủ bại mang nhiều mặc cảm của cuộc đời đối với mọi người.

          Trong quá trình nhận thức, tính khiêm tốn thể hiện ở khả năng tự tranh luận, tự phê phán những nhận định, suy đoán mà bản thân mình phát hiện ra, so sánh đối chiếu với mọi lý luận trước đây đã được phát biểu ... Phẩm chất này giúp chúng ta tránh được sự chủ quan, bất cẩn, hời hợt và phiến diện trước khi công bố những kết luận cuối cùng của mình.
          Người xưa đã dạy "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói" thể hiện thái độ khiêm tốn trong phát ngôn mà biểu hiện cụ thể là nói năng chuẩn mực, đảm bảo tính chính xác của thông tin, không dùng từ "đao to búa lớn" hay "cao siêu huyền bí".    không nói nhiều về mình, không khoe khoang.
           Trong thái độ ứng xử, khiêm tốn có nghĩa là "nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người", không quá tự tin hay độc quyền chân lý, luôn "kính trên nhường dưới".
          Trong phê phán, đóng góp ý kiến cho người khác, người khiêm tốn không tiếc lời khen nhưng thận trọng khi phê phán, thận trọng khi sử dụng ngôn từ để tránh tổn thương lòng tự trọng của người khác. Khi được người khác phê phán, góp ý cần bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe và tiếp thu trên tinh thần cầu thị : "thắng không kiêu, bại không nản".
          Người khiêm tốn nhận được nhiều lợi ích cho bản thân bởi vì kiến thức của con người thì giới hạn, nên biết lắng nghe điều hay, lẽ phải sẽ làm tăng thêm hiểu biết cho mình; người giỏi như Newton còn nghĩ: “điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, những điều chúng ta không biết là cả một đại dương”.
          Người khiêm tốn không dấu dốt vì luôn biết được điều gì mình chưa biết, không lừa thiên hạ và tự lừa dối mình. Người hiểu biết luôn tự cho mình còn kém và cần phải học thêm nữa, từ tinh thần tự hạ mình như thế mà những người có đức tính này thường thành công hơn ngoài những ước vọng của mình. Họ không ngần ngại học hỏi và sẵn sàng gạt bỏ thành kiến, nên tiếp nhận thêm được những điều mới lạ để biến sự thông thái của tất cả mọi người thành sự thông thái của mình: "Sự khiêm tốn là lương tri của cơ thể" (Balzac).
          "Khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường" - Người khiêm tốn không tự đặt mình cao hơn người khác nên dễ gây thiện cảm. Người khiêm tốn tôn trọng suy nghĩ của người khác, nên ít thành kiến, ít tranh cãi, và hòa giải tốt với mọi người. Nhờ biết tôn trọng người và không tự đề cao mình nên làm cho cuộc sống thêm vui vẻ, quan hệ người với người thêm thân thiện, dễ hợp tác, ít va chạm, giảm căng thẳng, dễ hòa đồng...
          Điều quan trọng là khiêm tốn chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội, lòng khiêm tốn còn tượng trưng cho những con người đứng đắn, luôn luôn biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người có lòng khiêm tốn bao giờ cũng là những con người thường hay thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người: “Tự khiêm thì người ta nể phục, tự khoe thì người ta càng khinh.” (Lữ Hồi).
          Người khiêm tốn luôn sẵn sàng xin lỗi, và tỏ lòng biết ơn. Đó là liều thuốc huyền nhiệm gầy dựng tình cảm, thắt chặt các mối quan hệ, chặn đứng mọi tranh chấp, cãi cọ không cần thiết.
          Tâm lý thường gặp của mọi người là sợ nếu nhận sai sót thì sẽ bị người khác chê bai là kém cỏi. Thật ra khi khiêm tốn, cái ta mất đi chỉ là các thói xấu: tính kiêu căng, tự cao, khoe khoang, hợm hĩnh, những thứ nếu giữ nó ta sẽ mất rất nhiều trong cuộc sống. La Rochefoucauld Chỉ rõ: “Ta tỏ vẻ hơn người thì người sẽ trở thành kẻ thù của ta; chịu nhường người thì người sẽ liên kết với ta”.
          Vậy chúng ta phải rèn luyện tính khiêm tốn như thế nào:
          Chữ "trung chính" đóng vai trò trọng yếu trong tính khiêm tốn. Trung chính bao gồm "trung": tính trung thực - trung thực với mình, trung thực với người và "chính": nhận thức và ứng xử đúng vị, đúng mực, đúng lúc và đúng nơi.
          Chữ "nhẫn" là yêu cầu cần phải được chú ý thực hiện bởi "Một điều nhịn là chín điều lành". Ở trong mỗi con người tính bốc đồng là một trạng thái tình cảm phải hết sức cảnh giác, nó dễ làm cho chúng ta bỗng chốc trở nên kiêu căng, tự phụ, thiếu giữ gìn kiềm chế lúc nào không biết.
          Rèn luyện tính khiêm tốn phải được thực hiện trong cuộc sống thường ngày, từ những việc nhỏ nhất với tinh thần cầu tiến, luôn luôn học hỏi "học, học nữa, học mãi" , không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách, kiên tâm trì chí.  Ngạn ngữ của Nga có câu: "Gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách và tính cách sẽ quyết định số phận".
          Cuối cùng, yêu cầu lớn hơn cả là bản thân mỗi chúng ta phải tạo lập cho mình một mục đích sống mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Chính mục đích lớn này sẽ tạo cho chúng ta động lực để luôn luôn tự điều chỉnh, thực hiện được yêu cầu "thắng không kiêu, bại không nản", trên suốt hành trình tranh đấu, vượt qua mọi khó khăn và thành công nhất thời để vươn tới mục tiêu cao đẹp cuối cùng.
          Khiêm tốn là một trong nhiều căn bản trong nghệ thuật xử thế đòi hỏi ở con người những nét linh động, tế nhị nên nó giúp ích cho đời sống con người chúng ta những bước tiến thành công. Tuy nhiên, đức khiêm tốn cần phải đặt trong mối quan hệ tương xứng với lòng tự tin. Đức khiêm tốn càng cao thì lòng tự tin phải càng lớn để không quá tự ti đồng thời cũng chuyển sang tự tôn, tự phụ lúc nào không hay.
          Hãy làm người khiêm tốn để luôn hoàn thiện bản thân. Nó đem lại cho ta nhiều khả năng cả về trí lực và vật lực để đạt đến sự thành công cũng như sự tin tưởng của mọi người: "Khí kiêng nhất sự hung hăng / Tâm kiêng nhất sự hẹp hòi / Tài kiêng nhất sự bộc lộ" (Lữ Khôn).

Không có nhận xét nào: