9/8/19

1.515. TRUYỆN KIỀU – ĐỌC VÀ SO SÁNH

Mộc Nhân

Nhân vật Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du được người Việt nhớ tới như một biểu tượng về tài sắc hơn là cuộc đời đầy truân chuyên của nàng.
Dù hình tượng văn chương lẫy lừng của Việt Nam có nguồn gốc từ “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc nhưng cả hai có sự khác biệt nhiều mặt giá trị.

            1. Nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” là tiểu thuyết văn xuôi 20 hồi, Nguyễn Du viết lại thành “Truyện Kiều” dưới dạng thơ lục bát - khác hẳn về thể loại. Cần nói thêm rằng việc cải biên hoặc chuyển thể tác phẩm trên thế giới cũng khá nhiều. Chẳng hạn kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII phần lớn đều lấy đề tài từ Hy Lạp, La Mã, Ý; vở kịch Hamlet của Shakespeare lấy tích truyện Đan Mạch; phần lớn truyện Nôm Việt Nam viết lại tích truyện dân gian (Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ); thậm chí “Truyện Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu là do ông sáng tác, trong đó cuộc đời nhân vật chính mang nét của tác giả nhưng ông vẫn làm như lấy từ truyện Trung Quốc: "Chong đèn xem truyện Tây Minh/ Ngẫm xem hai chữ nhân tình éo le".
Những chuyện như thế trong văn học Trung Đại là bình thường, và dường như không phân biệt giữa cái có sẵn với cái mới; vấn đề là viết lại thì phải viết cho hay. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du là "đại bút", cho nên ông đã “viết lại” thành một kiệt tác.
Mặt khác, do thời trước người Việt Nam hạn hẹp về giao lưu văn hóa nên có tâm lý sùng Trung Quốc. Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, tác giả đã để nhân vật Hoàng nói "tiểu thuyết hay nhất là của thằng Tàu";  như vậy nhân vật đấy (có khi cũng chính là tác giả) chưa từng đọc những tiểu thuyết hay của phương Tây gì cả.
2. Về giá trị sáng tạo, cái hay nhất của Truyện Kiều là văn chương.
Về thể loại: nguyên tác là văn xuôi, Nguyễn Du chuyển thành thơ, thơ hay.
Về cốt truyện, cơ bản là tương tự nhưng đi sâu vào thì thấy rõ Nguyễn Du bỏ bớt rất nhiều những tình tiết không cần thiết, có tính gay cấn đáp ứng thị hiếu độc giả Trung Quốc (chẳng hạn như Thúc Sinh đưa Kiều ra khỏi lầu xanh phải có mẹo vì Kiều đang có giá nên Tú Bà không cho chuộc...) và tập trung vào 3 mối tình của Kiều với Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải.
Về lời kể: nguyên tác lại không có tả cảnh, tả tình, Nguyễn Du xây dựng nhiều đoạn miêu tả có thể nói là tuyệt tác.
Về nhân vật: Kiều của Nguyễn Du đẹp hơn, quý phái hơn, tính cách nhất quán hơn, có tình hơn nhiều. Còn Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nhiều khi rất dung tục (sau khi nghe Tú Bà dạy cách tiếp khách làng chơi, Kiều bản gốc thích thú: "Ơ hay vậy mẹ!" còn Kiều của Nguyễn Du thì lại đau đớn: "Nửa đời học lấy những nghề nghiệp hay"; khi đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến, Kiều nguyên tác còn liếc mắt đưa tình... còn Kiều Nguyễn Du đẹp, cao thượng hơn rất nhiều; kết thúc truyện gốc, Kiều không cho Kim Trọng chăn gối là để nhằm đề cao chữ trinh, Kiều muốn nêu gương trinh liệt, đến mức mà Kim Trọng phải kêu lên: "Té ra hiền thê không phải là đàn bà, mà là thánh nhân, hào kiệt, thế thì nàng quên tình đi cũng được, Kim Trọng tôi đâu có dám xằng bậy nữa" còn Nguyễn Du nhấn mạnh cái cảm giác tủi nhục, xấu hổ của Kiều, làm nhạt đi cái ý làm liệt nữ: "Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". Tầm vóc đạo đức nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du cao hơn nhiều. Trong nguyên tác, cô Kiều là "thường thường bậc trung", không phải quý tộc, còn Nguyễn Du nâng Kiều với Kim Trọng thành hàng quý tộc, tao nhã, cao sang quí phái.
Ngôn ngữ Truyện Kiều mới là cái đặc sắc. Nó không chỉ là ngôn ngữ lục bát với thứ tiếng Việt trau chuốt, mà cách kể chuyện của Nguyễn Du hoàn toàn khác.
Cách kể của Thanh Tâm Tài Nhân đơn giản chỉ theo ngôi thứ ba một cách khách quan; còn Nguyễn Du cũng kể theo ngôi thứ ba nhưng (tác giả, người kể chuyện) nhưng ông không kể những việc đơn giản nhìn thấy bên ngoài mà kể cả điều nhân vật cảm thấy ở bên trong. Ông cũng không miêu tả phong cảnh có sẵn mà là phong cảnh xuất hiện dần dần theo con mắt và bước chân của nhân vật. Đó là cách kể rất hiện đại.
Điều đặc biệt là cái hồn của Truyện Kiều gắn với tâm tình dân tộc mình đó là tiếng kêu, tiếng than thân, tiếng khóc, sự thương xót cho phận người… Cho nên Truyện Kiều hay nhưng có phần nào đó bi lụy. Chưa thấy một tác phẩm nào mà tên riêng của nhân vật trở thành danh từ chung nhiều như thế, điều này có nghĩa là những nhân vật đó nhan nhản, trong đời nay chúng ta vẫn thấy.
Kiều của Nguyễn Du không hề bị động, mà luôn chủ động từ đầu đến cuối. Thấy Kim Trọng là chủ động đến, bày mưu tính kế cho Thúc Sinh để làm sao mối tình của hai người được lâu dài. Cô cũng bày mưu cho Từ Hải hàng và chính cái đó dẫn đến chỗ diệt vong của nàng… Mặc dù Kiều luôn chủ động nhưng sau mỗi lần chủ động là thất bại. Cho nên Truyện Kiều vẫn là tiếng khóc lớn, tiếng kêu thương "Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều", Kiều viết ra để khóc cho cuộc đời, khóc cho những gì tốt đẹp nhất bị tan vỡ.
Về tư tưởng, Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân hoàn toàn Nho giáo và rất lý trí, luôn thể hiện tấm gương trinh liệt, tiêu biểu cho đạo đức Nho giáo; còn Kiều của Nguyễn Du thiên về tình cảm, không năng về quan niệm “trung hiếu tiết nghĩa", những yếu tố của Nho, Phật, Lão đều thể hiện một cách bình dân.
Kiều luôn có ý thức tranh chấp với định mệnh để giành lấy phần sống của mình một cách cao đẹp mặc dầu mỗi lần tranh chấp là bị đè bẹp, nhưng không phải vì thế mà nàng từ bỏ sự lựa chọn của mình. Đó là một ý nghĩa rất hiện đại và hiện sinh: Tư tưởng con người tự lựa chọn, tự làm lấy mình. Mình làm cuộc đời của chính mình theo ý nguyện, lựa chọn của mình. Kiều là như thế.
Nguyễn Du phản ảnh phận người bé nhỏ mong manh, mọi vật vô thường và những biến cố làm đảo lộn cuộc sống bình thường của mình, mọi suy tính mưu toan của mình đều bị bên ngoài chi phối rất lớn và gọi đó là mệnh trời, là tài mệnh tương đố, đồng thời cũng chỉ rõ thực thi cái mệnh đó là những Tú Bà, Mã Giám Sinh… mà bây giờ mình gọi là tệ nạn xã hội, nói đúng hơn là thực trạng xã hội. Tính nhân bản của Kiều như thế là phổ quát. Đó là "tiếng nói đứt ruột" của Nguyễn Du: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!" Nhưng không chỉ than cho đàn bà, mà cho phận người.
Tranh chấp với số phận có lẽ là cuộc tranh chấp muôn đời của con người và điều ấy tồn tại trong mỗi cá nhân, của gia đình, của dân tộc, của nhân loại. Kiều giỏi chịu cực, không nản lòng, bỏ cuộc, có thái độ tích cực, "còn nước còn tát", "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", không cực đoan mà biết quân bình trong cuộc sống, nhìn đời có phúc có họa, người đời "nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương", cư xử với người khác ôn hòa, chừng mực, "mà trong lẽ phải có người có ta". Chỉ có lòng thương xót, thấu cảm với người yếu thế đau khổ là vô hạn, chân thành. Truyện Kiều có sức thuyết phục cao chính vì tính thực tế, tính quân bình, toàn diện, thấu cận nhân tình của nó.

Không có nhận xét nào: