25/8/19

1.531. NHẠC TỪ CÔNG PHỤNG


          Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ được yêu thích từ thập niên 1960, 1970. Tôi mê ông ngay khi nghe cái tên hay hay Từ Công Phụng và bản nhạc đầu tiên mà tôi biết là bản “Bây giờ tháng mấy” sáng tác năm 1960, khi ông mới 18 tuổi. 

         Những năm 1980s, lúc này tôi còn công tác ở miền núi, giữa cái xứ lạnh và niềm cô đơn xứ núi, dăm thằng bạn xúm vào cái radio bán dẫn mà hóng hớt những bản nhạc vàng trên các đài phát thanh nước ngoài, bỗng dưng nghe được “Bây giờ tháng mấy” của ông:
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em, lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm. Chiều nay nếu em đừng hờn dỗi, trách nhau một lời thôi. Tâm hồn mình đâu lẻ đôi.
Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em, anh đi tìm màu hoa em cài. Chiều nay nhớ em rồi và nhớ áo em đẹp màu thơ. Môi tràn đầy ước mơ…

Bài hát đã đưa người nghe vào một thế giới tuyệt vời, huyền diệu của tình yêu. Nhưng ông cho biết không có bóng dáng một thiếu nữ nào đằng sau tình khúc này cả mà chỉ là xúc cảm kết tinh từ nhiều bản nhạc tình khác.
Kể từ đó chúng tôi nghe, biết và mê nhạc ông nhiều hơn. Một air nhạc khác hẳn với Phạm Duy, Trịnh Công Sơn mà chúng tôi vẫn hay nghe.
Sau “Bây giờ tháng mấy” bản tình ca “Mùa Thu mây ngàn” ra đời kế tiếp cũng được giới yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt:
Chiều nay có mùa thu đi về, buồn vương mây ngàn giăng khắp lối. Mùa thu bơ vơ đến bên trời, ru tóc em suối nguồn, gọi hồn hong gió thu buồn.
Ngày mai chúng mình xa nhau rồi, cầm tay em nhìn sao không nói, chiều nay mưa bay khắp phố nhỏ, mưa ướt đôi vai mềm, bùn lầy lấm gót chân em.
Thu nay mây ngàn còn giăng mãi bên trời, mùa thu lưu luyến bóng dáng ai đi. Đêm nay bên thềm cầm tay em khẽ nói, ngày mai anh đi rồi, anh có buồn gì không…
Nhạc của ông nhẹ nhàng lãng đãng như mây trời cao nguyên bàng bạc; ca từ trữ tình sâu lắng như hơi thở, lời thì thầm của người yêu làm say mê giới trẻ trên làn sóng điện, tại các quán cà phê, phòng trà ca nhạc miền Nam sau năm 1963.
Khác với nhiều nhạc sĩ khác thường để lại kỉ niệm tình yêu trong mỗi ca khúc, nhạc phẩm của ông thường không có bóng dáng giai nhân hay câu chuyện tình nào, riêng nhạc “Tình tự mùa Xuân” là kết quả của mối tình của ông với bà Kim Ái, người vợ ông gặp sau biến cố 1975 và cùng đồng cam cộng khổ cho đến ngày nay, nên ca từ của bài hát rất tha thiết, mô tả sự gắn bó của đôi tình nhân: “Em, lại đây với anh, ngồi đây với anh trong cuộc đời này, nghe thời gian lướt qua, mùa xuân khẽ sang, chừng như không gian đang sưởi ấm những giọt tình nồng…”
Sau 1975, nhạc sĩ Từ Công Phụng vẫn còn ở lại miền Nam và mãi đến năm 1980 ông và gia đình mới vượt biên sang Mỹ định cư.
Trong thời gian về sau, ông vẫn tiếp tục sáng tác tình ca nhưng những bài ca đượm tình đời nhiều hơn là tình yêu:
Tôi như người ru mộng, sống cuộc đời bềnh bồng, ngó quanh đời quạnh hiu, buồn rơi theo năm tháng, chết trên lưng tháng ngày.
Tôi như loài cỏ dại, tôi như loài cỏ dại, suốt một đời chênh vênh, suốt một đời buồn tênh. 
Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng, vì cõi đời này là những đam mê là những chia ly.
Là những đớn đau, lẻ loi nên vẫn hoài công đi se cát, biển nhớ mênh mông, tình vẫn hư không... đời đời… (Đời bỗng phù du).
Những ngày lênh đênh trên biển trong hành trình vượt biên, ngắm nhìn những cánh chim bay, nhạc sĩ Từ Công Phụng đã dệt nên những ca từ của nhạc bản “Qua vùng biển nhớ”:
Như cánh chim bay giữa vùng biển nhớ mênh mông, người về đây nghe sóng vỗ bềnh bồng, người về như chim xoải cánh cô đơn, bay hoài trong giấc mơ tan, mù vắng bến bờ xót xa tình xưa.
Như cánh rong rêu giữa vùng biển nhớ mênh mông, dạt về đây nghe sóng vỗ hồn sầu, nhìn dòng sông ngân gãy cánh đêm nao, trập trùng đâu bến tiêu tương, hồn xót xa hoài giấc mơ hồi hương.
Ai chia vạt nắng se buồn, như ta rồi cũng xa nguồn, làm sao cho em biết tình ta vẫn lấp lánh trong cõi hồn bát ngát, làm sao cho em thấu tình ta như núi biếc như sông dài biển rộng…
Triết lý sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng gói gọn trong hai chữ “tình yêu” bởi theo như ông nói: Tôi ca ngợi tình yêu vì tôi nghĩ là rốt cuộc chỉ có tình yêu mới làm nên giá trị con người thôi. Không có tình yêu làm sao có được sự tiếp nối dòng đời, nhân loại. Tình yêu là cái tốt nhất trong cuộc đời người ta mà không ca ngợi thì ca ngợi cái gì nữa.
Chỉ có tâm hồn yêu trong sáng thì mới viết nên những tình khúc bất hủ “Mắt lệ cho người”, “Giọt lệ cho ngàn sau”, “Trên ngọn tình sầu”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”… và dường như mỗi tình khúc đều là những thi khúc tuyệt phẩm:
“Rồi mai có 1 lần tôi đưa em, về trên đỉnh yên bình hiền hòa
Một mùa xuân trên cao hôn lên làn tóc xỏa, theo mậy trôi bềnh bồng
Rồi mai có 1 lần tôi đưa em, đưa em về miền nắng ấm
Những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh câm
Hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ, đem mặt trời tô mắt dại tuổi xuân.
Xin đỉnh yên bình
Một mùa xuân giăng kín khung trời, cho tuổi thơ thôi rã thôi rời
Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi, để vòng tay khắc khoải buông xuôi
Từng niềm vui bay theo biển gió, hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi xuân
Có một lần vui thôi em, đừng cho chết hương tình ngọt ngào
Đỉnh bình yên trên cao, xin em giữ kín cho lâu dài
Một mùa xuân đã thắm trong tôi” 
             (Mùa xuân trên đỉnh bình yên).

Hãy một lần rồi đam mê với tình khúc Từ Công Phụng để hiểu thêm về tình yêu và âm nhạc trong cõi hồn.

Không có nhận xét nào: